Tin thế giới sáng thứ Bảy: Alibaba Trung Quốc bốc hơi hơn 600 tỷ USD trong 2 năm

Người Iran ở Crimea giúp Nga dùng máy bay không người lái tấn công Ukraine

Máy bay không người lái của Iran.

Washington ngày 20/10 nói họ tin rằng nhân sự trong quân đội Iran đã được triển khai ở Crimea để hỗ trợ lực lượng Nga sử dụng máy bay không người lái do Iran sản xuất để tấn công Ukraine, trong lúc phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran.

Các máy bay không người lái đã được sử dụng để phá hủy các nhà máy điện Ukraine và các cơ sở tiện ích khác trong các cuộc không kích có vẻ như được thiết kế để gây rối loạn và mất tinh thần khi mùa đông đến gần. Người dân Ukraine bắt đầu chịu cảnh cúp điện từ ngày 20/10 khi nhà chức trách tìm cách bắt đầu sửa chữa những hư hại do Nga gây ra.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price phát biểu trong một cuộc họp báo rằng: “Các quân nhân Nga tại Crimea đã điều khiển các máy bay không người lái của Iran và sử dụng chúng để thực hiện các cuộc tấn công động năng trên khắp Ukraine, bao gồm cả các cuộc không kích nhắm vào Kyiv.”

“Chúng tôi đánh giá rằng … các quân nhân Iran đã có mặt tại Crimea và hỗ trợ Nga trong các hoạt động này.”

Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nga không hồi đáp yêu cầu bình luận. Tehran đã phủ nhận các máy bay không người lái mà Nga sử dụng tại Ukraine không phải do Iran sản xuất.

EU nói các thành viên Liên hiệp châu Âu đã nhất trí về các biện pháp mới chống lại Iran về việc cung cấp máy bay không người lái cho Nga và Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhân vật quân sự cấp cao và một công ty mà họ cho biết có liên quan đến việc cung cấp máy bay không người lái của Iran cho Moscow.

“Sự ủng hộ của Iran đối với cuộc chiến tàn bạo và bất hợp pháp của Putin chống lại Ukraine là đáng trách”, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết trong một tuyên bố.

Một phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc nói Washington đang xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran về các máy bay không người lái và cứu xét các giải pháp phòng không cho Ukraine.

Mt đin

Người dân trên khắp Ukraine được khuyến khích sử bớt dùng điện trong lúc chính phủ thực thi các quy định hạn chế dùng điện trên toàn quốc trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 11 giờ tối.

Những hạn chế đầu tiên kiểu này kể từ cuộc xâm lược ngày 24/2 của Nga bao gồm cúp điện ở một số khu vực. Việc này diễn ra sau một loạt các cuộc tấn công của Nga mà Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết đã tấn công một phần ba tổng số nhà máy điện của Ukraine.

Khu vực phía đông bắc của Sumy không có nước trong lúc một số cửa hàng tạp hóa ở Kyiv báo cáo doanh số bán nước đóng chai tăng lên để chuẩn bị cho tình trạng thiếu nước có thể xảy ra ở đó.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố họ một lần nữa nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, một chiến lược mà họ đang đẩy mạnh.

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko nói với kênh truyền hình quốc gia rằng Nga đã thực hiện hơn 300 cuộc không kích vào các cơ sở năng lượng của Ukraine kể từ ngày 10 tháng 10. Hậu quả là, theo lời ông, chính phủ Ukraine đang tìm cách giảm 20% việc sử dụng năng lượng.

Tổng thống Ukraine ngày 19/10 cho biết các vấn đề về điện sẽ phải mất một thời gian mới giải quyết xong.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

Hoa Kỳ truy tố 7 người bị cáo buộc cưỡng ép cư dân Mỹ gốc Hoa về Trung Quốc

Ngày 20/10, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo, 7 cá nhân (bao gồm hai cư dân ở New York) đã bị truy tố liên quan đến âm mưu của chính quyền cộng sản Trung Quốc trong việc cưỡng ép một nhà bất đồng chính kiến gốc Hoa ở Hoa Kỳ quay trở về Trung Quốc.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, ông An Quanzhong, 55 tuổi, và con gái của ông, cô An Guangyang, 34 tuổi, ở Roslyn, New York, đã bị bắt vào sáng ngày 20/10 và sẽ ra trình diện trước Tòa án Quận Đông của New York cho phiên điều trần luận tội vào buổi chiều. Năm bị cáo còn lại phần lớn hiện ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc.

