Tin thế giới trưa thứ Năm: Ngoại trưởng Anh: LSQ Trung Quốc đánh người biểu tình là không thể chấp nhận

Ngoại trưởng Anh: LSQ Trung Quốc đánh người biểu tình là không thể chấp nhận

Ngày 16/10, trong khi một nhóm người đang biểu tình trước cổng Lãnh sự quán ĐCSTQ tại Anh, một người Hồng Kông đã bị người của Lãnh sự quán kéo vào trong đánh đập. Cơ quan chức năng Anh đang truy cứu vụ việc.
Cảnh người trong Lãnh sự quán ĐCSTQ tại Manchester đánh người biểu tình Hồng Kông. (Ảnh chụp màn hình video)

Nạn nhân lên tiếng

Vụ việc xảy ra vào ngày khai mạc Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Khi đó nhiều người dân ở Anh và Hồng Kông đang biểu tình phản đối Chủ tịch ĐCSTQ Tập Cận Bình trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc. Cảnh sát Anh cho biết một người đàn ông Hồng Kông đã bị kéo vào Lãnh sự quán và bị các nhân viên lãnh sự tấn công, cảnh sát Anh phải vào Lãnh sự quán để giải cứu.

Tổng hợp thông tin từ các kênh truyền thông đưa tin, người bị đánh là anh Bob Chan, 30 tuổi đến từ Hồng Kông. Anh nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư (ngày 19/10) rằng cuộc tấn công bắt đầu khi những người đàn ông đeo khẩu trang bước ra khỏi Lãnh sự quán và lấy biểu ngữ từ những người biểu tình ôn hòa.

Cuộc họp báo được tổ chức bởi một số nghị sĩ Anh. Tại đây, anh Bob Chan cho biết các sự kiện hôm Chủ nhật (16/10) đã khiến anh bị tổn thương về thể chất và tinh thần.

Anh Bob mô tả việc bị những người đàn ông đeo mặt nạ bên ngoài Lãnh sự quán đánh, một số người trong số họ đã cố gắng gỡ bỏ các biểu ngữ do những người biểu tình trưng bày.

“Sau đó, tôi phát hiện mình bị kéo vào trong khuôn viên Lãnh sự quán (của ĐCSTQ). Khi tôi nắm cổng, tôi bị đá, bị đánh, và tôi không thể giữ tay được lâu”, anh Bob nói.

“Cuối cùng tôi bị kéo xuống đất bên trong Lãnh sự quán. Tôi cảm thấy những cú đấm và đá từ một số người đàn ông. Những người biểu tình khác đã cố gắng giúp tôi thoát khỏi tình cảnh này, nhưng vô ích”, anh Bob nói về tình cảnh hiện trường lúc đó.

“Vụ tấn công chỉ dừng lại khi một sĩ quan mặc đồng phục của Cảnh sát Greater Manchester kéo tôi ra ngoài cổng”, anh nói.

Anh nhấn mạnh: “Hãy để tôi nói lại lần nữa, như thế tôi sẽ rõ ràng: Tôi đã bị kéo vào Lãnh sự quán (ĐCSTQ), tôi không hề cố gắng xông vào Lãnh sự quán.”

Bob Chan nói với các phóng viên tại cuộc họp báo rằng anh bị bầm tím ở mắt, đầu, cổ và lưng. “Tôi cảm thấy bị sốc và tổn thương bởi cuộc tấn công vô cớ này.” Anh nói và nói thêm rằng anh lo sợ cho sự an toàn của bản thân và gia đình.

Anh nói: “Tôi rất sốc vì tôi chưa bao giờ nghĩ chuyện như thế này sẽ xảy ra ở Anh. Tôi vẫn tin rằng Vương quốc Anh là nơi mà tự do ngôn luận và biểu tình là nhân quyền cơ bản. Bạo lực hay áp lực ngoại giao lớn đến đâu cũng không thể thay đổi được điều này.”

Ngoại trưởng Anh: Không thể chấp nhận được

“Chúng tôi đã nói điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được, các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa và hợp pháp. Vụ việc diễn ra trên đất nước Anh, điều đó không thể chấp nhận được”, Ngoại trưởng Anh Cleverley nói với truyền thông hôm thứ Tư.

