Tác giả: Michael Schuman
Cù Tuấn, dịch
17-10-2022
Tóm tắt: Việc ông Tập lãnh đạo Trung Quốc vô thời hạn sẽ phá vỡ truyền thống của Đảng Cộng sản — và quay trở lại thời kỳ đế quốc Trung Hoa.
Trong hơn hai thiên niên kỷ, các hoàng đế của đế quốc Trung Hoa là tâm điểm của nhà nước và sự tôn kính của người dân, đồng thời là nhân vật chính trong hệ thống đối ngoại lấy Trung Quốc làm trung tâm. Khi đế chế Trung Quốc đang trỗi dậy trở lại, thì một vị hoàng đế mới cũng xuất hiện. Người cai trị hiện tại của Trung Quốc, Tập Cận Bình, có thể sẽ được nâng lên tầm vóc Hoàng đế tại Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 20 ở Bắc Kinh, bắt đầu vào tuần này. Các cuộc họp chính trị này, được tổ chức 5 năm một lần, được tổ chức để hoàn thiện đội hình lãnh đạo cấp cao của đảng, tiết lộ với quốc gia và thế giới về những người chiến thắng trong cuộc tranh giành sát ván ở hậu trường. Lần này, ông Tập, Tổng bí thư Đảng Cộng sản từ năm 2012 và là Chủ tịch nước từ năm 2013, được nhiều người cho là sẽ vượt ra khỏi tiền lệ hiện đại và cho phép ông có nhiệm kỳ thứ ba. Điều đó sẽ khiến Tập Cận Bình được nắm quyền cho đến năm 2027, nhưng rất có thể ông sẽ cầm quyền vô thời hạn.
Nếu các sự kiện diễn ra như dự đoán, ông Tập sẽ xuất hiện sau đại hội với tư cách là nhân vật quyền lực lớn nhất trong nền chính trị Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông, người trị vì gần như không bị thách thức từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, cho đến khi ông qua đời 27 năm sau đó. Tuy nhiên, sự kiện lần này sẽ giống như một lễ đăng quang hơn là một Đại hội Đảng.
Mặc dù không thể tránh khỏi sự so sánh giữa Tập và Mao, nhưng về nhiều mặt, lãnh đạo Trung Quốc giống với một hoàng đế của một đế quốc hơn là một nhà cách mạng theo chủ nghĩa Mác. Mao muốn đảo ngược trật tự đã được thiết lập, cả trong và ngoài nước, và thúc đẩy những biến động chính trị và xã hội để đạt được mục tiêu của mình. Chương trình nghị sự của ông Tập gần với chương trình nghị sự của một đế quốc Trung Quốc. Ông có ý định khôi phục Trung Quốc với tư cách là cường quốc thống trị ở châu Á với cốt lõi của một hệ thống Trung tâm mới, về bản chất tương tự như vị trí mà quốc gia này từng nắm giữ trong vùng dưới các triều đại phong kiến.
Di sản lịch sử lâu đời này có thể là một chỉ dẫn tốt để có thể hiểu được tham vọng chính sách đối ngoại của ông Tập. Trong nhiều thế kỷ, các triều đại Trung Quốc đã hình thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Đông Á. Ảnh hưởng của Trung Quốc mở rộng đến những quốc gia xa hơn thông qua thương mại. Ông Tập đang tìm cách xây dựng lại các mối quan hệ ảnh hưởng này, và ông đang sử dụng các công cụ của các hoàng đế để đạt được mục tiêu của mình. Ngay cả trong thời cổ đại, các hoàng đế Trung Quốc đã tuyên bố rằng quyền lực của họ bao trùm “toàn bộ hạ giới.” Sử dụng công nghệ của thế kỷ 21, ông Tập có cơ hội biến những lời hùng biện cổ xưa trở thành hiện thực.
Tham vọng của ông Tập nghe có vẻ viển vông đối với những quốc gia phương Tây — tương đương với việc tân thủ tướng Ý có tham vọng xây dựng lại đế chế La Mã — nhưng trong bối cảnh của Trung Quốc thì không. Một đặc điểm đáng chú ý của lịch sử Trung Quốc là tầng lớp tinh hoa đã thường xuyên nỗ lực để khôi phục quyền lực của đế quốc này. Trong nhiều thiên niên kỷ, Trung Quốc đã nhiều lần tan rã, tạo ra một tình trạng hỗn loạn chính trị hoặc bị nước ngoài xâm lược. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, một nhà lãnh đạo xuất chúng đã xuất hiện, thành lập một triều đại mới và xây dựng lại đế chế.
