Tin thế giới sáng thứ Năm: Hòa Lan yêu cầu đóng cửa ngay lập tức “trạm cảnh sát Hoa kiều” của Trung Quốc

Hòa Lan yêu cầu đóng cửa ngay lập tức “trạm cảnh sát Hoa kiều” của Trung Quốc

Ngoại trưởng Hòa Lan, ông Wopke Hoekstra (ảnh) yêu cầu ĐCSTQ ngay lập tức đóng cửa các đồn cảnh sát phi pháp tại thủ đô Amsterdam và thành phố Rotterdam. (Bộ ngoại giao Hà Lan)

Ngoại trưởng Hòa Lan, ông Wopke Hoekstra, đã thông báo cho Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan – ông Đàm Tiễn (Tan Jian), phải ngay lập tức đóng cửa các “trạm cảnh sát Hoa kiều” được thành lập phi pháp tại thủ đô Amsterdam và thành phố Rotterdam.

“Bộ Ngoại giao yêu cầu Đại sứ Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) làm rõ triệt để về các trạm cảnh sát đang thay mặt cho Chính phủ Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ ở Hà Lan.” Ông Wopke Hoekstra tweet vào thứ Ba (1/11) rằng: “Do phía Trung Quốc không xin phép Hà Lan, nên Bộ Ngoại giao đã thông báo với Đại sứ rằng trạm cảnh sát phải bị đóng cửa ngay lập tức.”

Trước đây, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đã nói với Epoch Times: “Chính Hòa Lan sẽ điều tra các trạm cảnh sát này, để tìm hiểu các hoạt động chính xác của chúng.”

“Ngày hôm qua Chúng tôi đã yêu cầu Đại sứ Trung Quốc cung cấp văn bản và giải thích”, Bộ trưởng Hoekstra nói với hãng truyền thông Hòa Lan RTL Nieuws.

Trước đó, trong một báo cáo hồi tháng Chín, tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha cho biết, ĐCSTQ đã thiết lập 54 “trạm dịch vụ cảnh sát 110 ở nước ngoài” trên khắp thế giới. Trong đó có 2 trạm tại Hà Lan; Anh và Canada, mỗi nước có 3 trạm.

Ông Hoekstra đã thông báo cho Đại sứ Trung Quốc rằng Hòa Lan sẽ tiến hành các cuộc điều tra thêm. Ông nói với RTL Nieuws: “Chúng tôi vẫn phải tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra trong những trạm này. Dù sao thì đây cũng là vấn đề lãnh sự và phải xin phép nước sở tại.”

Bộ Ngoại giao cho biết trong mọi trường hợp, các cơ quan này rõ ràng đang làm công việc lãnh sự mà không được phép. Đây là lý do tại sao Ngoại trưởng Hoekstra ra lệnh cho ĐCSTQ đóng cửa các tổ chức bất hợp pháp này ngay lập tức.

Vào tuần trước, RTL Nieuws và kênh tin tức điều tra Follow the Money tiết lộ rằng cảnh sát Trung Quốc thiết lập ít nhất 2 trạm phi pháp ở Hà Lan. Trạm Amsterdam là “trạm cảnh sát Hoa kiều” đầu tiên được thành lập vào tháng 6/2018.

Người Hòa Lan gốc Hoa có thể liên hệ với những văn phòng này để giải quyết các vấn đề hành chính, như gia hạn bằng lái xe. Nhưng nghiên cứu cho thấy chúng cũng được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của cảnh sát Trung Quốc ở nước ngoài.

Trạm cảnh sát 110 ở nước ngoài (Trạm cảnh sát Hoa kiều) do Sở Công an thành phố Phúc Châu thiết lập tại thành phố Rotterdam, không có logo. (Ảnh: Epoch Times)

Tuần trước, các nghị sĩ từ “Đảng Nhân dân Tự do và Dân chủ” (VVD) và D66 đã kêu gọi đóng cửa các trạm cảnh sát bất hợp pháp này càng sớm càng tốt.

