Giáo viên trở thành người đòi nợ thuê
Trong điều lệ trường học, không có bất cứ điều khoản nào quy định giáo viên phải thực hiện các công việc liên quan đến tài chính giữa nhà trường và học sinh, tuy nhiên, trên thực tế, giáo viên đang trở thành những kẻ đòi nợ thuê cho hiệu trưởng.
Hỏi thì giáo viên trả lời rằng, “chỉ là thu hộ, không được gì”. Mỗi nhà trường đều có tổ Văn phòng, trong tổ đó có bộ phận tài vụ (kế toán, thủ quỹ), nhưng tại sao giáo viên vẫn suốt ngày lên lớp nã tiền học sinh?
Giáo viên đòi tiền, thu tiền là làm sai chức năng và nhiệm vụ. Không chỉ thế, còn gây ra những hậu quả tồi tệ trong giáo dục: phá vỡ mối quan hệ vô tư, lành mạnh giữa thầy cô và học sinh; gây ức chế tâm lý, gây hiểu lầm, làm mất đi tư cách của người thầy. Nếu đi xa hơn, hành vi thu tiền này của giáo viên còn có biểu hiện của việc thao túng tâm lý học trò, dùng tiền bạc để gây sức ép, làm ảnh hưởng nghiêm trọng lên tâm lý trẻ em.
Hiệu trưởng đã sai khi giao việc thu tiền cho giáo viên; nhưng giáo viên cũng không biết đâu là đúng đâu là sai, cứ nhắm mắt làm theo, sai chồng sai, sai tiếp tay cho sai.
Sứ mạng của thầy cô là giáo dục. Không phải là thu tiền. Không bao giờ được nói chuyện tiền bạc với học sinh chứ đừng bảo rằng thu. Nghĩa vụ tài chính của học sinh phải được nhà trường thông báo đến người giám hộ (phụ huynh), phụ huynh sẽ nộp cho bộ phận tài vụ. Trường học hãy chấm dứt ngay hành vi thô lậu, phá hoại và phản giáo dục khi mỗi ngày lên lớp là đòi tiền.
“4.0”. Nhưng vì sao đến một cái danh mục tiền phải nộp mà nhà trường cũng không chuyển đến phụ huynh được, dù đã ngồi họp nguyên buổi? Vì “nhạy cảm”. Hay chưa. Nhà trường nói nộp tiền nhưng chỉ ghi “tổng” lên bảng, yêu cầu các khoản chi tiết thì nói “nhạy cảm”. Nhà trường đang làm cái gì vậy? Phụ huynh phải mua sổ liên lạc điện tử nhưng muốn trao đổi gì với nhà trường cũng không được, nhắn qua điện thoại, zalo thì im lìm. Rốt cuộc không phải là nhà trường không liên hệ được với phụ huynh mà chỉ là không muốn liên hệ. Nắm đầu học sinh dễ gây sức ép hơn. Giáo dục ai và giáo dục cái gì với một lối mờ ám, thủ thuật, tiểu xảo và phản nhân văn như vậy?
Giáo viên, xin hãy tự tôn. Đừng vì thiếu hiểu biết hay hèn nhát mà tự đẩy mình vào hoàn cảnh ô nhục. Hãy mạnh dạn trả về cho hiệu trưởng những việc nhếch nhác, bậy bạ kia, và toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp giáo dục thiêng liêng.
Giáo viên, các vị “không được gì cả”, chúng tôi biết, nhưng các vị vẫn rất đáng trách và đáng bị coi thường vì đến những hiểu biết sơ đẳng và thái độ chính trực tối thiểu mà các vị cũng không có được, vậy chúng tôi phải tôn trọng các vị bằng cách nào đây?
Thái Hào
Tài xế siêu xe Ferrari gây tai nạn chết người ra đầu thú
Ngày 3/11, Công an thành phố Hà Nội cho biết, Hoàng Bằng Việt, 25 tuổi, trú phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm đã ra đầu thú vào lúc 22h00 ngày 1/11, hơn một ngày sau tai nạn khiến 1 người chết.
Báo Zing đưa tin, khoảng 5h ngày 31/10, ô tô nhãn hiệu Ferrari biển kiểm soát 80-346-NG-74 lưu thông trên đường Lê Quang Đạo. Khi đến trước cổng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, siêu xe này va chạm với xe máy khiến ông L.Đ.T. (sinh năm 1964, là người điều khiển xe máy) tử vong tại chỗ. Sau khi xảy ra tai nạn, tài xế ô tô và người phụ nữ cùng đi trên xe này rời hiện trường.
Đến 22h ngày 1/11, tài xế Hoàng Bằng Việt ra đầu thú. Thời điểm xảy ra tai nạn, trên ôtô còn có chị N.T.N.A. (sinh năm 1988; trú quận 8, TP.HCM). Sau tai nạn, do hoảng sợ, anh Việt và chị N.A. đã rời khỏi hiện trường.
