Ông Putin có thể buộc lãnh đạo Belarus tham chiến vì sợ thua Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối cùng có thể buộc người đồng cấp Belarus là Alexander Lukashenko tham gia cuộc chiến chống Ukraine, theo một chuyên gia Nga.
Vài ngày sau khi ông Lukashenko tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc triển khai chung với các lực lượng Nga, nhà lãnh đạo độc tài của Belarus hôm thứ Sáu thông báo rằng ông đã áp dụng “các biện pháp chống khủng bố” ở nước này “liên quan đến leo thang dọc theo chu vi biên giới.”
Ông Lukashenko, một đồng minh thân cận của ông Putin, cho biết Ukraine đang lên kế hoạch tấn công Belarus mà không nêu bằng chứng. Ông nói các biện pháp chống khủng bố đang được thực hiện “phù hợp với giao thức hiện có của liên minh Belarus và Nga. Điều này đã được viết cách đây khá lâu. Mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch.”
Trong những ngày gần đây, đã có nhiều thông điệp trái chiều từ các quan chức Belarus về một “hoạt động chống khủng bố” (CTO) đang được triển khai tại nước này. Các biện pháp mới công bố được đưa ra trong bối cảnh hai ông Lukashenko và Putin thường xuyên gặp gỡ, đã làm dấy lên lo ngại rằng Belarus sẽ tham gia cuộc chiến của Nga. Trong khi Nga sử dụng lãnh thổ Belarus để tấn công Ukraine, lực lượng của ông Lukashenko không tham gia vào cuộc xung đột.
Natia Seskuria, một chuyên gia về Nga và cộng sự tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia có trụ sở tại London, nói với tờ Newsweek rằng mặc dù ông Lukashenko cho đến nay đã cố gắng đi giữa lằn ranh mỏng manh để tránh tham gia trực tiếp vào cuộc chiến, nhưng ông ta có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột dưới áp lực của ông Putin.
Bà Seskuria cho biết: “Những diễn biến gần đây, như tuyên bố có thể có của CTO ở Belarus và việc thành lập các nhóm quân trong khu vực cho thấy sự bất an gia tăng và lo ngại thất bại trong chiến tranh của Putin”.
Kể từ đầu tháng 9, Ukraine đã chiếm lại các vùng lãnh thổ của mình ở phía nam và đông bắc vốn đã bị lực lượng của Putin chiếm giữ trong suốt cuộc chiến. Chúng bao gồm cả các khu vực mà ông Putin nói gần đây đã chính thức bị Nga sáp nhập sau các cuộc trưng cầu dân ý được coi là bất hợp pháp.
“Quân đội Nga ngày càng gặp khó khăn trên chiến trường, và ông Putin có thể buộc ông Lukashenko chính thức tham chiến”, bà Seskuria nói.
Nga và Belarus là một phần của Nhà nước Liên minh, một cơ quan siêu quốc gia, và có sự hợp tác quốc phòng giữa các bên, bà Seskuria cho biết.
Bà nói thêm rằng vụ nổ ngày 8 tháng 10 trên Cầu eo biển Kerch quan trọng về mặt chiến lược, nối đất liền của Nga với bán đảo Crimea, đã bị Nga coi là một hành động khủng bố của Ukraine. Vụ nổ có thể là cái cớ để Belarus tham chiến và bảo vệ đồng minh của mình trước các cuộc tấn công của Ukraine.
“Đây là một lựa chọn kém thuận lợi nhất cho Lukashenko, nhưng kể từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và cuộc đàn áp bạo lực của những người biểu tình ở Belarus, sự tồn tại chính trị của ông ấy phần lớn phụ thuộc vào sự ủng hộ của Moscow, vì vậy ông Putin đang thực hiện một đòn bẩy rất nghiêm trọng đối với ông ấy”, bà Seskuria nói .
Alex Kokcharov, một nhà phân tích rủi ro tập trung vào Ukraine, bày tỏ nghi ngờ rằng Belarus sẽ tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột. Ông cho rằng ông Lukashenko có khả năng đang cố gắng làm hài lòng Nga bằng cách chứng tỏ rằng ông “ít nhất đang làm điều gì đó” trong lĩnh vực an ninh.
