Tin thế giới trưa thứ Hai: Ông Boris Johnson rút khỏi cuộc đua chức Thủ tướng Anh

Ông Boris Johnson rút khỏi cuộc đua chức Thủ tướng Anh

Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Lâu đài Elmau, miền nam nước Đức vào ngày 26/6/2022. (Ảnh: Markus Schreiber/ Pool/AFP/Getty Images)

Hôm Chủ nhật (23/10), ông Boris Johnson đột ngột rút khỏi cuộc đua trở thành lãnh đạo Đảng Bảo thủ với lý do là ông không thể đoàn kết nội bộ các đảng trong Quốc hội Anh.

Động thái này mở đường cho khả năng cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak trở thành thủ tướng tiếp theo của Vương Quốc Anh.

Ông Johnson đã gấp rút quay trở lại Anh sau kỳ nghỉ ở Caribe để tranh thủ sự ủng hộ của 100 nhà lập pháp cho cuộc bỏ phiếu thay thế bà Liz Truss.

Bà Truss từ chức vào ngày 20/10 và được cho là Thủ tướng có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử nước Anh. Chỉ trong 6 tuần trên cương vị Thủ tướng, các chính sách kinh tế theo chủ nghĩa tự do mà bà Truss theo đuổi gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính, buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp khẩn cấp.

Sau tuyên bố của bà Truss, đảng Bảo thủ Anh sẽ tiến hành cuộc bầu chọn tân thủ tướng Anh. Theo Ủy ban 1992 – cơ quan giám sát bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ, quá trình đề cử ứng viên bắt đầu từ ngày 20/10. Theo đó, mỗi ứng viên cần nhận được sự hậu thuẫn của ít nhất 100 nghị sĩ Bảo thủ. Đảng này có 357 nghị sĩ, do vậy chỉ có tối đa 3 ứng viên sẽ lọt vào vòng bỏ phiếu.

Ngày 24/10, các nghị sĩ Bảo thủ sẽ bỏ phiếu để lựa chọn ra 2 ứng viên có kết quả cao nhất. Ngày 28/10, đảng Bảo thủ sẽ tiến hành bỏ phiếu để chọn ra người giành chiến thắng chung cuộc.

Ông Johnson: ‘Không phải thời điểm thích hợp’

Ông Johnson cho hay, ông muốn tranh cử chức Thủ tướng Anh một lần nữa vì ông đã lãnh đạo đảng Bảo Thủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2019.

Ông Johnson cho biết, ông đã nhận được sự ủng hộ công khai của 57 nghị sĩ cho cuộc đua, nhưng yêu cầu của đảng Bảo thủ buộc phải có 100 nghị sĩ ủng hộ thì mới được tham gia cuộc tranh cử.

“Tôi tin rằng tôi đây đơn giản không phải thời điểm thích hợp. Bạn không thể lãnh đạo hiệu quả trừ khi bạn có một đảng thống nhất trong quốc hội”, ông Johnson nói, cho biết ông sẽ ủng hộ bất kỳ ứng viên nào giành chiến thắng trong cuộc đua giành ghế Thủ tướng Anh.

Cựu Thủ tướng nói thêm rằng, ông đã liên hệ với hai ứng cử viên khác – ông Sunak và bà Penny Mordaunt – nhưng không đạt được thỏa thuận về cách họ “hợp tác với nhau vì lợi ích quốc gia”.

Ông Boris Johnson ngày 7/7 tuyên bố từ chức Thủ tướng Anh, chấm dứt nhiệm kỳ gần 3 năm. Trong thời gian nắm quyền, ông Johnson đã trải qua nhiều bê bối và sóng gió, kết thúc bằng làn sóng từ chức của các bộ trưởng, thứ trưởng, những người tuyên bố “mất niềm tin” vào khả năng lãnh đạo của ông.

