Tin thế giới trưa thứ Hai: Anh phủ nhận cáo buộc của Nga về vụ nổ đường ống Nord Stream

Anh phủ nhận cáo buộc của Nga về vụ nổ đường ống Nord Stream

Khí đốt thoát ra từ một vết rò rỉ trên đường ống dẫn khí Nord Stream 2 ở Biển Baltic vào ngày 27/09/2022. (Ảnh: Cảnh sát bờ biển Thụy Điển qua Getty Images)

Hôm thứ Bảy (29/10), Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Hải quân Anh đã làm nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream hồi tháng trước. Phía London đã bác bỏ tuyên bố này là sai sự thật và nhấn mạnh rằng, Moscow đang viện cớ để đánh lạc hướng khỏi những thất bại quân sự của Nga ở Ukraine.

Theo tờ Reuters, Nga không đưa ra bằng chứng nào cho cáo buộc của mình về việc một thành viên cấp cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã phá hủy cơ sở hạ tầng trọng yếu của nước này. Giới chuyên gia nhận định, đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong quan hệ giữa Nga với phương Tây kể từ Chiến tranh Lạnh.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm, các “chuyên gia Anh” từ cùng một đơn vị đã điều phối máy bay không người lái của Ukraine tấn công các tàu thuộc hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea. Ngay sau đó, lực lượng này đã vấp phải đòn đáp trả của Nga, nhưng lại khiến cho một tàu quét mìn của Moscow bị hư hại nhẹ.

“Theo thông tin mà chúng tôi thu thập được, đại diện của đơn vị này của Hải quân Anh đã tham gia vào việc lập kế hoạch, chuẩn bị và thực hiện một cuộc tấn công khủng bố ở Biển Baltic vào ngày 26/9 năm nay – làm nổ các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2”, Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.

Anh đã phủ nhận cáo buộc này.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Để đánh lạc hướng khỏi những thất bại thảm hại của họ đối với cuộc xâm lược bất hợp pháp vào Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga đang rêu rao những tuyên bố sai sự thật ở quy mô chưa từng có”.

“Câu chuyện bịa đặt này nói nhiều hơn về các cuộc tranh cãi đang diễn ra bên trong chính phủ Nga hơn là về phương Tây”.

Bà Maria Zakharova, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, cho biết Moscow sẽ tìm kiếm phản ứng từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Bà nói trên mạng xã hội rằng, Moscow muốn thu hút sự chú ý về “một loạt các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Liên bang Nga ở Biển Đen và biển Baltic, trong đó có sự can dự của Anh”.

Nga, quốc gia bị các nước phương Tây tẩy chay kể từ khi xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, đã đổ lỗi cho phương Tây về các vụ nổ làm vỡ đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 do Nga xây dựng trên đáy Biển Baltic. Nord Stream 1 từng là đường ống dẫn khí đốt chính của Nga tới châu Âu.

Vào ngày 26/9, cả hai đường ống đều giảm đáng kể áp suất và các nhà địa chấn học đã quan sát thấy các vụ nổ xung quanh đường ống. Động thái này đã dấy lên lo ngại về thiệt hại của một trong những hành lang năng lượng quan trọng nhất của Nga.

Reuters không thể xác minh bất kỳ tuyên bố nào liên quan đến vụ việc.

Bí ẩn về vụ nổ

Cả Thụy Điển và Đan Mạch đều xác định rằng bốn vụ rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1 và 2 là do các vụ nổ gây ra, nhưng không chỉ ra ai là người phải chịu trách nhiệm về vụ việc. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã mô tả thiệt hại là một âm mưu phá hoại.

Thụy Điển đã yêu cầu điều tra thêm về thiệt hại của đường ống, công tố viên phụ trách vụ việc cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (28/10).

Điện Kremlin thường xuyên gọi những tuyên bố cáo buộc Nga “đồng lõa” với hành vi phá hoại đường ống là “ngu ngốc”. Đồng thời, các quan chức Nga nhấn mạnh rằng, Washington chỉ có mục đích duy nhất là tăng lượng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của nước này sang châu Âu.

