Đà Nẵng: Hàng trăm tấn đất đá ập xuống khiến hàng ngàn ngôi mộ bị vùi lấp
Mưa lớn ngày 14/10 khiến hàng trăm tấn đất, đá đổ xuống nhiều vị trí ở nghĩa trang lớn nhất tại TP. Đà Nẵng, làm hàng ngàn ngôi mộ bị vùi lấp, cuốn trôi. Rất đông thân nhân biết tin chạy đến hiện trường bàng hoàng, đau thương, nháo nhác tìm kiếm mộ phần người thân, thế nhưng nhiều ngôi mộ vẫn chưa tìm thấy.
Trận mưa lịch sử ngày 14/10 vừa qua đã khiến hàng trăm tấn đất, đá từ các quả đồi sạt lở đổ ụp xuống một số khu vực ở nghĩa trang Hòa Sơn (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng, diện tích 278,58 ha) – là nơi an táng cho hàng trăm nghìn người đã mất.
Sáng 16/10, ghi nhận tại nghĩa trang, có ít nhất 3 điểm ở bị sạt lở. Hàng ngàn ngôi mộ tại đây bị đất đá tràn xuống cuốn trôi, vùi lấp. Hệ thống tường rào bao quanh nghĩa trang cũng bị mưa lũ làm bong tróc. Cây cối, đất đá… nằm ngổn ngang.
Tại hiện trường, nhiều ngôi mộ bị phá hủy hoàn toàn. Nhiều ngôi mộ bị cuốn trôi dồn lại một góc.
Khu vực phần mộ thai nhi và người vô danh tại nghĩa trang bị cuốn phăng, tan hoang, theo báo Vietnamnet.
Cũng trong hôm nay (16/10), rất đông thân nhân biết tin chạy đến hiện trường đau thương, nháo nhác tìm kiếm mộ phần người thân. Thân nhân, người nhà bàng hoàng đau xót khi chứng kiến cảnh tượng sạt lở tang thương sau trận mưa lịch sử, báo Pháp Luật Việt Nam mô tả.
Tuy nhiên, nhiều người đến nghĩa trang rồi ngậm ngùi trở về vì không sao tìm được mộ người thân.
Theo người dân địa phương, đây là lần đầu tiên họ chứng kiến một vụ sạt lở khủng khiếp như vậy tại nghĩa trang Hòa Sơn.
Ông Lê Văn Bình (ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) cho biết trên báo Vietnamnet: “Hầu như các phần mộ tại đây bị đất đá và nước cuốn trôi hết giờ rất khó để tìm lại tro cốt. Phần mộ cháu gái tôi may mắn có trồng cây hoa sứ nên cản được đất đá nếu không cũng bị vùi lấp rồi”.
Zing News dẫn lời lãnh đạo Ban quản lý nghĩa trang TP. Đà Nẵng cho biết do diện tích sạt lở lớn nên đến nay vẫn chưa thể thống kê cụ thể số mồ mả bị ảnh hưởng do trận sạt lở.
Trước mắt, những lăng mộ xác định được danh tính thì chúng tôi sẽ thông báo cho người nhà. Còn những mộ vô danh thì xin ý kiến của chính quyền địa phương để khắc phục, đại diện Ban quản lý nghĩa trang nói.
Vị này giải thích thêm do lượng mưa lớn trút xuống nên hàng trăm tấn đất đá bị sạt lở, tràn xuống nghĩa trang. Các lăng mộ dù có kiên cố đến mấy cũng bị hư hỏng.
“Đây là lần đầu tiên xảy ra sạt lở nghiêm trọng tại khu vực này”, vị này nói.
Ông Phạm Nam Sơn, Bí thư Huyện ủy huyện Hòa Vang, cho hay sau khi có thống kê các lăng mộ bị hư hỏng, đơn vị sẽ tính toán phương án khắc phục hậu quả.
Minh Long
Phụ huynh liên tiếp nhận thông báo đóng các khoản tiền vô lý
Đầu năm học, nhiều phụ huynh có con học tại Trường Mẫu giáo Đoàn Thị Điểm (Tây Hồ, Hà Nội) bày tỏ bức xúc khi nhà trường yêu cầu phụ huynh sử dụng app tràn lan, trả phí không hợp lý.