Ngoại trưởng Hoekstra của “Liên minh Dân chủ Kitô giáo Hòa Lan” (CDA) đáp lại trong một dòng tweet cho biết: “Cần phải điều tra đến cùng. Cần phải nói rõ rằng: Sự can thiệp của nước ngoài vào hệ thống luật pháp của chúng ta là không thể chấp nhận được.”

Hôm thứ Năm (27/10), Văn phòng Đối ngoại Ireland đã ra lệnh đóng cửa “Trạm Cảnh sát Phúc Châu” tại thủ đô Dublin. Gần đây, Đức, Bồ Đào Nha, Canada đều mở cuộc điều tra về “trạm cảnh sát 110 ở nước ngoài” của ĐCSTQ. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng thúc giục chính quyền Biden điều tra “Trạm cảnh sát 110” của ĐCSTQ ở New York.

Bình Minh

SpaceX tái khởi động sứ mệnh tên lửa đẩy Falcon Heavy vào không gian

Tên lửa đẩy Falcon Heavy. (Ảnh: Kent Weakley/Shutterstock)

Cụ thể, thông báo cho biết rằng tên lửa đẩy Falcon Heavy được phóng từ trạm không gian Cape Canaveral ở Florida, Mỹ, trong điều kiện sương mù dày đặc, đã hoàn thành nhiệm vụ đưa 2 vệ tinh của Lực lượng Không gian Mỹ và một nhóm các vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo Trái Đất. Tuy nhiên, trong lần phóng này chỉ có 2 tên lửa đẩy của Falcon Heavy hạ cánh an toàn, còn tên lửa chính đã hạ cánh không thành công.

Được biết, Falcon Heavy, với phần lõi là tên lửa Falcon 9 cùng 2 tên lửa đẩy bổ sung cùng loại gắn 2 bên, hiện là tên lửa đẩy mạnh nhất. Sứ mệnh gần đây nhất của Falcon Heavy là vào tháng 6/2019 và cũng là là sứ mệnh đầu tiên mà SpaceX phục vụ quân đội Mỹ. Tính đến nay, SpaceX đã thực hiện hơn 100 vụ phóng sử dụng tên lửa đẩy Falcon 9.

Ở một diễn biến khác, dịch vụ Internet của hãng SpaceX có tên Starlink Aviation sẽ cung cấp tốc độ lên đến 43,75 MB/s, mức đủ nhanh để thực hiện được các cuộc gọi video từ trên không, trong đó cho phép tất cả hành khách truy cập và phát trực tuyến Internet cùng lúc. Theo dự kiến, dịch vụ này sẽ bắt đầu triển khai vào giữa năm 2023.

Starlink là dự án phủ sóng Internet trên toàn cầu bằng vệ tinh của SpaceX. Dịch vụ này tạo nên một mạng lưới gồm hàng nghìn vệ tinh xung quanh Trái Đất, qua đó giúp cung cấp Internet tốc độ cao từ quỹ đạo thấp đến các vùng xa xôi, hẻo lánh trên Trái Đất.

Starlink Aviation dự kiến tính phí khoảng 150,000 USD cho phần cứng cần thiết để kết nối máy bay với hệ thống của Starlink. Chi phí đăng ký hàng tháng rơi vào khoảng 12.500 USD/tháng cho gói cơ bản và lên đến 25.000 USD cho gói dữ liệu không giới hạn.

Phan Anh

Mạng xã hội Twitter tăng phí xác nhận tài khoản

Hôm 1/11 vừa qua, tỷ phú Elon Musk, lãnh đạo mới của Twitter thông báo rằng mạng xã hội này sẽ tính phí người dùng 8 USD/tháng để xác minh tài khoản, thay vì mức 5 USD/tháng như trước đó. Ông cho rằng kế hoạch này không chỉ giải quyết vấn đề phát tán thông tin gây tranh cãi cũng như tình trạng bỡn cợt trên mạng xã hội, mà còn tạo ra nguồn thu mới cho công ty này.