Sáu bị cáo bị buộc tội âm mưu hoạt động như những nhân viên đặc vụ bất hợp pháp của Trung Quốc.

Theo một cáo trạng hôm 20/10, nhóm này bị cáo buộc đã làm việc theo chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để ép buộc bất hợp pháp một công dân Trung Quốc sống ở Hoa Kỳ trở về Trung Quốc.

Bị cáo chính là ông An Quanzhong đã hành động theo lệnh của các quan chức ĐCSTQ trong việc tiến hành giám sát công dân Trung Quốc này, tham gia vào chiến dịch quấy rối và cưỡng ép người này trở về Trung Quốc. Đây là một phần trong kế hoạch bất hợp pháp của ĐCSTQ với tên gọi “Chiến dịch Săn Cáo.”

Trong một thông báo, ông Breon Peace, Chưởng lý Mỹ tại Quận Đông của New York nhấn mạnh: “Như bị cáo buộc, các bị cáo thay mặt cho chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tham gia vào một hành động thực thi pháp luật đơn phương và không phối hợp trên đất Hoa Kỳ, nhằm nỗ lực buộc một cư dân Hoa Kỳ hồi hương về Trung Quốc.”

“Hoa Kỳ sẽ kiên quyết chống lại những hành động vi phạm chủ quyền quốc gia thái quá như vậy, đồng thời truy tố các cá nhân hoạt động như các đặc vụ bất hợp pháp của các quốc gia nước ngoài.”

Chiến dịch Săn Cáo là một kế hoạch quy mô lớn của ĐCSTQ nhằm phát hiện nơi ở và hồi hương những người bị cáo buộc đào tẩu và những người bất đồng chính kiến đã rời Trung Quốc Đại lục. Chính quyền Trung Quốc thường xuyên sử dụng các biện pháp phi pháp, bao gồm sách nhiễu và giam giữ các thành viên trong gia đình của họ, nhằm cưỡng ép những người này trở về Trung Quốc, nơi họ phải đối mặt với sự trừng phạt.

Các hành động của ĐCSTQ được thực hiện một cách đơn phương, thường là bất hợp pháp, và không có bất kỳ sự liên lạc hoặc hỗ trợ nào từ chính phủ Mỹ.

Một đại diện FBI tham gia vụ án cho biết, các mục tiêu gần đây nhất của kế hoạch này là những người đã chạy trốn trước sự đàn áp của chính quyền cộng sản Trung Quốc.

Trong một thông báo, ông Michael Driscoll,Trợ lý Giám đốc phụ trách của FBI, cho hay: “Các nạn nhân trong vụ án này đã tìm cách chạy trốn khỏi một chính phủ độc tài, bỏ lại phía sau cuộc sống và gia đình của họ, để có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở đây [Hoa Kỳ].”

“Chính chính phủ đó đã cử các nhân viên đặc vụ đến Hoa Kỳ để quấy rối, đe dọa và cưỡng ép họ quay về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chúng tôi cáo buộc những hành động này là bất hợp pháp, và FBI sẽ không cho phép các đối thủ vi phạm luật pháp được thiết kế để bảo vệ quốc gia và sự tự do của chúng ta.”

Bản cáo trạng cáo buộc, những nỗ lực này của ĐCSTQ đã được thực hiện ít nhất là từ năm 2017 và vào đầu những năm 2020, ĐCSTQ đã đi xa đến mức khi đưa một người thân của các nạn nhân đến Hoa Kỳ để đích thân truyền đạt những lời đe dọa của chính quyền Trung Quốc.

Các công tố viên tiết lộ, năm 2018, hai trong số các bị cáo đã từ Trung Quốc đến Thành phố New York để theo dõi nạn nhân này. Bộ Tư pháp Mỹ cho hay, Đoạn phim Giám sát đã ghi lại cảnh họ nhìn qua cửa sổ, kiểm tra thư từ, và cố gắng đột nhập vào nhà của nạn nhân.