Mỹ phủ nhận cáo buộc có liên quan đến vụ việc.

Đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 có tổng công suất hàng năm là 110 tỷ mét khối, chiếm hơn một nửa sản lượng xuất khẩu khí đốt của Nga. Các đoạn của đường ống dài 1.224 km (760 dặm) chạy từ Nga đến Đức nằm ở độ sâu 80-110 mét.

Cuộc tấn công trên Biển Đen

Hôm 29/10, Nga tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine đã nhắm mục tiêu vào các tàu của Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol, thành phố lớn nhất ở bán đảo Crimea do Nga sáp nhập vào năm 2014.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Ukraine đã sử dụng 16 máy bay không người lái để tấn công các tàu của Hạm đội Biển Đen gần Sevastopol trên bán đảo Crimea vào sáng ngày 29/10. Moscow nói thêm rằng, các “chuyên gia” hải quân Anh đã hỗ trợ điều phối hoạt động “khủng bố”.

“Việc lên kế hoạch cho hoạt động khủng bố này, cũng như việc huấn luyện nhân viên từ Trung tâm Điều hành Hàng Hải đặc biệt số 73 của Ukraine, được giám sát bởi các chuyên gia Anh có trụ sở tại Ochakiv”.

Theo Moscow, tất cả các máy bay không người lái đã bị phá hủy. Tuy nhiên, tàu quét mìn Ivan Golubets bị hư hại nhẹ. Hạm đội Biển Đen của Nga có trụ sở chính tại Sevastopol.

Hôm thứ Bảy (29/10), Nga tuyên bố ngừng thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen với Ukraine do Liên Hợp Quốc làm trung gian. Động thái này được cho là nhằm đáp trả cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Kyiv đối với Hạm đội Biển Đen của Moscow ở Sevastopol, Crimea.

Động thái này của Nga sẽ cắt giảm lượng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng quan trọng ở Biển Đen. Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi quyết định này là “hoàn toàn vô lý” và cảnh báo nó sẽ khiến cho nạn đói tồi tệ hơn.

“Những việc họ làm không mang lại lợi ích gì. Liên Hợp Quốc đã thương lượng thỏa thuận này và đó sẽ là dấu chấm hết”, ông Biden nói với các phóng viên tại bang Delaware, quê hương của ông.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết, quyết định phi lý của Nga đòi hỏi phải có phản ứng quốc tế mạnh mẽ từ Liên Hợp Quốc và nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20)

“Đây là một nỗ lực hoàn toàn trắng trợn của Nga nhằm tái tạo mối đe dọa về nạn đói quy mô lớn đối với châu Phi và châu Á”, ông Zelenskyy nói trong một bài phát biểu qua video, đồng thời nhấn mạnh rằng Nga nên bị trục xuất khỏi G20.

Thanh Hải

WHO cảnh báo số ca mắc bệnh lao phổi gia tăng toàn cầu sau gần 20 năm

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo số người mắc bệnh lao phổi (TB) trên toàn cầu đã tăng lần đầu tiên sau gần 2 thập kỷ, theo tờ AP.

Cụ thể, theo một báo cáo được công bố ngày 27/10, WHO ghi nhận mức tăng trong các ca mắc lao phổi là 4,5% so với cùng kỳ năm 2021. Một số chuyên gia chỉ ra rằng xu hướng gia tăng loại bệnh này ít được chú ý do dịch chủ yếu ảnh hưởng đến các khu vực nghèo.

Theo báo cáo của WHO, trong tổng cộng 10,6 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi vào năm ngoái, có 1,6 triệu người đã tử vong. Các quan chức WHO nhận định rằng đại dịch COVID-19 đã góp phần làm gia tăng đột biến số ca tử vong liên quan đến bệnh lao phổi do các lệnh phong tỏa cản trở việc chẩn đoán hoặc điều trị của nhiều bệnh nhân.