Sự trỗi dậy hiện tại của Trung Quốc là phù hợp với lịch sử Trung Quốc. Bản thân ông Tập cũng nhìn nhận như vậy. Ông đã đặt cái mà ông gọi là “Giấc mơ Trung Hoa” về sự trỗi dậy của quốc gia vừa vặn trong guồng máy lịch sử nói trên. Ông từng giải thích: “Trung Quốc từng là một cường quốc kinh tế thế giới. Tuy nhiên, quốc gia này đã bỏ lỡ cơ hội của mình sau cuộc Cách mạng Công nghiệp và những thay đổi đáng kể sau đó, và vì vậy nó đã bị bỏ lại phía sau.” Nhưng trong thời gian gần đây, “Trung Quốc đã giành được sự tôn trọng trên toàn thế giới với những nỗ lực kéo dài hàng thế kỷ” để vực dậy sức mạnh của mình. Uy tín của Trung Quốc không ngừng tăng lên và tầm ảnh hưởng của nó không ngừng mở rộng.”
Và cũng giống như các hoàng đế cổ xưa, ông Tập tin rằng nền văn minh cổ đại và những thành tựu hiện đại của Trung Quốc kết hợp với nhau để mang lại cho triều đại Cộng sản đang nắm quyền hiện tại trở thành một cường quốc trên thế giới. Ông đã lập luận rằng “lịch sử 5.000 năm huy hoàng của dân tộc Trung Quốc,” cùng với “kỳ tích” về sự phát triển nhanh chóng mà Đảng Cộng sản đạt được, “đã cho thế giới thấy một sự thật không thể chối cãi rằng chúng ta có đủ tư cách để trở thành một quốc gia lãnh đạo.”
Đế chế Trung Quốc phục sinh này đòi hỏi một chủ quyền mới. Trong hệ thống cung đình nhuốm màu Nho giáo cũ, hoàng đế đứng trên các vị vua và thủ lĩnh bình thường với tư cách là Thiên tử (con trời), người có quyền cai trị được Trời thừa nhận. Theo quan niệm lý tưởng, hoàng đế phải là người sáng suốt, công minh, có đức độ, đem lại sự hòa thuận, thịnh vượng cho quốc dân và thiên hạ.
Ngày nay, đội quân chép sử hiện đại của nhà nước Trung Quốc đã tô vẽ ông Tập như là một loại hoàng đế cai trị nhân từ kiểu đó. Chẳng hạn, trong lời kể của họ, tấm lòng vị tha của ông Tập đã giúp đánh bại đại dịch coronavirus tại Trung Quốc. Tân Hoa xã, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, báo cáo rằng ông Tập đã “tận tâm lãnh đạo các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh” và “gánh vác trách nhiệm nặng nề chống lại dịch bệnh”. Họ trích lời ông nói rằng “tính mạng là điều tối quan trọng”. Ông Tập cũng được coi là một bậc thánh hiền nổi tiếng trong lịch sử, mang lại hòa bình cho thế giới. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, tuyên bố vào tháng 4 rằng ông Tập, trong một sáng kiến ngoại giao gần đây, đã đưa ra “câu trả lời cho các vấn đề của thời đại chúng ta”, đóng góp “sự minh triết của Trung Quốc cho những cố gắng của nhân loại”.
Tất nhiên, Trung Quốc hiện đại là một chế độ độc tài Cộng sản, không phải là một chế độ quân chủ cha truyền con nối. Về lý thuyết, các hoàng đế có quyền hành vô hạn – hoàng đế Khang Hy của nhà Thanh, người trị vì từ năm 1661 đến năm 1722, đã mô tả quyền lực của mình là “ban sự sống và ban cái chết cho con dân”, trong khi ông Tập thì bị ràng buộc trong khung của một nhà nước Cộng sản, chẳng hạn như hiến pháp. Trên thực tế, ông Tập cai trị gần giống như các vị hoàng đế ngày xưa. Dưới thời ông Tập, chính phủ Trung Quốc đang mang đặc điểm của một triều đình. Ông Tập đã tập trung nhiều quyền lực vào bản thân ông, đến mức ông trị vì không khác gì một vị hoàng đế. Các tuyên bố của ông ngay lập tức trở thành chính sách, và các quan chức nhà nước, phiên bản hiện đại của các cận thần trong triều, đã lập tức thực hiện mong muốn của ông. Nếu ông Tập bị các mâu thuẫn chính trị nội bộ và các phe phái cạnh tranh ràng buộc, thì các hoàng đế ngày xưa cũng vậy, họ cũng cai trị với sự cộng tác của các cố vấn theo Nho giáo của họ. Trước đó trong nhiệm kỳ Chủ tịch nước của mình, ông Tập trên thực tế đã tiếp thu các tư tưởng của Nho giáo, với những lời dạy của triết học được đưa vào định kỳ trong các bài phát biểu của ông. Thậm chí ông còn đến thăm quê hương của Khổng Tử ở Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, mặc dù xu hướng ngả về Nho giáo này bị che lấp đi dưới các thông điệp kiểu xã hội chủ nghĩa.