Theo cáo trạng, ông An Quanzhong bị cáo buộc đã đe các nạn nhân rằng ĐCSTQ sẽ “tiếp tục quấy rầy họ [và] khiến cuộc sống hàng ngày của họ trở nên khó chịu”, đồng thời cảnh báo rằng “chắc chắn là tất cả người thân của họ sẽ bị ảnh hưởng.”

Ngoài ra, ông An Quanzhong cũng tiến hành các vụ kiện nhỏ mọn đối với nạn nhân này ở New York như một phần trong nỗ lực của ĐCSTQ nhằm khiến cuộc sống của nạn nhân này đủ khốn khổ để phải quay về Trung Quốc. Cáo trạng còn lưu ý, trong một cuộc trò chuyện được ghi âm lại, ông An Quanzhong đã nói rõ ràng với nạn nhân rằng các vụ kiện là nhỏ mọn và ĐCSTQ có thể chi một tỷ đô la để sách nhiễu họ phải quay về Trung Quốc.

Cáo trạng cũng cáo buộc ông An Quanzhong và cô An Giangyang, đã tham gia vào một kế hoạch rửa tiền. Theo các công tố viên, kế hoạch này đã sử dụng một khách sạn ở quận Queens, New York, để rửa hàng triệu đô la tiền tài trợ của Trung Quốc đưa vào Hoa Kỳ nhằm tài trợ cho các hoạt động bất hợp pháp của ĐCSTQ, đồng thời che giấu nguồn gốc thực sự của số tiền này. Cả hai bị cáo cũng bị buộc tội âm mưu rửa tiền.

Tội danh hoạt động như đặc vụ của ĐCSTQ phải chịu mức án tối đa 10 năm tù, tội danh âm mưu rửa tiền có mức án tối đa 20 năm tù. Các tội danh còn lại, bao gồm âm mưu theo dõi và giám sát người khác một cách bất hợp pháp liên tiểu bang và quốc tế, chịu mức án tối đa 5 năm tù.

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Alibaba Trung Quốc bốc hơi hơn 600 tỷ USD giá trị thị trường trong 2 năm

Bên ngoài tòa nhà văn phòng Alibaba Group tại Thâm Quyến, Trung Quốc. (Ảnh: hxdbzxy / Shutterstock)

Chỉ qua 2 năm, tập đoàn Alibaba khổng lồ của Trung Quốc đã bốc hơi 5000 tỷ HKD (637 tỷ USD) giá trị thị trường và bị cản trở bởi vô số tin tiêu cực.

Ngày 19/10, cổ phiếu Hồng Kông của Alibaba đóng cửa ở mức 72,70 HKD (khoảng 9 USD), giảm 4,34%. Trước đó ngày 17/10 giá cổ phiếu của Alibaba đã giảm xuống mức thấp nhất với 70,90 HKD là mức thấp kỷ lục kể từ khi công ty này niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông vào năm 2019.

Bắt đầu từ cuối tháng 10/2020, giá cổ phiếu của Alibaba đi vào xu hướng giảm, đến nay giá cổ phiếu đã giảm từ mức cao nhất trong lịch sử là 309 HKD xuống mức thấp nhất trong lịch sử là 70,90 HKD. Như vậy chỉ trong 2 năm, giá cổ phiếu Alibaba đã giảm 77%, theo đó giá trị thị trường bốc hơi 5000 tỷ HKD.

Trong quý 3/2022, bảng xếp hạng giá trị thị trường của các doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy Kweichow Moutai (Mao Đài – Quý Châu) với tổng giá trị thị trường là 2.350 tỷ RMB đã vượt qua Tencent Holdings (2.310 tỷ), còn Alibaba đứng thứ 3 với giá trị thị trường là 1.490 tỷ RMB.

Ông Jack Ma, người sáng lập Alibaba, từng là người giàu nhất Trung Quốc do giá cổ phiếu tăng cao vào năm 2020, nhưng hiện ông đã rớt khỏi top 50 trong danh sách người giàu của Forbes. Theo dữ liệu xếp hạng thời gian thực của Forbes thì ông Jack Ma đứng thứ 56 trong danh sách người giàu nhất thế giới với tài sản ròng 22,1 tỷ USD. Những nhân vật được chú ý khác trong giới công nghệ như Zhang Yiming (Trương Nhất Minh) đứng thứ 22 với khối tài sản 49,5 tỷ USD và Ma Huateng (Mã Hóa Đằng) xếp hạng 37 với khối tài sản 29,9 tỷ USD.