Cơ hội về tay ông Sunak

Sự rút lui của ông Johnson khiến cuộc tranh cử chức Thủ tướng Anh có khả năng là một cuộc chiến giữa Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak, hiện có 146 nghị sĩ đảng ủng hộ trong khi lãnh đạo Hạ viện Anh, bà Penny Mordaunt tụt lại phía sau với sự ủng hộ của 24 nghị sĩ.

Ông Rishi Sunak mới đây chính thức thông báo sẽ tranh cử để trở thành thủ tướng tiếp theo của nước này. Đây là lần thứ ha cựu Bộ trưởng Tài chính Anh tham gia cuộc đua vào vị trí cao nhất trong chính phủ Anh.

“Tôi muốn sửa chữa nền kinh tế của chúng ta, đoàn kết đảng của chúng ta và cống hiến cho đất nước chúng ta”, ông Sunak cho biết trên Twitter hôm 23/10.

Các chuyên gia nhận định rằng, Thủ tướng tiếp theo của nước Anh sẽ tiếp tục đối mặt với hàng loạt thách thức sau khi bà Truss từ chức, từ việc vực dậy nền kinh tế và tài chính hỗn loạn, giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát gia tăng, cũng như hàn gắn nội bộ đảng Bảo thủ trước sự chia rẽ và lấy lại niềm tin, sự tín nhiệm của dân chúng.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Ukraine đã nhận được hệ thống radar TRML-4D đầu tiên từ Đức

Hệ thống radar TRML-4D. (Ảnh: Wikipedia/CC BY-SA 3.0)

Theo tờ Defense Post, Ukraine đã nhận hệ thống radar TRML-4D đầu tiên từ Đức nhằm bổ sung cho hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T mới nhận gần đây.

Cụ thể, thông tin trên do công ty cung cấp radar Hensoldt đưa ra. Đây là hệ thống đầu tiên trong 4 hệ thống mà Đức cam kết giao cho Ukraine để sử dụng cùng 4 hệ thống IRIS-T. Công ty này có kế hoạch chuyển giao cả 4 hệ thống radar cho Ukraine trong thời gian kỷ lục, trong vòng vài tháng nữa.

Được biết, TRML-4D có khả năng phát hiện, theo dõi và phân loại nhiều loại mục tiêu trên không, chủ yếu là tên lửa hành trình và máy bay nhỏ, bay nhanh ở tầm thấp. Hệ thống có thể phát hiện và theo dõi nhanh chóng khoảng 1.500 mục tiêu trong bán kính lên đến 250 km. Đồng thời, độ cao phát hiện tối đa là 30 km.

Hôm 20/10 vừa qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo rằng nước này có kế hoạch đào tạo một lữ đoàn gồm 5.000 binh sĩ Ukraine trong khuôn khổ sứ mệnh huấn luyện EUMAM Ukraine của Liên minh châu Âu (EU).

Bên cạnh đó, hồi tuần trước, Đức đã cung cấp cho Lực lượng vũ trang Ukraine thêm 5 xe bọc thép dùng để thu hồi và sơ tán, hệ thống cầu, cũng như nhiều loại thiết bị và vật tư khác, trong đó có cả quần áo mùa đông.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho hay rằng quốc gia này sẽ chuyển giao xe bọc thép, xe đặt cầu có đường ray, lựu pháo, hệ thống tên lửa phóng loạt và hệ thống chống máy bay không người lái (UAV) cho Ukraine vào cuối năm nay.

Phan Anh

TT Biden: Thâm hụt liên bang vượt mốc 1,400 tỷ USD trong năm 2022

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Adam Schultz/Shutterstock)

Chính quyền Tổng thống (TT) Joe Biden vừa công bố dữ liệu ngân sách liên bang hôm thứ Sáu (21/10), trong đó cho thấy khoản nợ bổ sung trung bình gần 120 tỷ USD mỗi tháng và thâm hụt liên bang đứng đầu với 1.400 tỷ USD trong năm tài chính 2022, cao hơn gần 50% so với mức trước thời COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán).

