Bộ Công an yêu cầu 2 tỉnh cung cấp tài liệu liên quan ‘chuyến bay giải cứu’
Bộ Công an yêu cầu chính quyền tỉnh Thanh Hoá và Quảng Nam thống kê, cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc thực hiện “chuyến bay giải cứu” đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch COVID-19.
Ngày 23/10, Bộ Công an Việt Nam có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa và Quảng Nam rà soát, kiểm tra và cung cấp thông tin, tài liệu đối với việc lựa chọn những khách sạn, resort là địa điểm cách ly đón công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về trên những chuyến bay tự trả phí cách ly; việc xin chủ trương cách ly và thực hiện những chuyến bay này.
Cụ thể, Bộ Công an yêu cầu chính quyền hai địa phương cung cấp tài liệu thể hiện quá trình giải quyết từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi ban hành quyết định lựa chọn địa điểm cách ly; danh sách những cá nhân tham gia quá trình xét duyệt hồ sơ của khách sạn, resort.
Đối với việc xin chủ trương cách ly
Bộ Công an yêu cầu chính quyền hai tỉnh thống kê, cung cấp toàn bộ hồ sơ doanh nghiệp đăng ký xin chủ trương cách ly để tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trên chuyến bay tự trả phí; những doanh nghiệp được cấp và không được cấp chủ trương cách ly, lý do không cấp chủ trương cách ly; những doanh nghiệp được cấp chủ trương cách ly nhưng không tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước.
Bộ Công an cũng yêu cầu thống kê và cung cấp toàn bộ hồ sơ doanh nghiệp nộp xin chủ trương cách ly để đưa chuyên gia, công nhân công ty từ nước ngoài về nước cách ly tại địa phương; cung cấp địa chỉ các cá nhân đăng ký sau khi kết thúc thời gian cách ly.
Đối với việc tổ chức chuyến bay đưa công dân về cách ly
Bộ Công an yêu cầu chính quyền hai tỉnh cung cấp hồ sơ của doanh nghiệp báo cáo xin tổ chức chuyến bay; việc giám sát, kiểm tra hoạt động cách ly tại khách sạn; những đơn vị nào tham gia; cung cấp danh sách đoàn giám sát, kiểm tra hoạt động cách ly và kết quả kèm theo;
Đồng thời cung cấp hồ sơ việc yêu cầu, giám sát cơ sở lưu trú công khai giá dịch vụ, cam kết, sao lưu, cung cấp báo cáo định kỳ hàng tháng và đột xuất (nếu có) về việc tiếp nhận, cách ly người nhập cảnh mà UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công an yêu cầu chính quyền hai tỉnh gửi công văn trả lời và tài liệu kèm theo có đóng dấu treo, giáp lai của UBND tỉnh gửi về cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an trước ngày 1/11.
Trần Duy
Hải Dương: Bắt tạm giam nhóm cựu công an viên đánh bạc qua mạng
Nhóm bị can là cựu công an viên ở Hải Dương tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua mạng với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hải Dương vừa phê chuẩn các quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với 4 bị can để điều tra về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc.
Trong đó:
- Vũ Trí Tuyền (33 tuổi) và Phạm Minh Tiến (31 tuổi, cùng ngụ phường Thanh Bình, TP. Hải Dương) bị cáo buộc “tổ chức đánh bạc”.
- Nguyễn Đình Tuấn (38 tuổi, ngụ phường Sao Đỏ, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương) và Vũ Tuấn Dũng (32 tuổi, ngụ phường Thanh Bình, TP. Hải Dương) bị cáo buộc “đánh bạc”.
Ba bị can: Tuyền, Tiến và Tuấn là cựu công an viên làm việc tại Trại giam Hoàng Tiến (TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
Theo cơ quan điều tra, đầu tháng 7/2022, Vũ Trí Tuyền quen biết một người tên P. đang quản lý tài khoản “Tổ chức đánh bạc” trên mạng Internet tại website “bong88.com”. Qua trao đổi, P. gạ Tuyền làm trung gian cung cấp tài khoản cá độ cho những ai có nhu cầu lấy tài khoản cá độ.
Sau khi thương thảo, P. đã cung cấp cho Tuyền 7 tài khoản thành viên. Sau đó, Tuyền giao lại các tài khoản này cho Tiến, Tuấn và một cán bộ thuộc Công an TP. Chí Linh để tham gia cá độ.
Ngoài ra, Tuyền còn lấy 2 tài khoản thành viên của P. để trực tiếp tham gia cá độ.
Cơ quan điều tra cho hay, nhóm bị can đã tổ chức đánh bạc và đánh bạc với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng.
Hiện, vụ án đang được Công an tỉnh Hải Dương tiếp tục điều tra mở rộng.
