Tin thế giới sáng thứ Năm: Tân thủ tướng Ý công bố chương trình nghị sự của chính phủ

Tân thủ tướng Ý công bố chương trình nghị sự của chính phủ

Lam Giang

Tân Thủ tướng Ý, Giorgia Meloni cầm chiếc chuông nội các do thủ tướng sắp mãn nhiệm của Ý trao cho bà trong buổi lễ bàn giao quyền lực tại Palazzo Chigi ở Rome ngày 23/10/2022. (Ảnh: Andreas Solaro/AFP/Getty Images)

Ngày 25/10, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni lần đầu tiên phát biểu trước Hạ viện với tư cách là người đứng đầu chính phủ và công bố chương trình nghị sự của nước này. Theo đó, Ý ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, đồng thời nước này sẽ thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan trong những năm tới.

Trong bài phát biểu công bố chương trình nghị sự của chính phủ Ý, Tân Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã trình bày các biện pháp nhằm đối phó những thách thức cả trong và ngoài nước, bao gồm khủng hoảng năng lượng, lạm phát và tình hình chiến sự tại Ukraine.

Là nữ Thủ tướng đầu tiên của Ý, bà Meloni nói: “Tôi chắc chắn không đến đây vì lý do gia đình hoặc bạn bè”.

Ủng hộ Liên minh châu Âu (EU)

“Chính phủ Ý sẽ tôn trọng các quy tắc hiện có của EU, đồng thời sẽ đóng góp vào việc thay đổi những quy tắc kém hiệu quả, bắt đầu từ cuộc tranh luận đang diễn ra về cải cách Hiệp ước ổn định và tăng trưởng”.

Bà khẳng định “Ý hoàn toàn là một phần của phương Tây và các hệ thống liên minh, là thành viên sáng lập của EU, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.

Ban vận động tranh cử của bà Meloni thường nói rằng, nếu đắc cử, bà sẽ đưa Ý đến một lập trường chống Trung Quốc công khai hơn, kiên quyết không biến Ý trở thành “mắt xích yếu nhược” giữa các đồng minh phương Tây.

Kế hoạch phục hồi và chống đỡ quốc gia (PNRR)

Bà nói rằng chính phủ Ý “phải giải quyết những vấn đề này một cách thực tế chứ không phải làm theo ý thức hệ”.

“Chúng tôi sẽ sử dụng 68,9 tỷ euro viện trợ không hoàn lại và 122,6 tỷ euro từ chương trình vay nợ Thế hệ mới của EU (NGEU) theo cách hiệu quả nhất có thể”, bà nói và giải thích, “không chậm trễ, không lãng phí, và với sự đồng thuận của Ủy ban châu Âu (EC) về những điều chỉnh cần thiết để tối ưu hóa chi tiêu, đặc biệt là trong bối cảnh giá nguyên liệu thô tăng vọt và cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra”.

Bảo vệ cơ sở hạ tầng chiến lược quốc gia

Bà nói: “Chính phủ Ý dự định bảo vệ cơ sở hạ tầng chiến lược quốc gia bằng cách đảm bảo quyền sở hữu công cộng đối với các nhà cung cấp dịch vụ trong điều kiện cạnh tranh tự do, trước hết là về mặt truyền thông. Chuyển đổi số phải đi kèm với chủ quyền công nghệ, lưu trữ dữ liệu của quốc gia và an ninh mạng”.

“Chúng tôi muốn đưa ra một điều khoản tự vệ đối với việc nhượng bộ cơ sở hạ tầng công cộng như đường cao tốc và sân bay vì lợi ích quốc gia, xét trên phương diện kinh tế”.

Về việc ký bản ghi nhớ “Vành đai và Con đường” giữa Ý và Trung Quốc vào năm 2019, bà Meloni cho rằng đây là một sai lầm lớn của đảng “Phong trào Năm Sao” và chính phủ Ý không có ý định tiếp tục ký kết bản ghi nhớ này.

Kinh tế / Thuế / Hưu trí

Bà thừa nhận rằng những khó khăn mà chính phủ Ý hiện đang phải đối mặt “có lẽ là nhiều nhất kể từ Thế chiến II”.

Bà nói: “Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo rằng, kinh tế Ý sẽ giảm 0,2% vào năm 2023. Đây là kết quả tồi tệ nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới trong nhiều năm. Không cần phải thắt lưng buộc bụng mù quáng mà ít nhiều cần phải sáng tạo. Con đường để giảm thiểu nợ nần chính là tăng trưởng kinh tế bền vững và mang tính cơ cấu”.

“Chúng ta cần ít quy tắc hơn, nhưng các quy tắc cần phải rõ ràng hơn”, bà nói trong khi hứa hẹn nước Ý sẽ có ít quan liêu hơn.

