Toàn cảnh Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Manchester, Anh, hôm 19/10/2022. (Ảnh: Christopher Furlong/Getty Images)
Việc lãnh sự quán Trung Quốc ở Anh bị cáo buộc đánh đập một cư dân Hong Kong hôm 16/10 đã khiến cộng đồng quốc tế lên án. Hôm 19/10, cư dân Hong Kong có liên quan đến vụ việc đã đưa ra tuyên bố đầu tiên trước công chúng, nói rằng anh bị một số người đàn ông kéo vào lãnh sự quán Trung Quốc và đánh đập đến mức phải nhập viện.
Vào ngày 16/10, ngày diễn ra đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người dân Hong Kong ở Anh đã tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manchester để phản đối ĐCSTQ và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.
Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, một người đàn ông đội mũ đen và cột tóc đuôi ngựa bị kéo vào sân lãnh sự quán Trung Quốc ở Manchester, sau đó bị 5 người đàn ông đánh đập túi bụi trong lúc nạn nhân đang nằm trên mặt đất.
Những người biểu tình trưng bày các biểu ngữ có nội dung “Trời diệt ĐCSTQ” bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc tại Anh.
Theo báo cáo toàn diện của các phương tiện truyền thông, anh Bob Chan, một người đàn ông 30 tuổi đến từ Hong Kong, cũng chính là nạn nhân. Anh Chan cho biết tại một cuộc họp báo vào ngày 19/10 rằng, cuộc tấn công bắt đầu khi những người đàn ông đeo khẩu trang bước ra khỏi lãnh sự quán và giật biểu ngữ từ những người biểu tình ôn hòa.
Cuộc họp báo hôm 19/10 được tổ chức bởi một số nghị sĩ Anh. Anh Chan đến từ Hong Kong cho biết vụ việc đã khiến anh bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần.
Người biểu tình ôn hòa bị đánh đập trong sân Lãnh sự quán Trung Quốc tại Anh
Anh Chan mô tả lần đầu tiên bị tấn công bởi những người đàn ông đeo khẩu trang bên ngoài lãnh sự quán. Một số người còn cố gắng xé biểu ngữ của những người biểu tình.
“Sau đó, tôi thấy mình bị kéo vào trụ sở của lãnh sự quán ĐCSTQ. Tay tôi bám chặt vào cánh cổng và bị họ đấm đá túi bụi, nhưng tôi không thể giữ được lâu”, anh nói.
“Cuối cùng tôi bị kéo lê trên mặt đất của lãnh sự quán. Tôi cảm nhận được những cú đấm và đá từ một số người đàn ông. Những người biểu tình khác đã cố gắng đưa tôi thoát khỏi tình trạng này, nhưng vô ích”, anh Chan mô tả về tình huống này.
“Vụ tấn công chỉ dừng lại khi một sĩ quan mặc đồng phục Cảnh sát Greater Manchester kéo tôi ra ngoài cổng”, anh nói.
Phát biểu trong cuộc họp báo ở London, anh Chan bác bỏ tuyên bố của chính phủ Trung Quốc rằng anh không những vào tòa lãnh sự bất hợp pháp mà còn đe dọa an ninh của nơi này.
“Tôi xin nói rõ rằng: Tôi bị lôi vào tòa lãnh sự, tôi không cố ý bước vào lãnh sự quán của ĐCSTQ”, anh Chan nhấn mạnh.
Cảnh sát Greater Manchester cho biết, có tới 40 người biểu tình đã tập trung bên ngoài lãnh sự quán khi một nhóm người “bước ra khỏi tòa nhà và kéo một người đàn ông khác vào lãnh sự quán rồi tấn công”.
“Do lo ngại cho sự an toàn của người đàn ông đó nên các cảnh sát đã can thiệp và đưa nạn nhân ra khỏi lãnh sự quán”, một tuyên bố của cảnh sát cho biết.
‘Không bao giờ nghĩ điều này sẽ xảy ra trên đất Anh’
Anh Chan nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo rằng, anh bị bầm tím ở mắt, đầu, cổ và lưng. “Tôi bị sốc và bị thương bởi cuộc tấn công vô cớ này”, anh nói và bổ sung thêm rằng, anh lo sợ cho sự an toàn của bản thân và gia đình.
“Tôi rất sốc vì chưa bao giờ nghĩ chuyện như thế này lại xảy ra ở Anh. Tôi vẫn tin rằng Vương quốc Anh là nơi mà tự do ngôn luận và biểu tình là quyền cơ bản của con người. Bạo lực hay áp lực ngoại giao không bao giờ thay đổi được điều đó”, anh Chan nói.