Tiến sĩ Lucica Ditiu, Giám đốc điều hành Tổ chức Phòng ngừa Lao, cho hay: “Mặc dù tỷ lệ tử vong và mắc bệnh lao phổi có xu hướng tăng đáng kinh ngạc nhưng kinh phí cho việc ngăn ngừa bệnh lao đã giảm xuống trong năm 2020 và 2021 từ mức vốn đã thấp đến mức cực kỳ thấp”.

Theo một báo cáo của Nhóm Hành động Điều trị và Phòng ngừa Lao công bố vào tháng 12/2021, tổng số tiền viện trợ toàn cầu cho nghiên cứu bệnh lao là 915 triệu USD vào năm 2020, thấp hơn so với với mục tiêu 2 tỷ USD mà Liên Hợp Quốc đặt ra vào năm 2018. Dẫu vậy, số tiền đó cuối cùng được đầu tư vào phát triển và sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19, thay vì nghiên cứu vắc-xin ngừa lao.

Ngoài ra, WHO cũng ghi nhận tài trợ toàn cầu cho các dịch vụ thiết yếu điều trị lao giảm từ 6 tỷ USD năm 2019 xuống còn 5,4 tỷ USD sau 2 năm.

Được biết, bệnh lao phổi là một loại bệnh do virus lao Mycobacterium gây ra có khả năng gây chết người, chủ yếu ảnh hưởng đến 2 lá phổi của người bệnh. Những người suy dinh dưỡng và có hệ thống miễn dịch kém có nguy cơ cao nhiễm căn bệnh này.

Phan Anh

Nhật Bản công bố gói kích thích kinh tế trị giá 485 tỷ USD chống lạm phát

Nhật Bản công bố gói kích thích kinh tế trị giá 485 tỷ USD chống lạm phát
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói trong một cuộc họp báo tại tư dinh chính thức của ông ở Tokyo hôm 28/10/2022, để công bố một gói kích thích kinh tế mới. (Ảnh: Yoshikazu Tsuno/Pool/AFP/Getty Images)

Hôm 28/10, Thủ tướng Nhật Bản thông báo rằng chính phủ của ông sẽ chi khoảng 71.6 ngàn tỷ yên (485 tỷ USD) để kích thích kinh tế nhằm giúp các gia đình và doanh nghiệp ứng phó với áp lực lạm phát trong bối cảnh đồng tiền yếu.

Thủ tướng Fumio Kishida nói rằng gói kinh tế dự kiến này ​​sẽ tăng tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản lên 4.6% và giảm giá tiêu dùng 1.2% trong năm tới.

Gói kích thích này bao gồm một ngân sách bổ sung trị giá 29.1 ngàn tỷ yên (200 tỷ USD) để mở rộng hỗ trợ cho các gia đình và giảm các hóa đơn tiện ích (điện nước). Ông Kishida nói rằng chính phủ của ông cũng sẽ hỗ trợ 100,000 yên (680 USD) cho mỗi phụ nữ mang thai.

Theo Kyodo News, ông nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi đang nhắm mục tiêu vào giá năng lượng, một yếu tố chính đằng sau lạm phát gần đây và kiềm chế giá tăng một cách rõ rệt.”

Trong tổng số gói kích cầu, ông Kishida nói rằng chính phủ của ông sẽ dành ra 6 ngàn tỷ yên (40.7 tỷ USD) cho các biện pháp liên quan đến năng lượng và mở rộng hỗ trợ trị giá 45,000 yên (305 USD) cho mỗi gia đình.

Hóa đơn tiện ích hàng tháng cho một gia đình trung bình sẽ giảm 5,000 yên (33.90 USD) kể từ tháng Một năm sau. Hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình sẽ giảm xuống còn 7 yên (0.05 USD) cho mỗi kilowatt giờ, trong khi các công ty sẽ nhận được khoản trợ cấp 3.5 yên cho mỗi kilowatt giờ.