Ông nói: “Tôi cực kỳ nghi ngờ rằng Belarus đặt ra một mối đe dọa quân sự thực sự đối với Ukraine hoặc các nước láng giềng NATO – Latvia, Lithuania và Ba Lan”. “Các lực lượng vũ trang Belarus nhỏ, được huấn luyện và trang bị kém và có khả năng tấn công rất hạn chế.”
Ông Kokcharov cho rằng những tuyên bố của Belarus về việc triển khai lực lượng chung với Nga có thể là một hành động đánh lạc hướng nhằm buộc Ukraine phải bố trí lại lực lượng của mình tới biên giới Belarus – Ukraine. Điều này sẽ làm suy yếu các hoạt động triển khai của Ukraine ở những nơi khác, đặc biệt là ở phía nam và phía đông của đất nước.
Sergej Sumlenny, một chuyên gia chính trị người Đức, cũng đồng ý quan điểm này. Ông nói rằng những tuyên bố gần đây của ông Lukashenko dường như là một phần của trò chơi “tiến một bước, lùi một bước” để làm hài lòng ông Putin mà không tự mình chấp nhận bất kỳ rủi ro nào.
Xuân Lan (theo Newsweek)
Các quan chức Nga bỏ việc hàng loạt sau khi đồng nghiệp thiệt mạng ở Ukraine
Theo truyền thông Mỹ Newsweek, Các quan chức chính phủ Nga được cho là đã nghỉ việc hàng loạt sau khi một đồng nghiệp nhập ngũ theo sắc lệnh điều động đã qua đời ở Ukraine.
Tuần báo Mỹ đưa thông tin về nhà báo người Nga Roman Super, trích dẫn các nguồn tin của Điện Kremlin, cho biết trên kênh Telegram của mình rằng các nhân viên chính phủ Moscow đã thông báo nghỉ việc sau khi Aleksey Martynov, người đứng đầu một bộ trong chính quyền thành phố Matxcơva thiệt mạng khi chiến đấu ở Ukraina
Martynov, 28 tuổi, nhập ngũ vào ngày 23 tháng 9 theo sắc lệnh điều động của Tổng thống Vladimir Putin, mặc dù không có kinh nghiệm chiến đấu. Anh này mất mạng vào ngày 10 tháng 10 khi đang chiến đấu ở Ukraine.
Một nguồn tin chính phủ nói với nhà báo Super: “Chúng tôi đã rời đi hàng loạt – nhân viên rời đi, để lại ghi chú trên chiếc tủ. Những người làm công nghệ thông tin, nhà quảng cáo, nhà tiếp thị, người làm PR và công chức bình thường. Thực sự là Một cuộc rời đi hàng loạt”,
Newsweek dẫn thông tin từ Nhà báo Super viết “Hãy để tôi nhắc với mọi người rằng ngày hôm qua người ta đã biết về cái chết của một nhân viên được điều động của chính phủ Moscow Aleksey Martynov”,
Natalya Loseva, phó tổng biên tập đài RT của Nga, cho biết trên kênh Telegram của mình rằng Martynov đã bị giết ở Ukraine chỉ vài ngày sau khi gia nhập ngũ. Cô Loseva viết:
“Anh ấy phục vụ trong Trung đoàn Semyonovsky. Anh ấy không có kinh nghiệm chiến đấu. Về cơ bản anh ấy đã được đưa ra mặt trận sau vài ngày. Anh ấy đã anh dũng hy sinh vào ngày 10 tháng 10.”
Sau sắc lệnh điều động của ông Putin, nhiều người Nga phải nhập ngũ đã chết trước khi ra chiến trường, trong khi những người khác đã chết ngay sau khi được khai triển ở Ukraine.
Trang BBC tiếng Nga dẫn lời các nhân viên dịch vụ nói rằng các tân binh đang được gửi đến chiến đấu ở Ukraine mà không được đào tạo trước.
Các nhà chức trách Nga hôm thứ Năm xác nhận rằng 5 binh sĩ mới được huy động từ khu vực Chelyabinsk đã thiệt mạng khi tham chiến ở Ukraine.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ, hôm thứ Sáu cho biết các báo cáo công khai về các tân binh Nga thiệt mạng ở Ukraine đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích mới đối với bộ chỉ huy quân đội Nga.