Huy Tuấn
Long An: Lừa là họ hàng của quan chức tỉnh, người đàn ông chiếm đoạt 10 tỷ đồng
Lợi dụng tâm lý “chạy” dự án của doanh nghiệp, người đàn ông 59 tuổi thuê người làm giả văn bản quyết định đầu tư của UBND tỉnh để lừa đảo, chiếm đoạt 10 tỷ đồng “phí dịch vụ”.
Chiều 21/10, Công an tỉnh Long An cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phạm Văn Đủ (SN 1963, trú tại ấp 1B, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) để điều tra về hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, công an cũng khởi tố ông Nguyễn Công Sơn (SN 1981, trú tại phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM) về hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo hồ sơ vụ án, giữa năm 2021, ông Đủ quen với giám đốc của một công ty có trụ sở ở phường 4, TP. Tân An, tỉnh Long An và nói rằng mình là họ hàng với nguyên lãnh đạo tỉnh Long An, có cháu làm việc tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An nên có khả năng xin đầu tư dự án cho các doanh nghiệp.
Ngày 26/7/2021, công ty này đã ký hợp đồng dịch vụ với ông Đủ về việc xin quyết định thực hiện dự án khu công nghiệp tại huyện Thủ Thừa, tỉnh An Giang, diện tích 1.370ha, vốn đầu tư trên 3.144 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, công ty này phải thanh toán phí dịch vụ 20 tỷ đồng cho ông Đủ khi UBND tỉnh có quyết định cho đầu tư.
Sau khi ký kết hợp đồng, ông Đủ móc nối và chi cho ông Sơn 2 triệu đồng để làm giả Quyết định số 2536/QĐ-UBND ngày 3/8/2022 của UBND tỉnh Long An về việc chấp thuận đầu tư cho công ty trên. Sau khi có quyết định giả này, ông Đủ đưa cho phía công ty trên và được ứng trước 10 tỷ đồng.
Tháng 8/2022, qua thông tin trên mạng Internet, UBND tỉnh Long An phát hiện có trường hợp đăng tải văn bản giả mạo quyết định của UBND tỉnh. Nội dung văn bản giả mạo ghi là Quyết định số 2536/QĐ-UBND ngày 3/8/2022 về chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thuận Thành Phát Land thực hiện dự án Khu Công nghiệp Thuận Thành Phát Land – Long An, diện tích khoảng 1.370ha tại xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Sau khi kiểm tra, UBND tỉnh Long An thông báo khẳng định quyết định nêu trên là văn bản giả mạo.
UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo Công an tỉnh kiểm tra, xử lý vụ việc. Qua điều tra, công an xác định ông Đủ là người làm giả văn bản của UBND tỉnh để lừa đảo nên bắt ông Đủ để điều tra.
Tại cơ quan công an, ông Đủ thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Khánh Vy
Giám đốc 2 công ty ‘ma’ mua bán hóa đơn khống với tổng giao dịch gần 100 tỷ đồng
Một người đàn ông ở Thanh Hóa đã lập 2 công ty “ma” để mua bán hoá đơn giá trị gia tăng (hóa đơn đỏ). Tổng số tiền lưu chuyển trong tài khoản của hai công ty này là gần 100 tỷ đồng.
Ngày 21/9, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Lê Bá Nga (SN 1976, trú phường Đông Thọ, TP. Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa) để điều tra về hành vi Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước quy định tại Điều 203 Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo kết quả điều tra ban đầu, ông Nga thành lập Công ty TNHH Thanh Bình TH (trụ sở tại xã Đông Lĩnh, TP. Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá) và Công ty NDS Thanh Hoá (trụ sở tại thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá). Trên thực tế, 2 công ty này không có hoạt động kinh doanh mà chỉ thực hiện việc bán hóa đơn, chứng từ khống để thu lợi bất chính.
Từ đầu năm 2020 đến tháng 8/2022, hai công ty nêu trên đã bán ra số lượng lớn hóa đơn. Ông Nga thu lời từ 5,5% đến 6% tổng giá trị hàng hoá ghi trên mỗi hóa đơn.
Qua sao kê giao dịch tài khoản ngân hàng của 2 công ty này, công an xác định tổng số tiền được lưu chuyển trong tài khoản là gần 100 tỷ đồng. Đây là số tiền hàng hóa được ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng (hợp thức hóa việc thanh toán hợp đồng mua bán hàng hóa) – là những hóa đơn được bán cho các công ty có nhu cầu mua hóa đơn đầu vào để kê khai báo cáo với cơ quan thuế nhằm giảm trừ số thuế phải nộp cho nhà nước.
Qua khám xét nơi ở của ông Nga, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến việc mua bán hóa đơn giá trị gia tăng của bị can.
Khánh Vy