Theo báo Lao Động, nhà trường yêu cầu phụ huynh sử dụng app Enetviet để thông báo con nghỉ học và đọc các tin tức của trường, đóng phí 180.000 đồng/1 năm, dù trước đó sử dụng Zalo để liên hệ với cô giáo rất ổn, tin tức có thể cập nhật trên Website của trường. Có phụ huynh có 2 con học cùng trường, nhưng phải đóng 2 lần phí dù chỉ sử dụng 1 app.
Và cũng yêu cầu phụ huynh cài app Viettel Money để chuyển tiền học với lý do là không sử dụng tiền mặt. Nhưng từ trước vẫn nộp qua tài khoản bình thường.
Phụ huynh cho biết, Việc sử dụng nhiều app gây khó khăn cho phụ huynh có kinh tế thấp và rắc rối trong sử dụng.
Không chỉ vậy, theo phụ huynh phản ánh, trong danh mục các khoản dự kiến thu của trường còn xuất hiện nhiều khoản như như tiền học ngoại khóa Tiếng Anh, kỹ năng sống, câu lạc bộ mỹ thuật,… với mức giá từ 100.000 đồng đến trên 400.000 đồng/tháng.
Phụ huynh phản ánh những môn đấy đáng lẽ phải có chương trình học. Chưa kể, chúng tôi còn phải đóng quỹ phụ huynh tới 1.300.000 đồng/em.
Với cấp mẫu giáo, 1 lớp khoảng 30 em, số tiền này là quá lớn vì bất cứ khoản nào chúng tôi cũng đã đóng: ăn, điện, nước, điều hoà, tiền trông trẻ
Bà Công Thị Thu – Hiệu trưởng Trường Mầm non Đoàn Thị Điểm cho biết, các khoản phụ huynh nêu có trong danh mục các khoản dự kiến chứ nhà trường chưa thu bất kỳ khoản nào.
Về việc sử dụng App Enetviet, bà Thu nói rằng, đây là yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí học sinh của thành phố. Tuy nhiên, việc ứng dụng trên tinh thần tự nguyện, nhà trường không ép phụ huynh sử dụng.
Liên quan đến các khoản thu học ngoại khóa, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, không ép buộc phụ huynh phải tham gia. Phụ huynh nào mong muốn con phát triển năng khiếu sẽ đăng kí lớp học phù hợp với sức khỏe của con và điều kiện tài chính của gia đình.
Về phản ánh của phụ huynh việc mỗi em phải đóng tiền quỹ đến 1.300.000 đồng, bà Thu khẳng định, thông tin này chưa chính xác.
“Chúng tôi không khuyến khích phụ huynh thu nhiều tiền quỹ. Nếu phụ huynh muốn đóng góp để tổ chức các hoạt động cho con thì sẽ đóng trên tinh thần tự nguyện, không quá 500.000 đồng/em/kỳ.
Có thể đóng cả năm hoặc thu theo từng kỳ tùy theo thỏa thuận, mong muốn của phụ huynh. Các khoản thu phải thống nhất và công khai rõ ràng”.
Hiệu trưởng Trường mầm non Đoàn Thị Điểm giải thích, có thể trong buổi họp, giáo viên cộng dồn tất cả các khoản thu dự kiến, phụ huynh nghe không rõ, hiểu nhầm phải đóng tới 1.300.000 đồng tiền quỹ mỗi em
Sau phản ánh của phụ huynh, bà Thu cam kết sẽ tiếp thu, tìm hiểu để nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh.
Theo Infonet, mới đây mạng xã hội cũng xôn xao chia sẻ bản dự trù kinh phí hoạt động hội phụ huynh tại một trường tiểu học ở TP.HCM, phần chi “chăm cô” được kê lên tới 27 triệu đồng/năm đối với giáo viên chủ nhiệm và bảo mẫu bằng hình thức chuyển khoản hằng tháng, mỗi tháng 3 triệu đồng/người. Ngoài ra còn các khoản tiền cho dịp 20/11, tiền Tết Nguyên đán cho hiệu trưởng, tiền chi cho ngày Phụ nữ Việt Nam, Quốc tế phụ nữ cho giáo viên chủ nhiệm, bảo mẫu… Tổng cộng những khoản dành cho giáo viên là hơn 102 triệu đồng, còn khoảng 30 triệu đồng để chăm lo các hoạt động cho học sinh.
