Tổ chức nhân quyền Mỹ “Freedom House” (Ngôi nhà Tự do) vừa công bố báo cáo xếp hạng tự do Internet hàng năm vào ngày 18/10. Đây là năm thứ 8 liên tiếp Trung Quốc là quốc gia có tình hình tự do Internet tồi tệ nhất thế giới trong số 70 quốc gia được khảo sát.
“Trong 8 năm liên tiếp, Trung Quốc vẫn là môi trường tồi tệ nhất trên thế giới về tự do Internet”, Freedom House cho biết trong báo cáo mới nhất được công bố vào ngày 18/10.
Trong số 70 quốc gia được khảo sát, báo cáo mô tả Internet của Trung Quốc là “nơi bị kiểm duyệt gắt gao nhất trên thế giới”. Tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington nhận thấy rằng, thông tin về Thế vận hội Bắc Kinh 2022 và đại dịch COVID-19 đã bị hạn chế rất nhiều.
Hơn nữa, cơ quan giám sát cho biết chính quyền Trung Quốc trao quyền cho ngành công nghệ thông qua các quy định và luật lệ. Theo báo cáo, các nhà chức trách đã soạn thảo các quy tắc để trừng phạt các công ty giúp người dùng Internet vượt tường lửa.
Sau khi kiểm soát thành công luồng thông tin trong nước, Trung Quốc và Nga đang tập trung hướng ra bên ngoài, thúc đẩy một mô hình đàn áp Internet với sự kiểm soát của nhà nước. Các nhà nghiên cứu từ Freedom House cảnh báo rằng, Bắc Kinh và Moscow đã dẫn đầu những nỗ lực nhằm định hình lại các tiêu chuẩn và quy tắc Internet bằng cách phát huy vai trò của họ trong các cơ quan quốc tế.
“Các cường quốc độc tài như Trung Quốc và Nga đã xâm nhập vào các diễn đàn quốc tế. Điều này đặc biệt chính xác tại một cơ quan của Liên Hợp quốc, được gọi là Liên minh Viễn thông Quốc tế (International Telecommunication Union – ITU). Những người theo chủ nghĩa độc tài đang cố gắng biến cơ quan này thành một cơ quan quản lý Internet toàn cầu nhằm thúc đẩy lợi ích của riêng mình”, bà Allie Funk, giám đốc nghiên cứu về công nghệ và dân chủ tại Freedom House cho hay.
Kiểm duyệt gắt gao trong nước
Bằng cách khảo sát những phát triển về nhân quyền trực tuyến trong khoảng thời gian từ tháng 6/2021 đến tháng 5/2022, các nhà nghiên cứu của Freedom House nhận thấy rằng Bắc Kinh đã tăng cường thắt chặt kiểm duyệt Internet.
Ví dụ, nội dung liên quan đến nữ quyền bị kiểm duyệt gắt gao là trường hợp động viên quần vợt Bành Soái (Peng Shuai).
Hôm 2/11, ông Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc, đã bị ngôi sao quần vợt Bành Soái (Peng Shuai) đã cáo buộc tấn công tình dục. Theo đó, vào tối 2/11, ngôi sao quần vợt Bành Soái đăng một bài viết dài trên Weibo tố cáo việc cô bị ép quan hệ tình dục với ông Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), 75 tuổi, cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc. Bài đăng bị xóa sau 20 phút, tài khoản Weibo của Bành cũng bị chặn.
The New York Times đưa tin, tên của cô và từ “quần vợt” trở thành những từ nhạy cảm không thể tìm kiếm được trên mạng xã hội nước này. Điều này phản ánh rằng ở Trung Quốc, bất kỳ cuộc thảo luận nào về hành vi bất chính của các nhà lãnh đạo đảng đều cực kỳ nhạy cảm.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng đã phát động một chiến dịch tích cực trấn áp thông tin về đại dịch COVID-19, đặc biệt là khi người dân Thượng Hải chia sẻ tình cảnh khó khăn khi bị phong tỏa nghiêm ngặt trong hai tháng.
