Vụ nổ lớn tại nhà máy thuốc súng Nga khiến 3 người thiệt mạng
Một vụ nổ lớn đã làm ba người thiệt mạng tại một cơ sở chứa thuốc súng làm việc xuyên đêm để chế tạo bệ phóng tên lửa và hệ thống phòng không cho cuộc chiến ở Ukraine.
Theo Daily mail, ngày 23/10, nhà máy Thuốc súng Perm, nơi sản xuất vũ khí Grad và Smerch cho quân đội Nga, được cho là đã bốc cháy.
Đoạn video cho thấy một đám khói bốc lên ở phía xa, với một số nhân chứng khẳng định họ đã nhìn thấy vụ nổ vào thời điểm vụ việc xảy ra.
Hai trong số những người thiệt mạng được cho là đã bị thiêu sống trong khi nhiều người khác được cho là đã chết và có thể bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Nhà xưởng này cũng chế tạo động cơ cho tên lửa máy bay, hệ thống tăng áp cho tên lửa hành trình và các sản phẩm cho hệ thống phòng thủ tên lửa A-135.
Các báo cáo cho thấy đã có một vụ nổ và cháy vào khoảng 8 giờ tối thứ Bảy tại khu vực nhà máy. Vụ nổ xảy ra trong bối cảnh nghi ngờ có sự phá hoại liên quan đến một loạt vụ nổ tại các địa điểm trọng yếu của Nga trong thời kỳ chiến tranh.
Ủy ban Điều tra Nga – được coi là tương tự như FBI ở Nga – đang tiến hành một cuộc điều tra về vụ nổ hôm thứ Bảy.
Tháng trước, nhà máy sản xuất vũ khí Perm thông báo đã tuyển thêm 350 nhân viên để thúc đẩy nỗ lực chiến tranh của ông Putin. Nhân lực tăng thêm cho phép nhà máy có thể tổ chức làm việc ba ca trong 24 giờ một ngày để cung cấp vũ khí cho chiến tranh Ukraine.
Theo các báo cáo rằng Nga đã thiếu tên lửa để nhắm vào Ukraine.
Một vụ nổ trước đó tại cùng một nhà máy quốc phòng Perm xảy ra vào ngày 1 tháng Năm, khiến ba phụ nữ thiệt mạng.
Trần Phong
Tổng thống Zelenskyy: Nga không còn tiềm năng để ra lệnh cho thế giới
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy cho biết Nga bây giờ không còn tiềm năng có thể ra lệnh cho thế giới sau khi xua quân xâm lăng Ukraina.
Trong bài phát biểu qua video tối 24 tháng 10, ông nói: “Ukraina đang phá vỡ cái gọi là quân đội thứ hai trên thế giới. Và giờ đây Nga sẽ chỉ là nước thỉnh cầu. Đang cầu xin thứ gì đó ở Iran, đang cố gắng bóp ra thứ gì đó từ các nước phương Tây, bịa đặt ra nhiều điều vô nghĩa về Ukraina, đe dọa, lừa dối.”
“Nga sẽ không bao giờ trở thành một chủ thể và sẽ không thể ra lệnh điều gì đó cho bất kỳ ai, họ không còn tiềm năng để ra lệnh nữa, thế giới nhìn thấy điều này”, ông Zelensky nói thêm.
Theo lời ông, toàn bộ tiềm lực của Nga hiện đang được bỏ ra cho cuộc chiến xâm lược Ukraina và chống lại toàn bộ thế giới tự do.
Ông mô tả Nga, từng có sự ảnh hưởng về khí đốt – bây giờ không, từng có ảnh hưởng quân sự – bây giờ đã bốc hơi, từng có sức nặng chính trị – bây giờ là sự cô lập đang không ngừng gia tăng, từng có những tham vọng ý thức hệ – giờ chỉ còn là sự ghê tởm.
Ông Zelenskyy nói đây “là một thay đổi cấu trúc quan trọng ở phần lục địa của chúng ta”. Theo ông, nước Nga càng đánh mất tiềm năng của mình, thì quyền tự do thực sự sẽ được trao cho tất cả các dân tộc ở gần Nga và bên trong lãnh thổ của Nga và Ukraina là quốc gia đi đầu.
Theo dữ liệu của Bộ Quốc phòng Estonia, Nga sẽ cần từ 2 đến 4 năm để khôi phục lực lượng vũ trang của mình về mức như trước khi xảy ra cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraina.
