Thứ 4 (02/11) theo giờ địa phương, Fed chính thức tăng lãi suất thêm 0,75%, lên 3,75-4%; đánh dấu lần thứ 6 liên tiếp tăng lãi suất điều hành và lần thứ 4 liên tiếp tăng tới 0,75%, đẩy chi phí đi vay lên cao nhất kể từ năm 2008. Nhưng vì sao Fed tăng lãi suất tới tốc độ nhanh gấp 3 lần tuyên bố ban đầu của họ (0,25% mỗi lần tăng) mà Fed dường như vẫn không thể kiềm chế được lạm phát? Điều gì đang chờ nước Mỹ và chúng ta?
Vào tháng 2/2022, tỷ lệ lạm phát ở Hoa Kỳ là 7,9%; đánh dấu 1 năm lạm phát Mỹ tăng đều, ngày một bỏ xa mức lạm phát mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đề ra. Trong suốt một năm đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden nói chung và các quan chức Fed nói riêng đều nhận định sai về lạm phát khi cho rằng lạm phát chỉ là tạm thời và sẽ nhanh chóng qua đi. Fed hầu như không có động thái gì cho tới khi buộc phải thay đổi quan điểm rằng lạm phát là vấn đề dài hạn và rằng họ đã không nhận ra nguyên nhân thực sự của lạm phát.
Vào ngày 17/3, Fed đã tăng lãi suất lần đầu tiên trong chu kỳ tăng lãi suất này; mức lãi suất tăng chỉ khiêm nhường ở mức 0,25%. Nhưng ngay sau đó, cường độ của mỗi lần tăng lãi suất của Fed bắt đầu lớn hơn nhiều so với tuyên bố chính sách trước đó. Quyết tâm kiềm chế lạm phát của Fed dường như mới tăng cường gần đây khi lạm phát lõi của Mỹ tăng mạnh trong khi lạm phát chung chỉ giảm nhẹ. Vấn đề ở chỗ, tác dụng kiềm chế lạm phát về cơ bản bằng không.
Chỉ số CPI tháng 2 là 7,9%, trong khi tháng 9 là 8,2%, việc tăng lãi suất trong hơn nửa năm không ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ lạm phát.
Một số chuyên gia, nhà phân tích lạc quan rằng CPI của Mỹ đã đạt đỉnh và đang trên đà giảm trở lại. Đồ thị chỉ số giá CPI chung theo tháng dường như đã phản hồi tốt mức tăng lãi suất diều hâu của Fed. Nhưng chỉ số giá CPI lõi lại kể một câu chuyện khác; CPI lõi (đã loại trừ giá năng lượng và lương thực) dường như chưa đạt đỉnh, chưa có xu hướng quay đầu trước áp lực chi phí vốn gia tăng.
Chỉ số giá CPI lõi tháng 9 đã ở mức cao kỷ lục 6,6%, cao hơn nhiều so với các tháng trước đó.
Từ quan điểm của Cục Dự trữ Liên bang, tất nhiên cơ quan này có thể kiềm chế lạm phát bằng thu hồi lại số USD đã phát hành quá mức trong mười năm qua. Bảng cân đối kế toán của Fed đã tăng từ 2 nghìn tỷ USD năm 2008 lên tới 9 nghìn tỷ USD như hiện nay.
Nhưng thị trường không đơn giản như vậy. Một hành động chính sách thu hồi tiền mạnh mẽ từ Fed sẽ ngay lập tức dẫn tới khủng hoảng nợ ở Mỹ và lan ra khắp toàn cầu. Thế giới sẽ rơi vào hỗn loạn.
Gửi tiền thì dễ nhưng lấy lại thì khó, điều này hoàn toàn ràng buộc tay chân của Fed.
Hãy nói về những con số. Chúng ta đều biết rằng nếu ngân hàng trung ương thực sự muốn chống lạm phát thì ngân hàng trung ương chỉ cần thực hiện chính sách lãi suất tiền tệ dương (tức là lãi suất cơ bản trừ đi tỷ lệ lạm phát được kết quả là một số dương). Khi đó, tiền sẽ chảy ngược vào hệ thống ngân hàng, các quỹ (đầu tư, đầu cơ) trên thị trường sẽ tiếp tục giảm vì lãi suất hấp dẫn và an toàn hơn từ NHTW. Lúc này, tiền thực sự bị thu hồi, gốc rễ của lạm phát bị chặt đứt; lạm phát có thể được kiểm soát.