Chính sách đối ngoại của ông Tập cũng trở nên giống chính sách của các hoàng đế hơn. Các triều đình Trung Quốc coi thế giới như một hệ thống phân cấp của các dân tộc, với Trung Quốc đứng đầu, với tư cách là một nền văn minh vĩ đại. Mối quan hệ giữa Thiên tử và các vị vua các nước khác không bao giờ có thể là bình đẳng: Các hoàng đế coi các quốc vương khác là các “chư hầu”, và các chư hầu này sẽ phải định kỳ triều cống để thừa nhận địa vị vượt trội của Trung Quốc. Bất kỳ quốc gia nào bất chấp những quy tắc nghi lễ này đều có thể bị cắt đứt giao thương và không còn được hưởng ân sủng hào phóng của hoàng gia.
Chính sách ngoại giao hiện đại của ông Tập đang thể hiện các khía cạnh của hệ thống này. Các quốc gia nào không tuân theo luật lệ như Bắc Kinh định nghĩa, sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế, không cho các doanh nghiệp của họ được tiếp cận thị trường Trung Quốc. Các nhà chức trách Trung Quốc đã cấm một số hàng hóa nhất định hoặc quấy rối các công ty của Úc, Hàn Quốc, Litva và Canada trong những năm gần đây để buộc các chính trị gia của các nước này phải điều chỉnh chính sách của họ tạo lợi ích cho Bắc Kinh. Các nhà ngoại giao của Trung Quốc đã trình bày danh sách các yêu cầu với Hoa Kỳ và Úc, mong họ phục tùng mong muốn của Bắc Kinh thì mới có thể cải thiện quan hệ. Ông Tập đang cố gắng khẳng định các quy tắc và chuẩn mực ngoại giao của riêng mình để tái tạo trật tự toàn cầu và đặt Trung Quốc vào vị trí trung tâm.
Một trong những chương trình yêu thích của ông Tập, Sáng kiến Vành đai và Con đường, trông giống như hệ thống triều cống và thương mại theo kiểu cũ. Các quốc gia tham gia vào chương trình này được tiếp cận với công nghệ cao của Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng; những quốc gia bị từ chối sẽ không được hưởng các đặc quyền của Bắc Kinh. Ông Tập đã tổ chức hai diễn đàn Vành đai và Con đường, trong đó các nhà lãnh đạo nước ngoài và đại diện của họ dự kiến sẽ đến Bắc Kinh và ghi nhận sự hào phóng của ông Tập, giống như các kỳ đi sứ Lạc dương hay Tràng an ngày xưa. Michael Sobolik, một thành viên tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ và là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt về Vành đai và Con đường, nói với tôi rằng chương trình này “là trò chơi mới nhất của Trung Quốc để thực hiện những gì họ đã tìm cách làm trong hàng nghìn năm: điều chỉnh vị trí địa chính trị của Trung Quốc cùng với sự vĩ đại về văn minh của nó. “
Trong chính sách kinh tế cũng vậy, các chương trình của ông Tập lặp lại chương trình của các triều đại Trung Quốc thời cận đại. Các hoàng đế Trung Quốc rất vui khi xuất khẩu các sản phẩm cao cấp của Trung Quốc, những thứ xa xỉ như đồ sứ và trà, nhưng rất ít quan tâm đến việc nhập khẩu hàng hóa do nước ngoài sản xuất và thường yêu cầu nước ngoài trao ngoại tệ mạnh để đổi lấy. Một hoàng đế nhà Thanh đã viết cho Vua George III của Anh vào cuối thế kỷ 18: “Đế chế Thiên triều của chúng tôi sở hữu tất cả mọi thứ rất dồi dào và không thiếu sản phẩm nào bên trong biên giới của mình. Do đó, Trung Quốc không cần thiết phải nhập khẩu các sản phẩm của những quốc gia man rợ bên ngoài.” Ông Tập dường như cũng cảm thấy như vậy. Mặc dù tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu công nghệ cao của Trung Quốc, chẳng hạn như xe điện và điện thoại thông minh, ông đã tăng cường chiến dịch “tự cung tự cấp” để thay thế hàng nhập khẩu nước ngoài bằng các sản phẩm thay thế tự chế tạo. “Là một quốc gia rộng lớn với dân số 1,4 tỷ người, về cơ bản Trung Quốc phải tự túc trong sản xuất lương thực và phát triển công nghiệp. Chúng ta không bao giờ được quên điều này,” ông từng nói.
