Trung Quốc phản ứng trước kế hoạch của Mỹ triển khai máy bay B-52 tại Úc
Liên quan kế hoạch của Mỹ triển khai tại miền bắc nước Úc nhiều máy bay ném bom tầm xa B-52 có khả năng hạt nhân, nhà chức trách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cảnh báo động thái này có thể châm ngòi cho leo thang chạy đua vũ trang.
Máy bay ném bom B-52 có thể mang theo loạt vũ khí lớn nhất trong kho của Mỹ, bao gồm bom chùm, bom trọng lực và tên lửa dẫn đường chính xác.
Theo tin từ WSJ (Wall Street Journal) và Fox News, miền bắc nước Úc vốn đã luôn có hoạt động triển khai luân phiên của Thủy quân lục chiến Mỹ, hiện đã là nơi huấn luyện quan trọng cho các lực lượng Mỹ và đồng minh (gồm cả máy bay). Mỹ muốn tăng cường các nguồn lực an ninh trong khu vực này, nhưng ĐCSTQ đã thể hiện thái độ trước kế hoạch của Mỹ gửi 6 máy bay ném bom B-52 có khả năng hạt nhân tới các căn cứ ở miền bắc nước Úc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Triệu Lập Kiên ngày 31/10 cho biết kế hoạch tăng cường quân sự với Sydney của Mỹ làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Một số chuyên gia quân sự cho rằng động thái này sẽ cho phép Mỹ tăng cường sức mạnh ở vùng đang tranh chấp Biển Đông [bị ĐCSTQ tùy tiện tuyên bố chủ quyền], qua đó để tạo thêm thế răn đe Trung Quốc.
Phát ngôn viên Martin Meiners của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Mỹ có kế hoạch gửi đến Úc máy bay ném bom và một loạt máy bay khác để tập trận chung và đó chỉ là thông lệ phổ biến trong các liên minh lâu đời, đó cũng là “nền tảng trong chính sách an ninh và đối ngoại của Mỹ”.
Ông nói với Fox News trong một cuộc phỏng vấn: “Trong nhiều thập niên qua, hợp tác với quân đội Úc đã là một đặc điểm quan trọng của liên minh chúng tôi. Nhiều máy bay quân sự của Mỹ, bao gồm cả B-52 và các máy bay ném bom khác, đã bay đến Úc để tập trận chung trong nhiều năm và sẽ tiếp tục như vậy”.
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Úc Paul Dibb nói với WSJ rằng việc triển khai máy bay ném bom B-52 là một phản ứng hợp lý đối với các hoạt động gần đây của ĐCSTQ trong khu vực. Úc đã cáo buộc tàu chiến Trung Quốc chiếu tia laser vào một máy bay do thám của Úc, và máy bay Trung Quốc đã thả vật liệu nguy hiểm xuống gần máy bay Úc.
Bất kể việc Mỹ đang đối mặt trước cuộc chiến với Nga và mối đe dọa hạt nhân từ Moscow, tuyên bố của Mỹ được đưa ra một tuần sau khi Mỹ liệt Trung Quốc (ĐCSTQ) là nguy cơ an ninh số một.
Tuần trước, trong chiến lược phòng thủ quốc gia mới của Mỹ, Bộ Quốc phòng Mỹ đã liệt Trung Quốc (ĐCSTQ) là nguy cơ an ninh số một, qua đó nhằm thúc đẩy tăng cường năng lực quân sự để răn đe Bắc Kinh. Chính phủ Mỹ cũng đang tăng cường mạng lưới liên minh ở khu vực Thái Bình Dương quan trọng về mặt chiến lược nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin mô tả Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có mục đích định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có khả năng làm như vậy”.
Quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng trong vài năm qua khi ĐCSTQ tiếp tục gây hấn trong khu vực.
Phát ngôn viên Meiners cho biết lâu nay, Mỹ luôn nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác với Úc và các đồng minh phương Tây cũng như đối với những khu vực khác, qua việc triển khai luân phiên tất cả các loại máy bay của Mỹ để tăng cường hợp tác hàng không nhằm duy trì tình hình an ninh.