Cụ thể, theo kế hoạch mới, người dùng Twitter có trả phí (được gọi là người dùng Twitter Xanh) sẽ nhận được dấu kiểm xanh nổi tiếng của nền tảng mạng xã hội này, theo đó xác nhận tài khoản này được xác minh chính chủ. Hiện tính năng này mới chỉ được cung cấp cho các nhân vật nổi tiếng. Những người dùng đã nhận dấu kiểm xanh sẽ bị mất dấu hiệu này nếu không tuân thủ quy định đóng phí mới. Trước những ý kiến rằng kế hoạch mới có thể làm mất đi giá trị của dấu tích xanh, tỷ phú Elon Musk cho biết những người của công chúng, các chính trị gia sẽ nhận thêm một thẻ phụ bên dưới tên của mình.

Ông Musk cho hay rằng “các thuê bao” Twitter Xanh sẽ được ưu tiên khi “bình luận, được đề cập đến hoặc tìm kiếm” – những yếu tố mà theo ông là “điều cần thiết để chống tin rác, tin giả”. Twitter cũng sẽ điều chỉnh để người dùng có thể đăng tải video có nội dung dài hơn, ít quảng cáo hơn,….

Twitter Xanh hiện cho phép người dùng truy cập một số trang tin tức miễn phí và không có quảng cáo, chẳng hạn như Los Angeles Times. Doanh thu từ việc tăng thu phí người dùng sẽ được Twitter dùng để thưởng cho những người sáng tạo nội dung. Dịch vụ Twitter Blue hiện cung cấp nhiều tính năng cao cấp khác, chẳng hạn như cho phép người đăng ký chỉnh sửa bài đăng của họ. Trường hợp tài khoản Blue trả phí có tham gia phát tát thư rác hoặc lừa đảo, tài khoản đó sẽ bị đóng băng.

Được biết, tỷ phú Elon Musk hiện là giám đốc duy nhất của Twitter sau khi ông hoàn tất hợp đồng mua lại trang mạng truyền thông xã hội này và quyết định giải thể toàn bộ ban lãnh đạo cũ.

Phan Anh

Nord Stream: Hàng trăm mét đường ống đã bị phá hủy

Dòng chữ ‘Nord Stream – Đường cung cấp khí đốt mới cho Châu Âu’ trên thuyền Spirit of Europe, tại Tallinn, Estonia, 19/05/2014. (Pjotr Mahhonin / Wikimedia Commons)

Công ty điều hành đường ống Nord Stream thông báo đã hoàn thành việc thu thập dữ liệu ban đầu tại vị trí đường ống xảy ra hư hỏng trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển.

“Theo kết quả sơ bộ của việc kiểm tra hiện trường thiệt hại, các hố nhân tạo có độ sâu từ 3 đến 5 mét đã được phát hiện dưới đáy biển, cách nhau khoảng 248 mét”, Nord Stream AG — nhà điều hành đường ống Nord Stream — thông báo vào ngày 2/11/2022.

Nord Stream AG nhận thấy “đoạn đường ống giữa các hố này đã bị phá hủy, bán kính phân tán mảnh vỡ của đường ống ít nhất là 250 mét”.

Nord Stream AG cho biết đã hoàn thành việc thu thập dữ liệu ban đầu tại vị trí xảy ra hư hỏng đường ống trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển, và các chuyên gia sẽ tiếp tục phân tích dữ liệu khảo sát.

Trước đó, vào ngày 27/10/2022, một tàu trang bị đặc biệt được Nord Stream AG thuê đã đến địa điểm xảy ra vụ nổ đường ống tại vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển. 

Nord Stream AG cũng nói rằng, họ vẫn đang chờ sự cho phép của Đan Mạch để khảo sát thiệt hại của phần đường ống nằm trong vùng đặc quyền kinh tế quốc gia này.

Cuối tháng 9/2022, bốn điểm rò rỉ đã được phát hiện tại các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 sau các vụ nổ gần đảo Bornholm trên biển Baltic. Các vụ nổ xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch. Nord Stream 1 và 2 chạy từ Nga đến Lubmin ở đông bắc nước Đức.

Thụy Điển, Đan Mạch, và Đức tiến hành các cuộc điều tra riêng về đường ống Nord Stream, và chưa chính thức nêu tên bất kỳ nghi phạm nào có thể liên quan đến các vụ phá hoại đường ống.

Ngày 29/10/2022, Nga đã lên tiếng cáo buộc Anh có liên quan đến vụ phá hoại đường ống, còn Anh đã phủ nhận cáo buộc này. 