Ông Cleverley nói rằng cảnh sát Manchester sẽ điều tra và “khi tôi xem các chi tiết của cuộc điều tra, tôi sẽ quyết định những gì chúng tôi có thể cần làm trong vấn đề này”.

Ông Cleverley đã tweet vào hôm thứ Ba: “Tôi đã ra lệnh triệu tập các quan chức Trung Quốc để giải thích về cảnh tượng gây sốc bên ngoài Tổng Lãnh sự quán của họ ở Manchester vào Chủ nhật (16/10)”.

“Biểu tình ôn hòa là quyền cơ bản và Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) phải tôn trọng điều đó”, ông nói.

Cảnh sát: Đang tiến hành điều tra

Cảnh sát Greater Manchester đã đưa ra một tuyên bố vào thứ Tư cho biết vụ việc đang được điều tra, đang nỗ lực để làm rõ tình hình.

“Các điều tra viên từ ‘Đội Các sự cố lớn’ của chúng tôi sẽ cố gắng lấy càng nhiều lời khai càng tốt từ những người có liên quan, xem xét các camera quan sát (CCTV), video trên người cảnh sát, cảnh quay trên điện thoại di động để giúp có được bức tranh toàn diện nhất về những gì đã xảy ra”, tuyên bố cho biết.

Tuyên bố cũng nói rằng cảnh sát rất biết ơn về các video được gửi cho họ cho đến nay và yêu cầu bất kỳ ai chưa tải video lên cổng thông tin trực tuyến chuyên dụng của cảnh sát có thể làm thông qua liên kết này: https://mipp.police.uk/operation/06GMP22A58-PO1

Cảnh sát cho biết chưa có vụ bắt giữ nào được thực hiện cho đến nay, với sự hỗ trợ của các đối tác, cuộc điều tra sẽ tiếp tục nếu cần thiết.

Trợ lý Rob Potts của Cảnh sát trưởng cơ quan cảnh sát Greater Manchester cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi nhận thức và hiểu đầy đủ về cú sốc và mối lo ngại mà vụ việc này đã gây ra trong thành phố và trên diện rộng hơn”.

Theo thông báo trước đó của cảnh sát Anh, vào chiều ngày 16/10 có khoảng 30 – 40 người biểu tình đã tập trung bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc, lúc đó cảnh sát Anh cũng tuần tra hiện trường. Gần 4h chiều có một nhóm nhỏ người bên trong tổng Lãnh sự quán bước ra và bắt đầu đá và xé các biển hiệu của người biểu tình.

Trong lúc hỗn loạn, một người đàn ông Hồng Kông khoảng 30 tuổi đã bị một số người kéo vào tổng Lãnh sự quán và tấn công. Cảnh sát Anh vào Lãnh sự quán để “cướp người” vì lo cho sự an toàn của người dân Hồng Kông.

ĐCSTQ đã cho rằng cuộc biểu tình là “vụ quấy rối ác ý” và đã đệ trình với nhà chức trách Anh về vấn đề này.

Sau vụ việc, vào ngày 18/10 phát ngôn viên Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ lập luận rằng “những kẻ quấy rối đã xâm nhập bất hợp pháp” vào Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manchester “gây nguy hiểm cho an ninh của cơ sở ngoại giao Trung Quốc (ĐCSTQ)”.

“Mặt trận Bảo vệ người Hồng Kông”: Lãnh sự quán ĐCSTQ cần giải thích

Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times hôm thứ Hai, phát ngôn viên Paul của tổ chức dân sự “Mặt trận Bảo vệ người Hồng Kông” (Indigenous Defence Force) nói rằng một nhúm tóc của Bob đã bị bung ra, nhiều nơi trên cơ thể, bao gồm cả đầu, bị đấm và bị đá.

Anh Bob là người biểu tình đã bị kéo vào Lãnh sự quán Trung Quốc và bị đánh ngày 16/10.

Phát ngôn viên Paul cho biết Bob đã được xuất viện và đang chờ báo cáo y tế hoàn chỉnh. Cuộc biểu tình ôn hòa chỉ được lên kế hoạch kéo dài một giờ, không ai ngờ lại có vấn đề bạo lực.

“Chúng tôi hoàn toàn bị sốc”, ông Paul diễn tả việc một số người Hồng Kông lo sợ vì hành động như vậy xảy ra ngay ở Anh, trong khi nhiều người khác tỏ ra phẫn nộ và đã hỏi liệu sẽ có thể tăng cường biểu tình hay không.