Sau cuộc họp song phương cấp cao năm ngoái, Úc và Mỹ cam kết sẽ lần lượt triển khai tất cả các loại máy bay chiến đấu của Mỹ tới Úc để huấn luyện và tập trận. Mỹ, Úc và Anh cũng thành lập Liên minh Aukus, tổ chức này hứa hẹn sẽ giúp Úc phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Mộc Vệ, Vision Times
Tên lửa của Triều Tiên lần đầu tiên hạ cánh ngoài khơi bờ biển Hàn Quốc
Một tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã hạ cánh cách bờ biển Hàn Quốc chưa đầy 60km vào hôm thứ Tư (ngày 2/11), buộc giới chức Hàn Quốc phải đưa ra cảnh báo không kích hiếm hoi và phóng tên lửa đáp trả.
Tên lửa đã hạ cánh bên ngoài lãnh hải của Hàn Quốc, cách Đường giới hạn phía Bắc (NLL) – biên giới trên biển giữa hai miền Triều Tiên – khoảng 26km về phía Nam. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol gọi đây là “hành động xâm phạm lãnh thổ rõ ràng”.
Quân đội Hàn Quốc thông báo, máy bay chiến đấu của họ đã bắn 3 tên lửa đất đối không xuống vùng biển phía Bắc qua NLL để đáp trả. Một quan chức tiết lộ, vũ khí được sử dụng bao gồm AGM-84H/K SLAM-ER, là vũ khí tấn công chính xác do Hoa Kỳ sản xuất, có thể bay xa tới 270km với đầu đạn nặng 360kg.
Đáng chú ý, ba tên lửa này đã lao xuống vùng biển gần khu vực đặt bệ phóng tên lửa Triều Tiên, ở khoảng cách tương ứng với quả đạn rơi gần bờ biển Hàn Quốc.
Động thái của Hàn Quốc diễn ra sau khi Chính phủ của ông Yoon tuyên bố sẽ “có phản ứng nhanh chóng và kiên quyết” và khiến Triều Tiên phải trả giá cho các “hành động khiêu khích”.
Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho hay, vũ khí của Triều Tiên là một trong ba tên lửa đạn đạo tầm ngắn được bắn từ khu vực ven biển Wonsan của Triều Tiên xuống biển. JCS sau đó nói thêm, có tới 10 tên lửa các loại đã được bắn từ các bờ biển phía Đông và phía Tây của Triều Tiên.
Cũng theo JCS, ít nhất một trong số các tên lửa đã hạ cánh cách NLL chỉ 26 km về phía Nam, cách thành phố Sokcho của Hàn Quốc 57km và 167km so với đảo Ulleung, nơi phát cảnh báo không kích. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên một tên lửa đạn đạo của Triều Tiên hạ cánh gần vùng biển của Hàn Quốc.
Triều Tiên đã thử nghiệm số lượng tên lửa kỷ lục trong năm nay. Về vấn đề này, các quan chức ở Hàn Quốc và Mỹ nhận định, Bình Nhưỡng đã hoàn tất các bước chuẩn bị kỹ thuật để tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Vụ phóng diễn ra chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn, đồng thời cho rằng “sự ngang ngược và khiêu khích quân sự là không thể dung thứ”.
Bất chấp việc ông Yoon tuyên bố một tuần quốc tang sau thảm họa giẫm đạp khiến hơn 150 người thiệt mạng ở Seoul, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu một trong những cuộc tập trận không quân kết hợp lớn nhất của họ vào ngày 31/10. Được đặt tên là Vigilant Storm, cuộc tập trận có sự tham gia của hàng trăm máy bay chiến đấu từ cả hai bên, mô phỏng các cuộc tấn công trong suốt 24 giờ/ngày.
Một phát ngôn viên của quân đội Hàn Quốc lưu ý, nhà chức trách đang phân tích các vụ phóng để xem liệu đường bay của tên lửa là có chủ đích hay nó đã đi chệch hướng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada cho biết, Chính phủ nước này tin rằng ít nhất hai tên lửa đạn đạo đã được phóng từ Triều Tiên, một tên lửa bay về phía Đông và một tên lửa khác bay về phía Đông Nam. Tên lửa đầu tiên bay 150km đến độ cao tối đa khoảng 150km, trong khi chiếc thứ hai bay ở phạm vi 200km đến độ cao tối đa 100km.
Bộ trưởng Hamada nhấn mạnh, hành động của Triều Tiên đe dọa hòa bình và ổn định của Nhật Bản, cũng như trong khu vực và trên cộng đồng quốc tế; và điều này là không thể chấp nhận được.
Minh Ngọc (Theo Reuters)