Ngày 1/11/2022, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Nga đã bắt đầu điều tra nguyên nhân của các vụ nổ trên Nord Stream và hiện tại vẫn chưa có kết quả chính thức.

Cao Dương

Nga nối lại thỏa thuận ngũ cốc Ukraine

Nga xác nhận tiếp tục tham gia thỏa thuận ngũ cốc Ukraine sau khi Kiev “đảm bảo đầy đủ” phi quân sự hóa hàng lang vận chuyển trên biển.

“Phía Ukraine đã đảm bảo rằng hành lang nhân đạo trên biển sẽ chỉ được sử dụng phù hợp với các quy định của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và quy định liên quan Trung tâm Điều phối chung (JCC). Nga tin rằng những đảm bảo này là đầy đủ và tiếp tục thực hiện thỏa thuận”, Bộ Quốc phòng Nga ngày 2/11 thông báo.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm với sự trợ giúp từ Thổ Nhĩ Kỳ cùng Liên Hợp Quốc, Ukraine đã đảm bảo bằng văn bản rằng sẽ “không sử dụng hành lang nhân đạo cùng các cảng, vốn được chỉ định để xuất khẩu nông sản, phục vụ cho các hoạt động quân sự chống lại Nga”.

Nga thông báo các văn bản đảm bảo từ Ukraine được nộp lên JCC cùng ngày. Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ chưa bình luận về thông tin.

Tàu Razoni chở ngũ cốc Ukraine khởi hành từ cảng Odessa ngày 1/8. Ảnh: AFP.
Tàu Razoni chở ngũ cốc Ukraine khởi hành từ cảng Odessa ngày 1/8. Ảnh: AFP.

Nga hôm 29/10 tuyên bố đình chỉ thực thi thỏa thuận ngũ cốc với cáo buộc Ukraine tập kích hải cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea và đe dọa các chiến hạm thuộc Hạm đội Biển Đen tham gia đảm bảo an ninh hành lang ngũ cốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chỉ có thể xem xét nối lại thỏa thuận sau khi hoàn tất điều tra các cuộc tấn công vào bán đảo Crimea và nhận được “đảm bảo thực sự từ Ukraine” về tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, đặc biệt là không sử dụng hành lang nhân đạo cho mục đích quân sự.

Theo thỏa thuận ngũ cốc, Trung tâm Điều phối chung (JCC) được thành lập tại Istanbul, bao gồm các đại diện cấp cao từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và LHQ. Các tàu đến bốc hàng cần trải qua quá trình kiểm tra ngoài khơi Istanbul để đảm bảo không mang vũ khí, sau đó đi qua hành lang an toàn được JCC thiết lập đến các cảng Chornomorsk, Odesa và Yuzhny của Ukraine. Trong hành trình rời đi, các tàu lại được kiểm tra ở ngoài khơi Istanbul.

Thỏa thuận ngũ cốc được đưa ra nhằm góp phần ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do xung đột Ukraine. Thỏa thuận tạo điều kiện cho hơn 9,7 triệu tấn ngũ cốc được xuất khẩu thông qua các cảng của Ukraine.

Hành lang an toàn được thiết lập theo thỏa thuận ngũ cốc Ukraine. Đồ họa: Guardian.
Hành lang an toàn được thiết lập theo thỏa thuận ngũ cốc Ukraine. Đồ họa: Guardian.

Dự án dầu khí Sakhalin-1 của Nga tái hoạt động, Nhật Bản tiếp tục giữ cổ phần

Dự án dầu khí Sakhalin-1 ở vùng Viễn Đông nước Nga (Reuteurs)

Với chuyến hàng khởi hành đến Hàn Quốc, dự án dầu khí Sakhalin-1 ở vùng Viễn Đông nước Nga đã hoạt động trở lại sau 5 tháng tạm ngừng do tập đoàn ExxonMobil của Mỹ rút khỏi Nga.

Bloomberg đưa tin, ngày 30/10, một tàu chở theo dầu thô Sokol của Nga đã khởi hành từ cảng De Kastri để đến Hàn Quốc. Không rõ liệu hàng hóa sẽ được giao ngay hay sẽ được chuyển sang một con tàu khác khi nó cập cảng Yeosu vào ngày 03/11.

