Tổng thống Hàn Quốc thông báo quốc tang sau thảm kịch Halloween
Hôm Chủ Nhật (30/10), Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố thời gian quốc tang và ra lệnh hạ cờ sau thảm kịch giẫm đạp thương tâm khiến ít nhất 151 người thiệt mạng, trong đó có 19 người nước ngoài. Sự việc diễn ra một ngày trước đó tại lễ hội Halloween ở Seoul.
Ông Yoon đã đưa ra tuyên bố trực tiếp từ văn phòng Tổng thống, sau khi một thảm họa xảy ra ở Itaewon khiến hàng trăm thanh thiếu niên thiệt mạng. Nhiều người trong số đó đang ở độ tuổi đôi mươi, theo tờ Yonhap.
“Sự việc thật sự rất kinh hoàng”, ông Yoon nói và nhấn mạnh rằng “thảm kịch và tai họa” vào thứ Bảy (29/10) “đáng lẽ không bao giờ xảy ra”.
“Với tư cách Tổng thống, tôi là người chịu trách nhiệm về cuộc sống và sự an toàn của người dân. Trái tim tôi nặng trĩu và tôi đang vật lộn với nỗi đau buồn của mình”, ông nói thêm.
“Từ hôm nay cho đến khi thảm kịch được kiểm soát, chính phủ sẽ tuyên bố thời gian quốc tang và sẽ ưu tiên vụ việc này trong công tác hành chính cũng như phục hồi sau đó”, ông nói.
Theo chỉ đạo của ông Yoon, Thủ tướng Han Duck-soo sau đó thông báo với các phóng viên rằng thời gian để tang sẽ kéo dài từ ngày 30/10 cho đến ngày 5/11.
“Điều quan trọng nhất là xác định được nguyên nhân vụ tai nạn và ngăn chặn những vụ việc tương tự. Chúng tôi sẽ phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân của thảm kịch và thực hiện những thay đổi cơ bản để đảm bảo rằng những rủi ro tương tự không tái diễn trong tương lai”, Tổng thống Yoon cho hay.
Ông Yoon cũng tuyên bố rằng, ông sẽ chỉ đạo Bộ Nội vụ và những bộ có liên quan tiến hành đánh giá khẩn cấp tất cả các lễ hội Halloween và những lễ hội địa phương khác để đảm bảo rằng, chúng được diễn ra một cách có trật tự và an toàn.
Ngay sau bài phát biểu, Tổng thống Hàn Quốc đã đến hiện trường vụ tai nạn trước khi đến khu phức hợp của chính phủ ở trung tâm Seoul để chủ trì một cuộc họp phản ứng của Hàn quốc. Ông cũng yêu cầu các văn phòng chính phủ hạ cờ xuống một nửa, theo thông báo từ văn phòng của ông.
Tờ Yonhap News Agency đưa tin, vụ giẫm đạp chết người nhất trong lịch sử Hàn Quốc xảy ra vào tối 29/10 tại một con hẻm nhỏ dưới dốc gần khách sạn Hamilton ở khu giải trí đêm nổi tiếng Itaewon, khi hàng chục nghìn người đổ về khu vực này để dự lễ Halloween.
Tính đến sáng nay (30/10), có ít nhất 151 người được xác nhận đã chết (trong đó có 2 người nước ngoài), 82 người khác bị thương, 19 người đang trong tình trạng nguy kịch và đang được cấp cứu.
Ông Choi Sung Beom, người đứng đầu lực lượng cứu hỏa ở Yongsan, cho biết vụ việc ở quận Itaewon, thủ đô Seoul tối 29/10 xảy ra “khi một đám đông người ngã xuống trong bữa tiệc Halloween”.
Đây là lễ hội Halloween đầu tiên của Seoul trong ba năm qua, kể từ khi đất nước dỡ bỏ các hạn chế do đại dịch COVID-19 và giãn cách xã hội. Hầu hết mọi người trên đường phố đều đeo mặt nạ và mặc trang phục Halloween.