Theo tin trên tờ VnExpress, tại hiện trường, chiếc Ferrari móp méo phần đầu bên phải, nằm cách xe máy khoảng 50m, cách nạn nhân 150m.
Ccăn cứ kết quả tra cứu cơ sở dữ liệu đăng ký, quản lý phương tiện, xe trên đứng tên chủ sở hữu là nhân viên ngoại giao nước ngoài.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã ra quyết định trưng cầu Trung tâm pháp y Hà Nội lấy máu, mẫu nước tiểu giám định cồn, chất gây nghiện đối với anh Hoàng Bằng Việt. Hiện, kết quả chưa được công bố.
Ferrari 488 Pista là dòng xe của Italy, sản xuất năm 2018, tốc độ tối đa 340 km/h, giá ở Việt Nam khoảng 30 tỷ đồng.
Huệ Liên
Gần 1200 công nhân ở TP.HCM mất việc đột ngột vì không có đơn hàng
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM cho biết hôm 2/11, Công ty TNHH Tỷ Hùng (Công ty Tỷ Hùng, chuyên sản xuất giày da xuất khẩu, đóng tại phường An Lạc, quận Bình Tân với tổng số lao động là 1.822 người) có thông báo chấm dứt hợp đồng với 1.185 người lao động (NLĐ).
Lý do được nêu ra là do ảnh hưởng kinh tế thế giới, công ty không có đơn hàng sản xuất. Mặc dù đã tìm nhiều biện pháp nhưng công ty vẫn gặp nhiều khó khăn không thể khôi phục hoạt động như kế hoạch đề ra. Do đó, công ty buộc phải thu hẹp sản xuất và chấm dứt hợp đồng với NLĐ.
16h30, Công ty TNHH Tỷ Hùng, chuyên sản xuất giày sang thị trường châu Âu, tan ca. Ra khỏi cổng, công nhân Trương Thị Hiếu (46 tuổi, ngụ quận Bình Tân) không về phòng trọ mà đạp xe tới một siêu thị gần đó nhặt chai nhựa đến tận khuya, kiếm thêm thu nhập.
“Chắc chắn một tháng nữa việc phụ này sẽ thành chính”, chị Hiếu nói với PV báo VnExpress. Chị là một trong gần 1.200 công nhân bị công ty cắt giảm vào ngày 1/12 với lý do thiếu đơn hàng. Tính đến lúc phải chấm dứt hợp đồng, chị có gần 20 năm làm việc ở Tỷ Hùng, lương căn bản đạt 7,3 triệu đồng, tính cả tăng ca gần 10 triệu đồng. Cách đây chừng một tuần khi hay tin nằm trong số thợ bị cắt giảm đợt này, chị cùng nhiều đồng nghiệp không còn tâm trạng làm việc.
“Nhà xưởng mới xây, công việc bình thường, vậy mà đột ngột cả nghìn người phải nghỉ việc”, chị Hiếu thắc mắc và không thể tin mình chỉ còn khoảng một tháng làm việc ở công ty. 23 năm trước, chị rời Nghệ An vào TP.HCM mưu sinh. Trải qua vài chỗ, chị nộp đơn vào Tỷ Hùng, khi đó chỉ là xưởng giày nhỏ. Không lập gia đình, chị nhận trách nhiệm chăm sóc mẹ già và nuôi hai cháu là con của em gái đã mất. Mỗi tháng, tùy vào thu nhập chị sẽ gửi về quê 3-5 triệu đồng. Chị mất việc khiến cả “đoàn tàu” phía sau chới với theo.
“Tôi không thể thất nghiệp được”, chị Hiếu nói, đưa ra dự định về Tết sớm, chuẩn bị hồ sơ xin việc, năm sau quay lại thành phố, không làm công nhân sẽ xin làm lao công, quét dọn.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Kim Nhã, 44 tuổi, thâm niên 19 năm làm việc ở Tỷ Hùng, chưa biết xoay xở ra sao khi đột ngột mất việc cuối năm. Chồng chị bị tai nạn mất sức lao động, con trai đang đi học, cha mẹ lớn tuổi, nhiều bệnh nên mọi chi tiêu trong gia đình một tay chị gồng gánh. Cả nhà 5 người trông vào suất lương 10 triệu đồng của chị.
Sốc, hoang mang, không còn sức để làm việc là cảm giác của nữ công nhân khi lần đầu nghe tin công ty sẽ cho hàng loạt lao động nghỉ việc.