Chính phủ cũng sẽ cung cấp một khoản trợ cấp 30 yên (0.20 USD) cho mỗi mét khối tiêu thụ khí đốt tính phí của thành phố và mở rộng trợ cấp hiện tại cho các nhà bán buôn dầu sau tháng 12.

Duy trì lãi suất thấp

Gói kích thích kinh tế này được công bố sau quyết định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm 28/10 nhằm giữ lãi suất dưới 0 mặc dù đồng yên giảm giá, đạt mức thấp nhất trong 32 năm trong tháng này.

Nhật Bản là nền kinh tế lớn duy nhất duy trì lãi suất thấp trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Ông Kishida cho biết chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến trên thị trường ngoại hối với sự phối hợp của BOJ.

Ông nói: “Đồng thời, chúng ta cần làm vững mạnh nền kinh tế của mình. Chúng tôi có các bước để hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ có định hướng xuất cảng, khuyến khích các công ty chuyển chi phí cao hơn và thúc đẩy du lịch trong nước.”

Kể từ năm 2016, ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã duy trì lãi suất chủ chốt ở mức âm 0.1%. Hôm 28/10, Hội đồng Chính sách của BOJ đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ngắn hạn, ở mức 0.1%.

BOJ cho biết họ vẫn cam kết giữ lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm quanh mức 0% bằng cách mua một “lượng cần thiết” các trái phiếu như vậy mà không đặt ra giới hạn trên [cụ thể].

Ngân hàng cho biết: “Ngân hàng sẽ đề nghị mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức [lợi suất] 0.25% mỗi ngày làm việc thông qua hoạt động mua theo lãi suất cố định, trừ khi có khả năng cao là không có hồ sơ dự thầu nào được nộp.” 

Hành Động giữ lãi suất thấp của Nhật Bản hoàn toàn trái ngược với các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới đang ráo riết tăng lãi suất. Chỉ một ngày trước đó, Ngân hàng Trung ương Âu Châu đã công bố một đợt tăng lãi suất lớn nữa lên 75 điểm căn bản.

Tại Hoa Kỳ, Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất chuẩn từ mức gần như bằng 0 vào đầu năm lên khoảng 3.0–3.25%, đây là mức cao nhất kể từ năm 2008.

Aldgra Fredly
Chính Tín biên dịch

Đánh bom xe ở thủ đô của Somalia, ít nhất 400 người thương vong

Vào ngày 29/10/2022, Bộ Giáo dục Somalia ở thủ đô Mogadishu đã bị tấn công bởi chiếc xe bom. (Ảnh cắt từ video)

Hôm thứ Bảy (29/10), tại thủ đô của Somalia đã xảy ra 2 vụ đánh bom xe ô tô liên hoàn, ít nhất 100 người thiệt mạng và 300 người bị thương.

Tổng thống Somalia, ông Hassan Sheikh Mohamud, đã nhanh chóng đến địa điểm xảy ra vụ nổ bên ngoài Bộ Giáo dục ở thủ đô Mogadishu và xác nhận số người chết trong một tuyên bố.

Ông nói: “Những người bị giết … bao gồm những bà mẹ bế con trên tay, những người bố có vấn đề về sức khỏe, những học sinh được gửi đến trường, những người buôn bán đang phải vật lộn với cuộc sống gia đình.”

Theo AFP, ít nhất 100 người đã thiệt mạng và 300 người khác bị thương.

Vụ tấn công xảy ra tại một khu phố sầm uất của thủ đô, nơi đặt một số văn phòng chính phủ. Trong cùng ngày hôm đó, tổng thống, thủ tướng và các quan chức cấp cao khác của nước này đang có cuộc họp thảo luận về cách đối phó với chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Vụ nổ đầu tiên là tấn công Bộ giáo dục nước này, trong khi vụ thứ hai xảy ra khi xe cứu thương chạy đến hiện trường và mọi người tập trung để giúp đỡ các nạn nhân. Sóng xung kích cực lớn đập vỡ các cửa sổ gần đó, máu phủ khắp sân bên ngoài tòa nhà.

