Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Nếu lỡ mất mẹ còn cha
Bình sữa câu hát u à sớm hôm
Trên đời này có gì có thể sánh với tình mẹ, chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau nuôi dưỡng dạy dỗ con trưởng thành.
Con không cha ăn cơm với cá
Con không mẹ lót lá mà nằm
Hồng lớn lên không may mắn có cảm giác như vậy! Trải qua mười bốn mùa mưa, nàng chỉ sống lớn lên bên cạnh người cha mà sáu năm trước nghe ông tâm sự thành thật: “Ba không phải cha ruột của con. Ba nhớ vào một buổi sáng, thời tiết mưa to gió lạnh, nghe tiếng con nít khóc ngoài cửa ba chạy ra thì thấy con đang khóc vì đói sữa!”
Ông Tiến, tên cha nuôi, giọng ân cần: “Đừng giận mẹ ruột của con. Trên đời này không có người mẹ nào nỡ dứt bỏ núm ruột của mình trừ khi họ có lý do bất khả kháng.”
Từ hôm đó đến nay, Hồng thật sự giận bản thân mình! Nếu Hồng không hỏi gặn ông Tiến về bài học lịch sử, có lẽ hôm nay Hồng vẫn sống vui với hình ảnh đẹp của người mẹ chết do chiến tranh. Chung quy lỗi cũng tại cái mền đem hơi ấm cùng giấc ngủ ngon trong những đêm giá rét! Lúc lên năm tuổi Hồng đặt câu hỏi đầu tiên về nguồn gốc cái mền quái lạ. Nói thẳng ra là trên đời này không ai có cái mền nào như vậy! Cũng không có hãng xưởng công ty nào dám sản xuất sản phẩm lạ lùng đó. Hồng gắn bó với cái mền này như hai linh hồn kết bạn từ kiếp trước.
Ban ngày ông Tiến đi làm từ sáng sớm nên phải giao cho Hồng cho bà Nga hàng xóm trông giùm. Ông biết chăm sóc con bé là cả một vấn đề trọng đại nhưng không hiểu sao nhìn đôi mắt nó ông lại không nỡ giao cho người khác! Mỗi đêm cho Hồng bú sữa bình, ông rất thích hát cho nó nghe. Đôi khi ông kể chuyện lịch sử cha ông đời trước mà ông đã được nghe kể lại. Đó cũng là lý do ông tự tạo ra câu chuyện nguồn gốc cái mền. Một công hai chuyện vừa dùng dạy con lịch sử đất nước vừa tạo niềm hứng thú cho con bé gần gũi hơn.
“Cái mền này nghe lời đồn đãi từ một cung nữ bị hàm oan thời vua Tự Đức. Bà bị đày vào lãnh cung chịu bao gian khổ nhịn nhục. Bà lấy những mảnh vải thừa rách hàng đêm vừa ngồi đan vừa than thở số phận. Sau này Nam Phương hoàng hậu biết chuyện mới giải oan cho bà. Chiếc mền sau này dâng lên vua Bảo Đại vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn.
Năm tháng trôi qua không biết tại sao nó lưu lạc khắp thế giới khi vua Bảo Đại lưu vong!? Chỉ biết nó chuyền tay từ người này qua kẻ khác rồi người cuối cùng không ai coi trọng giá trị lịch sử của nó nên đem bỏ thùng rác. Ông nội của con lượm về giặt sạch sẽ, cho cha dùng đến hôm nay.”
Dĩ nhiên sau này Hồng đi học khoe khoang cho bạn bè nghe. Hồng mới biết câu chuyện cha kể không có thật. Và khi nàng hỏi ông Tiến kể thành thật: “Cha mẹ của cha nghèo cực khổ nên chết sớm. Cha phải đi làm đủ thứ để lo cho miếng cơm manh áo. Ngày ấy cha phụ dọn dẹp một tiệm may nên mong ước học tí xíu nghề nghiệp hy vọng ‘Nhất nghệ tinh nhất thân vinh.’
Lúc rảnh cha lấy vải vụn tập may nối từng miếng với nhau. Hoá ra nó trở thành cái mền với đủ màu sắc chắp vá. Hôm con tới đây khóc nhiều do đói và lạnh, cha chợt nhớ đến cái mền đem ra dùng tạm. Không ngờ từ ngày đó con gắn bó với mền đến nay.”
Tuy Hồng vẫn thương người cha nuôi hơn bao giờ hết!? Nhưng sau đó nàng không còn dùng cái mền nữa. Ông Tiến không nói gì lặng lẽ đem mền giặt sạch rồi đem cất kỹ trong tủ.
