Trước thềm phiên phúc thẩm: Tịnh thất Bồng Lai ‘nóng’ lại theo tin kết quả xét nghiệm DNA?

Nhóm luật sư hỗ trợ pháp lý khi tới Tịnh thất Bồng Lai bị công an đóng cửa, không cho vào nhà thân chủ vào sáng 24/9 – thời điểm lấy mẫu ADN. (Ảnh: Nhóm luật sư cung cấp/Manh Dang/Facebook)

Sáng 2/11, sau hơn hai tuần công bố tạm hoãn qua báo chí, TAND tỉnh Long mở phiên tòa phúc thẩm theo kháng cáo của 6 bị cáo trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai. Liên tiếp trong các ngày 28/10, 1/11 trước đó, các thông tin “đã có kết quả giám định DNA” và khởi tố vụ án lừa đảo tại Tịnh thất Bồng Lai đã được đưa ra báo giới trước thềm phiên xét xử.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 21/7, 6 người tại Tịnh thất Bồng Lai bị TAND huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) tuyên phạt lần lượt ông Lê Tùng Vân – 5 năm tù; Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương cùng 4 năm tù; ông Lê Thanh Nhị Nguyên 3 năm 6 tháng tù; bà Cao Thị Cúc 3 năm tù.

Cả 6 người bị khép vào tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” tại Khoản 2, Điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cụ thể, nhóm người trên bị cho là đã đăng tải nhiều bài viết, video trên mạng xã hội Facebook và YouTube trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021, chứa thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của cơ quan Công an huyện Đức Hòa, xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Trần Ngọc Thảo (tức Hòa thượng Thích Nhật Từ).

Tổng cộng, có 5 video và 1 bài viết trên mạng xã hội của nhóm người này được phân tích, giám định và xác định là hành vi có tổ chức.

Sau đơn kháng cáo đầu tiên do ông Vân nộp ngày 28/7, tới ngày 21/8, toàn bộ 5 người còn lại nộp đơn kháng cáo, gửi đến TAND tỉnh Long An. Nội dung kháng cáo chủ yếu không đồng ý với tất cả những điều tòa sơ thẩm đã tuyên.

Chiều ngày 13/10, Chánh án TAND tỉnh Long An qua báo chí công bố việc hoãn phiên xét xử phúc thẩm vào sáng ngày 14/10 và dời lịch xét xử vào sáng ngày 2/11 theo đơn đề nghị của 2 luật sư của 2 bị hại là Giáo hội Phật giáo Việt Nam và ông Trần Ngọc Thảo.

Việc công bố này bị cho là không đúng về phương diện pháp lý, vì khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, thẩm quyền quyết định các vấn đề của vụ án thuộc về HĐXX, vốn chỉ hiện diện trong phiên tòa, theo luật sư Đặng Định Mạnh – một trong 5 luật sư bào chữa cho 6 bị cáo trong vụ Tịnh thất Bồng Lai.

Luật sư phủ định cơ sở pháp lý của việc thu thập mẫu DNA

Ngày 28/10, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An thông qua báo giới cho biết đã có kết luận giám định DNA của những người đang sinh sống tại hộ của bà Cao Thị Cúc (nơi được những người sinh sống tại đây gọi là “Tịnh thất Bồng lai”, sau đổi tên là “Thiền am bên bờ vũ trụ”).

Vẫn theo công bố từ phía Công an tỉnh Long An, kết quả giám định ADN này đã được tống đạt đến cho 28 người bị trưng cầu giám định (bao gồm cả 6 người vừa bị xử án). Vì để đảm bảo, tôn trọng quyền con người và liên quan đến cuộc sống của nhiều trẻ em, thông tin này không cung cấp rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Những người tại “Tịnh thất Bồng Lai” được cho là đã từ chối tiếp nhận các kết quả này.

Công an tỉnh Long An công bố việc trưng cầu giám định DNA của 28 người tại Tịnh thất Bồng Lai vào ngày 24/9 là theo tin báo tội phạm; việc thu mẫu tóc, mẫu niêm mạc miệng của 27 người (1 trường hợp không có mặt khi công an thu mẫu) được thực hiện theo quy định pháp luật, có sự chứng kiến của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, theo tin phản ánh từ các luật sư hỗ trợ pháp lý cho nhóm người tại Tịnh thất Bồng Lai, việc thu thập mẫu DNA vào ngày 24/9 không được sự đồng ý của người bị thu thập. Các hành vi cưỡng chế (bẻ tay, bóp họng, bứt tóc) trong quá trình thu thập mẫu tóc, mẫu niêm mạc miệng đã diễn ra đối với cả người lớn và trẻ em.

Ngoài ra, những người tại Tịnh thất Bồng Lai cho hay không được gửi tới bất kỳ quyết định hoặc văn bản gì khác liên quan đến buổi thu thập mẫu ADN diễn ra vào sáng 24/9.