Chủ tịch Hsieh Chin-ho (Tạ Kim Hà) của WEALTH MAGAZINE tại Đài Loan đã đăng trên Facebook rằng giá cổ phiếu của hai công ty hàng đầu trên thị trường chứng khoán Hồng Kông là Tencent và Alibaba tính theo vốn hóa thị trường đã giảm đến mức “da đầu ai cũng tê dại”. Thị trường chứng khoán Hồng Kông vốn đã đi xuống kể từ năm 2018 thì nay đã trở lại như cách đây 25 năm khi chủ quyền của Hồng Kông được trao về Đại Lục.

Các nhà đầu tư thất vọng với Alibaba, cho rằng giá trị thị trường của họ không tốt bằng giá trị của một công ty bán rượu [chỉ Kweichow Moutai (Mao Đài – Quý Châu)]. Vậy điều gì đã xảy ra với Alibaba?

Theo báo cáo tài chính cho quý 2/2022 được công bố ngày 4/8 thì lợi nhuận ròng của Alibaba là 22,739 tỷ RMB, giảm 49,63% so với cùng kỳ năm trước đó.

Ngoài thua lỗ đầu tư, Alibaba còn bị ảnh hưởng bởi nhiều tin tức tiêu cực khác. Ví dụ công ty đã bị Cục Quản lý Nhà nước về Giám sát Thị trường Trung Quốc phạt 18,2 tỷ RMB, Alibaba Cloud bị Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin đình chỉ nền tảng chia sẻ thông tin bảo mật trong 6 tháng do “không báo cáo lỗ hổng”, ngoài ra còn vấn đề “vụ nữ nhân viên của Alibaba bị xâm hại” đã gây làn sóng công luận, vấn đề trốn thuế của một số người livestream trên Taobao, và tin tức về việc sa thải nhân viên quy mô lớn trong năm nay. Mặc dù ông Jack Ma đã từ chức quản lý, nhưng tung tích của ông vẫn khiến dư luận chú ý.

Tổ chức tư vấn kinh tế – tài chính Tianjun (Thiên Quân) của nhóm người Hoa sống ở bên ngoài Trung Quốc Đại Lục đã có bài “Hầm vàng nhỏ của phe đối lập chính trị trở thành mỏ vàng, Tập Cận Bình ngồi mát thu tiền không chùn tay”, qua đó chỉ ra rằng muốn làm kinh doanh yên ổn ở Trung Quốc thì không thể không “kết hôn” với chính trị. Như người sáng lập Tập đoàn Alibaba là Jack Ma đã nói tại Diễn đàn Davos năm 2015 “chỉ yêu chính phủ mà không kết hôn là không thể được”, cuối cùng Ant Group [liên kết của Alibaba] đã bị cáo buộc ảnh hưởng nghiêm trọng về chính trị, khiến Trung Nam Hải lo ngại, hệ quả bị nhà chức trách trở mặt hạ thủ không lưu tình.

Vào mùa thu năm 2020, Ant Group lần đầu tiên tiến hành quy trình IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) đã gây tiếng vang với mức định giá cao tới 2.100 tỷ RMB. Sau đó, vào đêm trước của đợt IPO ngày 5/11 thì tình hình thay đổi và đợt IPO đã kết thúc đột ngột. Một số tin tức rò rỉ chỉ ra lý do vì những mối quan hệ phức tạp khiến ông Tập Cận Bình lo sợ.

Ví dụ nguồn tin từ Lianhe Zaobao (Singapore) ngày 4/6 dẫn lời chuyên gia kinh tế Trung Quốc Li Daokui (Lý Đạo Quỳ) tham dự “Diễn đàn Đầu tư Ngân hàng Tư nhân UOB 2H 2022” thông qua kết nối video, đã nói về các vấn đề giám sát internet của Trung Quốc như đối với Ant Group. Khi ví dụ trường hợp Ant Group, chuyên gia này chỉ ra việc niêm yết của Ant Group bị đình chỉ vì liên quan nhiều quan chức, Ant Group đã gây nhiều ảnh hưởng chính trị, chẳng hạn như liên quan đến ứng viên cho chức bí thư ở một số thành phố, điều đó khiến lãnh đạo cao nhất lo ngại.