Cuộc sống ông Tiến vẫn đều đặn, mỗi sáng đi làm sớm đến gần tối mới về nhưng không bao giờ ông quên mua những món đồ ăn mà Hồng thích nhất. Hồng hiểu cha nghèo, khuôn mặt khắc khổ già trước tuổi nên bao năm qua không ai để ý. Ông cũng thành thật với Hồng: “Lúc nào cha cũng muốn kiếm một người về phụ một tay lo cho con, nhưng nhà ta nghèo quá sợ tội nghiệp người đàn bà thôi!”
Ngày tháng trôi qua đến năm 1954, đất nước chia đôi, Hồng vừa tròn 25 tuổi. Nàng may mắn gặp được người đàn ông trong mộng làm đám cưới. Hai vợ chồng có với nhau hai đứa con bụ bẫm xinh xắn. Lúc này ông Tiến sức khỏe càng ngày càng kém. Hồng ráng sức đi làm kiếm tiền chạy chữa cho cha nhưng bệnh tình mỗi ngày mỗi nặng hơn.
Thế rồi vào một buổi trưa ngày cuối Thu, ông Tiến ôm cái mền, lẩm nhẩm nói một mình tâm sự điều gì đó nên Hồng bước vào nhưng không nghe rõ! Cùng lúc có một người đàn ông lạ tên Dũng đến gõ cửa. Ông Tiến nghe đến tên, khuôn mặt ông vui lên và muốn Hồng dìu ông ra gặp khách. Tự nhiên hai người đàn ông gặp nhau đều khóc. Hồng thấy lạ lùng khi nghe ông Tiến nói trong hơi thở: “Ông Thầy ơi, sợ con không qua nổi kỳ này.”
Người đàn ông cầm tay vỗ về: “Chú đừng lo. Còn nước còn tát tôi sẽ ra đầu phố kêu xe chở chú ra bệnh viện thành phố.”
Ông Tiến vẫy tay kêu Hồng đến bên cạnh. Ông cất tiếng thì thào vừa đủ nghe: “Ông này là ba ruột của con đó. Từ đây con có gia đình ruột thịt lo lắng rồi! Cha đi cũng có thể nhắm mắt được.”
Ông chỉ còn thom thóp chiều hôm đó khi xe chở lên bệnh viện thành phố. Người đàn ông đứng một góc hút thuốc: “Con đừng trách chú Tiến mấy chục năm qua phải nói dối, đặt những câu chuyện để giấu bí mật lý lịch của con. Chú Tiến mồ côi là người làm cho gia đình ta từ nhỏ đến lớn. Sau ngày lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng Nguyễn Thái Học lên đoạn đầu đài, nhà nước thực dân Pháp đàn áp dữ dội. Cha con bị bắt kêu án tù chung thân khổ sai. Mẹ con tự tuẫn tiết không muốn bị thực dân làm ô nhục. Được cha con sắp xếp từ trước, cha mới bí mật đem con vào Nam theo sự sắp xếp của cha con để nuôi dưỡng con nên người.”
Hồng thắc mắc: “Vậy nguồn gốc cái mền là từ đâu?”
Ông Dũng rơi nước mắt: “Từ mẹ của con, người đàn bà đã hiến cuộc đời cho nền độc lập nước nhà. Bà thuộc tiểu tổ bí mật may cờ cho Đảng. Bà không muốn bỏ những miếng vải dư từ lá cờ đổ bao nhiêu máu. Bà gom góp may cái mền kỷ niệm nhưng không ngờ sau này lại gắn liền với con.”
Cùng lúc đó bác sĩ bệnh viện ra báo tin: “Chúng tôi đã cố gắng nhưng ông ấy vẫn không qua khỏi.”
Hồng ngồi bệt ra sàn lưng dựa vào tường khóc nức nở: “Cha ơi, con thành thật có lỗi nhiều với cha. Với công ơn dưỡng dục, cha đã hy sinh trọn đời không nề hà cực khổ lo cho con, mà con thì chưa làm gì được cho cha.”
Quay qua ông Dũng, Hồng nói: “Hôm nay con biết cha là cha ruột nhưng con xin phép vẫn giữ nguyên tên họ để thờ phụng người cha đã nuôi con khôn lớn.”
Ông Dũng gật đầu! Nước mắt ông mới ngừng bây giờ lại tiếp tục chảy ra.
Hồng quỳ xuống khấn lạy: “Từ hôm nay, con sẽ luôn gìn giữ cái mền kỷ vật vô giá từ mẹ nhưng được cha bảo vệ đến hôm nay. Con rất yêu cha, cha ơi!”
Đặng Duy Hưng