Theo ông Choi, hầu hết nạn nhân là những thanh thiếu niên ở độ tuổi đôi mươi. Hiện các nhà chức trách vẫn chưa xác định được rõ rằng, liệu các nạn nhân có bao gồm trẻ vị thành niên hay không. Các quan chức cho biết, con số tử vong có thể tăng lên khi có tới 57 người bị thương nặng. “Nhiều người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch và được điều trị khẩn cấp”, ông Choi nói.
Các nhân chứng thuật lại tình huống náo nhiệt vài giây trước khi xảy ra vụ giẫm đạp.
“Khi những người phía trước ngã xuống, những người phía sau bị đè lên”, một nhân chứng ở độ tuổi 20 nói với tờ Yonhap News Agency.
Đây là một trong những thảm họa đẫm máu nhất của Hàn Quốc kể từ vụ chìm phà năm 2014 khiến 304 người thiệt mạng, chủ yếu là học sinh trung học.
Vụ chìm tàu Sewol và những lời chỉ trích về phản ứng chính thức, đã gây ra làn sóng chấn động khắp Hàn Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân đã gửi lời chia buồn đến vụ việc: “Chúng tôi rất đau buồn, chia sẻ nỗi đau này với người dân Hàn Quốc. Chúng tôi gửi lời chúc tốt đẹp nhất mong các nạn nhân sớm bình phục”.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng đã tweet những lời chia sẻ tới người dân Hàn Quốc.
Lam Giang
Ông Zelenskyy kêu gọi quốc tế phản ứng gay gắt việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen
Tổng thống Ukraina, ông Volodymyr Zelenskyy kêu gọi quốc tế phản ứng gay gắt – đặc biệt là từ Liên Hợp Quốc và G20 – về việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Đây là thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian được ký kết hồi tháng 7 có thời hạn 120 ngày, cho phép tàu dân sự di chuyển an toàn qua vùng biển và chở ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraina đến các cảng khác, từ đó giúp giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới.
Phát biểu qua video vào tối 29 tháng 10, ông Zelenskyy nhấn mạnh ‘làm sao Nga có thể nằm trong nhóm G20 nếu nước này cố tình gây ra nạn đói ở một số châu lục? “Thật vô nghĩa. Nga không có chỗ đứng trong G20.”, ông nói.
Ông Zelenskyy cũng nói rằng Nga đang làm mọi cách để gây ra nạn đói nhân tạo hoặc một cuộc khủng hoảng giá cả nghiêm trọng cho hàng triệu người ở châu Phi, Trung Đông và Nam Á.
Ông nêu ra vấn đề tại sao một số ít người ở đâu đó trong Điện Kremlin lại quyết định xem liệu người dân Ai Cập hay Bangladesh sẽ có thức ăn trên bàn của họ hay không? ‘Điều này là thế nào? Thế giới có quyền bảo vệ mọi người chống lại điều này’ ông nói.
Theo Tổng thống Ukraina, việc Nga thông báo đình chỉ Sáng kiến ngũ cốc là ‘khá dễ đoán’ vì từ tháng 9 tới nay Ukraina đã chứng kiến có một số tàu đã bị cản trở hành trình của mình trong hành lang ngũ cốc.
Trước đó ít giờ, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này quyết định đình chỉ tham gia vào Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Sau khi cáo buộc các lực lượng Ukraina sử dụng phi cơ không người lái tấn công các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol, thành phố lớn nhất trên bán đảo Crimea vào đầu ngày 29 tháng 10.
Đáp lại, chánh văn phòng của tổng thống Ukraina cáo buộc Nga “tống tiền” và “bịa ra các cuộc tấn công khủng bố”.
Người dân Ukraina có thể ‘chết cóng’ trong mùa đông này nếu phương Tây không gửi chăn và máy phát điện?
Thị trưởng Kyiv ông Vitaly Klitschko cho biết nhiều người Ukraina có thể “chết cóng” trong mùa đông, nếu phương Tây không gửi chăn và máy phát điện để giúp họ sửi ấm – để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng do Nga bắn phá cơ sở hạ tầng.