Văn Long, Vision Times

Bloomberg: Bắc Kinh họp khẩn đánh giá lệnh hạn chế của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn

Lệnh chế tài mới nhất của Chính phủ Mỹ về lĩnh vực chip và chất bán dẫn đã gây khốn khó cho Trung Quốc. Bloomberg đưa tin rằng chính quyền Bắc Kinh đã triệu tập họp khẩn các công ty chip để thảo luận biện pháp đối phó.

Ngày 20/10, Bloomberg đưa tin, trong tuần qua Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã tổ chức một loạt cuộc họp khẩn cấp với các công ty bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc, nhằm tìm cách đánh giá thiệt hại do lệnh hạn chế chip của Mỹ.

Nguồn tin cho hay Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã triệu tập các giám đốc điều hành của các công ty bao gồm Công ty Công nghệ Lưu trữ Trường Giang (Yangtze Memory Technology Corp, YMTC) và chuyên gia siêu máy tính Dawning Information Industry (Sugon) để họp kín. Nhiều người tham dự cho rằng trước mắt các hạn chế của Mỹ khiến lĩnh vực này của Trung Quốc “tê liệt”.

Ngày 20/10, Reuters cũng đã đưa ra yêu cầu bình luận, nhưng các bên liên quan phía Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức.

Ngày 16/10, trong báo cáo trước Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã nhắc lại sự cần thiết phải “giành chiến thắng trong trận chiến của các công nghệ cốt lõi quan trọng”.

Ông Tập nhấn mạnh mục tiêu tự lực tự cường về khoa học và công nghệ, ông đã 4 lần đề cập đến các từ liên quan trong toàn văn báo cáo, so sánh tại Đại hội 19 vào năm 2017 chỉ 1 lần nhắc vấn đề này. Ông đã đề cập đến từ “khoa học công nghệ” 40 lần trong báo cáo Đại hội 20, còn năm 2017 chỉ 17 lần.

Ông Tập Cận Bình không giải thích mục tiêu này trong báo cáo trước Đại hội 20 cũng như không đề cập đến các ngành cụ thể, nhưng giới quan sát bên ngoài cho rằng mục tiêu chủ yếu nhằm vào các hạn chế kỹ thuật của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực chất bán dẫn.

Nhiều chuyên gia cho rằng báo cáo Đại hội 20 của ông Tập có thể báo trước một cuộc đại tu về cách thức Bắc Kinh thúc đẩy ngành công nghệ, tăng chi tiêu do nhà nước lãnh đạo và các biện pháp can thiệp để đối phó với áp lực của Mỹ.

Nhà kinh tế trưởng Iris Pang của Tập đoàn dịch vụ tài chính đa quốc gia Hà Lan ING cho biết tuyên bố của ông Tập đề cập đến “nhu cầu cấp bách về tài năng và khả năng tự cung cấp để thúc đẩy tiến bộ công nghệ”. Pang nói: “Chúng tôi tin rằng điều này là để đáp lại ‘Đạo luật CHIPS’ của Mỹ. Chi tiêu nghiên cứu cho các công nghệ bán dẫn như vậy của Trung Quốc sẽ tăng lên. Thông thường sau các cuộc họp lớn như vậy thì nhà chức trách Trung Quốc sẽ công bố chính sách”.

Phan Anh

NATO tăng tốc viện trợ Ukraine trước cuộc giao chiến diễn ra vào mùa đông

Hỏa tiễn chống tăng Javelin của Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine (AP)

Các nước phương Tây đang tăng tốc viện trợ cho Ukraine, trong đó vận chuyển quần áo mùa đông, các loạt pháo mới cũng như hệ thống phòng thủ chống máy bay không người lái (UAV) tới Kyiv khi Ukraine và Nga chuẩn bị bước vào cuộc giao tranh kéo dài nhiều tháng trong bùn và băng tuyết, theo tờ Politico.

