Vụ lập hồ sơ khống lừa hơn 601 tỷ tại Vietcombank: Hàng loạt giám đốc, kế toán bị truy tố
Sau nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Viện KSND tỉnh An Giang đã ban hành cáo trạng mới nhất truy tố nhóm 11 bị can trong vụ lập hồ sơ vay vốn khống, chiếm đoạt của ngân hàng Vietcombank chi nhánh An Giang hơn 601 tỷ đồng.
Về vụ lừa vay vốn hơn 601 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh An Giang, sau thời gian trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 28/10, Viện KSND tỉnh An Giang đã ban hành cáo trạng mới truy tố 11 bị can là lãnh đạo, kế toán của nhiều công ty về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Ở chức vị lãnh đạo, các bị can bị truy tố gồm: ông Ngô Văn Thu – Tổng Giám đốc Công ty Việt An; ông Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc Công ty Bình Minh; ông Trương Minh Giàu – Giám đốc Công ty Minh Giàu; ông Nguyễn Viết Tuyên – Giám đốc Công ty Việt Hưng; ông Lưu Bá Phúc – Giám đốc Công ty TNHH Bách Phúc;
Ở cấp kế toán, các bị can bị truy tố gồm: bà Nguyễn Thị Huyền – Kế toán trưởng Công ty Việt An; bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Kế toán trưởng Công ty Bách Phúc; bà Huỳnh Thị Thơ Đào – Kế toán trưởng Công ty Việt Hưng; bà Huỳnh Thị Minh Trâm – kế toán Công ty Bình Minh; ông Tống Duy Khương – kế toán Công ty Việt Hưng.
Riêng ông Lưu Bách Thảo, người bị công an xác định giữ vai trò chính trong vụ án đã bỏ trốn. Cơ quan điều tra đã khởi tố, truy nã, tạm đình chỉ điều tra đối với ông này, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Trước đó, hồi tháng 3, Viện KSND tỉnh An Giang đã ban hành cáo trạng số 19 và chuyển hồ sơ sang TAND tỉnh An Giang. Sau đó, tòa đã trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án.
Sau khi điều tra bổ sung, số tiền còn dư nợ tại Vietcombank An Giang của Công ty Việt An được xác định lại từ 375 tỷ đồng lên hơn 402,6 tỷ đồng.
Theo cáo trạng mới nhất, từ năm 2010 đến năm 2014, cùng với ông Thảo, ông Thu giữ vai trò chính trong việc điều hành, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Công ty Việt An, đồng thời chi phối hoạt động của các công ty còn lại và chỉ đạo các đồng phạm thuộc “nhóm công ty gia đình” lập nhiều hồ sơ khống để được vay vốn tại Vietcombank An Giang, chiếm đoạt hơn 601 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định chứng từ thể hiện tại 100 bộ hồ sơ vay vốn còn dư nợ đều là chứng từ giả mạo, ghi doanh số mua bán cá tra, thức ăn thủy sản không có thật để sử dụng làm điều kiện vay vốn. Trong đó, ông Thu đã trực tiếp ký 19 hợp đồng khống mua bán cá tra với các nhân viên công ty và các hộ dân, 48 giấy nhận nợ, chiếm đoạt hơn 402,6 tỷ đồng của ngân hàng Vietcombank.
Còn bà Nguyễn Dương Phượng Trang – kế toán Công ty Minh Giàu bị xác định tham gia lập 10 hồ sơ khống vay vốn tại Vietcombank An Giang. Tuy nhiên, người này đã xuất cảnh ra nước ngoài, cơ quan điều tra cho biết sẽ tiếp tục xác minh, xử lý sau.
Đối với trách nhiệm của phía ngân hàng Vietcombank An Giang, Viện KSND tỉnh An Giang nhận định nhóm cán bộ ngân hàng đã thiếu kiểm tra, thẩm định hồ sơ rút vốn sơ sài, lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm khi để cho khách hàng sử dụng hồ sơ bản photo vay vốn rút tiền rồi chiếm đoạt, mặt khác không yêu cầu bảo đảm tài sản thế chấp khi cho vay là sai trái.
Tuy nhiên, theo cơ quan tố tụng kết quả điều tra chưa đủ căn cứ xác định những người này vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra xử lý sau.
Trước đó, năm 2015, nhóm cán bộ ngân hàng Vietcombank An Giang gồm: ông Nguyễn Văn Lập – Giám đốc; bà Trương Thị Thanh Xuân, ông Nguyễn Hữu Tính – Phó giám đốc; ông Liệt Lâm – Trưởng phòng Khách hàng; ông Quách Bảo Nguyên – Phó trưởng phòng khách hàng đã bị cách chức vì những sai phạm trong vụ án này.