Trao đổi với nhật báo Anh Telegraph, ông Klitschko thừa nhận Ukraina sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong mùa đông này. Ông nói: “Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để cứu sống người dân và bảo vệ họ”. Vị quan chức này cho biết giới chức đã mua một số máy phát điện, chuẩn bị 1.000 điểm sưởi di động ở Kyiv để đề phòng “tình huống xấu nhất”.
Trong vài ngày tới, nhiệt độ ban đêm ở một số khu vực Ukraina dự kiến sẽ giảm mạnh xuống -20 độ C. Ông Klitschko nói rằng Ukraina không chỉ cần vũ khí và hệ thống phòng không từ phương Tây, mà còn cần cả chăn, quần áo mùa đông và máy phát điện. Ông nhấn mạnh: “Đây là thời điểm quan trọng để phương Tây viện trợ những thiết bị này”.
Lời kêu gọi của Thị trưởng Kyiv được đưa ra sau bình luận của Phó Thủ tướng Ukraina Irina Vereshchuk. Trong tuần này, bà Vereshchuk kêu gọi những người Ukraina đã rời đi sau khi Nga xâm lăng không nên trở về trước mùa xuân, vì lý do sẽ thiếu điện.
Ông Yuri Vitrenko, Giám đốc tập đoàn năng lượng Naftogaz của Ukraina, cũng cảnh báo người dân nước này đang phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt nhất từ trước đến nay. Ông tuyên bố rằng các cuộc không kích của Nga đã phá hủy khoảng 40% các nhà máy sản xuất điện của Ukraina.
Trong nỗ lực ngăn chặn thảm họa nhân đạo, vào tuần trước, EU đã công bố chương trình viện trợ cơ sở vật chất mùa đông cho Ukraina, cam kết cung cấp thêm 174 triệu USD hỗ trợ nhân đạo cho những người dân dễ bị tổn thương nhất ở Ukraina và nước láng giềng Moldova.
Đầu tháng này, Mỹ – quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraina – cũng cam kết hỗ trợ Kyiv khoản hỗ trợ khẩn cấp trị giá 55 triệu USD. Gói hỗ trợ bao gồm việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng sưởi ấm, mua máy phát điện và các thiết bị khác để giúp người dân Ukraina sưởi ấm.
Về phía Nga, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói Ukraina muốn có điện thì phải tuân theo yêu cầu của Điện Kremlin, tức là đầu hàng.
Trung Quốc quan tâm đến sự thất bại của Nga trong cuộc chiến với Ukraina?
Nhà chính trị đối lập Nga Mark Feigin nói rằng, Trung Quốc quan tâm đến sự suy yếu của Nga và sự thất bại của người Nga ở Ukraina, vì Liên bang Nga sẽ tìm kiếm sự giải cứu từ chính Trung Quốc. Ông đã nói về điều này trên sóng của kênh Espresso TV.
Theo ông,việc Matxcova bị suy yếu và thậm chí thất bại dù ít hay nhiều ở Ukraina đều có lợi cho Trung Quốc. Tất nhiên, nếu Matxcova đã thắng cuộc chiến trong vòng 2-3 ngày, thì đây là một câu chuyện khác. Họ có thể xóa sổ Mỹ và vân vân.
Nhưng điều này đã không xảy ra. Tức là, Matxcova đã không thắng cuộc chiến này, không chiếm được Kyiv. “Tại sao lại giúp họ thoát ra khỏi cuộc chiến này mà không bị mất mặt?”, ông Feigin giải thích.
Theo nhà đối lập Nga, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ một nước Nga yếu kém về kinh tế. Trong trường hợp này, Trung Quốc sẽ có thể thể hiện lợi thế vô song của mình. Lúc đó Matxcova sẽ quỳ gối trước Bắc Kinh, cầu xin họ cứu nền kinh tế, và nước Nga từ một quốc gia từ thế giới thứ ba sẽ xuống quốc gia thuộc thế giới thứ tư.