Trước một số báo cáo từ Ukraina và phương Tây cho rằng binh sĩ Nga được đưa ra chiến trường với đào tạo và trang bị kém. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu khẳng định binh sĩ thuộc lực lượng dự bị sau khi được tuyển sẽ nhận đầy đủ các trang thiết bị và vũ khí, trước khi tham gia những khóa huấn luyện ngắn hạn tại 80 cơ sở huấn luyện trên cả nước.
Trần Phong
Mỹ cung cấp thêm gói viện trợ trị giá 725 triệu đô la cho Ukraine
Bộ Quốc phòng thông báo hôm 14/10, Mỹ sẽ gửi bom, đạn và xe quân sự đến Ukraine trong gói hỗ trợ an ninh trị giá 725 triệu USD mới, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước trước cuộc xâm lược của Nga.
Đây là gói viện trợ đầu tiên của Hoa Kỳ kể từ khi Nga không kích tên lửa liên tiếp vào các trung tâm dân sự ở Ukraine trong tuần này, nâng tổng số hỗ trợ an ninh của Mỹ cho Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược ngày 24/2 lên hơn 17,5 tỷ USD.
Bộ Quốc phòng cho biết trong một tuyên bố, gói viện trợ mới bao gồm các loại đạn bổ sung cho hệ thống HIMARS, 23.000 viên đạn pháo cỡ nòng 155mm, 500 viên đạn pháo dẫn đường chính xác cỡ nòng 155mm, 5.000 viên đạn cỡ nòng 155mm cho Hệ thống mìn chống thiết giáp từ xa (RAAM), 5.000 vũ khí chống tăng…
Tổng thống Joe Biden Biden đã tuyên bố ủy quyền cho ngoại trưởng Mỹ “chỉ đạo chi số tiền lên tới 725 triệu USD trong các mặt hàng và dịch vụ quốc phòng của Bộ Quốc phòng, cũng như việc đào tạo và huấn luyện quân đội” để viện trợ cho Ukraine.
Một quan chức Mỹ nói với Reuters, gói viện trợ được thiết kế nhằm tăng cường khả năng của Ukraine trong việc đánh trả Nga trong cuộc phản công đã giúp Kiev giành lại nhiều phần lãnh thổ trong những tuần gần đây.
Gói viện trợ sẽ được thực hiện theo Quyền Rút vốn của Tổng thống Mỹ (PDA), cho phép chuyển giao các trang thiết bị từ các kho dự trữ quân sự của Mỹ trong trường hợp khẩn cấp mà không cần sự phê duyệt của quốc hội.
Đây là gói hỗ trợ theo PDA thứ hai trong năm tài chính 2023 của chính phủ Mỹ, được thực hiện theo biện pháp tài trợ tạm thời. Biện pháp này cho phép ông Biden giải ngân tới 3,7 tỷ USD vũ khí thặng dư để chuyển cho Ukraine cho đến giữa tháng 12.
Nói chung, để tài trợ vũ khí cho Ukraine, bao gồm cả hệ thống NASAMS phòng không tinh vi dự kiến được gửi đi trong tháng này, Washington đã sử dụng quỹ từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) để mua vũ khí, thay vì lấy từ kho vũ khí hiện có của Mỹ.
Về phía Ukraine, nước này kỳ vọng Mỹ và Đức sẽ cung cấp các hệ thống phòng không tinh vi trong tháng 10 để giúp họ chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái kamikaze (UAV tấn công tự sát) của Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Oleksiy Reznikov cho biết hôm 14/10.
Nhật Minh (Theo Reuters)
Anh quốc ‘rối bời’: Thủ tướng lung lay, cách chức bộ trưởng để xoa dịu thị trường
Thủ tướng Anh Liz Truss hôm 14/10 sa thải bộ trưởng tài chính Kwasi Kwarteng và rút lại một phần trong gói kinh tế gây tranh cãi, trong nỗ lực duy trì vị trí, chưa đầy 40 ngày kể từ khi bà làm thủ tướng.
