Vụ chuyến bay giải cứu: Bắt Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Sao Việt
Theo Bộ Công an, ông Trần Hồng Hà bị bắt để điều tra về tội đưa hối lộ.
Ngày 28/10, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với ông Trần Hồng Hà (SN 1972), Giám đốc Công ty TNHH cung ứng nhân lực và thương mại Quốc tế Sao Việt.
Ông Hà bị bắt để điều tra về tội “Đưa hối lộ” quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự.
Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình mở rộng điều tra vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố, liên quan đến các chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam về nước trong đợt bùng phát dịch COVID-19.
Đến nay, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 26 bị can gồm nhiều quan chức, cán bộ của Bộ Ngoại giao, cán bộ của Bộ Y tế và Bộ GTVT, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ… để làm rõ các tội “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong đó, ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự, bị bắt về tội “nhận hối lộ”.
Theo Bộ Công an, vụ án này liên quan đến việc xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong đại dịch COVID-19 nhằm trục lợi cá nhân.
Bước đầu, Bộ Công an xác định, số tiền đưa và nhận hối lộ trong vụ án lên đến hàng chục tỷ đồng, hàng trăm nghìn USD.
Minh Long
Đồng Tháp: Cửa hàng bách hóa cháy rụi trong đêm, khách tới chơi tử vong
Nửa đêm, Cửa hàng bách hóa Bảy Tiến (ấp An Hưng, xã An Khánh, tỉnh Đồng Tháp) bốc cháy dữ dội khiến 1 người họ hàng và 2 người bạn tới chơi nhà tử vong tại chỗ.
Ngày 28/10 Công an huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) cho hay khoảng 0h30 ngày 28/10 nhận được tin báo cháy tại cửa hàng bách hóa Bảy Tiến (ấp An Hưng, xã An Khánh, tỉnh Đồng Tháp). Công an huyện Châu Thành huy động lực lượng tại chỗ phối hợp với người dân xung quanh dập lửa và cứu người bị nạn, đồng thời thông báo Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đến hiện trường hỗ trợ.
Đến 2 giờ 45 phút cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.
Khi đám cháy xảy ra, bên trong nhà có 6 người, gồm: vợ chồng chị Bùi Thị Yến S. (SN 1989) và anh Nguyễn Thanh H. (SN 1988), con là bé Nguyễn Trí L. (SN 2012); anh chồng – anh Nguyễn Thanh Ph. (SN 1983) và hai người bạn của chị S. là anh Ngô Văn L. (SN 1988) và anh Hoàng Tuấn A. (SN 1989) cùng từ TP.HCM xuống chơi.
Lực lượng công an và người dân đưa được 3 người gồm vợ chồng chị S. và cháu L. ra ngoài an toàn bằng cửa thoát hiểm, riêng 3 người còn lại mắc kẹt trong nhà không thoát kịp, tử vong tại hiện trường.
Do trong cửa hàng chứa nhiều vật dụng dễ cháy nên hầu hết đều bị thiêu rụi, ước tính thiệt hại tài sản hơn 4 tỷ đồng.
Công an tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Công an huyện Châu Thành hiện tiến hành khám nghiệm hiện trường, khắc phục hậu quả, xác định nguyên nhân xảy ra vụ hảo hoạn.
Thạch Lam
Buôn lậu 200 triệu lít xăng giả: ‘Cảnh sát biển, biên phòng cho phép, xăng mới vào Việt Nam’
Bị cáo Phan Thanh Hữu, người đứng đầu đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng giả, khai phải được sự đồng ý của cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, mới báo tin cho tàu chuyển xăng vào Việt Nam.
Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng giả hôm 28/10, TAND Đồng Nai bắt đầu xét hỏi bị cáo Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) và Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng).
Hai bị cáo này bị cáo buộc chủ mưu đứng đầu vụ án, cùng 72 bị cáo khác bị truy tố về các tội Buôn lậu, Nhận hối lộ theo Điều 188 và 354 Bộ luật Hình sự.
Bị cáo Viễn cùng nhóm bạn chi 53,4 tỷ đồng (60%) và ông Hữu góp 40% vốn để lén đưa xăng từ Singapore về Việt Nam. Từ đây, xăng lậu được bán cho hàng loạt công ty, cửa hàng xăng dầu khu vực phía Nam và một số ít bán qua Campuchia.