Trong một bài phát biểu hôm thứ Sáu, Tổng thống Joe Biden đã “quảng cáo” về việc giảm thâm hụt so với năm trước, từ 2.800 tỷ USD trong năm tài chính 2021 còn 1.400 tỷ USD (2022). Điều này tương đương với khoản nợ bổ sung trung bình gần 120 tỷ USD mỗi tháng.

“Bởi vì chúng tôi đang đảm bảo các tập đoàn trả phần công bằng của họ, trấn áp các gian lận thuế tỷ phú và trao cho Medicare quyền đàm phán giá thuốc thấp hơn trong tương lai”, TT Biden nói.

Khoản nợ liên bang đến nay đã vượt qua 31.000 tỷ USD vào đầu tháng 10. Maya MacGuineas, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Liên bang có trách nhiệm, đã chỉ trích thông báo của TT Biden, và nói rằng điều này “không có gì để ăn mừng”.

Các nhà phê bình cũng chỉ ra rằng kế hoạch xoá nợ cho khoản vay sinh viên của Biden đã xóa bỏ nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách.

MacGuineas nói: “Toàn bộ sự sụt giảm thâm hụt từ năm 2021 đến năm 2022 có thể là do hết hạn cứu trợ COVID-19 tạm thời, không phải do trách nhiệm một thời kỳ tài khóa mới”.

“Trên thực tế, thâm hụt sẽ thấp hơn gần 400 tỷ USD nếu Chính quyền Biden không quyết định ban hành kế hoạch xóa nợ cho sinh viên một cách tốn kém và thụt lùi vào tháng 8/2022”.

MacGuineas nhấn mạnh rằng việc giảm thâm hụt xảy ra vì chi tiêu cao hơn nhiều vào năm trước, phần lớn nguồn tiền sử dụng thời COVID-19 bùng phát.

Thâm hụt trước thời COVID-19 trong năm tài chính 2019 khoảng dưới 1.000 tỷ USD.

MacGuineas và các nhà phê bình khác đã đổ lỗi cho lạm phát tăng vọt có dấu ấn của các dự luật chi tiêu lớn gần đây.

Bà MacGuineas nói: “Bất chấp những tuyên bố về ‘giảm thâm hụt lịch sử’, các nhà lập pháp và Tổng thống đã phê duyệt gần 5.000 tỷ USD khoản vay mới trong 2 năm qua”.

“Không có gì ngạc nhiên khi Cục Dự trữ Liên bang đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát lạm phát và các nhà hoạch định chính sách tài khóa tiếp tục khiến công việc của họ trở nên khó khăn hơn với việc vay mượn nhiều hơn”.

Nhất Tín, theo Justthenews

Hàn Quốc, Triều Tiên bắn cảnh cáo nhau gần biên giới trên biển

Rạng sáng 24/10, Triều Tiên và Hàn Quốc đã bắn cảnh báo nhau tại ngoài khơi bờ biển phía Tây, với việc bên này cáo buộc bên kia vi phạm biên giới hàng hải, Reuters đưa tin.

Tham mưu trưởng Liên quân Triều Tiên (JCS) cho biết họ đã phát đi cảnh báo và bắn cảnh cáo một tàu buôn của Triều Tiên vượt qua Đường giới hạn phía Bắc (NLL), ranh giới trên biển trên thực tế, vào khoảng 3:40 sáng thứ Hai.

Đáp trả lại, quân đội Triều Tiên cho biết họ đã bắn 10 phát đạn pháo vào 3:50 sáng thứ Hai sau khi một tàu hải quân Hàn Quốc vi phạm NLL với cớ truy tìm một con tàu không xác định, theo truyền thông nhà nước.

Phát ngôn viên của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên cho biết trong một tuyên bố của KCNA: “Chúng tôi đã ra lệnh thực thi các biện pháp đối phó ban đầu nhằm đánh đuổi quyết liệt tàu chiến của đối phương bằng cách bắn 10 quả đạn của nhiều bệ phóng tên lửa gần vùng biển nơi địch di chuyển.”