Trần Phong
Cựu cố vấn an ninh Hoa Kỳ: Chính phủ Mỹ đã thảo luận về việc thay đổi chế độ ở Triều Tiên
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton, người được biết đến là người đóng vai trò quyết định trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội dưới thời chính quyền Donald Trump, cho biết chính phủ Hoa Kỳ đã thảo luận về sự thay đổi chế độ ở Bắc Triều Tiên trong quá khứ.
Trong cuộc phỏng vấn trong chương trình ‘Washington Talk’ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) phát sóng ngày 22, cựu có vấn Bolton nói: “Chắc chắn đã có cuộc thảo luận về việc thay đổi chế độ” khi được hỏi liệu có bất kỳ cuộc thảo luận riêng nào về việc thay đổi chế độ ở Triều Tiên trong nội bộ chính phủ Hoa Kỳ trong quá khứ hay không.
Trước câu hỏi lặp đi lặp lại về việc liệu có bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc thay đổi chế độ ở Triều Tiên trong chính phủ Mỹ hay không, ông liên tục trả lời: “Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về việc thay đổi chế độ ở Triều Tiên”.
Ông nói: “Không có gì đáng ngạc nhiên trong một tình huống mà các quốc gia bất hảo đang cố gắng đe dọa Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ bằng những vũ khí khủng khiếp nhất của họ”.
Về tình huống Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, ông nói: “Tôi không tin rằng Triều Tiên sẽ thay đổi hành vi của mình thông qua đàm phán hoặc trừng phạt”.
Khi được hỏi liệu Mỹ có nên gửi tín hiệu tới Trung Quốc và Nga rằng Mỹ có thể có hành động quân sự chống lại Triều Tiên vào thời điểm này hay không, ông khẳng định: “Chúng ta nên nói rõ với mọi người rằng chúng ta đang cân nhắc mọi lựa chọn cho Triều Tiên. “
Ông nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải bảo vệ những công dân vô tội, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Hàn Quốc, những người đang bị đe dọa bằng vũ khí hạt nhân bởi chế độ độc tài”. Ông nói thêm: “Những người Triều Tiên không muốn sống trong chế độ chuyên chế cũng nên được ủng hộ”.
Về trường hợp Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang muốn có vũ khí hạt nhân, ông nói “Nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân sẽ tăng lên. Chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn điều này. Nhìn chung, càng ít quốc gia có vũ khí hạt nhân càng tốt”.
“Tôi không đồng ý với lập luận rằng nên theo đuổi việc giải trừ quân bị sau thất bại của việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên”, ông nói thẳng.
Trần Phong
TT Biden: Ông Sunak trở thành thủ tướng Anh là ‘cột mốc đột phá’
Reuter đưa tin, ngày 24/10, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhìn nhận, việc ông Rishi Sunak trở thành thủ tướng tiếp theo của Anh, cũng là người da màu đầu tiên nắm giữ cương vị này, là “một cột mốc mang tính đột phá”.
Phát biểu tại một sự kiện của Nhà Trắng kỷ niệm ngày lễ Diwali của Ấn Độ, ông Biden cho biết, cựu Bộ trưởng Anh gốc Ấn Sunak dự kiến sẽ được bổ nhiệm làm thủ tướng vào ngày 25/10 sau khi gặp Vua Charles.
“Chúng tôi đã nhận được thông tin ông Rishi Sunak sẽ là thủ tướng,” ông nói. “Đây là điều khá bất ngờ, là cột mốc đột phá và rất có ý nghĩa.”
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho hay, ông Biden sẽ có cuộc điện đàm với ông Sunak trong những ngày tới. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng, Tổng thống Mỹ sẽ chỉ chúc mừng ông Sunak khi tân thủ tướng Anh gặp quốc vương theo nghi thức và chính thức đề nghị thành lập chính phủ mới.
Ông Sunak, một triệu phú 42 tuổi gốc Ấn, cựu trùm quỹ đầu cơ đã giành chiến thắng trong cuộc đua vào vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ hôm 24/10 và trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất của đất nước trong vòng 200 năm qua. Ông cũng là nhà lãnh đạo thứ ba của Anh trong vòng bảy tuần qua.
Đây có thể coi là một cuộc “lội ngược dòng” đối với ông Sunak, người đã từ chức hồi tháng 7 vì một loạt vụ bê bối và đẩy nước Anh vào nhiều tuần biến động chính trị.
Theo các nhà kinh tế, chiến thắng của ông Rishi Sunak đã làm giảm những rủi ro bất lợi về một thời kỳ mất ổn định chính trị và suy thoái kinh tế kéo dài của Vương quốc Anh.
Nhật Minh