Tại tòa, bị cáo Viễn khai sử dụng hai tàu biển đăng ký quốc tịch Panama gồm Pacific Ocean (3.000 tấn) và Western Sea (5.000 tấn) vào cảng Vopak (Singapore) lấy hàng rồi chở về vùng biển Việt Nam. Sau khi lấy hàng xong về vị trí nào, vùng biển nào thì bị cáo Hữu là người trực tiếp điều động.
Khi được hỏi về việc nhập xăng lậu, bị cáo Hữu khai phải xin phép để hai tàu Pacific Ocean, Western Sea vào Việt Nam, sau đó sẽ đưa các tàu Nhật Minh ra ngoài biển để nhận xăng ở hai tàu này.
“Bị cáo xin và làm việc với ai?”, tòa hỏi. Bị cáo Hữu nói: “Phải làm việc và xin cảnh sát biển, biên phòng. Họ cho thì tàu chở xăng ở Singapore mới vào giao xăng được cho các tàu của bị cáo điều ra”.
Chủ tọa hỏi: “Còn lực lượng hải quan thì sao?”, bị cáo Hữu đáp: “Bị cáo không chơi với hải quan”.
Về cách thức mua hóa chất pha xăng, bị cáo Hữu khai khi bán xăng lậu ra thị trường thì bị khách hàng chê xăng có màu trắng. Do vậy, bị cáo Hữu đã lên mạng móc nối với một người để được hướng dẫn mua hóa chất về pha chế vào xăng lậu cho hợp màu vàng như thị trường rồi bán cho các đầu mối đưa đi tiêu thụ.
Trước đó, ngày 26/10, phiên tòa xét xử đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu đến phần công bố cáo trạng.
Ba kiểm sát viên thay nhau đọc bản cáo trạng từ sáng đến chiều nhưng cũng chỉ được 60/142 trang. Đến 16h cùng ngày, HĐXX quyết định kết thúc phiên tòa và hôm sau (27/10) tiếp tục.
Liên quan đến vụ việc, hôm 15/7, Toà án quân sự Quân khu 7 xác định từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2021, 9 cán bộ biên phòng, cảnh sát biển đã nhận khoảng 38 tỷ đồng để nhóm ông Hữu vận chuyển xăng từ Singapore về Việt Nam và tiêu thụ xăng lậu trên biển trong thời gian dài.
Tòa tuyên phạt bị cáo Lê Văn Minh (cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4) 15 năm tù; Lê Xuân Thanh (cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3) 12 năm về tội Nhận hối lộ. Cựu đại tá Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thế Anh, 49 tuổi, bị phạt tù chung thân về tội Nhận hối lộ và Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. 11 bị cáo khác bị phạt từ 6 tháng 21 ngày đến 16 năm với ba nhóm tội danh Buôn lậu, Nhận hối lộ và Không tố giác tội phạm.
Phạm Toàn
Thi thể 3 ngư dân Hà Tĩnh được tìm thấy trong khoang lái
Thi thể 3 ngư dân mất tích trong vụ va chạm giữa tàu vận tải và tàu cá tại vùng biển Hà Tĩnh được tìm thấy trong khoang lái tàu cá bị chìm, sau 22 giờ nằm dưới biển khơi.
Đồn Biên phòng Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh cho biết khoảng hơn 18h ngày 27/10 đã tìm thấy thi thể 3 ngư dân mất tích trong vụ va chạm giữa tàu vận tải và tàu cá ở vùng biển Hà Tĩnh. Thi thể 3 nạn nhân được tìm thấy bên trong khoang lái tàu cá bị đánh chìm.
Trước đó, khoảng 20h05 ngày 26/10, tàu vận tải của Công ty Trường Thành 168 (đi từ cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị đến TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh), khi qua vùng biển cách Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) 8 hải lý, đã va chạm với tàu cá số hiệu HT 902566 TS do ngư dân Nguyễn Xuân Tình (SN 1977, quê ở xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên) làm thuyền trưởng, trên tàu có 6 thuyền viên.
