Thầy nằm bất động, hơi thở đều, thỉnh thoảng kéo dài nặng nhọc, đôi mắt mệt mỏi của thầy chăm chú nhìn tôi nhỏ từng giọt nước tinh khiết, chậm, đều vào đường ven trên cánh tay trái của ông. Đường ven trên tay phải ông là một màu hồng đỏ, cũng đều đều chầm chậm như tôi đi vào cơ thể gầy guộc của Thầy.
Tôi gọi ông là Thầy vì lớp lớp người vào thăm ông kính cẩn gọi thế.
Cách đây sáu năm, tiền kiếp của tôi cũng vinh dự truyền những giọt sống vào cơ thể ông. Lần đó Thầy tỉnh táo, đôi mắt tinh anh nhưng có phần lo lắng. Thầy nhìn tôi như thôi miên. Thầy nghĩ, vạn vật đều có vòng đời, có sinh có tử, thế giới mới đổi thay tiến hóa. Nhưng để có suy nghĩ tích cực như vậy, thầy cũng đã trải qua những buồn đau lo nghĩ nhiều trước đó.
Năm đó, Thầy rất mệt. Những cơn đau ngực và khó thở đến thường xuyên, gần như mỗi đêm. Thầy chỉ mới năm mươi chín tuổi, vẫn lên lớp đều. Thầy chưa muốn nghỉ ngơi. Thế mà trái tim Thầy không nghe lời. Nó cứ co thắt, những cơn đau nhói, đau thắt làm Thầy mệt. Một ngày thấy quá khó chịu trong người, Thầy đạp xe đến một ngôi chùa. Sư trụ trì chùa người ốm gầy, bốn mươi hai tuổi, hỏi:
“Thầy giáo có gì không ổn chăng?”
Thầy giáo trả lời “Ngoài bệnh tim từ lâu, mấy hôm nay tôi thấy trong người bất an.”
“Thầy lo cái gì, bệnh của mình hay lo chuyện cuộc đời?”
“Có thể trái tim không khỏe làm cho tinh thần bất an Sư Thầy ạ!”
“Tôi hỏi thầy giáo hai câu: Thầy có sợ chết không?
Thầy muốn thọ nhiêu tuổi?”
Thầy giáo hơi khó chịu. Mình khó ở trong người đến chùa để tìm sự bình an mà sư thầy hỏi hai câu làm mình suy nghĩ thêm, nặng ngực hơn. Nhưng cố bình tĩnh thầy trả lời:
“Ai cũng sợ chết chứ Sư Thầy. Tôi cũng vậy. Và ai cũng muốn sống thọ.”
Sư Thầy nói:
“Con người ta tự làm khổ mình thôi. Thọ bao nhiêu tuổi là do con người tự đặt ra: Sáu mươi, bảy mươi..
Tôi năm nay bốn mươi hai tuổi. Hai quả thận của tôi đầy sỏi san hô, có lúc cũng rất đau. Tôi phải sống với nó. Bác sĩ nói thận tôi sẽ hư. Tôi sẽ suy thận và chết sớm. Tôi nghĩ sớm muộn cũng do mình tự đặt ra. Bây giờ tôi cho là bốn mươi tuổi là thọ. Tôi bốn mươi hai, tức là lời hai năm. Sống thêm được năm nào là tôi lời năm đó. Quả thận trở chứng đau thì tôi vỗ về nó. Quả thận có sỏi cũng là một phần của cơ thể của mình, cái sỏi của nó cũng là của mình, phải yêu thương, vỗ về nó. Tôi làm những gì tôi yêu thích. Hàng ngày tôi đọc kinh kệ, đọc sách, viết lách, đi dạo, nói chuyện với phật tử..
Thầy giáo năm nay năm mươi chín tuổi. Nếu Thầy cho rằng năm mươi tuổi là sống thọ thì Thầy đã lời được chín năm. Chín năm Thầy làm được bao nhiêu điều tốt cho cuộc đời rồi. Chín lứa học trò nên người.. Thầy về suy nghĩ những gì tôi nói. Nếu Thầy thấm được tư tưởng này, Thầy sẽ thấy cuộc sống thật nhẹ nhàng. Thầy sẽ yên vui thụ hưởng và phụng sự cuộc sống. Thầy thử nghĩ vậy xem nhé. Chúc Thầy vui khỏe!”