Việc sản xuất dầu khí tại Sakhalin-1 trước đó bị tạm dừng sau khi công ty năng lượng Hoa Kỳ ExxonMobil Corp. vào tháng 04/2022 tuyên bố áp dụng tình trạng bất khả kháng (một điều khoản trong hợp đồng giúp giải phóng cả hai bên khỏi trách nhiệm liên quan khi một sự kiện bất thường xảy ra) do các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt lên Moscow vì cuộc chiến tại Ukraine.

Công ty dầu khí nhà nước Nga Rosneft ngày 04/08 cho biết tàu chở dầu cuối cùng rời cảng De Kastri là vào ngày 06/05; kể từ ngày 15/5, hoạt động sản xuất dầu tại dự án Sakhalin-1 gần như dừng hoạt động.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh vào ngày 07/10 cho phép chính phủ quyết định liệu các cổ đông nước ngoài có thể giữ lại cổ phần của họ trong dự án hay không.

ExxonMobil sau đó ra thông báo vào ngày 17/10 rằng họ đã hoàn toàn rút lui khỏi Nga bởi vì Moscow đã “đơn phương chấm dứt” lợi ích của họ trong dự án và chuyển giao dự án cho một nhà điều hành của Nga. Theo sắc lệnh của ông Putin, các bên liên quan có một tháng để quyết định xem có tiếp tục đầu tư vào công ty mới hay không. 

Sakhalin-1 khai thác dầu thô Sokol ở vùng Viễn Đông của Nga, xuất khẩu khoảng 273.000 thùng mỗi ngày, chủ yếu sang Hàn Quốc và các điểm đến khác – bao gồm Nhật Bản, Úc, Thái Lan và Mỹ.

Nhật Bản quyết định giữ cổ phần ở Sakhalin-1

Thứ 3 (01/11), chính phủ Nhật Bản tuyên bố họ sẽ giữ lại cổ phần trong dự án Sakhalin-1 và kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản gia nhập thực thể mới của Nga. Tokyo đánh giá dự án Sakhalin-1 có vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng của Nhật Bản.

Nhóm các công ty dầu khí của Nhật sở hữu 30% cổ phần của dự án Sakhalin-1. Bộ trưởng Công nghiệp Yasutoshi Nishimura cho biết Nhật Bản đang phụ thuộc nhiều vào dầu thô Trung Đông.

“Sakhalin-1 cực kỳ quan trọng đối với an ninh năng lượng của Nhật Bản vì nó là một nguồn cung giá trị ngoài Trung Đông”, ông Nishimura nói với các phóng viên.

Động thái này của Nhật đã được dự báo từ trước vì ông Nishimura nhiều lần khẳng định rằng dự án Sakhalin-1 rất quan trọng đối với đất nước nghèo tài nguyên như Nhật trong việc đa dạng hóa nguồn cung, và vì doanh nghiệp Nhật Bản đã ở lại dự án dầu khí Sakhalin-2 – cũng nằm dưới một nhà điều hành mới của Nga.

Các tập đoàn Nhật Bản gồm Mitsui và Mitsubishi lần lượt nắm giữ 12,5% và 10,5% cổ phần trong dự án Sakhalin-2, trong khi Gazprom PJSC của Nga sở hữu 50%. Shell, công ty nắm giữ 27,5% cổ phần, đã rút khỏi dự án như một cách phản ứng trước cuộc chiến ở Ukraine.

Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ 5 của Nhật Bản, chiếm khoảng 8% lượng tiêu thụ của cả nước Nhật. Dự án dầu khí Sakhalin-2 là một trong những nguồn cung LNG chính của Nhật Bản, với công suất hàng năm là 9,6 triệu tấn.

