Một nữ hiệu trưởng tại Lâm Đồng treo cổ tử vong
Một tuần sau khi xuất viện, người phụ nữ trung niên – hiệu trưởng của một trường tiểu học tại tỉnh Lâm Đồng được người nhà phát hiện đã tử vong trong tư thế treo cổ.
Ngày 2/11, Công an huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) xác nhận vừa xảy ra vụ việc một phụ nữ tử vong trong tư thế treo cổ trong khu vực.
Nạn nhân được xác định là bà V.T.T.T (49 tuổi, ngụ tại xã Hòa Ninh, huyện Di Linh). Bà T. là hiệu trưởng tại một trường tiểu học ở xã Lộc An (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng).
Theo bản tường trình với cơ quan công an, con gái bà T. cho hay ngày 20/10, gia đình phát hiện bà T. bị ngã trong phòng ngủ, chảy máu đầu. Người nhà cùng 2 người hàng xóm đưa bà T. đến bệnh viện cấp cứu. Vết thương tại chân mày trái dài 7 cm, được khâu 18 mũi. Ngày 24/10, bà T. được xuất viện.
Đến khoảng 9h30 sáng 31/10, người nhà hốt hoảng phát hiện bà T. đã tử vong trong tư thế treo cổ tại nhà riêng ở thôn 1, xã Hòa Ninh (huyện Di Linh).
Công an huyện Di Linh cho hay có nhiều thông tin về việc bà T. vay mượn, nợ nần tiền bạc. Hiện Công an huyện Di Linh chưa có kết luận, đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương điều tra về nguyên nhân dẫn đến sự việc trên.
Minh Sơn
Bộ trưởng Giáo dục: Nhiều giáo viên nghỉ việc do lương, phụ cấp 6 triệu đồng/tháng
Theo Bộ trưởng Giáo dục, hiện nay giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe…) khá cao.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa có báo cáo gửi Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ về một số thông tin liên quan đến giáo dục.
Ông Sơn cho biết theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, năm học 2021-2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.
Trong đó, có 10.407 giáo viên công lập, 5.858 giáo viên ngoài công lập. Cụ thể, 6.391 giáo viên cấp mầm non, 4.493 giáo viên cấp tiểu học, 3.425 giáo viên cấp THCS và 1.956 giáo viên cấp THPT.
Giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành chủ yếu tập trung ở các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển như: TP. Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương.
Ở những vùng này, giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn (chuyển sang làm việc ở các trường tư thục hoặc các lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn).
Một số ít địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn như Gia Lai, Sơn La… số giáo viên nghỉ việc cũng nhiều hơn các địa phương khác.
Đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, trong hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, dẫn đến giáo viên ở các cơ sở này phải tìm kiếm việc làm khác. Một số giáo viên mầm non không phải người địa phương trở về quê cùng gia đình tránh dịch và không trở lại.
“Đây là hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghỉ việc của giáo viên ngoài công lập trong 2 năm qua”, ông Sơn lý giải.
Đối với cơ sở giáo dục công lập, tình trạng giáo viên nghỉ việc là do chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống.
“Hiện nay, giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe…) khá cao. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn”, ông Sơn phân tích.
Một số nguyên nhân khác như cơ sở giáo dục chậm đổi mới trong quản lý; áp lực công việc đối với giáo viên còn lớn; cơ sở vật chất các trường công lập chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động nghề nghiệp; tác động của nền kinh tế thị trường… cũng khiến nhiều giáo viên nghỉ việc.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị một trong những giải pháp là Quốc hội cho phép xây dựng Luật Nhà giáo. Khi đó, Luật Nhà giáo sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo. Từ đó, tạo động lực để nhà giáo gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.
Ông Sơn đề nghị Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của họ đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.
Các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế – xã hội, cần có các chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc, nhà công vụ, đi lại… cho giáo viên.
Văn Duy
Kế toán xã lập hồ sơ khống, ký giả tên rút hơn 300 triệu tiền hỗ trợ
Là kế toán UBND xã, mặc dù biết dự án chưa triển khai thực hiện, chưa phát tiền hỗ trợ cho 82 hộ dân thuộc đối tượng thụ hưởng nhưng do cần chứng từ để quyết toán dự án, Nguyễn Thị Hồng Nhung đã lập 01 bộ hồ sơ khống, ký giả tên người nhận tiền trên danh sách chi trả hỗ trợ để rút hơn 306 triệu đồng.
Liên quan đến vụ Chủ tịch UBND xã Can Hồ, huyện Mường Tè (Lai Châu) – Lý Chà Lối bị bắt hôm 13/10 để điều tra về hành vi Tham ô tài sản. Theo báo Dân Việt đưa tin, sáng 1/11 cơ quan công an đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1987, quê ở xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội), là công chức Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Mường Tè (Nguyên Kế toán xã Can Hồ, huyện Mường Tè) về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo kết quả điều tra, năm 2020, UBND xã Can Hồ (Mường Tè, Lai Châu) được giao là chủ đầu tư Dự án hỗ trợ 82 hộ khó khăn thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới với tổng mức đầu tư 306 triệu đồng.
Trên cương vị là kế toán UBND xã, mặc dù biết dự án chưa triển khai thực hiện, chưa phát tiền hỗ trợ cho 82 hộ dân thuộc đối tượng thụ hưởng nhưng do cần chứng từ để quyết toán dự án, Nguyễn Thị Hồng Nhung đã lập 01 bộ hồ sơ khống, ký giả tên người nhận tiền trên danh sách chi trả hỗ trợ để trình cấp có thẩm quyền quyết toán dự án. Hành vi của Nguyễn Thị Hồng Nhung đã gây thiệt hại ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 306 triệu đồng.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý các đối tượng có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Nguyễn Đồ