Với 25 năm Công ty Tỷ Hùng hoạt động ở TP.HCM, những công nhân lớn tuổi như chị Nhã, chị Hiếu không phải ít. Trong gần 1.200 công nhân Tỷ Hùng bị mất việc có đến hơn 60% nữ. Chị Nguyễn Thị Âm Nhạc, 40 tuổi, cán bộ quản lý chuyền, nói rằng 50% lao động trong các chuyền chị từng quản lý đều ngoài 40 tuổi, hầu hết gắn bó với công ty 10-15 năm trở lên.
“Độ tuổi này mong được ổn định nhất để lo cho con cái thì lại thất nghiệp, khó tìm việc mới”, chị Nhạc nói. Trường hợp được các công ty tuyển, dù có tay nghề họ phải bắt đầu với mức lương thấp nhất trong nhà máy. Vì vậy nhiều người nản, chấp nhận làm thời vụ, hưởng lương ngày, đợi năm sau rút bảo hiểm xã hội một lần.
Hai hôm nay, chị Nhã làm thủ tục giảm trừ gia cảnh, xin xác nhận địa phương bố mẹ không có thu nhập, người phụ thuộc… Cộng tất cả khoản trợ cấp thôi việc cho người làm từ năm 2008 trở về trước, bồi thường hai tháng lương và tháng 13, chị được nhận hơn 40 triệu đồng, sau 20 năm thanh xuân gắn bó với công ty.
Hội An
Vụ thảm họa giẫm đạp tại Itaewon: Thi thể nữ sinh đã về đến quê nhà
Sau 5 ngày xảy ra thảm họa giẫm đạp trong Lễ hội Halloween tại Hàn Quốc, thi thể nữ du học sinh đã về tới quê nhà Bình Định.
Theo báo chí nhà nước, chiều 3/11, thi thể nữ sinh Đ.T.T. (SN 2001, xã Vĩnh Thuận, Vĩnh Thạnh, Bình Định) tử vong trong vụ thảm họa giẫm đạp tại Lễ hội Halloween ở khu Itaewon (thủ đô Seoul, Hàn Quốc, xảy ra vào tối 29/10), đã về tới quê nhà trong vòng tay của cha mẹ, gia đình và người thân.
Tang lễ của nữ sinh được tổ chức vào chiều cùng ngày (3/11) và an táng tại nghĩa trang quê nhà vào ngày 4/11.
Trước đó, sáng ngày 30/10, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc xác nhận có một công dân Việt Nam đã thiệt mạng trong thảm họa giẫm đạp tại tại Itaewon, Seoul.
Chiều cùng ngày (30/10), Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin đã có thư gửi Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng bày tỏ chia buồn trước sự việc này và khẳng định sẽ nỗ lực hết sức, hợp tác chặt chẽ với Đại sứ quán trong việc hỗ trợ những nạn nhân của vụ thảm họa giẫm đạp trong lễ hội Halloween.
Tính đến ngày 1/1, số người chết vì thảm họa giẫm đạp này là 156 người, có 157 người bị thương. Trong đó, có 26 người tử vong là người nước ngoài.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã quyết định hỗ trợ 20 triệu won (14.091 USD) tiền động viên và 15 triệu won (10.569 USD) chi phí tổ chức tang lễ cho gia quyến. Chi phí vận chuyển thi thể về nước được bao gồm trong chi phí tang lễ.
Minh Long
Khu kinh tế Dung Quất: Bụi bẩn kèm mùi khét tấn công nhà dân, gây khó thở, buồn nôn
Hàng nghìn hộ dân sống xung quanh Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vô cùng lo lắng vì tình trạng bụi mịn có màu xám tro, mùi khét xuất hiện bất thường trong những ngày qua.
Theo báo chí nhà nước, khoảng 20h30 ngày 30/10, người dân tại thôn An Lộc và An Lộc Nam (xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) phản ánh trong nhà, ngoài sân xuất hiện rất nhiều bụi màu trắng xám, có mùi khét khó chịu.
Họ cho biết sau từ 25 đến 30 phút quét dọn sạch, bụi lại xuất hiện trở lại. Gió lớn đã cuốn bụi mịn màu xám vào nhà bám dày trên nền và nhiều vật dụng gia đình.
Người dân địa phương cho hay họ chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng bụi bay vào nhà nhiều như vậy. Đến sáng 1/11, bụi kèm theo mùi hôi vẫn còn dai dẳng.
Người hít phải loại bụi này có biểu hiện khó chịu như tức ngực, nôn ói. Người dân cho rằng có thể nhà máy nào đó ở Khu kinh tế Dung Quất gặp sự cố, khiến bụi theo gió lớn phát tán ra môi trường xung quanh.
Trước sự việc trên, UBND xã Bình Trị đã kiểm tra thực tế, việc người dân phản ánh là đúng sự thật. Tuy nhiên, “việc xác định bụi là chất gì và nguồn gốc của bụi từ đâu thì UBND xã không thể xác định được”.