Trường hợp khác ở một lớp 9 của trường THCS tại TP.HCM, bảng dự tính thu chi hỗ trợ hoạt động học tập năm học này lên tới 270 triệu đồng bao gồm các khoản như: tiền bổ sung cơ sở vật chất đầu năm, chụp ảnh thẻ, phong trào báo Đội, phong trào Hội khỏe Phù Đổng, thuê áo tốt nghiệp, quà 8/3 và 20/10 cho học sinh nữ, tổ chức lễ tri ân, tốt nghiệp…
Huệ Liên
Đưa Ngân hàng SCB vào diện ‘kiểm soát đặc biệt’
Liên quan đến việc hàng loạt chi nhánh, phòng giao dịch của Ngân hàng SCB ghi nhận tình trạng đông khách hàng đến rút tiền do lo ngại về sự an toàn của khoản tiền gửi. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa đưa Ngân hàng Sài Gòn (SCB) vào diện kiểm soát đặc biệt để ổn định hoạt động.
Theo VnExpress đưa tin, Trong thông cáo phát đi, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng, là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.
Đặt SCB vào diện “kiểm soát đặc biệt”, Ngân hàng Nhà nước sẽ lựa chọn, chỉ định những nhân sự có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành nhà băng này.
Theo thông báo mới nhất của Ngân hàng SCB được báo Dân Trí đăng tải, ông Vũ Anh Đức (sinh năm 1977, Giám đốc VietinBank chi nhánh 11 TP.HCM) được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) SCB thay cho ông Bùi Anh Dũng từ ngày 14/10. Ông Bùi Anh Dũng cũng không còn là người đại diện theo pháp luật của SCB, thay vào đó là ông Vũ Anh Đức – người mới được bổ nhiệm.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã bổ nhiệm 4 Thành viên Hội đồng quản trị khác cho SCB.
Hội An
Lời khai nghi phạm sát hại 2 người trong vụ hỗn chiến ở Bình Dương
Liên quan đến vụ hỗn chiến khiến 2 người chết, một người bị thương tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương tối 14/10. Tối 15/10, Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã bắt nghi phạm.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương xác định Lê Văn Thương (27 tuổi, quê Đồng Tháp) là người cầm dao đâm chết Phan Gia Huy (20 tuổi) và Nguyễn Hùng Lý (18 tuổi, cùng quê Bình Dương).
Theo Zing, tại cơ quan công an, Thương khai nhận trong lúc nhậu giữa 2 nhóm xảy ra mâu thuẫn do nói chuyện to tiếng dẫn đến cự cãi rồi đánh nhau. Theo lời khai của Thương, do nóng tính nên không chỉ lúc ăn nhậu, khi đối tượng đi làm, ai đó làm khó chịu thì sẽ đánh. Con dao tự chế là hung khí gây án, Thương luôn đem theo trong người.
Cũng theo lời khai của bị can, tối 14/10, 3 anh em Thương cùng một số người bạn nhậu tại quán nhậu trên đường Võ Thị Sáu (thuộc phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).
Lúc này, nhóm người của Lý, Lộc cùng một số người bạn cũng đang nhậu ở bàn bên cạnh. Khi đang nhậu, Lộc nói chuyện lớn tiếng, hai nhóm xảy ra cãi vã và được mọi người can ngăn. Sau đó, Lộc gọi điện cho bạn, trong đó có Phan Gia Huy đến đánh nhóm của Thương.
Khoảng 21h30, hai nhóm thanh niên cầm thanh sắt, gạch đá, bàn ghế lao vào hỗn chiến. Thương dùng dao đâm nhiều nhát vào người Huy, Lý khiến 2 người này chết tại chỗ. Do đêm tối và đang say, Thương đâm luôn Nguyễn Văn Nhanh (là bạn cùng nhóm) 3 nhát khiến Nhanh trọng thương.
