Video cho thấy lính Nga ở trại trong tình trạng “tồi tệ”
Một video lan truyền trên mạng xã hội hôm Chủ nhật đã cho thấy điều kiện tồi tệ mà những người lính Nga mới nhập ngũ đang phải đối mặt.
Đoạn video được chia sẻ trên Twitter vào chiều Chủ nhật bởi Julia Davis, người tạo ra nhóm giám sát truyền thông Russian Media Monitor. Trong đó, một người đàn ông không rõ danh tính mới gia nhập quân đội Nga gần đây tuyên bố phải đối mặt với điều kiện vô cùng tồi tệ tại một khu trại, với nạn trộm cắp và bệnh tật hoành hành.
“Trong khi đó ở Nga: hãy xem cách đối xử với những tân binh mới được huy động,” Davis viết cùng với video. “Một người đàn ông giấu tên phàn nàn rằng giày, tiền và nệm của anh ta đã bị đánh cắp. Anh ta nói, đó là sự thật. Mọi người đều bị ốm, bởi vì lều của họ hầu như không có sưởi.”
Chỉ gần 2 tiếng rưỡi kể từ khi được đăng tải, clip đã nhận được gần 80.000 lượt xem.
Trong đoạn clip kéo dài 90 giây, người lính giấu mặt và giấu tên đã quay lại khung cảnh về trại mà anh ta được gửi đến và cho thấy anh ta dường như không đi gì ngoài tất khi ở bên ngoài.
“Tôi không có giày tennis hay giày chiến thuật”, người lính nói ở gần đầu clip. “Tất cả mọi người ở đây đều đến từ Khanty-Mansiysk. Tất cả các chàng trai của chúng tôi, chúng tôi đang tìm ra con đường của riêng mình. Không thể làm theo cách nào khác.”
Khanty-Maniysk là một thành phố ở miền trung Tây nước Nga và là trung tâm hành chính của vùng Okrug tự trị Khanty-Mansi.
Người lính sau đó vào một căn lều mà anh ta nói là nơi ở của mình, cùng với một số người đàn ông khác. Anh ta lưu ý rằng, mặc dù căn lều đủ lớn để chứa vài người, nó chỉ có một cái lò để sưởi ấm.
“Nó chẳng ích lợi gì”, người lính nói về cái lò. “Bạn có thể nghe thấy giọng tôi khàn khàn như thế nào, thật kinh khủng. Một nửa số người bị cảm lạnh.”
Người đàn ông nói thêm rằng nệm của anh đã bị đánh cắp, mô tả hành vi trộm cắp là “cách duy nhất để tồn tại ở đây.” Anh này cho biết, ngay cả cái lò cũng có thể bị đánh cắp nếu bạn bước ra khỏi lều. Đồ đạc cá nhân của anh, như giày thể thao và tiền, cũng đã bị đánh cắp. Bất chấp hành vi trộm cắp được cho là tràn lan này, các sĩ quan cấp trên dường như không quan tâm đến việc giúp đỡ.
“Chỉ huy cấp phó đã nói với tôi, ‘Tôi là mẹ của anh hay là bố của anh? Hãy tự tìm đi’,” người đàn ông nói.
Các báo cáo về tình trạng hỗn loạn trong hàng ngũ quân đội đã lan tràn ở Nga kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh huy động một phần để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh ở Ukraine. Không lâu sau khi cuộc điều động bắt đầu, một video xuất hiện trên mạng được cho là cho thấy những người lính say rượu ngủ gật trong khi được đưa ra tiền tuyến. Một đoạn video khác được CNN chia sẻ cho thấy những người lính phàn nàn về việc họ không được huấn luyện trước khi được cử đi chiến đấu.
Ngân Hà (theo Newsweek)
TT Mỹ Joe Biden gọi kế hoạch kinh tế của Thủ tướng Anh Liz Truss là một “sai lầm”
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông không phải là người duy nhất nghĩ rằng kế hoạch kinh tế ban đầu của Thủ tướng Anh Liz Truss, vốn đã dẫn đến giá đồng bảng Anh giảm mạnh, là một sai lầm.
“Có thể đoán trước được. Ý tôi là, tôi không phải là người duy nhất nghĩ rằng đó là một sai lầm,” ông Biden nói với các phóng viên hôm thứ Bảy trong chuyến thăm Portland, Oregon, khi được hỏi về việc đảo ngược chính sách của bà Truss.