Nhận định của ông Mark Feigin cũng không hẳn là không có lý, sau khi bị Mỹ và phương Tây liên tiếp tung các đòn trừng phạt và tẩy chay, Nga – một quốc gia chủ yếu dựa vào xuất khẩu năng lượng đang chuyển hướng xuất khẩu từ châu u sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ.
Còn theo nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Lịch sử Ukraina thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraina, ông Andriy Martynov cho rằng Trung Quốc đang đợi Nga suy yếu để chiếm lại các vùng lãnh thổ phía đông của Nga.
Ông Martynov đã đưa ra nhận định của mình trong một bài bình luận độc quyền cho ấn bản trực tuyến UA.News, được xuất bản hôm 29 tháng 10.
Theo ông, Trung Quốc có khả năng đưa quân đến Nga và chiếm đóng bờ biển phía đông Liên bang Nga. Ông nhắc lại rằng, Bắc Kinh đã nhiều lần nhắc đến việc Primorye cùng với Vladivostok và Khabarovsk là những lãnh thổ bị tách khỏi Trung Quốc một cách bất hợp pháp và đang chờ cơ hội để trao trả lại cho đế chế.
Đi sâu hơn vào vấn đề, ông Martynov lý giải do cuộc xâm lược vào Ukraina, quân khu phía đông của Liên bang Nga đang bị suy yếu rất nghiêm trọng về nhân sự và quân sự – kỹ thuật, và ‘Putin đang thu gom từng chút những nguồn dự trữ cuối cùng’.
Và Trung Quốc khôn ngoan ngồi trên núi, xem hai con hổ đấu với nhau và chờ một trong hai con thắng để nhận cái lợi của chính mình. Do đó, ngay từ cơ hội đầu tiên, Bắc Kinh sẵn sàng giải quyết mọi vấn đề về lãnh thổ với Nga, nảy sinh vào thế kỷ 19,
khi đế chế Thiên triều suy yếu, và đế quốc Nga đã lợi dụng điểm yếu này. Ngày nay, tình hình đã phản ánh đối xứng lại – Trung Quốc mạnh hơn nhiều so với Nga và coi Nga là đối tác cấp dưới của mình.
Điện Kremlin không đồng tình với điều này, nhưng trên thực tế là đúng như vậy – chỉ cần so sánh tiềm lực kinh tế của các quốc gia là đủ, chưa kể tiềm lực quân sự. Do đó, Trung Quốc chỉ đơn giản là chờ đợi một tình huống thuận lợi phát sinh để giải quyết tranh chấp lãnh thổ này với Nga một lần và mãi mãi có lợi cho mình”, chuyên gia chính trị Martynov cho biết.
Nhà phân tích an ninh quốc gia Mỹ Craig Hooper cũng lưu ý rằng, Trung Quốc có thể từ bỏ ý định chiếm Đài Loan và sẽ chiếm miền đông nước Nga trong bối cảnh Điện Kremlin suy yếu. Theo ý kiến của ông, hiện nay đã hình thành những cơ sở sâu sắc để xem xét lại biên giới Trung – Nga. Trung Quốc có thể dễ dàng tìm ra lý do để thu hồi các thỏa thuận hiện có – bằng cách yêu cầu Nga trả lại Vladivostok, cũng như khoảng 23.000 dặm vuông lãnh thổ trước đây của Trung Quốc, mà Liên bang Nga đã sở hữu từ năm 1860.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, nói rằng, Bắc Kinh kiên quyết ủng hộ Nga dưới sự lãnh đạo của Putin và muốn tăng cường quan hệ với Matxcova.
Chuyên gia chính trị Andriy Martynov coi tuyên bố này của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc là nỗ lực làm suy yếu càng nhiều càng tốt, nhưng đồng thời không làm xấu đi quan hệ Nga – Trung. Trên thực tế, Bắc Kinh coi Nga là đối tác cấp dưới và rất không hài lòng với việc Điện Kremlin gây bất ổn cho tình hình ở châu u. Và vì thất bại của người Nga ở Ukraina, nên chưa chắc họ đã dám tấn công quân sự Đài Loan.