Hiện nay, Nguyễn Văn Nhanh bị thương nên được điều trị tại bệnh viện với sự giám sát của công an.
Huệ Liên
Một phó chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội bị cách chức
Ngày 16/10, nguồn tin từ cơ quan chức năng cho biết ông Nguyễn Trí Tuân đã bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó chánh văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Khánh Hòa.
Theo thông tin trên báo Zing, ông Tuân bị cách chức do các vi phạm trong quản lý đất đai trong thời gian công tác tại UBND huyện Cam Lâm.
Ông Nguyễn Trí Tuân từng là Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy Cam Lâm (nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025); Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm (nhiệm kỳ 2016-2021), trước khi được giữ chức Phó chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND Khánh Hòa hồi tháng 4/2021.
Theo VnExpress, trước đó khi đương chức Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Cam Lâm, ông Tuân cùng nhiều cán bộ huyện bị xác định vi phạm quy chế làm việc và pháp luật đất đai, thiếu trách nhiệm lãnh đạo, kiểm tra, cho phép 114 trường hợp tặng cho, hiến đất tự làm đường để tách 2.350 thửa với tổng diện tích hơn 57 ha.
Những sai phạm trên tác động xấu quy hoạch hạ tầng, quản lý đất đai, gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thu ngân sách…
Hơn một năm qua, huyện Cam Lâm trở thành điểm nóng “phân lô, bán nền”. Một số sàn giao dịch bất động sản, cò đất về đây “vẽ” dự án khiến thị trường nhà đất ở huyện rối loạn.
Liên quan sai phạm nói trên, hơn 10 ngày trước bà Lê Phạm Thùy Ngân, Phó chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cũng bị cách chức.
Hội An
TP.HCM tiếp tục ‘đỗi hẹn’ tiền hỗ trợ COVID-19 đợt 3 với gần 1 triệu người
Hơn một năm trôi qua, còn gần 1 triệu người thuộc diện thụ hưởng tại TP.HCM vẫn chưa nhận được tiền trong gói hỗ trợ COVID-19 đợt 3 của TP này với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM ngày 12/10, nhiều chính sách an sinh, hỗ trợ COVIDD-19 của Trung ương và của riêng TP.HCM triển khai tại thành phố từ năm 2021 đến nay vẫn chưa hoàn thành, trong đó, có gói hỗ trợ COVID-19 đợt 3.
Gói hỗ trợ đợt 3 được phê duyệt tại Nghị quyết 97 của HĐND TP.HCM vào tháng 9/2021, dự kiến hỗ trợ đối với hơn 7,4 triệu người khó khăn (1 triệu đồng/người) thuộc 5 nhóm gồm thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo đang gặp khó khăn và người nhận trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người phụ thuộc của nhóm 1; người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn; người phụ thuộc của nhóm 2; người lưu trú trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu dân cư nghèo.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, tính đến nay, TP.HCM mới chi hỗ trợ cho hơn 6,4 triệu người, đạt tỷ lệ 87%; tức vẫn còn gần 1 triệu người thuộc diện thụ hưởng chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Lý do được đề cập là vì thiếu kinh phí thực hiện. Ngoài ra còn có các lý do như công tác tổ chức thực hiện ở nhiều địa phương còn lúng túng, việc quản lý hộ dân và nhân khẩu trong khu vực chưa chặt chẽ dẫn đến việc phải thay đổi, bổ sung đối tượng nhiều lần.
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, trong nhiều buổi giám sát, tái giám sát vào đầu năm 2022 của HĐND TP.HCM về việc thực hiện các nghị quyết hỗ trợ COVID-19, Sở Tài chính TP.HCM có nêu khó khăn, áp lực trong việc cân đối ngân sách, vì trong năm 2021, bên cạnh đảm bảo cân đối các nhiệm vụ phát sinh ngoài dự toán, TP.HCM đã tập trung toàn bộ nguồn lực cho phòng ngừa dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân.