Hiện chưa có ai chịu trách nhiệm về vụ nổ, nhưng Tổng thống Mohamud tin rằng nó có liên quan đến một tổ chức cực đoan – Al Shabaab (Đảng Thanh niên). Tổ chức này thường xuyên tấn công các địa điểm nổi tiếng, và còn từng tấn công Bộ Giáo dục vào năm 2015, tổ chức này còn thực hiện một vụ nổ lớn vào năm 2017 khiến hơn 500 người tử vong.

Trí Đạt

Ngoại trưởng Nga Lavrov ‘nói móc’ ông Biden về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba và Ukraine

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov họp báo sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Ukraine tại Antalya, ngày 10/3/2022, 15 ngày sau khi Nga tiến hành ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ vào Ukraine. (Ảnh: Ozan Kose/Getty Images)

Hôm Chủ nhật (30/10), Bộ trưởng Ngoại giao của Tổng thống Vladimir Putin đã đề cập với Tổng thống Mỹ Joe Biden về vấn đề Ukraine. Ông Lavrov nhấn mạnh rằng, ông hy vọng Tổng thống Mỹ ‘đủ khôn ngoan’ để đối phó với một cuộc xung đột toàn cầu tương tự như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã châm ngòi cho cuộc đụng độ lớn nhất giữa Moscow và phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng Cuba, thời điểm mà Liên Xô và Mỹ đang cận kề chiến tranh hạt nhân.

Sau thất bại của cuộc xâm lược Vịnh Con Lợn cùng với việc Mỹ triển khai tên lửa ở Ý và Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ khi đó là John F. Kennedy phát hiện ra rằng, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã triển khai tên lửa hạt nhân trên Cuba.

Sự kiện Vịnh Con Lợn là cuộc tấn công bất thành của một nhóm người Cuba lưu vong được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tài trợ và huấn luyện vào Cuba với mục đích lật đổ chính phủ của ông Fidel Castro.

Trong một cuộc phỏng vấn cho một bộ phim tài liệu của đài truyền hình nhà nước Nga về cuộc khủng hoảng tên lửa, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói rằng có “những điểm tương đồng” với năm 1962, chủ yếu là do Nga hiện đang bị đe dọa bởi vũ khí của phương Tây ở Ukraine.

Ông Lavrov nói thêm: “Trong hoàn cảnh hiện tại, tôi hy vọng rằng Tổng thống Joe Biden sẽ có nhiều cơ hội hơn để tìm hiểu xem ai là người ra lệnh và bằng cách nào. Đây là một vấn đề thực sự đáng lo ngại”.

Ông Lavrov giải thích: “Sự khác biệt là vào năm 1962 xa xôi, ông Khrushchev và ông Kennedy đã tìm thấy sức mạnh để thể hiện trách nhiệm và sự khôn ngoan, nhưng hiện tại chúng tôi không thấy sự sẵn sàng như vậy ở phía Washington và các nước chư hầu”.

Một đại diện của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng từ chối bình luận về phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov và chỉ đưa ra bình luận về việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở với Moscow.

Vào ngày 27/10/1962, thế giới tiến gần đến chiến tranh hạt nhân khi một thuyền trưởng tàu ngầm của Liên Xô cố gắng phóng một quả bom hạt nhân. Trước đó, Hải quân Mỹ thả các vật liệu sâu xung quanh tàu ngầm của Liên Xô.

Cuối ngày hôm đó, Tổng thống Mỹ Kennedy bí mật đồng ý rút tất cả các tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy việc ông Khrushchev loại bỏ tất cả các tên lửa ở Cuba. Cuộc khủng hoảng đã được ngăn chặn, nhưng nó trở thành biểu tượng cho sự nguy hiểm của cạnh tranh trong Chiến tranh Lạnh giữa các siêu cường.