Paul cho biết tổ chức của ông hy vọng “nhận được lời giải thích” từ Lãnh sự quán ĐCSTQ về lý do tại sao họ tấn công những người biểu tình và gửi tên của kẻ tấn công cho chính quyền Anh.

Mộc Vệ

Chuyên gia: TT Putin có thể buộc người Ukraine chiến đấu cho Nga theo thiết quân luật

Theo các chuyên gia, sắc lệnh thiết quân luật của Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể dẫn đến việc người Ukraine buộc phải chiến đấu vì ông ta chống lại quân đội của chính đất nước họ.

TT Putin đã tuyên bố thiết quân luật vào hôm thứ Tư (19/10) tại bốn khu vực Ukraine của Ukraine – Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia – mà ông gần đây đã tuyên bố là sáp nhập, mặc dù các nhà lãnh đạo toàn cầu đã chỉ trích động thái này là bất hợp pháp. Thiết quân luật, theo định nghĩa của Investopedia, là “sự thay thế một chính phủ dân sự bằng chính quyền quân sự với quyền hạn vô hạn để đình chỉ các biện pháp bảo vệ thông thường về quyền dân sự.”

Mặc dù ông Putin không nói rõ những hành động có thể được thực hiện dưới tình trạng thiết quân luật, nhưng lệnh này có thể dẫn đến việc kiểm duyệt nhiều hơn, hạn chế đi lại và tụ tập công khai, cũng như thẩm quyền rộng hơn cho việc thực thi pháp luật, AP đưa tin.

Theo ông William Reno, chủ nhiệm khoa khoa học chính trị tại Đại học Northwestern, tại những khu vực mà lệnh thiết quân luật sẽ có hiệu lực vào thứ Năm, thường dân Ukraine cũng có thể sẽ bị điều động gia nhập quân đội Nga.

Ông Reno nói: “Nếu người Ukraine bị buộc phải chiến đấu với những người Ukraine khác, mục đích có thể là làm phức tạp thêm các nỗ lực của chính phủ Ukraine trong việc tái hợp nhất các khu vực này.”

“Những nỗ lực nhằm khẳng định lại quyền kiểm soát của Ukraine sẽ trở nên phức tạp bởi vô số những lời xác nhận và cáo buộc xung quanh việc ai đã làm và không hợp tác với quân chiếm đóng của Nga. Lịch sử cho thấy đây có thể là một quá trình rất xấu xí.”

TT Putin trước đó đã tuyên bố điều động một phần ở Nga, mà ông cho biết sẽ gọi thêm 300.000 binh sĩ để chiến đấu tại Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng việc điều động sẽ hoàn thành trong khoảng hai tuần nữa.

Nhìn chung, ông Reno tin rằng thông báo thiết quân luật có “tác động đáng kể” đối với dân thường ở các vùng thuộc Ukraine dưới sự kiểm soát của Nga.

Ông nói: “Thiết quân luật dường như cung cấp cho các nhà chức trách sự biện minh pháp lý mà họ cần để cưỡng chế di dời các bộ phận dân cư đến các địa điểm khác.”

“Cưỡng bức di dời là một đặc điểm trong nỗ lực của Liên Xô nhằm tái cấu trúc cân bằng sắc tộc theo những cách thuận lợi hơn cho sự kiểm soát của nhà nước. Điều tương tự cũng có thể đang diễn ra tại các khu vực do Nga chiếm đóng ở Ukraine.”

Ông Reno cũng nói rằng ông Putin có thể sử dụng thiết quân luật để gửi tín hiệu rằng sự hiện diện của Nga ở các khu vực đó là “vĩnh viễn và không thể đảo ngược, ngay cả khi quân đội Nga mất kiểm soát ở một số khu vực nhất định.”

Ông nói thêm: “Hệ quả thực tế của thông báo này là việc chuyển từ đấu tranh sang một hình thức dàn xếp thương lượng nào đó sẽ khó hơn rất nhiều.”

Yuri Zhukov, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Michigan, cho biết: “Trên giấy tờ, thiết quân luật ngụ ý một loạt các biện pháp như hạn chế người xuất cảnh và nhập cảnh, hạn chế di chuyển trong nước, hạn chế ngôn luận, cấm một số đảng chính trị, cấm bầu cử và trưng cầu dân ý, tài sản tư nhân phục vụ quốc phòng.”