Ngoại trưởng James Cleverly cho biết vào ngày 19/10 rằng, vụ việc là “không thể chấp nhận được và các cuộc biểu tình là hòa bình và hợp pháp. Họ đã ở trên đất Anh và những hành vi kiểu này không thể chấp nhận được”.
Cảnh sát thành phố cho biết, họ đang tiến hành điều tra và yêu cầu cung cấp thêm cảnh quay về vụ việc. Đồng thời, phía cảnh sát khẳng định không có vụ bắt giữ nào.
Ông James cho biết, Vương quốc Anh sẽ đưa ra quyết định sau khi cuộc điều tra của cảnh sát hoàn tất.
Một phát ngôn viên của lãnh sự quán Trung Quốc cho biết, những người biểu tình “đã treo một bức chân dung xúc phạm chủ tịch Trung Quốc ở lối vào cổng chính”. Bắc Kinh sau đó tuyên bố rằng, nhân viên lãnh sự quán đã bị quấy rối và những người biểu tình cố gắng bước vào lãnh sự quán.
Nghị sĩ Anh nêu tên 4 nhà ngoại giao Trung Quốc tham gia vụ hành hung
Cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith đã thúc giục chính phủ Anh trục xuất bất kỳ nhà ngoại giao Trung Quốc nào có liên quan đến vụ hành hung này.
Ông nói rằng đoạn video cho thấy tuyên bố của Tổng lãnh sự là “hoàn toàn vô nghĩa”.
Các video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy, một người đàn ông tóc trắng đeo khẩu trang y tế, được cho là Tổng lãnh sự Trung Quốc, Trịnh Hy Nguyên (Zheng Xiyuan). Ông đã dẫm đạp lên các biểu ngữ của người biểu tình và kéo tóc anh Chan từ bên ngoài lãnh sự quán.
Anh Chan đã chỉ trích phản ứng của chính phủ Anh đối với vụ việc là “không thỏa đáng”. Anh nói rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc liên quan đến vụ tấn công, bao gồm cả ông Trịnh Hy Nguyên, cần phải bị trục xuất ngay lập tức. Anh Chan cho biết, anh ủng hộ lời kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo, nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do Anh, ông Lord David Alton, đã lặp lại tuyên bố của mình tại Hạ viện Anh. Ông nói rằng, ba nhà ngoại giao Trung Quốc khác liên quan đến vụ tấn công cùng với ông Trịnh Hy Nguyên, nên bị trục xuất ngay lập tức.
Ông Lord Alton cho hay: “Tổng lãnh sự đã xuất hiện trong bức ảnh được chụp tại một ngôi chùa ở Liverpool một ngày trước khi sự việc này xảy ra. Bức ảnh cho thấy sự tương đồng đáng kể với người đàn ông được quay trong vụ tấn công. Có ba quan chức khác mà tôi đã nêu tên vào tối hôm qua”.
“Những người tham gia vào vụ hành hung gồm có: Tổng lãnh sự Trịnh Hy Nguyên (Zheng Xiyuan), Lãnh sự Cao Liên Giáp (Gao Lianjia), Cố vấn Trần Vỹ (Chen Wei) và Phó Tổng lãnh sự Phạm Ánh Kiệt (Fan Yingjie). Họ và tên của những người này đã được xác minh trên mạng xã hội”.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Anh ngày càng căng thẳng kể từ khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong. Anh đã chỉ trích không ngừng luật này, nói rằng luật này được sử dụng để trấn áp những người bất đồng chính kiến.
Vào năm 2021, Anh đã quyết định nới lỏng điều kiện xin nhập tịch cho những người có hộ chiếu hải ngoại Anh (gọi tắt là BNO). Hôm 29/1/2021, chính phủ Anh thông báo sẽ chính thức mở visa BNO cho người dân Hong Kong từ ngày 31/1/2021. Về việc này, Bắc Kinh tuyên bố những giấy tờ này không có giá trị ở Trung Quốc.
Những người Hong Kong có hộ chiếu BNO và người thân của họ đều có đủ điều kiện nộp đơn xin loại visa mới này. Những người có visa BNO sẽ được hưởng quyền cư trú, đi học và làm việc ở Anh, đồng thời có thể xin định cư sau 5 năm và xin nhập tịch công dân Anh sau 12 tháng kể từ khi được cấp phép định cư
.Huyền Anh
Theo The Epoch Times