“Chúng tôi sẽ giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp và hộ gia đình … và mở rộng mức thuế suất cố định hiện tại cho những lao động tự do có thu nhập từ 65.000 euro một năm lên đến 100.000 euro một năm”, bà nói.

Bà Meloni cho biết, chính phủ Ý có kế hoạch khuyến khích người lao động nghỉ hưu sớm với các cơ chế tương thích với tính bền vững của hệ thống lương hưu, đồng thời “đặt gia đình vào vị trí trọng tâm của xã hội”.

Nga và khủng hoảng năng lượng

Bà Meloni ủng hộ Ukraine trong việc chống lại cuộc xâm lược của Nga. Bà nói: “Những ai cho rằng có thể đánh đổi tự do của Ukraine đổi lấy hòa bình của chúng ta chính là sai lầm. Việc cúi đầu trước sự đe dọa của Tổng thống Nga Vladimir Putin về năng lượng sẽ không giải quyết được vấn đề, mà nó chỉ khiến cho tình hình tồi tệ hơn”.

Về năng lượng, bà tin rằng, “Ưu tiên của nước Ý ngày nay phải là kiềm chế giá năng lượng cao và tăng tốc đa dạng hóa các nguồn cung cấp và sản xuất trong nước bằng mọi cách”.

Bà nói: “Cần phải duy trì và tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp, gồm cả hóa đơn và giá nhiên liệu. Đây là một cam kết tài chính khổng lồ sẽ sử dụng một phần đáng kể các nguồn lực sẵn có của nước Ý. Điều này cũng sẽ buộc Ý phải trì hoãn nhiều biện pháp khác mà chính phủ dự định đưa vào ngân sách trong những năm tiếp theo”.

Nhập cư

Về vấn đề nhập cư, bà nói rằng “nhập cảnh bất hợp pháp” sẽ bị cấm.

“Vì vậy, chính quyền Ý muốn ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp và cuối cùng là phá vỡ nạn buôn người ở Địa Trung Hải”. Bà cũng nhấn mạnh rằng, “Chính phủ Ý không có ý định thẩm vấn những người tháo chạy khỏi chiến tranh và bị đàn áp theo bất kỳ hình thức tị nạn nào”.

Chủ nghĩa phát xít / Phân biệt chủng tộc

Bà nói: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy có thiện cảm hay có mối liên hệ nào với các chế độ phản dân chủ, kể cả chủ nghĩa phát xít. Đạo luật phân biệt chủng tộc (bài Do Thái) năm 1938 là vết đen trong lịch sử Ý”.

Bà nói: “Chúng tôi sẽ phản đối mọi hình thức phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, bạo lực chính trị, phân biệt đối xử”.

Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn làm cho an ninh trở thành một đặc điểm khác biệt của nhánh hành pháp này”.

Không giống như hai đồng minh của liên minh cánh hữu, bà Meloni đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan.

Lam Giang

Theo The Epoch Times

Truyền thông Anh: Sau Đại hội 20, giới tinh hoa sẽ tháo chạy khỏi Trung Quốc

Ông Tập dẫn đầu ban chấp hành trung ương ĐCSTQ khóa mới tiến vào hội trường hôm 23/10/2022. (Ảnh: Wang Zhao/AFP/Getty Images)

Truyền thông Anh đưa tin, sau Đại hội 20 của Trung Quốc, thị trường tài chính nước này tiếp tục bất ổn. Lo sợ sự mở rộng không hạn chế của nền kinh tế công hữu, các gia đình giàu có bắt đầu bán tháo tài sản. Tại Thượng Hải, một số người đang rao bán những căn nhà sang trọng với giá thấp hơn 30% so với giá thị trường. Còn ở Vũ Hán, có tin đồn rằng một doanh nhân Đài Loan cũng đang rao bán các cơ sở kinh doanh khách sạn.

Truyền thông Anh: Sau Đại hội 20, giới nhà giàu Trung Quốc vội vã bán tháo tài sản và biệt thự hạng sang

Tờ Financial Times của Anh dẫn lời luật sư David Lesperance, người từng làm việc với các gia đình giàu có ở Hong Kong và Trung Quốc, cho hay, việc ông Tập gia hạn quyền cai trị là một bước ngoặt đối với giới thượng lưu và giới kinh doanh của Trung Quốc.

Ông Lesperance cho biết, nhiều khách hàng của ông đã chuẩn bị cho việc rời khỏi Trung Quốc từ nhiều năm trước. Họ đã chuyển tài sản hợp pháp đến các khu vực pháp lý an toàn ở nước ngoài và sắp xếp nơi ở cho các thành viên trong gia đình mình ở nước ngoài.