Các học giả Nho giáo đã suy ngẫm về một chính quyền tốt trong 2.500 năm nhưng chưa bao giờ tìm ra cách phải đối xử như thế nào với một hoàng đế tồi (hôn quân). Khổng Tử đã dành phần lớn cuộc đời của mình để cố gắng thuyết phục các vương công theo ý tưởng của mình về sự cai trị nhân từ thông qua giáo dục và khích lệ. Khi Khổng Tử không dạy nổi một vị vua nào đó, ông tự rút lui để tìm kiếm vị vua khác xứng đáng hơn. “Hãy thể hiện bản thân khi vua có tài đức,” ông nói trong sách Luận ngữ. “Hãy ẩn dật khi vua không có tài đức.” Những người đi theo Khổng giáo đã tin rằng Trời sẽ không ưu ái một vị vua độc ác hoặc tham lam và sẽ trao nhiệm vụ của nó cho một vị vua mới, giác ngộ hơn.
Hiện tại, dường như chỉ có sự can thiệp của thần thánh mới có thể ngăn cản việc đăng quang của ông Tập. Mặc dù Trung Quốc đang trong tình trạng khó khăn, với nền kinh tế đi xuống do sự kiểm soát ngặt nghèo chống COVID của ông Tập, các cấp dưới của ông ta vẫn hoạt động như những vị quan cận thần của triều đình. Đại hội này có thể sẽ thu hút các quan chức cấp cao nhất của đảng trong đó hầu hết là những người trung thành với ông Tập. Khu nhà lãnh đạo của chính quyền Cộng sản ở Trung Nam Hải, Bắc Kinh, ngày càng giống một cung điện hoàng gia, nơi những người yêu thích chạy đua trong hoàng gia để được ưa chuộng và có các chức danh.
Những thay đổi chính trị sau việc đăng quang của ông Tập sẽ có ý nghĩa lâu dài đối với tương lai của Trung Quốc. Ông Tập là một hoàng đế không có người thừa kế. Như với bất kỳ chế độ quân chủ nào, điều này có thể gây ra hàng loạt âm mưu trong cung đình và sự bất mãn ngầm. Chính trị các nước cộng sản luôn thiếu minh bạch và đầy bạo lực. Ông Tập có thể đang mở ra một kỷ nguyên thậm chí còn có nhiều tranh cãi và không chắc chắn hơn nữa, trong đó nhiều quan lại khác nhau sẽ tranh giành để trở thành người kế vị hợp pháp của hoàng đế. Việc hoạch định chính sách cũng trở nên khó đoán hơn, vì hoàng đế thời đại mới cũng như các hoàng đế ngày xưa, luôn khẳng định rằng mọi phát ngôn của Thiên tử đều có hiệu lực pháp luật. Điều này đã làm thay đổi định hướng của chính phủ Trung Quốc theo chiều hướng khiến ông Tập ít có khả năng hồi sinh thành công đế chế Trung Quốc mà ông mong muốn.
Tuy nhiên, ông Tập sẽ tiếp tục theo đuổi một trật tự thế giới mới trong đó các nước láng giềng của Trung Quốc ở châu Á một lần nữa trở thành chư hầu của Bắc Kinh, và Trung Quốc sẽ chủ động điều khiển cách tương tác của nước này với phần còn lại của thế giới. Theo giấc mơ của tân đế quốc, vinh quang của nhà vua mới này sẽ tỏa ra khắp thế giới, đẩy lùi ảnh hưởng của những kẻ man rợ phương Tây. Một quan lớn thời nhà Hán vào thế kỷ thứ 2 TCN đã từng viết, “Bất cứ nơi nào dấu chân của con người có thể đi tới, nơi đó cũng đều là đất của Thiên tử.” Thế giới có thể sẽ phải chỉnh sửa lại lối suy nghĩ này.