Cả hai bên đã chiến đấu để giành lợi thế trước khi tình trạng đóng băng bắt đầu. Trước đó, Ukraine đã tiến nhanh và có kỷ luật kể từ mùa hè, thực hiện các chiến dịch nhanh chóng chiếm lại hàng nghìn km2 lãnh thổ và hiện đang áp sát thành phố chiến lược Kherson ở miền nam. Đây là một khu vực sẽ chứng kiến ​​những cuộc giao tranh tàn khốc khi đạn pháo và nhiệt độ đóng băng trở thành kẻ thù đáng sợ nhất ở cả hai bên chiến tuyến.

Một quan chức phương Tây nói với các phóng viên bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels trong tuần trước: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đã chứng kiến một sự thay đổi thực sự trong ba tháng qua. Người Ukraine đang đi trước, và họ chắc chắn cảm thấy đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch mùa đông. Các gói viện trợ Ukraine sẽ được chuyển đến Kyiv [tập trung cho] mùa đông”.

Làm thế nào để viện trợ Ukraine trong mùa đông khắc nghiệt kéo dài là chủ đề thảo luận chính tại hội nghị Brussels (ngày 20-21/10), nơi các bộ trưởng quốc phòng và lãnh đạo quân đội từ 50 quốc gia ngồi với nhau để thảo luận về các bước tiếp theo liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Hôm 18/10 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã bay đến Washington trong một chuyến đi kéo dài một ngày không báo trước để gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và giới chức Nhà Trắng. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Anh cho biết cuộc chiến mùa đông sắp tới nằm trong chương trình nghị sự của hai vị Bộ trưởng.

Ngay cả với những thành tựu đáng kể mà quân đội Ukraine đã đạt được kể từ tháng 8 với việc giành lại quyền kiểm soát các vùng đất rộng lớn ở phía đông và phía nam, các đồng minh của Kyiv vẫn có ít cảm giác rằng cuộc xung đột sắp kết thúc.

Thay vào đó, nhiều quan chức NATO cho rằng chiến dịch bước vào một giai đoạn chậm hơn nhưng không kém phần khốc liệt, khi các lực lượng Nga tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo, tên lửa và máy bay không người lái để phá hủy cơ sở hạ tầng và gây kinh hoàng cho đối phương. Trong khi đó, Kyiv vừa phải nỗ lực đảm bảo nguồn điện và nhiệt sưởi trong mùa đông, vừa chống chịu những làn không kích.

Chiến đấu trong thời tiết mùa đông có thể đặc biệt khó khăn, nhưng việc Kyiv giữ vững được những vùng đất đóng băng trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần cũng có thể làm suy yếu ý chí chiến đấu của đối phương – một quan chức NATO ở Brussels nói với các phóng viên. “Nếu bạn đang chiến đấu trong những điều kiện đó, nếu xe tăng của bạn luôn mắc kẹt, binh sĩ liên tục bị lạnh và ướt, điều đó ảnh hưởng đến những gì chúng tôi gọi là nhuệ khí của một đội quân”.

Quân đội Ukraine cũng sẽ phải vật lộn trong những điều kiện tương tự, nhưng họ có động lực chiến đấu vì chính quê hương của bản thân họ, cũng như một dòng chảy vũ khí mới do phía các đối tác phương Tây cung cấp. Một số quốc gia NATO đã bắt đầu khẩn trương chuyển các thiết bị mùa đông tới Ukraine. Trong tháng này, Canada đã công bố số tiền viện trợ Ukraine trị giá 15 triệu (quyên góp quần áo mùa đông), bao gồm 500.000 chiếc áo parka, quần, ủng và găng tay được lấy từ kho dự trữ của quân đội cũng như mua từ các công ty trong nước.

Estonia cũng cung cấp số quần áo mùa đông đủ cho hai lữ đoàn. Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Hanno Pevkur, cho hay tại Brussels rằng “mỗi quốc gia NATO chỉ cần cung cấp thiết bị mùa đông cho một hoặc hai lữ đoàn là Ukraine sẽ được đảm bảo đủ quần áo ấm để vượt qua những tháng băng giá”.

Giờ đây, tín hiệu từ các thủ đô của NATO đều thể hiện nỗ lực viện trợ Ukraine vượt qua những tháng mùa đông băng giá sắp tới.

Phan Anh

Related posts