Quay trở lại câu chuyện của Fed, lạm phát lõi ở Hoa Kỳ đạt 6,4% trong tháng 2/2022. Nếu Fed thực sự muốn chống lại lạm phát, Fed nên đặt mục tiêu tăng lãi suất trên 6,4% và nhanh chóng đạt được mục tiêu này (lãi suất đồng USD dương). Tuy nhiên, theo cách này, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của chính phủ Hoa Kỳ sẽ ít nhất leo thang lên tới 10%; lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ càng cao, rủi ro vỡ nợ của chính phủ càng lớn.
Lãi suất trả nợ hàng năm của chính phủ Mỹ sẽ đạt khoảng 2,3 nghìn tỷ USD, trong khi thu ngân sách của Mỹ ước tính năm 2022 chỉ ở mức 4,7 nghìn tỷ USD (vào năm 2021, thu ngân sách của Mỹ ở mức 4,05 nghìn tỷ USD). Khi 50% thu ngân sách phải trả cho nợ lãi thì rủi ro tài khoá, rủi ro tài chính của Mỹ là quá lớn.
Vào thời điểm này, Fed sẽ không bao giờ dám đặt mục tiêu tăng lãi suất cao hơn tỷ lệ lạm phát cơ bản chứ chưa nói đến việc đạt được lãi suất dương một cách nhanh chóng. Đây là lý do, Fed không thể kiềm chế lạm phát.
Đây là lời giải thích cho việc mặc dù Fed đã áp dụng chính sách tiền tệ diều hâu trong năm nay, nhưng lạm phát thì hoàn toàn không có gì thay đổi.
Điều này có nghĩa là, đợt tăng lãi suất 0,75% ngày hôm nay cũng không thể thực sự giúp Fed kiềm chế lạm phát trong vài tháng tới.
Tỷ lệ nợ cao của chính phủ Mỹ đã trở thành một trở ngại cho việc tăng lãi suất của ngân hàng trung ương. Nói cách khác, chính sách tiền tệ của Fed không thể độc lập được nữa khi chính quyền ông Biden và các chính quyền tiền nhiệm thoả thích chi tiêu để kích thích tăng trưởng. Nền kinh tế Mỹ phải vấp ngã. Cái lý thuyết tiền tệ hiện đại, khuyến khích chi tiêu chính phủ thoải mái mà không lo lạm phát, mà bà Janet Yellen cổ vũ nhiệt thành, rõ ràng đã được Fed thực chứng là một lý thuyết gây ra thảm hoạ nợ và suy giảm tăng trưởng trong dài hạn. Một thất bại dễ thấy trước trong lịch sử kinh tế học hiện đại.
Các chính phủ và ngân hàng trung ương liên tục cáo buộc nhưng tỷ phú như George Soros bán khống tiền tệ của họ và khiến họ rơi vào khủng hoảng. Thực ra, đó chỉ là cái cớ, nếu họ không nợ quá lớn và không khuyến khích nợ xấu qua các gói nới lỏng định lượng QE, họ cũng không cần tìm tới một vật tế thần như George Soros. Ông ta không có cơ hội thao túng nợ của chính phủ và ngân hàng nếu họ quản lý được nợ và nguồn trả nợ của mình.
Thay thế lạm phát lõi bằng lạm phát chung thậm chí còn đòi hỏi Fed phải tăng lãi suất cao hơn để kiềm chế lạm phát thông qua chính sách lãi suất dương, điều này tất nhiên là khó hơn.
Điều này sẽ dẫn đến một kết luận: phương tiện chính sách thông thường của Fed (tăng lãi suất) không còn có thể kiểm soát lạm phát, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử của đồng USD.
Đây đặc biệt là một kết luận rất đáng sợ, xuất phát từ thực tế là khi ngân hàng trung ương không thể thực thi lãi suất dương và chỉ có thể duy trì lãi suất âm, có nghĩa là lạm phát sẽ tiếp tục phát triển. Sự phát triển của lạm phát sẽ là một quá trình tăng tốc liên tục theo vòng xoắn ốc. Và tất cả chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của lạm phát.
Quang Nhật
(Theo Secret China)