Theo đó, những người giàu có ở Trung Quốc không chỉ lo lắng về việc chính quyền nước này đánh thuế cao mà họ còn lo ngại hơn cho sự an toàn của chính mình, ông nói.

Ông Lesperance cho biết, giới tinh hoa đều có một phương châm sống, đó là luôn chuẩn bị sẵn một chiếc tàu cao tốc ở bến cảng với những thỏi vàng và bộ hồ sơ thứ 2.

Báo cáo chỉ ra rằng, công ty luật lớn nhất thế giới có trụ sở tại ở Singapore Dentons Reid LLP với khoảng 6.000 nhân viên tại Trung Quốc. Đối tác cấp cao của hãng luật này, Kia Meng Loh cho biết, từ nhiều tháng nay, giới nhà giàu Trung Quốc đã hướng dẫn và hỏi han về việc thành lập văn phòng gia đình ở Singapore. Văn phòng gia đình được những giới nhà giàu sử dụng để quản lý tài sản của gia đình.

Giá nhà đất ở Thượng Hải giảm mạnh 40%

Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin, sau Đại hội 20, nhiều người giàu ở Trung Quốc không còn ảo tưởng về tương lai trong nước và đang gấp rút bán tháo tài sản với giá bèo bọt, chỉ bằng 40% giá thị trường. Thậm chí, một số doanh nhân Đài Loan đang bắt đầu rao bán các nhà hàng, khách sạn và các tài sản khác để lấy tiền mặt.

Có nhiều doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc cũng đang rao bán biệt thự sang trọng với giá cực thấp. Trong số đó, những ngôi nhà được niêm yết với giá 60 triệu nhân dân tệ (khoảng 8,21 triệu USD) vào tháng 9 hiện đang được bán với giá 35,99 triệu nhân dân tệ.

Ông Zhao Ting, một nhà môi giới bất động sản ở Thượng Hải, cho hay: “Mọi người đừng ảo tưởng. Giá nhà sang trọng ở Thượng Hải đã giảm 40% so với giá thị trường. Nhiều người còn muốn bán một số lượng lớn nhà cửa với giá thấp hơn giá thị trường hiện tại từ 30% đến 40%”. Ông Zhao Ting cũng đưa ra một ví dụ về ngôi nhà sang trọng nổi tiếng ở Thượng Hải, nơi nghệ sĩ Lưu Gia Linh (Liu Jialing) đang sinh sống, được bán với giá 60 triệu nhân dân tệ vào tháng trước. Ngoài ra, một ngôi nhà sang trọng khác trong khu vực được rao bán với giá 55 triệu nhân dân tệ vào tháng trước, nay đã giảm xuống còn 30 triệu nhân dân tệ vào ngày 23/10. Ông Zhao Ting chỉ ra rằng, mặc dù đã xuất hiện một số tin đồn về làn sóng rao bán nhà trước thềm Đại hội 20, nhưng phải đến khi sự kiện này kết thúc thì “mọi thứ mới rõ ràng”.

Ông Zhao Ting cho hay, nguyên nhân của làn sóng bán nhà này xuất phát từ tình hình kinh tế ảm đạm của Trung Quốc và chính sách Zero COVID-19 cực đoan của nước này.

Không chỉ ở Thượng Hải, một người trong ngành ở Hồ Bắc, cô Zhou Ning cho biết gần đây, một số lượng lớn người giàu ở Vũ Hán, Thượng Hải, Bắc Kinh, Giang Tô và Chiết Giang cũng đang bán tài sản của họ. Cô nói rằng, các doanh nhân Đài Loan cũng đã bắt đầu bán doanh nghiệp của họ để đổi lấy tiền mặt.

“Một số lượng lớn người giàu có Trung Quốc đã bán tài sản, đặc biệt là những người ở Thượng Hải và Bắc Kinh. Nhiều người bạn của tôi đã mua khách sạn và nhà hàng do người Đài Loan bán lại. Người Đài Loan ở Trung Quốc quyết định bán tài sản vì họ cảm thấy rằng, định hướng chính sách của Trung Quốc đã thay đổi”.

Tờ Guardian của Anh đưa tin, một cuộc thăm dò của Anh với 25 quốc gia trên thế giới (trong đó có 12 nước phương Tây) cho hay, thiện cảm của họ về Trung Quốc đã xấu đi nhanh chóng kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19. Cuộc thăm dò cũng cho biết, nếu Trung Quốc thực sự sử dụng vũ lực với Đài Loan, phần lớn các quốc gia này sẽ ủng hộ, giúp đỡ để bảo vệ hòn đảo.

Ông Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, một điều chưa từng có kể từ thời Mao Trạch Đông. Do đó, việc ông sẽ lãnh đạo Trung Quốc để lấy lại uy tín như thế nào trên trường quốc tế vẫn là một trong những phép thử đối với ông.

Huyền Anh

Related posts