Khánh Vy
Nhà Chủ tịch huyện bị cướp đột nhập lấy tài sản hơn 3 tỷ đồng
Nhóm cướp đột nhập vào nhà ông Vũ Văn Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng lấy tài sản tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng. Trao đổi với báo chí sau khi bị cướp, vị chủ tịch huyện ở Đắk Lắk cho rằng tài sản bị cướp là “ba cái đồ vớ vẩn”.
Liên quan đến vụ nhóm người đột nhập nhà một chủ tịch huyện tại Đắk Lắk cướp tài sản sáng 14/10. Ngày 29/10, nguồn tin của Thanh Niên cho biết Viện KSND tỉnh Đắk Lắk đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với 4 bị can để điều tra về hành vi cướp tài sản và che giấu tội phạm.
Các bị can bị khởi tố gồm: Nguyễn Văn Giáp (28 tuổi), Phạm Minh Cường (28 tuổi), Trương Công Việt (25 tuổi, cùng trú Đắk Lắk) và Trần Vương Trọng Nghĩa (27 tuổi, trú Đắk Nông).
Trong đó, Giáp, Cường và Nghĩa bị khởi tố để điều tra về tội cướp tài sản; Việt bị khởi tố để điều tra về hành vi che giấu tội phạm.
Cũng theo nguồn tin riêng, quá trình điều tra của cơ quan chức năng đã xác định các nghi phạm có hành vi khống chế vợ ông M., cướp đi số tài sản tổng giá trị hơn 3 tỉ đồng.
Theo NLĐ, đây là thông tin bất ngờ khi trước đó trao đổi với báo chí, ông M. cho rằng chỉ bị cướp một số tượng gỗ, “ba cái đồ vớ vẩn”.
Trước đó vào sáng 14/10, công an tỉnh Đắk Lắk nhận được tin báo tại nhà ông Mỹ (ngụ phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ) xảy ra vụ cướp tài sản.
Nhóm cướp đã đột nhập vào nhà dùng roi điện, bình xịt hơi cay khống chế bà Th.(vợ của ông Mỹ) rồi cướp đi nhiều tài sản của gia đình. Sau đó, lực lượng công an đã bắt giữ bốn người là nghi phạm có liên quan.
Trước khi sang làm Chủ tịch UBND huyện Krông Năng, ông Vũ Văn Mỹ là Chủ tịch UBND huyện Krông Búk.
Huệ Liên
TP.HCM: Tiêu hủy hai lô hàng mỹ phẩm, thuốc phòng bệnh 18 tỷ đồng
Theo giới chức TP.HCM, việc tiêu hủy được thực hiện tại Công ty TNHH MTV Môi trường Cửu Long (số 1 Tống Văn Trân, phường 5, quận 11, TP.HCM).
Theo Tổng Cục Quản lý thị trường, hôm 28/10, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường TP.HCM) đã tiêu hủy hai lô hàng hóa, tổng trị giá hơn 18 tỷ đồng.
Hai lô hàng trên là mỹ phẩm nhập lậu và thuốc phòng bệnh cho người các loại, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Lô hàng là mỹ phẩm được tiêu hủy bằng hình thức cán hủy bằng xe có tải trọng lớn và ép thành khối bằng hệ thống ép rác container.
Lô hàng là thuốc phòng bệnh được tiêu hủy bằng hình thức đốt lò. Việc tiêu hủy được thực hiện tại Công ty TNHH MTV Môi trường Cửu Long (số 1 Tống Văn Trân, phường 5, quận 11, TP.HCM).
Trước đó, ngày 27/8, giới hữu trách kiểm tra điểm chứa hàng và kinh doanh của ông H.Đ.Q.P tại phường Phú Thạnh (quận Tân Phú, TP.HCM).
Qua kiểm tra, có 13.050 đơn vị sản phẩm nhãn hiệu Obagi bị phát hiện là mỹ phẩm nhập lậu. Ông P. bị phạt 98.250.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa trên.
Đến ngày 24/9, giới hữu trách kiểm tra điểm chứa hàng của ông B.V.P tại Phường 15 (quận 10, TP.HCM), phát hiện 119.650 đơn vị sản phẩm là thuốc phòng bệnh cho người các loại không xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ.
Giới chức năng đã quyết định xử phạt ông P. 97.500.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng trên.
Phạm Toàn
Bộ Công an đề nghị tỉnh Long An ‘đóng băng’ tài sản của Vạn Thịnh Phát để điều tra
Ít ngày sau yêu cầu rà soát nguồn gốc của 156 bất động sản liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại TP.HCM của Công an TP, Bộ Công an đề nghị tỉnh Long An “đóng băng” các giao dịch nhà đất của các bị can, cá nhân liên quan đến tập đoàn này, để điều tra, thu hồi, tránh tẩu tán tài sản.
Chiều 28/10, VOV dẫn thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa có văn bản đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Long An nhanh chóng xác minh, tạm dừng các giao dịch nhà đất có liên quan đến các cá nhân, bị can có liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết theo kết quả điều tra vụ án (theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 50/QĐ-CSKT- P10 ngày 7/10/2022), từ năm 2018 – 2019, các bị can, cá nhân tại các công ty liên quan đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân.