Ông Zhukov nói rằng thiết quân luật của Nga có thể cung cấp cơ sở pháp lý để cưỡng chế tái định cư người Ukraine tại các khu vực bị chiếm đóng, vận động họ chiến đấu chống lại những người Ukraine khác và lấy tài sản của họ.

Ông Zhukov nói thêm rằng tuyên bố của TT Putin là một tín hiệu ông này muốn gửi tới cho người dân của mình rằng ông đang làm việc một cách nghiêm túc. Trong khi các lực lượng của Nga tiếp tục đối mặt với những thất bại trên chiến trường Ukraine, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của Nga đang chịu áp lực phải “chứng tỏ kết quả, hoặc ít nhất là tỏ ra chủ động.”

Trong khi đó, cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak khẳng định rằng lệnh thiết quân luật của ông Putin “không thay đổi bất cứ điều gì đối với Ukraine” và cuộc chiến giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng sẽ tiếp tục.

Xuân Lan (theo Newsweek)

Bộ Ngoại giao Ukraina nêu mục đích của cái gọi là ‘thiết quân luật’ của Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: TASS)

Ngày 19 tháng 10, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với Hội đồng An ninh, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, ông đã ký sắc lệnh về áp dụng thiết quân luật tại 4 khu vực của Ukraina mới sáp nhập vào Nga, gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia.

Nhận định về động thái này, Bộ Ngoại giao Ukraina cho biết việc Nga áp đặt thiết quân luật tại các vùng lãnh thổ mới chiếm đóng của Ukraina nhằm trấn áp sự phản kháng của người dân địa phương.

Tuyên bố của Bộ này có đoạn: “Việc Liên bang Nga tuyên bố cái gọi là ‘thiết quân luật’ là nhằm mục đích trấn áp sự phản kháng của cư dân Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson, những người phản đối sự chiếm đóng của Nga. Ngay cả những tuyên truyền rầm rộ của Nga cũng không thể che đậy thất bại của những nỗ lực của Nga trong việc thôn tính các vùng lãnh thổ Ukraina.”

Bộ Ngoại giao Ukraina nhấn mạnh “sắc lệnh của Putin vô hiệu. Nó không có hiệu lực pháp lý đối với Ukraina và công dân của chúng tôi, cũng như đối với cộng đồng quốc tế. Thay vào đó, bước đi này chỉ là một ví dụ khác về tội ác của giới lãnh đạo Nga đối với nhà nước Ukraina và người dân Ukraina.”

Bộ này cũng kêu gọi phương Tây cung cấp cho Ukraina các hệ thống phòng không và chống hoả tiễn hiện đại càng sớm càng tốt.

Trần Phong

Truyền thông Nga phàn nàn 40% chip mua của Trung Quốc bị lỗi, trước cuộc chiến tỷ lệ này chỉ là 2%

Tỷ lệ hỏng hóc của chip vận chuyển từ Trung Quốc sang Nga đã tăng 1.900% trong những tháng gần đây.

Truyền thông Nga đăng tải thông tin rằng tỷ lệ hỏng hóc của chip do Nga mua từ Trung Quốc lên tới 40%, cao hơn nhiều so với mức 2% trước chiến tranh Nga-Ukraine, khiến các nhà sản xuất sản phẩm điện tử của Nga phải đau đầu.

Tờ Register dẫn lời hãng truyền thông Nga Kommersant cho biết, trước khi Nga xâm lược Ukraine, tỷ lệ hỏng hóc của chip xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga là 2%, nhưng hiện đã lên tới 40%. Điều này có nghĩa là tỷ lệ hỏng hóc của chip vận chuyển từ Trung Quốc sang Nga đã tăng 1.900% trong những tháng gần đây.

Ngay cả tỷ lệ hỏng hóc 2% cũng là cao hơn so với tỷ lệ lý tưởng đối với thiết bị hiện đại đòi hỏi nhiều chip khác nhau, và quan trọng không kém đối với thiết bị quân sự, chứ chưa nói đến 40%, có nghĩa là về cơ bản khi Nga muốn sản xuất bất cứ sản phầm gì cần chip, trước tiên phải lãng phí rất nhiều thời gian và công sức để thử nghiệm nếu dùng chip Trung Quốc, vốn đang là lựa chọn gần như duy nhất của Nga lúc này vì các lệnh cấm vận.