Trong bối cảnh thị trường tài chính bất ổn, bà Truss nói rằng bà chấp nhận chỉ trích rằng kế hoạch cắt giảm thuế của chính phủ đã diễn ra “xa hơn và nhanh hơn” so với những gì nhà đầu tư mong đợi.
“Tôi đã hành động dứt khoát hôm nay vì ưu tiên của tôi là đảm bảo sự ổn định kinh tế của đất nước”, bà nói trong một cuộc họp báo ngắn. “Tôi muốn thành thật mà nói, điều này thật khó khăn. Nhưng chúng ta sẽ vượt qua cơn bão này.”
Reuters nhận định Vương quốc Anh đang chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị, gợi nhắc cuộc chiến công nghiệp của những năm 1970, hay sự sụp đổ của đồng bảng Anh vào đầu những năm 1990, và sự hỗn loạn sau Brexit. Kể từ khi người Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu vào năm 2016, nước này đã mất ba thủ tướng.
Bà Truss đã sa thải bộ trưởng tài chính và người bạn thân của bà, Kwarteng, sau khi ông này vội vã trở về London từ cuộc họp của IMF ở Washington. Để thay thế ông, bà Truss đã bổ nhiệm Jeremy Hunt, một cựu bộ trưởng ngoại giao và y tế.
Ông Hung từng ủng hộ đối thủ của bà, ông Rishi Sunak trong cuộc đua vào mùa hè này để trở thành lãnh đạo Đảng Bảo thủ. Jeremy Hunt là bộ trưởng tài chính thứ tư của Vương quốc Anh chỉ trong hơn ba tháng. Ông cũng là người thứ năm giữ vai trò này chỉ trong ba năm qua.
Bà Liz Truss giành được vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ vào tháng Chín, sau khi ông Boris Johnson phải từ chức. Sau khi lên thủ tướng, bà và bộ trưởng tài chính thúc đẩy chính sách kinh tế, hứa hẹn cắt giảm thuế và bãi bỏ nhiều quy định mà bà cho rằng sẽ giúp tăng trưởng.
Ngân sách tài chính ngày 23 tháng 9 của ông Kwarteng được công bố.Nhưng phản ứng tiêu cực từ các thị trường xảy ra dữ dội đến mức Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp để ngăn chặn các quỹ hưu trí sụp đổ. Kwasi Kwarteng đã giữ chức bộ trưởng tài chính chỉ trong 38 ngày.
Trong lịch sử nước Anh, chỉ có bốn người khác giữ vai trò này ít ngày hơn ông: Edward Law năm 1806, Charles Abbott năm 1827, Thomas Denman năm 1834 và Iain MacLeod – người qua đời chỉ một tháng sau khi được bổ nhiệm vào năm 1970.
Trần Phong
Ông Elon Musk nói không thể tiếp tục trả phí dịch vụ vệ tinh cho Ukraine
Được biết, các trạm Internet vệ tinh Starlink do hãng SpaceX của tỷ phú Elon Musk sản xuất là một nguồn liên lạc quan trọng cho Ukraine, giúp quân đội nước này chiến đấu cũng như duy trì kết nối ngay cả khi mạng điện thoại di động và Internet đã bị phá hủy.
Tính đến nay, SpaceX đã tặng khoảng 20.000 đơn vị vệ tinh Starlink cho Ukraine. Ông Elon Musk cho hay rằng hoạt động này đã tiêu tốn của SpaceX 80 triệu USD và sẽ vượt quá 100 triệu USD vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, những đóng góp từ thiện đó có thể sắp kết thúc, khi mà SpaceX đã cảnh báo Lầu Năm Góc trong bức thư gửi tháng trước rằng họ có thể ngừng trả tiền cho dịch vụ Internet vệ tinh Starlink ở Ukraine, trừ khi quân đội Mỹ đóng góp hàng chục triệu USD mỗi tháng.
Ngoài ra, bức thư cũng yêu cầu Lầu Năm Góc đảm nhận trang trải chi phí sử dụng Starlink cho chính phủ và quân đội Ukraine. Theo SpaceX, số tiền sẽ là hơn 120 triệu USD trong thời gian còn lại của năm và có thể trị giá gần 400 triệu USD trong 12 tháng tới.