Còn tại xã Bình Hải, ông Phạm Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã, nói bụi này chủ yếu bay vào thôn Vạn Tường, khu vực có khoảng 500 hộ dân. Hiện nay, chưa biết nhà máy nào thải ra, nhưng địa phương đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra xác minh chất này là chất gì và có ảnh hưởng đến sức khỏe người dân hay không.
Còn một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất tại Khu kinh tế Dung Quất đều khẳng định “hiện tượng khói bụi như trên không có khả năng xuất phát từ nhà máy của đơn vị mình”, theo báo Tuổi Trẻ.
Riêng Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết trong khoảng thời gian ngày 25/10, nhà máy có xảy ra hiện tượng sự cố hệ thống trao đổi nhiệt tại ống khói số 15. Tuy nhiên, công ty đã “cô lập và cách ly hệ thống xử lý theo quy định ngay trong ngày”.
Ông Nguyễn Tường Chuẩn, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Bình Sơn, nói sẽ tiến hành gửi mẫu mà người dân đã cung cấp cho cơ quan chức năng, để trả lời cho người dân chính xác vật chất gì, nguồn gốc từ đâu.
Minh Long
Vụ Tịnh Thất Bồng Lai: Tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm
Sau 2 ngày (2 – 3/11) xét xử và tranh luận, 18h40 ngày 3/11, Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên án các bị cáo trong vụ Tịnh thất Bồng Lai.
Hội đồng xét xử tuyên giữ nguyên mức án đã tuyên tại phiên xét xử sơ thẩm vào tháng 7/2022.
Cụ thể, ông Lê Tùng Vân bị tuyên phạt 5 năm tù; Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương cùng mức án 4 năm tù; Lê Thanh Nhị Nguyên 3 năm 6 tháng tù và bà Cao Thị Cúc 3 năm tù.
Cả 6 người bị khép vào tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” tại Khoản 2, Điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Nhóm người trên bị cho là đã đăng tải nhiều bài viết, video trên mạng xã hội Facebook và YouTube trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021, chứa thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của cơ quan Công an huyện Đức Hòa, xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Trần Ngọc Thảo (tức hòa thượng Thích Nhật Từ).
Tổng cộng, có 5 video và 1 bài viết trên mạng xã hội của nhóm người này được phân tích, giám định và xác định là hành vi có tổ chức.
Theo luật sư Nguyễn Văn Miếng, một trong 5 luật sư bào chữa cho 6 bị cáo, phiên tòa xét xử vắng mặt ông Lê Tùng Vân vì lý do sức khỏe, bà Cao Thị Cúc chỉ có mặt tại phiên tòa vào đầu hai ngày, sau đó được chủ toạ cho vắng mặt vì quá yếu không thể tiếp tục tham gia phiên toà suốt ngày được.
Bị hại là ông Thích Nhật Từ và đại diện bị hại là Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An Thích Minh Thiện vắng mặt.
Vào lúc 15h ngày xét xử thứ hai (3/11), chủ tọa tuyên bố chấm dứt phần tranh luận, trong khi các bị cáo chưa được tranh luận với đại diện Viện kiểm sát.
Các luật sư đồng loạt đứng dậy yêu cầu Hội đồng xét xử áp dụng đúng tố tụng cho các bị cáo được tranh luận, nhưng không được chấp nhận.
Các bị cáo sau đó nói lời sau cùng không được trọn vẹn. Tất cả các bị cáo đều kêu oan. Bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay.
Trên trang Facebook cá nhân, luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong 5 luật sư bào chữa cho 6 bị cáo, cho biết phiên phúc thẩm đã kết thúc theo cách rất đáng thất vọng “Y án sơ thẩm”.
“Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần trước để đón nhận kết quả này. Tuy vậy, sau khi nghe tuyên án, lòng chúng tôi vẫn trùng xuống.
Ngay sau phiên tòa, từng luật sư trong nhóm vẫn nhận được rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn chia sẻ sự cảm thông, động viên, lời khuyên… khiến chúng tôi hết sức xúc động. Công lý, đôi khi đến từ công chúng.
Với những gì được chứng kiến, thấy tận mắt, nghe tận tai về ông cụ Lê Tùng Vân, các thầy, các cô và các chú tiểu, chúng tôi chắc chắn rằng họ hoàn toàn xứng đáng với sự yêu thương của Quý bạn, kể cả vào lúc này, khi đã có kết quả giám định ADN.
Chúng tôi thành thật cảm ơn. Chúng ta cùng chúc lành cho nhau và gửi lời cầu nguyện cho những tù nhân từ Thiền Am, mà lẽ ra họ xứng đáng được tự do hơn nhiều người đang cười cợt họ hôm nay”.
Minh Long