Theo Tổng thống Vladimir Putin, một trong những gốc rễ của cuộc xung đột là việc phương Tây bỏ qua mối quan tâm của Nga về an ninh của châu Âu thời hậu Xô Viết, đặc biệt là sự mở rộng về phía đông của liên minh quân sự NATO.

Mỹ và các đồng minh châu Âu cho rằng nỗi sợ hãi của Nga đã bị phóng đại. Theo đó, Moscow không thể viện cái cớ này để biện minh một cuộc xâm lược vào nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ – Ukraine.

Ukraine nói rằng họ sẽ chiến đấu cho đến khi người Nga cuối cùng bị đẩy ra khỏi lãnh thổ của mình. Kyiv mô tả chính sách ngoại giao của cường quốc Nga là một mưu đồ nhằm chuyển sự chú ý khỏi một cuộc chiếm đoạt lãnh thổ theo kiểu đế quốc mà Kyiv cảnh báo là sớm muộn sẽ bị diệt vong.

Khi được hỏi Nga nên làm gì trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hiện nay, Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố, “sự sẵn sàng đối thoại của Nga, bao gồm cả Tổng thống Vladimir Putin, vẫn còn nguyên vẹn”.

Huyền Anh

Bất chấp việc Nga rút lui, LHQ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine vẫn tiếp tục thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen

Hai tàu sân bay chở ngũ cốc Ukraine rời cảng biển Chornomorsk: “Star Helena” đến Trung Quốc với 45 nghìn tấn hạt hướng dương, “Glory” đến cảng Istanbul với 66 nghìn tấn ngô ở vùng Odesa, miền nam Ukraine, hôm 07/8/2022. (Ảnh: Nina Lyashonok/Ukrinform/Future Publishing/Getty Images)

Bất chấp việc Nga ngừng tham gia vào thỏa thuận cho phép xuất khẩu nông sản của Ukraine ra thị trường toàn cầu, Liên Hợp Quốc (LHQ), Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine vẫn đang thúc đẩy việc nối lại thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen với một kế hoạch xuất cảng 16 tàu ngũ cốc vào ngày 31/10.

Moscow đã tạm dừng vai trò của mình trong thỏa thuận Biển Đen hôm thứ Bảy (29/10), ngưng vận chuyển hàng hoá từ Ukraine, một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Nga nói động thái này là nhằm đáp trả cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine đối với Hạm đội Biển Đen của Moscow ở Sevastopol, Crimea. Theo đó, Nga đã đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc “vô thời hạn” vì không thể “đảm bảo an toàn cho các tàu dân sự” đi lại theo thỏa thuận này.

Hôm 30/10, LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng giải cứu thỏa thuận ngũ cốc này. Người phát ngôn của LHQ, ông Stephane Dujarric, cho biết, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã vô cùng lo lắng trước quyết định của Nga và phải hoãn chuyến công du nước ngoài để cố gắng khôi phục hiệp định nhằm giảm bớt tình trạng khủng hoảng lương thực trên toàn thế giới.

Theo các nhà phân tích, giá lúa mì trên thị trường có thể sẽ tăng vào thứ Hai sau quyết định của Nga, vì cả Nga và Ukraine đều là những nhà sản xuất lúa mì lớn của thế giới.

Kể từ tháng 7, gần 9,5 triệu tấn ngô, lúa mì, các sản phẩm hướng dương, lúa mạch, hạt cải dầu và đậu nành đã được xuất khẩu. Một Trung tâm Điều phối chung (JCC) bao gồm các cơ quan chức năng của LHQ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine đã quyết định nối lại thỏa thuận này.

Vào ngày 30/10, không có chuyến tàu nào xuất cảng qua hành lang ngũ cốc. Tuy nhiên, LHQ tuyên bố rằng họ đã đạt được thỏa thuận với Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch xuất cảng 16 tàu – 12 tàu đi và 4 tàu đến – vào hôm thứ Hai (31/10).

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết, ông đang liên lạc với các đồng nghiệp Nga và Ukraine để tìm cách cứu vãn thỏa thuận này, đồng thời khuyến cáo các bên tránh gây ra bất kỳ hành động khiêu khích nào.

Cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) đều đã khuyến khích Nga cân nhắc lại quyết định của mình. Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo hôm thứ Bảy (29/10) rằng, lập trường của Nga là “hoàn toàn phi lý” và sẽ chỉ làm trầm trọng thêm nạn đói trên toàn cầu. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Moscow đã vũ khí hóa lương thực.

Hôm Chủ nhật, Đại sứ Nga tại Washington đã phản pháo lại, gọi phản ứng của Mỹ là “thái quá” khi đưa ra những tuyên bố sai lệch về hành động của Moscow.

Ukraine với cáo buộc tấn công vào Hạm đội Biển Đen của Nga

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công vào Hạm đội Biển Đen gần Sevastopol bằng 16 máy bay không người lái vào sáng ngày 29/10. Moscow cáo buộc nỗ lực “tấn công khủng bố này” có sự góp sức của các “chuyên gia” hải quân Anh. London đã phủ nhận cáo buộc này.

Ukraine không xác nhận cũng như không phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công và nói rằng, chính Nga phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công đó.

Ông Dmytro Kuleba, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, tuyên bố Moscow lợi dụng các vụ nổ cách hành lang ngũ cốc 220 km (137 dặm) như một “cái cớ giả mạo” cho động thái đã được lên kế hoạch từ lâu.

“Nga đã quyết định tiếp tục các trò chơi gây ra đói kém từ lâu và bây giờ đang tìm cách biện minh cho điều đó”, ông Kuleba nói trên Twitter mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.

Hôm 29/10, Chánh văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cáo buộc Nga dàn dựng các vụ tấn công vào chính các cơ sở của chính mình.

Ukraine thường xuyên cáo buộc Nga sử dụng Hạm đội Biển Đen để phóng tên lửa hành trình vào các địa điểm dân sự của Ukraine. Một số nhà phân tích quân sự tin rằng điều này sẽ khiến cho hạm đội trở thành mục tiêu quân sự.

Nga đã yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ nhóm họp vào ngày 31/10 để xem xét về vụ việc Sevastopol, Phó Đại sứ LHQ Dmitry Polyanskiy nói trên Twitter.

Tàu chở ngũ cốc bị chặn

Trước khi thỏa thuận ngũ cốc hết hạn vào ngày 19/11, Nga tuyên bố rằng họ có những vấn đề lớn và Ukraine cáo buộc rằng Moscow đã chặn gần 200 tàu lấy hàng ngũ cốc.

Vào thời điểm thỏa thuận được ký kết, Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ cho hay, khoảng 47 triệu người đang phải chịu “nạn đói nghiêm trọng” do chiến tranh khiến các chuyến hàng của Ukraine bị đình trệ, gây ra tình trạng thiếu lương thực toàn cầu và khiến giá cả tăng vọt.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã cáo buộc Nga cố gắng làm trầm trọng thêm cuộc xung đột, cho rằng 218 tàu bị mắc cạn và không thể vận chuyển hàng tiếp tế hoặc cập các cảng của Ukraine.

Ông Zelenskyy tuyên bố, 40.000 tấn lúa mì của nước này đã được đưa lên một con tàu do Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ thuê và chuyển đến Ethiopia, nơi mà ông mô tả là “đang trên bờ vực của nạn đói” và đang trải qua tình trạng thiếu lương thực “thảm khốc”. Yemen và Somalia cũng trong tình cảnh tương tự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết, quyết định phi lý của Nga đòi hỏi phải có phản ứng quốc tế mạnh mẽ từ LHQ và nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20)

“Đây là một nỗ lực hoàn toàn trắng trợn của Nga nhằm tái tạo mối đe dọa về nạn đói trên quy mô lớn đối với châu Phi và châu Á”, ông Zelenskyy nói trong một bài phát biểu qua video, đồng thời nói thêm rằng Nga nên bị trục xuất khỏi G20.

Lam Giang

Related posts