Trong số các tài liệu SpaceX gửi tới Lầu Năm Góc, có một đề nghị trực tiếp do Tướng Valerii Zaluzhniy thuộc quân đội Ukraine gửi cho ông Musk, đề nghị được cung cấp 8.000 trạm Starlink khác.
Trong một bức thư gửi tới Lầu Năm Góc, một nhà tư vấn làm việc cho SpaceX cho biết: “SpaceX phải đối mặt với những quyết định vô cùng khó khăn ở đây. Tôi nghĩ rằng họ không có đủ khả năng tài chính để cung cấp thêm trạm hoặc dịch vụ bổ sung nào theo yêu cầu của Tướng Zaluzhniy”.
Các tài liệu gửi cho Lầu Năm Góc đã nêu chi tiết các chi phí và khoản thanh toán liên quan đến hàng nghìn trạm Starlink ở Ukraine.
Thông tin về các bức thư xuất hiện trong bối cảnh có các báo cáo gần đây về việc Starlink ngừng hoạt động trên diện rộng khi quân đội Ukraine cố gắng chiếm lại các vùng lãnh thổ từ Nga.
Sự cố này ảnh hưởng đột ngột đến toàn bộ chiến tuyến khi diễn ra vào ngày 30/9. Không có cảnh báo nào đối với các lực lượng Ukraine về mất tín hiệu vệ tinh Starlink. Hiện tại, mỗi khi quân Ukraine giải phóng một khu vực nào đó, họ phải gửi yêu cầu đề nghị bật dịch vụ Starlink.
SpaceX muốn ngừng trả tiền cho dịch vụ Starlink tại Ukraine trong bối cảnh nước này ngày càng lo ngại về quan điểm của ông Musk. Mới đây, ông đã đăng lên Twitter một kế hoạch hòa bình gây tranh cãi, mà theo đó CEO SpaceX đề xuất Ukraine từ bỏ Crimea và các khu vực phía đông Luhansk và Donetsk.
Sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đặt câu hỏi về việc tỷ phú Musk đứng về phía ai, ông trả lời rằng ông vẫn rất ủng hộ Ukraine nhưng lo ngại leo thang căng thẳng. Theo ông, Ukraine không muốn đàm phán hòa bình ngay bây giờ và nếu họ làm theo kế hoạch của ông, Nga sẽ chấp nhận các điều khoản đó.
Phan Anh
Ông Putin: Nga đã huy động được 220,000 quân dự bị
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng quốc gia này đã tuyển được 220.000 binh sĩ trên tổng số 300.000 quân dự bị sẽ điều động theo kế hoạch nhằm phục vụ cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
“Quá trình huy động quân dự bị sắp hoàn tất. Chúng tôi hiện đã tuyển được 220.000 binh sĩ trên tổng số 300.000 dự kiến được huy động. Tôi nghĩ quá trình huy động lực lượng sẽ được hoàn thành trong khoảng 2 tuần tới”, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm 14/10 vừa qua.
Tổng thống Putin cũng cho hay rằng ông không có dự định huy động thêm binh sĩ trong thời gian tới. “Số binh sĩ mà Bộ Quốc phòng dự định huy động lúc đầu là thấp hơn 300.000 quân. Hơn nữa, Bộ Quốc phòng không có đề xuất nào về việc huy động thêm binh sĩ. Trong thời gian tới, chúng tôi không có nhu cầu tuyển thêm binh lính”, Tổng thống Putin nói.
Quá trình huy động một phần quân dự bị tại Nga nhằm phục vụ cho cuộc tấn công nhắm vào Ukraine đã bắt đầu từ 21/9.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, binh sĩ thuộc lực lượng dự bị sau khi được tuyển sẽ nhận đầy đủ các trang thiết bị và vũ khí trước khi tham gia những khóa huấn luyện ngắn hạn tại 80 cơ sở huấn luyện trên toàn quốc.
Khi được hỏi về khả năng hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 (dự kiến diễn ra vào tháng 11 ở Indonesia), Tổng thống Putin cho hay rằng ông không thấy một cuộc gặp như vậy là cần thiết.