Tại buổi giám sát ngày 25/3, đại diện Sở Tài chính cho hay theo tổng hợp, 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức đã chi hơn 10.600 tỷ đồng cho phòng ngừa dịch COVID-19 và các gói hỗ trợ, chiếm hơn 45% so với tổng chi thường xuyên của ngân sách trong năm 2021. Đại diện sở cho rằng ngành tài chính cũng như các sở ngành, quận huyện đã “gồng mình thực hiện các nội dung đó”.
Do đó, Sở Tài chính TP.HCM đề nghị Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đánh giá lại hiệu quả chi hỗ trợ cũng như việc tiếp tục chi hay không. Tuy nhiên, HĐND TP.HCM nhấn mạnh quan điểm “đã phê duyệt rồi thì phải chi”.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho hay trong tháng 9 vừa qua, UBND TP.HCM cơ bản thống nhất với đề xuất của các sở, ngành là tiếp tục chi gói hỗ trợ đợt 3 cho số lượng người đã được phê duyệt. Tuy nhiên, hiện vẫn còn chờ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM để có hướng thực hiện.
Tương tự gói hỗ trợ COVID-19 đợt 3, một số chính sách thuộc Nghị quyết 68/2021, Nghị quyết 126/2021 của Chính phủ được triển khai tại TP.HCM vẫn chưa thể hoàn tất vì thiếu kinh phí. Trong đó, chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc mới đạt 48,7%; chính sách hỗ trợ người điều trị COVID-19, cách ly y tế đạt 63,8%…, theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM.
Hồi trung tuần tháng 4, Phó giám đốc Sở Tài chính – bà Trần Mai Phương cho biết ngân sách TP.HCM chỉ cân đối được hơn 18.000 tỷ đồng để chi phòng ngừa dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân khó khăn (đã bao gồm khoản hỗ trợ 2.000 tỷ đồng của Trung ương cho TP.HCM), trong khi tổng nhu cầu kinh phí theo báo cáo của các sở, ngành, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức xây dựng và gửi lên là hơn 32.000 tỷ đồng. Theo đó, khoản kinh phí còn thiếu là hơn 14.000 tỷ đồng.
Nguyễn Quân
Đà Lạt muốn làm dự án chiếu sáng nghệ thuật hồ Xuân Hương hơn 42 tỷ đồng
Giới chức TP. Đà Lạt đề xuất làm dự án trang trí chiếu sáng hồ Xuân Hương và cung đường ven hồ, với tổng kinh phí hơn 42 tỷ đồng, nhằm tạo điểm nhấn du lịch.
Ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Lạt, vừa cho biết thành phố đã gửi văn bản đến các sở, ngành chức năng để xin ý kiến chuyên môn thực hiện dự án “trang trí chiếu sáng nghệ thuật khu vực hồ Xuân Hương và một số tuyến đường tại TP. Đà Lạt – giai đoạn 1”.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 42,3 tỷ đồng từ nguồn vốn tài trợ của Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T.
Dự án sẽ đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng nghệ thuật công trình bằng công nghệ đèn led nhằm nâng cao chất lượng, mỹ thuật và tiết kiệm năng lượng.
Các hạng mục của dự án gồm: chiếu sáng cây xanh đồi Cù (phạm vi chiếu sáng là hàng cây mặt ngoài đường Trần Quốc Toản, bắt đầu từ đầu phố Đinh Tiên Hoàng đến gần cầu chữ Y, tổng chiều dài khoảng 700 m), cùng hàng cây nằm trong phạm vi hồ trước mặt đồi Cù.
Đồng thời, dự án trang trí 5 cầu chữ Y xung quanh thắng cảnh hồ Xuân Hương bằng việc ốp gỗ, bổ sung đèn trang trí, hệ thống phun khói, phun sương; bổ sung 5 hình tượng hoa anh đào tại các thảm cỏ trong khu vực xung quanh hồ.
Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành trước thời điểm diễn ra Festival hoa Đà Lạt cuối năm 2022.
Đà Lạt nằm trên cao nguyên Lâm Viên, thuộc tỉnh Lâm Đồng, mỗi năm đón hàng triệu khách du lịch. Hồ Xuân Hương rộng 25 ha, dài hơn 2 km, hình trăng lưỡi liềm, nằm ở trung tâm Đà Lạt, được xem là điểm nhấn thu hút du khách.
Hoàng Minh