Báo cáo chỉ ra rằng các nhà sản xuất sản phẩm điện tử của Nga đang gặp rất nhiều khó khăn và chuỗi cung ứng ở Nga đang bị tắc nghẽn.

Báo cáo cho rằng tình hình này là do các lệnh trừng phạt kinh tế của các nước châu u và Mỹ áp đặt lên Nga, buộc nhiều công ty lớn phải rút khỏi Nga, khiến các nhà kinh doanh vùng xám và các nhà khai thác cơ hội khác không mấy sẵn sàng giao dịch với các công ty Nga. Có thể những người này đang bán phá giá những sản phẩm không sử dụng được cho những người mua Nga, những người mà họ cũng biết rằng họ không thể dễ dàng có được sản phẩm thay thế.

Register chỉ ra rằng nếu 40% số chip mà Nga nhận được từ Trung Quốc thực sự tồi tệ, nó sẽ đưa Trung Quốc và Nga vào tình thế không mấy tốt đẹp. Ngoài ra , tỷ lệ hỏng hóc cao như vậy là không thể hiểu được , vì các nhà chức trách ở Bắc Kinh thường tuyên bố chống tham nhũng, hiện đại hóa nền kinh tế và chỉ tập trung vào phát triển chất lượng sản phẩm hàng đầu thế giới.

Trần Phong

Indonesia ghi nhận gần 100 trẻ em tử vong do tổn thương thận cấp tính

Ngày 19/10 vừa qua, Bộ Y tế Indonesia thông báo đã ghi nhận gần 100 trường hợp trẻ em tử vong do tổn thương thận cấp tính tại nước này. Nguyên nhân được cho là có thể liên quan đến việc sử dụng các loại siro chứa paracetamol để điều trị hạ sốt được nhập khẩu từ Ấn Độ, theo hãng tin Reuters.

Người phát ngôn Bộ Y tế Muhammad Syahril cho biết tính đến hôm 18/10, nước này đã ghi nhận 206 ca tổn thương thận cấp tính, trong đó 99 trường hợp đã tử vong. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia Indonesia (BPOM) thông báo đang điều tra khả năng các thành phần diethylene glycol và ethylene glycol trong siro ho tạo ra độc tố trong các nguyên liệu khác được sử dụng làm dung môi trong loại thuốc này.

Bộ trên đã yêu cầu các bệnh viện và cơ sở y tế trong nước thu hồi số thuốc đã được dùng bị cho là nguyên nhân gây ra các ca tử vong để xét nghiệm độc tố, đồng thời ngừng bán loại thuốc siro trị ho chứa paracetamol này đến khi nhận được thông báo mới.

Bộ Y tế Indonesia đã liên hệ với các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phối hợp với Hiệp hội Nhi khoa Indonesia (IDAI) và một bệnh viện ở thủ đô Jakarta để thành lập nhóm công tác điều tra vụ việc từ hôm 12/10.

Từ tháng 7 vừa qua, các bác sĩ tại Gambia đã phát hiện một số trẻ em có các triệu chứng suy thận sau khi sử dụng một loại siro có thành phần paracetamol được bán tại thị trường trong nước để hạ sốt. Hồi tháng trước, giới chức trách Gambia bắt đầu mở cuộc điều tra về vụ việc và xác định tổn thương thận là nguyên nhân dẫn đến 69 trẻ em tử vong. Nhà chức trách đã chỉ thị tạm dừng kinh doanh tất cả các nhãn hiệu siro trị ho chứa paracetamol và thu hồi những sản phẩm này tại các gia đình và hiệu thuốc.

Ngày 15/10 vừa qua, Indonesia đã cấm sử dụng các thành phần trong siro ho được cho là liên quan 70 trường hợp trẻ em tử vong ở Gambia.

Trước đó, WHO đã thông báo 4 sản phẩm siro trị ho và cảm lạnh của công ty dược phẩm Maiden của Ấn Độ gồm Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup chứa một lượng lớn diethylene glycol và ethylene glycol. Các chất này có thể khiến người dùng gặp phải các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu,… thậm chí dẫn tới tử vong.

Phan Anh

Related posts