Nhận xét của Tổng thống được đưa ra trong khi ông đang vận động cho Tina Kotek, người đang tranh cử Thống đốc Oregon.
“Tôi nghĩ rằng ý tưởng cắt giảm thuế đối với giới siêu giàu vào thời điểm mà – dù sao, tôi chỉ nghĩ tôi không đồng ý với chính sách này,” Tổng thống nói thêm. “Nhưng nói chung Vương quốc Anh mới là bên đưa ra đánh giá, chứ không phải tôi.”
Nhà Trắng đã từ chối bình luận về các vấn đề của bà Truss.
Khi được hỏi về sức mạnh của đồng đô la Mỹ, ông Biden nói, “Tôi không lo ngại về sức mạnh của đồng đô la. Tôi quan tâm đến phần còn lại của thế giới.”
Các kế hoạch ban đầu đã gây ra bất ổn thị trường và đã xuất hiện những lời kêu gọi bà Truss đảo ngược hành động này sau khi ông Kwarteng vào ngày 23 tháng 9 công bố đợt cắt giảm thuế chưa hoàn lại lớn nhất của Vương quốc Anh trong nửa thế kỷ.
Được gọi là kế hoạch “ngân sách mini”, nó hứa hẹn cắt giảm thuế có giá trị lên đến 45 tỉ bảng Anh, đồng thời gia tăng vay nợ với hy vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Anh. Tuy nhiên, nhiều lo ngại chỉ ra rằng kế hoạch này sẽ tiếp tục làm gia tăng lạm phát vào thời điểm giá cả đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong khoảng 40 năm.
Tình hình đó đã khiến Ngân hàng Trung ương Anh phải đưa ra cảnh báo về rủi ro nghiêm trọng đối với ổn định tài chính của đất nước.
Kế hoạch cắt giảm thuế của chính phủ bà Truss đã bị chỉ trích dữ dội bởi các nhà đầu tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, các tổ chức xếp hạng tín dụng và bởi chính các thành viên của đảng Bảo thủ. Một số nhà lập pháp được cho là đã kêu gọi cách chức bà Truss chỉ sau 5 tuần giữ chức Thủ tướng.
Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu thị trường tài chính đã bất ổn trong ba tuần qua, bà Truss đã sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng vào thứ Sáu và loại bỏ một số phần trong gói kinh tế gây tranh cãi của họ.
Trước đó, vào thứ Bảy, Bộ trưởng Tài chính mới của Anh, Jeremy Hunt, cho biết một số loại thuế sẽ tăng và cần có các quyết định cứng rắn về chi tiêu.
Tuy nhiên, bà Truss vẫn đang giữ nguyên các loại cắt giảm thuế khác, có thể dẫn đến khả năng xảy ra phản ứng dữ dội của thị trường vào thứ Hai.
Ngân Hà
Ông Obama thừa nhận sai lầm vì đã không ủng hộ các cuộc nổi dậy ở Iran
Hơn 13 năm sau, trong bối cảnh các cuộc biểu tình và đình công dữ dội đang diễn ra ở Tehran, Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama muộn màng thừa nhận rằng ông đã sai lầm khi không chấp nhận cuộc nổi dậy được gọi là “Phong trào Xanh” của Iran vào năm 2009.
“Nhìn nhận lại, tôi nghĩ đó là một sai lầm”, ông Obama phát biểu hôm 14/10, đề cập đến phản ứng thận trọng của chính quyền thời đó đối với phong trào năm 2009 tại Iran. “Mỗi khi chúng ta nhìn thấy một tia sáng, một tia hy vọng của những người khao khát tự do, tôi nghĩ chúng ta phải đề cập đến điều đó.”
“Chúng ta phải soi sáng nó. Chúng ta phải bày tỏ sự đoàn kết nhất định về điều đó”, Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ trả lời trên kênh podcast Pod Save America.
Một cuộc nổi dậy mới đã diễn ra ở Iran được 30 ngày, bắt nguồn từ cái chết của cô Mahsa Amini, 22 tuổi, dưới bàn tay của các cảnh sát đạo đức Hồi giáo.