Sau tin công bố “đã có kết luận giám định DNA” của Công an tỉnh Long An, nhóm 5 luật sư hỗ trợ pháp lý cho những người tại Tịnh thất Bồng Lai lên tiếng phủ định cơ sở pháp lý của các mẫu ADN đã được thu thập vào sáng 24/9.

Đại diện nhóm luật sư – luật sư Đặng Đình Mạnh cho hay trên thực tế, nhóm luật sư đã nhiều lần tư vấn, khuyến khích các thành viên tại Tịnh thất Bồng Lai chủ động giám định DNA. “Việc giám định phải được thực hiện theo đúng quy định tố tụng hình sự theo cách có thể kiểm chứng được về đúng vai trò tố tụng, hợp cách về y tế. Đồng thời, bảo đảm tôn trọng đầy đủ các quyền về nhân thân của những người phải giám định” – luật sư Mạnh viết.

Đối với buổi thu thập mẫu DNA ngày 24/9, luật sư Mạnh cho hay các cơ quan chức năng đã không tống đạt các văn bản về việc điều tra tin báo tội phạm để người bị tố giác, tố cáo có thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình là vi phạm tố tụng hình sự.

Chưa kể, trong giai đoạn điều tra về tin tố giác tội phạm, người bị tố giác chỉ có một nghĩa vụ duy nhất là “…phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác”. Họ không có nghĩa vụ phải chấp hành việc bị lấy mẫu và xét nghiệm DNA.

Theo ý kiến của luật sư, nhiều người tại Tịnh thất Bồng Lai (bao gồm cả các cháu bé) không phải là người bị tố giác, tố cáo tội phạm. Việc họ buộc phải phục tùng các quyết định tố tụng là sai đối tượng.

Ngoài ra, việc thu thập mẫu DNA vào sáng 24/9 “không được sự đồng ý của người bị thu thập”; “việc thu thập mẫu DNA của các cháu nhỏ không có sự đồng ý của người giám hộ hợp pháp”; “việc thu thập mẫu ADN của các cháu nhỏ không có sự xác định danh tính của người giám hộ hợp pháp”.

Việc các luật sư bị ngăn cản tiếp cận với thân chủ tại tư gia của chính họ là “không bảo đảm quyền được có luật sư bảo vệ và có thể kiểm chứng được”.

Trong một phân tích pháp lý trên kênh Youtube cá nhân, luật sư Trần Văn Sỹ (Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long) – người độc lập với vụ án – xác nhận khi một người bị cưỡng bức lấy mẫu ADN, không có văn bản đồng thuận, thì kết quả xét nghiệm đó không được xem là chứng cứ.

“Nếu lấy mẫu của 10 cháu bé trong Thiền Am mà không có người giám hộ cho các bé, người giám hộ cũng không ký vào biên bản thu thập niêm mạc, mẫu tóc, thì có đúng mẫu tóc, niêm mạc này có đúng của cháu A, cháu B hay không, hay của cháu C, cháu D?” – luật sư Sỹ nói, cho rằng vẫn có cách vận động thay vì cưỡng chế lấy mẫu, như mời các luật sư lại, nhờ các luật sư vận động cho lấy mẫu.

“Về thủ tục mà không đúng quy định thì không được xem là chứng cứ” – luật sư Sỹ khẳng định.

Một ngày trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm với 6 bị cáo trong vụ Tịnh thất Bồng Lai, ngày 1/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An thông qua báo chí loan tin đã ra quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tịnh thất Bồng Lai theo Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Đối với tin báo về tội phạm loạn luân, Cơ quan An ninh điều tra công bố đang chờ văn bản trả lời của cơ quan chuyên môn để làm căn cứ xem xét, giải quyết.

Lên tiếng trên trang Facebook cá nhân, GS Nguyễn Văn Tuấn (Giáo sư Y khoa thuộc Đại học New South Wales, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Úc) lưu ý kết quả xét nghiệm ADN cho một cá nhân không có ý nghĩa gì, kết quả xét nghiệm chỉ có ý nghĩa khi liên hệ với kết quả xét nghiệm của một người khác về chỉ số liên hệ huyết thống.

Ông Tuấn lưu ý cả trong trường hợp xác suất quan hệ huyết thống là 0% hay 99,99%, báo cáo lúc nào cũng kèm theo “Bị chú” rất quan trọng. Labo xét nghiệm khẳng định không thể xác định nguồn gốc của mẫu xét nghiệm, và kết quả này có thể không có giá trị pháp lý. Họ chỉ xác định kết quả phân tích là đúng.

Một ví dụ về xét nghiệm DNA để xác định quan hệ huyết thống, giữa người tên Hồ Sỹ và người tên Nguyễn S (nhân vật giả tưởng). Tại dòng bị chú, labo chỉ công nhận kết quả phân tích ADN, không chịu trách nhiệm về tên được ghi trên mẫu ADN. (Hình ảnh: GS Nguyễn Tuấn cung cấp)

Nguyễn Xuân

Related posts