Được thành lập bởi Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc do Mỹ dẫn đầu vào cuối Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), NLL đóng vai trò là ranh giới biển trên thực tế giữa hai miền Triều Tiên. Bình Nhưỡng không công nhận NLL và hai bên đã có những cuộc giao tranh nhau đẫm máu ở đó vào các năm 1999, 2002 và 2009, theo Yonhap.

Trong khi đó, JCS cho biết họ đã tiến hành một “hoạt động bình thường” và gọi hành động của Triều Tiên là “hành động khiêu khích” và vi phạm hiệp ước quân sự song phương năm 2018, vốn cấm “các hành vi thù địch” ở khu vực biên giới.

JCS cho biết: “Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Triều Tiên ngừng ngay lập tức các hành động khiêu khích và cáo buộc gây tổn hại đến hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên cũng như cộng đồng quốc tế”, theo Reuters.

Sự việc hai miền Triều Tiên bắn cảnh cáo nhau diễn ra trong bối cảnh căng thẳng âm ỉ tiếp tục diễn ra trên bán đảo, với việc Triều Tiên tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí với tốc độ chưa từng có trong năm nay.

Trong những tuần gần đây, Triều Tiên đã nhiều lần phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn và hàng trăm đợt pháo ra ngoài khơi bờ biển phía đông và phía tây của nước này để phản đối các hoạt động quân sự của Hàn Quốc.

Quân đội Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận phòng thủ Hoguk hàng năm của họ vào tuần trước, đồng thời tăng cường kết hợp với Hoa Kỳ để chống lại các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Bình Nhưỡng đã phản ứng giận dữ về các cuộc tập trận, gọi đây là các hành động khiêu khích. Seoul và Washington nói rằng các cuộc tập trận của họ mang tính chất phòng thủ và nhằm răn đe Triều Tiên.

Lê Vy (theo Reuters)

Toàn bộ châu Âu gỡ bỏ hạn chế phòng dịch COVID-19

Tây Ban Nha là đất nước cuối cùng ở châu Âu chính thức gỡ bỏ các quy định hạn chế phòng dịch COVID-19, theo Euronews.

Theo đó, kể từ ngày 21/10, du khách nhập cảnh Tây Ban Nha bao gồm công dân Liên minh châu Âu (EU) và ngoài khối EU không cần phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng ngừa COVID-19. Các quy định hạn chế phòng dịch khác như xét nghiệm nhanh, điền thông tin tờ khai sức khỏe trước chuyến đi cũng được gỡ bỏ. Bên cạnh đó, quy định đeo khẩu trang tại nhà hàng, quán bar, bảo tàng, rạp chiếu phim… cũng không còn là điều bắt buộc.

Tuy nhiên, du khách vẫn được yêu cầu đeo khẩu trang khi đến các cơ sở y tế và khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Các quy tắc có thể khác nhau theo từng khu vực. Vậy nên, du khách được khuyến cáo nên tự tra cứu các yêu cầu theo vùng dự định đến để tránh các khoản phạt không đáng có.

Hồi tháng trước, Tây Ban Nha đã áp dụng các quy định nhập cảnh mới này đối với du khách đến từ EU hoặc khu vực Schengen. Nhiều người cho rằng phải đến tháng 11, nước này mới gỡ bỏ hoàn toàn các rào cản du lịch. Dẫu vậy, quốc gia này đã thực hiện sớm hơn dự kiến.

Được biết, một số điểm đến trên thế giới hiện vẫn còn áp dụng quy định phòng dịch COVID-19 với khách quốc tế. Mỹ yêu cầu du khách 18 tuổi trở lên phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm vắc-xin khi nhập cảnh. Nhật Bản cũng yêu cầu khách nhập cảnh phải có loại giấy tờ này (hoặc xuất trình giấy chứng nhận âm tính với COVID-19). Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa có động thái cho thấy nước này sẽ mở cửa du lịch trở lại.

Phan Anh

Related posts