Ông Obama nhận định rằng “khó có thể đoán trước” liệu các cuộc biểu tình hiện tại có đạt được mục đích thay đổi chế độ hay không, tuy nhiên phương Tây cần đứng về phía những người biểu tình khi đối mặt với một cuộc đàn áp tàn bạo.
Ông cũng ca ngợi “sự dũng cảm đáng kinh ngạc đang diễn ra ở Iran, và những phụ nữ cùng trẻ em gái [biểu tình] trên đường biết rằng họ đang tự gây nguy hiểm cho bản thân để nói lên sự thật trước quyền lực.”
Theo ông Obama, điều quan trọng là “phải khẳng định những gì họ làm, và tôi hy vọng rằng điều đó mang lại nhiều không gian hơn cho các cuộc đối thoại dân sự mà qua thời gian có thể đưa đất nước đi theo con đường tốt hơn.”
Vy An (Theo Just the News)
Trung Quốc kêu gọi tất cả công dân nước này sơ tán khỏi Ukraine
Trung Quốc hôm 15/10 kêu gọi công dân nước này sơ tán càng sớm càng tốt khỏi Ukraine, nơi đang bị tàn phá bởi cuộc chiến tranh xâm lược của Nga.
Tất cả công dân Trung Quốc phải được sơ tán khỏi Ukraine, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine thông báo hôm thứ Bảy (15/10). Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine cho biết họ sẽ hỗ trợ công dân nước này sơ tán trong khả năng của mình.
“Trước tình hình an ninh nghiêm trọng hiện nay ở Ukraine, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine hôm thứ Bảy (15/10) đã kêu gọi công dân Trung Quốc tại nước này tăng cường các biện pháp an ninh và sơ tán. Đại sứ quán sẽ hỗ trợ tổ chức sơ tán theo nhu cầu của người dân”, tờ Global Times, phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đăng thông báo lên Twitter.
Lãnh đạo các quốc gia lớn trên thế giới, trong đó có Mỹ, đã từ chối tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh trước khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin đã đích thân đến tham dự sự kiện và ký kết thỏa thuận hợp tác với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khẳng định mối quan hệ “hữu nghị không giới hạn”. Sau khi chiến tranh nổ ra, nhà cầm quyền Trung Quốc không lên án Nga, đồng thời tích cực lặp lại và tăng cường tuyên truyền của Nga về cuộc xâm lược Ukraine.
Với mối bang giao chặt chẽ của Trung Quốc và Nga, thông báo đột ngột của Bắc Kinh cho thấy Moscow có khả năng chuẩn bị leo thang chiến tranh sau một loạt thất bại lớn trên chiến trường Ukraine.
Kazakhstan, một quốc gia thân thiện với Nga, cũng kêu gọi công dân rời khỏi Ukraine, đài CNN đưa tin
Đại sứ quán Kazakhstan trong một tuyên bố tuần trước cho biết công dân của họ nên được sơ tán càng sớm càng tốt “trong bối cảnh quân đội Nga tăng cường các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự và các cơ quan chính phủ Ukraine”.
Serbia, đồng minh lâu năm của Nga, gần đây đã thông báo trên trang web của mình rằng họ sẽ đóng cửa và sơ tán nhân viên đại sứ quán tại Ukraine. Một phát ngôn viên của Serbia nói với đài CNN rằng các nhân viên đại sứ quán sẽ đóng tại Belgrade cho đến khi an toàn để quay trở về Ukraine.
Ngày 10/10, quân đội Nga bất ngờ tiến hành một cuộc không kích nhằm vào các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine, đặc biệt là vào lưới điện của Ukraine với quy mô và mức độ tàn bạo chưa từng có kể từ khi quân đội Nga tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước này từ hôm 24/2. Các cuộc không kích của Moscow vào dân thường và các mục tiêu dân sự Ukraine không có tác dụng đảo ngược thế trận tại chiến trường Ukraine. Bên cạnh đó, kho dự trữ tên lửa của Nga đang nhanh chóng cạn kiệt. Ông Putin tuyên bố Nga không có ý định phát động một cuộc tấn công ném bom lớn hơn nhắm vào Ukraine. Tuy nhiên, phản ứng từ ngay cả các quốc gia có mối quan hệ thân thiện với Nga, bao gồm cả Bắc Kinh, cho thấy Điện Kremlin có vẻ sẽ leo thang chiến tranh một lần nữa.