Vụ va chạm làm tàu cá bị đánh chìm và 6 thuyền viên trên tàu rơi xuống biển, gồm: Nguyễn Xuân Tình (SN 1977, thuyền trưởng), Lê Văn Hiệu (SN 1967), Trần Văn Chính (SN 1990), Trần Văn Sang (SN 1988), Lê Văn Hùng (SN 1992, cùng trú tại xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) và Lê Văn Hòa (SN 1986, trú tại xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh).
3 ngư dân được đưa lên bờ an toàn, gồm: Lê Văn Hiệu, Lê Văn Hùng, Lê Văn Hòa, còn 3 người mất tích là Nguyễn Xuân Tình, Trần Văn Chính, Trần Văn Sang, đến chiều muộn ngày 27/10 mới tìm thấy thi thể.
Hiện thi thể 3 ngư dân đang được đưa về đất liền để bàn giao cho gia đình làm thủ tục an táng. Trong sáng 28/10, lực lượng chức năng tiến hành trục vớt tàu cá bị chìm.
Thạch Lam
Công an TP.HCM: Người nước ngoài đứng sau hơn 200 ứng dụng cho vay nặng lãi
Công an TP.HCM cho biết hiện có hơn 200 ứng dụng cho vay qua mạng do người nước ngoài điều hành. Trong đó, một đường dây đã cho hàng trăm nghìn người vay với lãi suất “cắt cổ” 2.000%/năm vừa bị cơ quan công an bắt giữ.
Tại cuộc họp báo chiều ngày 27/10, Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng phòng tham mưu, Công an TP.HCM cho hay tội phạm cho vay tín chấp theo kiểu “tín dụng đen” núp bóng các công ty tài chính, cho vay trên mạng qua các ứng dụng (app) hoạt động phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân, nhất là sau dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).
Ông Hà cho biết vừa qua Bộ Công an đã phối hợp với tỉnh Cao Bằng và một số địa phương bắt đường dây cho vay nặng lãi hoạt động xuyên quốc gia do người nước ngoài cầm đầu. Đường dây này sử dụng 300 app để dụ dỗ người dân vay từ 2 – 7 triệu đồng với lãi suất lên đến 2.000%/năm.
Qua điều tra, cơ quan công an phát hiện đường dây này có 159.000 khách hàng với số tiền vay hơn 1.800 tỷ đồng. Vụ án này có 41 nghi phạm.
Theo thống kê của Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an TP.HCM hiện có hơn 200 ứng dụng cho vay qua mạng do người nước ngoài cầm đầu, hoạt động liên kết chặt chẽ với người trong nước.
Đáng nói, ngoài lãi suất khủng thì phương thức đòi nợ của những nhóm này rất khủng bố. Không chỉ riêng người vay, những người này khủng bố cả người thân, người quen gây ảnh hưởng đến tinh thần của họ.
“Một trong những nguyên nhân, điều kiện mà các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi là vấn đề lỏng lẻo trong quản lý, cấp phát thông tin thuê bao của cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, các đối tượng sử dụng sim ‘rác’, tài khoản ngân hàng ‘rác’ để che dấu vết hoạt động của mình”, Thượng tá Hà cho hay.
Để ngăn chặn hình thức cho vay này, Công an TP.HCM cho biết sẽ đẩy mạnh xây dựng dữ liệu về những người có khả năng vi phạm. Việc này sẽ giúp việc truy xuất nhanh chóng loại hình tội phạm và khu vực hoạt động.
Bộ Công an cũng sẽ liên thông với các nhà mạng về số thuê bao di động với cơ sở dữ liệu quốc gia. Đến ngày 10/10, có 9 triệu/16 triệu thuê bao “rác” được xác thực. Tuy nhiên, con số này mới chiếm khoảng hơn 50% số thuê báo “rác” đang được sử dụng.
Công an TP.HCM cũng cho biết thời gian tới sẽ tập trung xử lý các hành vi mua bán, trao đổi thông tin, dữ liệu cá nhân trái phép; mua bán, thuê sim không chính chủ; mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng “rác”, tài khoản giả.
Thượng tá Hà nói thêm rằng số vụ tin nhắn lừa đảo hiện nay đã giảm hơn so với 6 tháng trước. Tuy nhiên, do chính sách thu hút vốn đầu tư nên làn sóng đầu tư thiết bị công nghệ từ nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc vào Việt Nam không bị hạn chế khiến cho hoạt động của tội phạm công nghệ cao diễn ra phức tạp.
Khánh Vy