Việc phong tỏa kéo dài của thành phố Thượng Hải đã gây ra tình trạng thiếu lương thực và nhu yếu phẩm hàng ngày. Những bệnh nhân không bị nhiễm COVID-19 phải vật lộn mới có được thuốc men hoặc dịch vụ y tế khẩn cấp. Cư dân, bao gồm cả người già và trẻ em, đã bị tách khỏi gia đình và được đưa đến các cơ sở cách ly. Nhiều cư dân đã lên Weibo để cầu xin sự giúp đỡ, trong khi những người khác bày tỏ sự tức giận và thất vọng trên mạng Internet bị kiểm duyệt gắt gao. Tuy nhiên, rất nhiều bài đăng đã bị các nhà kiểm duyệt của Trung Quốc gỡ xuống, Freedom House cho biết.
Cư dân Trung Quốc chia sẻ thông tin về đại dịch COVID-19 có thể phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc. Báo cáo trích dẫn ví dụ về cô Xu Na.
Họa sĩ Trung Quốc Xu Na đã bị giam giữ sau khi chia sẻ thông tin và hình ảnh với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times trong thời gian đầu bùng phát đại dịch COVID-19 ở Bắc Kinh. Vào tháng Giêng, cô Xu đã bị kết án tám năm tù chỉ vì đức tin của cô vào Pháp Luân Công. Chỉ vì niềm tin tâm linh của mình, cô đã bị tống giam hết lần này đến lần khác trong suốt hơn 20 năm. Người bạn đời của cô cũng đã chết trong khi bị nhốt và bị tra tấn trong nhà tù của ĐCSTQ.
Định hình lại Internet toàn cầu
Freedom House cảnh báo rằng các cường quốc độc tài như Trung Quốc, từ lâu đã tìm cách thay thế mô hình quản trị Internet toàn cầu hiện tại bằng “mô hình thúc đẩy chủ quyền không gian mạng hoặc sự kiểm soát lớn hơn của các quốc gia”.
Báo cáo nhấn mạnh rằng, Trung Quốc đã vượt qua ITU, một cơ quan của Liên Hợp quốc chịu trách nhiệm phát triển và xác định các tiêu chuẩn toàn cầu cho các công nghệ mới. Kể từ năm 2014, ITU được lãnh đạo bởi Zhao Houlin, một kỹ sư viễn thông người Trung Quốc.
Với tư cách là tổng Thư ký của ITU, ông Zhao kêu gọi “thay đổi quyền kiểm soát việc thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật khỏi các cơ quan đa phương, nơi xã hội dân sự và các chuyên gia phi chính phủ khác có nhiều sức ảnh hưởng. Đặc biệt, đối với ITU thì chỉ có chính phủ mới có đầu vào”, theo báo cáo.
Trong nhiệm kỳ của ông Zhao, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, China Mobile, China Unicom và Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã cùng nhau đề xuất một bộ tiêu chuẩn mới gọi là “New IP” (tạm dịch: giao thức Internet mới) vào năm 2019. Theo đó, kế hoạch này hướng tới “thay đổi khả năng tương tác của cơ sở hạ tầng Internet toàn cầu bằng cách thiết kế lại các giao thức chung, tạo điều kiện cho nhà nước tăng quyền kiểm soát đối với các mạng viễn thông trong nước”. Sáng kiến này sau đó đã bị bác bỏ.
Trong khi đó, ĐCSTQ đã biến Hội nghị Internet Thế giới hàng năm của mình thành một tổ chức thường trực vào tháng 7/2022. Theo báo cáo, cơ quan này được thiết kế để “phục vụ như một cộng đồng toàn cầu ‘được chia sẻ’ sẽ xác định các tiêu chuẩn kỹ thuật và quản trị”. Thông qua tổ chức, ĐCSTQ có thể “thúc đẩy và khuyến khích các chính phủ khác áp dụng mô hình kiểm soát kỹ thuật số độc tài của mình”.
Freedom House cho biết: “Ở trong nước và trên trường quốc tế, các nhà độc tài đang thực hiện một chiến dịch nhằm chia mạng Internet thành một loạt các khu vực đàn áp. Ngày càng có nhiều chính phủ đang kiểm soát các nội dung mà người dùng có thể truy cập và chia sẻ trực tuyến bằng cách chặn các trang web nước ngoài, tích trữ dữ liệu cá nhân và tập trung hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật của quốc gia”.
“Kết quả tất yếu của những xu hướng này là tự do Internet toàn cầu đã sụt giảm trong năm thứ 12 liên tiếp”.
Lam Giang
Theo The Epoch Times