Thầy về nhà. Tối, đêm yên tĩnh, suy nghĩ nhiều Thầy mới nghiệm ra đúng là như Sư Thầy nói. Sự hiện hữu của mình trên cõi đời này không do mình quyết định, cũng chẳng do ai có quyền năng đó cả. Vậy thì sự ra đi cũng thế thôi. Con người ai cũng phải chết, có sinh ắt có tử. Chỉ khác nhau là lìa cõi trần trước hay sau thôi. Mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm có khác gì nhau. Một ngày có ích, một giờ vui vẻ phải hơn mười năm rầu rĩ, có khi hơn nữa chứ. Thầy thấy thoải mái. Tự nhiên gió từ biển thổi vào thấy mát lạ. Hôm qua, cũng cơn gió như vậy mà mình thấy rát mặt, đau cánh tay. Đúng là tâm mình đã mở rồi. Bầu trời đêm cuối tháng đầy sao lung linh, ôi ảo diệu! Cũng bầu trời này, hôm qua mình lại thấy tối đen bực bội. Mình chẳng ngẩng cao đầu để nhìn thấu trời sao. Có khi lúc đó mình cũng ngẩng đầu lên nhưng chẳng thấy sao đâu cả vì tâm mình u tối quá..
Thầy kể chuyện sáu năm trước cho những học trò vào thăm Thầy nghe. Chai nước biển tôi thấy Sư Thầy nói đúng lắm, nhưng Thầy giáo mở được cái tâm sáng để nhìn nhận về sự sống và cái chết, bệnh tật và ốm đau nào ai tránh được, đó mới là điều mà không phải ai cũng ngẫm ra được.
Những chiếc xe hơi bóng lộn được những nhà máy cao cấp sản xuất, qua bao vòng kiểm tra giám sát của nhiều máy móc tinh vi, nhiều con người tài năng mà có hoàn hảo được đâu. Còn như chúng tôi, họ hàng chai nước biển bé bỏng này, cũng có anh em hư hỏng ngay khi vừa ra đời, hư hỏng trong quá trình di chuyển. Tôi đến được đây để phụng sự thầy cũng đã mãn nguyện lắm rồi.
Chỉ một vài giờ nữa là tôi chia tay thầy, cây kim, sợi dây truyền dịch, bông băng.. Tôi sẽ vào thùng rác tái chế. Tôi sẽ hóa kiếp thành một lọ nước hoa, một bình nước xả, hay một ống cống.. Tôi làm sao biết được.
Cha tôi là túi nilong rách nát, mẹ tôi xuất thân dòng dõi quý phái hơn, một chai dầu gội sunsilk kiều diễm. Chúng tôi là một đàn chai nước biển tinh khôi trong suốt. Đứa thì chu du cả hàng ngàn cây số qua tận châu Phi xa xôi, truyền những giọt sống cho bao em bé bị thổ tả mất nước nguy kịch. Đứa thì ưu ái được nằm trong tủ cấp cứu sốc phản vệ mát rượi, lâu lâu được đem ra lau chùi, kiểm tra còn hạn sử dụng hay không.
Còn như mùa dịch bệnh covid này, bạn bè anh em nhà chai nước biển chúng tôi mất sớm hàng loạt, được thiêu với anh người và bông băng vải vóc..
Tất cả trở thành tro bụi trong vũ trụ bao la. Cũng cùng sinh ra một ngày, một tháng như nhau, nhưng đời mỗi đứa mỗi nơi mỗi khác. Vòng đời khác nhau, sinh tử vô thường.
Thầy nhìn tôi, chai nước biển cạn dần, đầu trên của tôi tóp lại nhăn nheo. Ngoài kia trời vẫn trong veo, xanh biếc.
Tôi biết vòng đời tôi cũng có hạn, nhưng hy vọng những giọt sống trong tôi cứu được Thầy, đôi mắt Thầy sẽ mở ra nhìn những giọt nắng bên thềm. Thầy vẫn còn rất yêu những con chim sẻ gọi mẹ trên cành trúc, những bông hoa đồng nội trên đường, những đám mây bay trên bầu trời đầy nắng mai..
Trang Sách
Nguồn: https://dembuon.vn/threads/tam-su-chai-nuoc-bien-trang-sach.55810/