Kể từ đầu tháng 10, các lực lượng Ukraine đã xông vào tiền tuyến của Nga tại khu vực này trong cuộc tiến công lớn nhất của họ ở phía nam kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, nhằm mục đích cắt đứt quân đội Nga khỏi các tuyến tiếp tế và các đường thoát qua sông.
Trước đó, Ukraine cho biết các lực lượng vũ trang của họ đã chiếm lại 600 khu định cư trong tháng qua, bao gồm 75 khu ở Kherson và 43 khu ở miền đông Donetsk.
Phan Anh
WHO: Ukraine cần ưu tiên 3 điều để sống sót sau chiến tranh mùa đông
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã nêu chi tiết 3 điều mà người dân Ukraine phải ưu tiên để có thể sống sót qua mùa đông sắp tới, khi cuộc xâm lược của Nga vẫn tiếp tục leo thang.
“Chỉ trong 10 ngày kể từ thời điểm này, chúng ta sẽ đánh dấu 8 tháng chiến tranh không ngừng ở Ukraine,” Giám đốc WHO khu vực châu Âu, Tiến sĩ Hans Henri P. Kluge cho biết hôm 14/10. “Sự leo thang của tình trạng khẩn cấp nhân đạo đòi hỏi cần có sự tăng cường của phản ứng nhân đạo. Hãy để tôi nói rõ: WHO luôn ở đây — ở lại và hỗ trợ Bộ Y tế [Ukraine], dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Y tế, Tiến sĩ Viktor Liashko, và hỗ trợ hơn 150 đối tác y tế của chúng tôi tại đó.”
Nhận xét của ông Kluge được đưa ra trong bối cảnh giao tranh vẫn tiếp diễn ở nhiều vùng khác nhau của Ukraine. Ông Kluge nêu rõ trong phát biểu của mình, trong tuần này, các lực lượng quân sự Nga đã tấn công “Kyiv, Dnipro và các thành phố khác trên toàn quốc”, bao gồm các khu dân cư đông đúc.
Ông Kluge trình bày chi tiết ba khía cạnh chính của mùa đông sắp tới mà người dân Ukraine phải ưu tiên, bắt đầu bằng việc “ứng phó khẩn cấp với những thiệt hại do các cuộc tấn công mới nhất gây ra đối với sức khỏe.” Theo WHO, kể từ khi chiến tranh giữa hai quốc gia bắt đầu hồi tháng 2, cơ quan y tế đã xác nhận 620 vụ tấn công ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
“Ưu tiên thứ hai là đáp ứng nhu cầu sức khỏe tức thời của người dân ở các khu vực mới trở lại dưới sự kiểm soát của Ukraine. Chúng ta phải tìm cách để đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ về thể chất và tinh thần sau những gì mà người dân các khu vực này phải chịu đựng,” WHO nhấn mạnh.
WHO tiếp tục, ưu tiên thứ ba là chuẩn bị cho “những thách thức quan trọng” dự kiến sẽ đến trong mùa đông. “Quá nhiều người ở Ukraine đang sống bấp bênh, di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác, sống trong các công trình không đạt tiêu chuẩn hoặc không được tiếp cận với hệ thống sưởi. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tê cóng, hạ thân nhiệt, viêm phổi, đột quỵ và đau tim,” WHO bày tỏ quan ngại.
“Mùa đông tàn khốc sắp tới có thể đặc biệt nguy hiểm đối với những người dễ bị tổn thương – bao gồm cả người già, bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính và những người cần các dịch vụ chăm sóc như bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhất là trong thực tế hiện nay tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng chống COVID-19 và các bệnh khác vẫn thấp.”
Theo WHO, những thách thức trong mùa đông cũng có thể dẫn đến việc người dân thường Ukraine phải di cư vì giao tranh và thời tiết lạnh giá ảnh hưởng đến quốc gia này. Cơ quan y tế còn lưu ý, các quốc gia chấp nhận người tị nạn Ukraine cũng sẽ phải đối mặt với sự căng thẳng lớn hơn đối với các dịch vụ liên quan đến y tế, trước sự gia tăng bệnh nhân có thể xảy ra.
Nhật Minh (Theo Newsweek)