Trước khi nổ ra cuộc xâm lược Ukraine của Nga, 150.000 quân của Moscow đã áp sát biên giới Ukraine. Mỹ nhiều lần cảnh báo Nga sẽ phát động chiến tranh và kêu gọi công dân nước này sơ tán ngay lập tức. Tuy nhiên, Điện Kremlin liên tục nhấn mạnh rằng đây chỉ là một cuộc tập trận quân sự và không có ý định tấn công Ukraine.
Thế nhưng chỉ 4 ngày sau khi Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh kết thúc, hôm 24/2/2022, quân đội Nga đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược mặt đất lớn nhất chống lại các nước châu Âu kể từ sau Thế chiến II.
Vào cuối tháng 9, ông Putin đã đưa ra lời đe dọa rõ ràng về một cuộc tấn công hạt nhân sau bước tiến của các lực lượng Nga ở miền đông Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Biden hồi đầu tháng 10 đưa ra cảnh báo gây sốc về “Ngày tận thế hạt nhân” đang ở mức cao nhất kể từ cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962. Ông khẳng định rằng Mỹ đã trao đổi riêng với Nga về những hậu quả thảm khốc nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng.
Ông Putin gọi các hành động của Moscow là một “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm giải giáp Ukraine, bảo vệ những người nói tiếng Nga khỏi bị đàn áp và ngăn chặn Mỹ sử dụng nước này để đe dọa Nga.
Ukraine bác bỏ tuyên bố của ông Putin và nói rằng, họ đang chống lại một cuộc xâm chiếm theo kiểu đế quốc đã san phẳng các thành phố của Ukraine, khiến hơn 5 triệu người phải di tản ra nước ngoài và hàng nghìn người thiệt mạng kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24/2.
Washington, cùng với các đồng minh đã áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Moscow, hy vọng các lực lượng Ukraine không chỉ có thể đẩy lùi cuộc tấn công của Nga ở phía đông mà còn làm suy yếu quân đội của họ để không còn đe dọa các nước láng giềng.
Lam Giang
Theo Visiontimes
Giáo hoàng kêu gọi cải tổ Liên Hợp Quốc
Giáo hoàng Francis cho rằng yêu cầu cải tổ Liên Hiệp Quốc “đã trở nên quá rõ ràng” sau đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Trong cuốn sách sắp xuất bản, Giáo hoàng cho biết chiến dịch quân sự Nga phát động ở Ukraine hồi tháng hai đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo các cơ chế đa phương hiện nay, đặc biệt là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tìm ra “những cách thức nhanh chong và hiệu quả hơn để giải quyết mâu thuẫn”.
“Trong xung đột, phải khẳng định rằng chúng ta cần chủ nghĩa đa phương hơn cũng như một chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, nhưng Liên Hợp Quốc không còn phù hợp với với ‘những thực tế mới'”, ông nói.
Theo Giáo hoàng, Liên Hiệp Quốc được thành lập để ngăn chặn những thảm họa tương tự Thế chiến II xảy ra. Nhưng dù mối đe dọa từ những xung đột này vẫn còn, “thế giới đã khác xưa”.
“Tầm quan trọng của những cải cách này càng trở nên rõ ràng hơn sau đại dịch” khi hệ thống đa phương hiện tại “đã bộc lộ tất cả các giới hạn của nó”, ông nhấn mạnh.
Giáo hoàng cũng chỉ trích việc phân phối vaccine không đồng đều như một “minh chứng rõ ràng” cho quy luật kẻ mạnh nhất chiếm ưu thế so với đoàn kết.
Ông kêu gọi cải cách nhằm cho phép các tổ chức quốc tế xác định lại mục đích thiết yếu của họ là “phục vụ nhân loại”, lưu ý rằng các thể chế quốc tế phải là kết quả của “một mối đồng thuận rộng rãi nhất có thể”.
Giáo hoàng cũng đề xuất đảm bảo các quyền về lương thực, sức khỏe, kinh tế và xã hội mà các định chế quốc tế sẽ dựa vào đó để đưa ra quyết sách.
Cuốn sách mới của Giáo hoàng Francis, “Tôi nhân danh Chúa cầu xin bạn: Mười lời cầu nguyện cho một tương lai hy vọng”, sẽ ra mắt tại Italy vào ngày 18/10.