Chi Anh

Nga đẩy mạnh ‘cuộc di tản’ khỏi miền Nam Ukraine

Một lính pháo binh Ukraine bắn Lựu pháo D20 152mm tại một vị trí trên chiến tuyến gần thị trấn Bakhmut, thuộc vùng Donetsk, miền Đông Ukraine, hôm 31/10/2022, trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. (Ảnh: Dimitar Dilkoff/AFP/Getty Images)

Hôm thứ Ba (1/11), Nga đã ra lệnh cho người dân sơ tán khỏi một khu vực dọc theo bờ phía đông của sông Dnipro ở tỉnh Kherson của Ukraine, mở rộng đáng kể lệnh di tản cưỡng chế ở vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. 

Nga đã ra lệnh cho người dân rời khỏi khu vực mà nước này kiểm soát ở bờ tây của sông Dnipro, nơi binh lính Ukraine đã tiến công trong nhiều tuần để chiếm thành phố Kherson. Đây được coi là một giải pháp chiến lược quan trọng trong cuộc chiến kéo dài 8 tháng.

Hôm 1/11, các quan chức do Nga hậu thuẫn tuyên bố họ đang mở rộng lệnh di tản tới một vùng đệm dài 15 km (9 dặm) dọc theo bờ đông. Phía Ukraine cho hay, các cuộc sơ tán bao gồm việc ép buộc trục xuất khỏi lãnh thổ bị chiếm đóng, là một tội ác chiến tranh.

Nga, quốc gia tuyên bố sáp nhập khu vực Kherson, cho biết họ đang đưa dân thường đến nơi an toàn vì nguy cơ Ukraine có thể sử dụng vũ khí trái phép.

“Do có khả năng chính quyền Ukraine sử dụng các phương pháp chiến tranh bị cấm, cũng như có thông tin cho rằng Kyiv đang chuẩn bị một cuộc tấn công tên lửa lớn vào nhà máy thủy điện Kakhovka, khiến vùng Kherson có nguy cơ bị ngập lụt”, ông Vladimir Saldo, người đứng đầu tỉnh Kherson bị chiếm đóng do Nga hậu thuẫn, cho biết trong một tin nhắn video.

Ông nói: “Quyết định [mở rộng khu vực sơ tán] sẽ giúp tạo ra nhiều lớp phòng thủ và đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine, cũng như bảo vệ dân thường”.

Các nhà chức trách do Nga hậu thuẫn ở vùng Kherson cho biết, các lực lượng Nga sẽ tiến hành một cuộc sơ tán bắt buộc tại quận Kakhovka, gần nhà máy thủy điện Nova Kakhovka vào ngày 6/11.

Moscow đang cáo buộc Kyiv lên kế hoạch sử dụng “bom bẩn” để phát tán phóng xạ, hoặc làm nổ một con đập gây ngập lụt các thị trấn và làng mạc ở tỉnh Kherson. Kyiv cho rằng việc cáo buộc họ sử dụng các chiến thuật này trên lãnh thổ quốc gia là vô lý, đồng thời khẳng định rằng Nga có thể đang lên kế hoạch cho các hành động đó để đổ lỗi cho Ukraine.

Cửa sông Dnipro rộng lớn đã trở thành một trong những chiến tuyến quan trọng nhất trong cuộc chiến những tuần gần đây, khi các lực lượng Ukraine tiến quân để đánh đuổi quân đội Nga khỏi khu vực duy nhất của họ ở bờ Tây. Nga có hàng nghìn quân ở đó và đang cố gắng tiếp viện cho khu vực này.

“Tại sao tôi phải rời đi?”

Tại thành phố Kherson vào ngày 1/11, các con phố hầu như không có bóng người, hầu hết các cửa hàng và cơ sở kinh doanh đóng cửa. Một số ít người dân ở cầu cảng lên phà để băng qua bờ đông của sông Dnipro. Xa xa có vài người vẫn đang đánh bắt cá, dường như thờ ơ trước tiếng pháo ầm ầm từ xa.

Một số cư dân vẫn bất chấp lệnh di tản.

“Tại sao tôi phải rời đi? … Để làm gì? Tôi sẽ ở lại đây cho đến giây phút cuối cùng”, bà Ekaterina, một chủ cửa hàng cho biết. Bà nói rằng, ngôi nhà mà bà đang ở được tổ tiên bà xây dựng “bằng chính đôi tay của họ”.