“Các bị can, cá nhân trong vụ án trên hiện sở hữu hoặc ủy quyền cho người thân sở hữu nhiều tài sản là bất động sản, tài sản trên đất tại các tỉnh, thành phố” – theo nội dung văn bản.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Long An phối hợp cung cấp thông tin; nhanh chóng rà soát đối với các tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác; tình trạng pháp lý tài sản liên quan đến các bị can, cá nhân, công ty trong vụ án; tạm dừng các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, tặng, cho… phát sinh (nếu có) đối với nhà, đất trên cho đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Theo cơ quan điều tra, lý do phong tỏa tài sản là để phục vụ yêu cầu điều tra, giải quyết vụ án, kịp thời ngăn chặn các cá nhân tẩu tán tài sản, đảm bảo việc thu hồi tiền, tài sản trong vụ án.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cho biết trong giai đoạn 2015 – 2020, Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xúc tiến, trao đổi 65 dự án, trong đó 35 dự án đã có chủ trương đầu tư và 30 dự án chưa có chủ trương. Hiện có 5 dự án đang triển khai, chủ yếu là các dự án tái định cư tại huyện Cần Giuộc.
Hồi tháng 5/2016, báo Lao Động từng đưa tin Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của gia tộc họ Trương đang thâu tóm hàng ngàn ha đất tại huyện Cần Giuộc tỉnh Long An. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, nhà đầu tư này đã nộp 65 hồ sơ dự án với diện tích 3.746 ha.
Trong số trên, UBND tỉnh Long An đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 36 dự án với diện tích 2.159 ha; còn 29 dự án với diện tích 1.587 ha UBND tỉnh chưa có quyết định chủ trương đầu tư.
Tháng 7/2016, Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc – ông Nguyễn Văn Thiệp tiếp đại diện của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, xác nhận Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất của huyện đã tiếp nhận hồ sơ đất đai 36 dự án với diện tích 2.086ha do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đầu tư. Trong đó có 13 dự án với diện tích 718ha đã ký hợp đồng kê biên, đang kiểm đếm đất và tài sản trên đất; 23 dự án với diện tích 1.367 ha đã tiếp nhận hồ sơ đất đai, giao nhận mốc ranh giải phóng mặt bằng và lập phương án tổng thể bồi thường, theo báo Long An.
Trung tuần tháng 10/2022, tức chỉ ít ngày sau khi bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – bị bắt (ngày 8/10), Công an TP.HCM đã gửi văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM rà soát nguồn gốc 156 bất động sản liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cung cấp kết quả cho Phòng An ninh kinh tế trước ngày 19/10.
Theo danh sách đính kèm, 156 bất động sản trên tập trung tại quận 1, 3, 5, 7 và TP. Thủ Đức.
Minh Sơn
Bà Rịa-Vũng Tàu: Sai phạm đất đai, nguyên Chủ tịch huyện Đất Đỏ cùng 2 cán bộ bị khởi tố
Cấp đất sai quy định gây thất thoát tài sản Nhà nước, ông Tạ Quang Bửu cùng 2 cán bộ khác bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ngày 29/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an đã khởi tố 3 cá nhân liên quan đến việc giao hàng loạt lô đất sai quy định xảy tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
3 người bị khởi tố gồm: ông Tạ Văn Bửu, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ; ông Huỳnh Văn Phi – Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đất Đỏ (trước đây là Chủ tịch HĐND huyện); ông Trần Ngọc Hùng – Trưởng Phòng Tài nguyên khoáng sản Sở TN&MT tỉnh (nguyên trưởng Phòng TN&MT huyện Đất Đỏ).
Cơ quan chức năng cũng đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở của 3 người, đồng thời di lý về Trung tâm hành chính huyện để tiếp tục làm việc.
Trước đó, ngày 22/4/2020, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có thông báo kết luận thanh tra 235 trường hợp được giao đất có thu tiền không thông qua đấu giá thì chỉ có 23 trường hợp giao đúng quy định, 16 trường hợp còn vướng mắc về cách hiểu quy định của pháp luật.
Còn lại 196 trường hợp giao đất có thu tiền không thông qua đấu giá là sai quy định tại Luật Đất đai năm 2013.
Đến tháng 4/2020, trong số 196 trường hợp giao sai này, có 48 lô đã được tự nguyện trả lại, 77 lô đất chưa được xây dựng hoặc chưa chuyển nhượng, 71 lô đất đã xây dựng hoặc chuyển nhượng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Đất Đỏ, nhiệm kỳ 2010-2015.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu đã thi hành kỷ luật đối với ông Tạ Văn Bửu, bằng hình thức cách các chức vụ: ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Đất Đỏ (nhiệm kỳ 2010-2015) và Phó Bí thư Huyện ủy Đất Đỏ (nhiệm kỳ 2015-2020).
Minh Long