Các lực lượng Nga đã tràn vào lãnh thổ Ukraine kể từ tháng 2 trong cái mà Moscow gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm loại bỏ những người theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm và bảo vệ những người nói tiếng Nga. Kyiv gọi hành động quân sự của Moscow là hành động chiếm lãnh thổ vô cớ của chủ nghĩa đế quốc. Hàng nghìn nam giới Nga đã tháo chạy ra nước ngoài để trốn nghĩa vụ quân sự.

Một tòa nhà nằm trong đống đổ nát sau khi trúng tên lửa của Nga, vào ngày 31/10/2022 tại Mykolaiv, Mykolaiv oblast, Ukraine. (Ảnh: Carl Court/Getty Images)

Nga đã phóng tên lửa vào các thành phố của Ukraine bao gồm cả thủ đô Kyiv. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đây là đòn trả đũa cho cuộc tấn công vào Hạm đội Biển Đen của Nga vào cuối tuần qua. Ukraine cho biết, họ đã bắn hạ hầu hết các tên lửa đó, nhưng một số đã đánh trúng các trạm phát điện, làm sập nguồn cung cấp điện và nước.

Cùng ngày, Mỹ đã lên án các cuộc tấn công, cáo buộc Nga đã phóng khoảng 100 tên lửa chỉ trong hai ngày, 31/10 và 1/11.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói với các phóng viên tại một cuộc họp giao ban hàng ngày: “Khi nhiệt độ giảm xuống, những cuộc tấn công của Nga nhằm làm trầm trọng thêm sự đau khổ của con người là đặc biệt kinh khủng”. Tuy nhiên, Nga phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường.

Huyền Anh

Lạm phát Indonesia hạ nhiệt nhờ ớt

Lạm phát của Indonesia trong tháng 10 tăng chậm lại nhờ giá thực phẩm, đặc biệt là ớt, đi xuống.

Tháng trước, lạm phát của Indonesia là 5,71% – chậm hơn nhiều mức gần 6% tháng 9 và thấp hơn dự báo của giới phân tích. Giá thực phẩm tăng 7,04% so với cùng kỳ năm ngoái – thấp hơn mức tăng 8,69% tháng 9. Trong khi đó, giá năng lượng lại tăng 17%.

Nhiều loại thực phẩm vào mùa thu hoạch và sự can thiệp của chính phủ đã giúp hạ giá trứng, gia cầm và ớt – nguyên liệu thiết yếu trong ẩm thực Indonesia. Tính theo tháng, giá thực phẩm đã giảm 3 tháng liên tiếp.

“Sức ép giá thực phẩm giảm rõ rệt, cho thấy lạm phát có thể hạ nhiệt nhanh hơn kỳ vọng”, Brian Tan – nhà kinh tế học tại Barclays nhận định. Barclays đã hạ dự báo lạm phát năm nay của Indonesia về 4,2%, từ 4,3% trước đó.

So với tháng trước đó, giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á giảm 0,11%. Việc rút lại trợ giá nhiên liệu khiến chi phí vận chuyển tăng 0,35%. Tuy nhiên, mức tăng này đã được bù lại bằng việc giá thực phẩm, đồ uống, thuốc lá giảm 1%.

Lạm phát lõi – loại bỏ giá các mặt hàng thường xuyên biến động – là 3,31%. Tốc độ này cũng thấp hơn dự báo là 3,4%.

Số liệu mới nhất phản ánh hiệu quả từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Indonesia. Các nhà hoạch định chính sách cho biết đây là điều cần thiết để ghìm lạm phát kỳ vọng – vốn gần đây tăng mạnh.

Tan cho rằng Ngân hàng Trung ương Indonesia sẽ tiếp tục nâng lãi suất tham chiếu thêm 50 điểm cơ bản trong tháng 11. “Các nhà hoạch định chính sách ngày càng tập trung vào lạm phát kỳ vọng và Fed”, Tan giải thích.

Ngân hàng Trung ương Indonesia dự báo lạm phát chạm đỉnh 6,3% cuối năm nay. Lạm phát lõi cũng sẽ lên 4,3% rồi mới quay về vùng mục tiêu 2-4% nửa đầu năm sau.

Hà Thu (theo Bloomberg

Related posts