TT Zelensky sẽ không tham gia hội nghị G20 nếu ông Putin tham dự
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hôm thứ Năm (3/11), ông sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh của Nhóm 20 nền kinh tế lớn tại Indonesia, nếu nhà lãnh đạo Điện Kremlin Vladimir Putin có mặt tại sự kiện này.
Ông Zelensky nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm tại Kyiv với Tổng thống Hy Lạp, ông đã được Tổng thống Indonesia Joko Widodo mời tham gia hội nghị thượng đỉnh ngày 15-16 tháng 11 tại đảo Bali. Tuy nhiên ông sẽ chờ xem phản ứng từ phía Nga để đưa ra quyết định có tham dự hội nghị hay không.
“Quan điểm cá nhân của tôi và lập trường của Ukraine là: nếu nhà lãnh đạo Liên bang Nga tham gia, thì Ukraine sẽ không tham gia,” ông nhấn mạnh
Ngày 3/11, Tổng thống Zelensky cho hay, ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Widodo thảo luận về việc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 cũng như thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi thông báo, hiện Indonesia vẫn chưa biết liệu Tổng thống Putin có tham dự Hội nghị G20 hay không và phải chờ đến phút cuối mới có thể xác nhận điều này.
Với tư cách là nước chủ nhà G20, Indonesia đã nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia, thông qua việc Tổng thống Joko Widodo đến thăm cả Kyiv và Moscow vào tháng 6 và mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tham dự hội nghị thượng đỉnh.
Trước đó, ngày 1/11, Ukraine đã kêu gọi trục xuất Nga khỏi G20 và thu hồi lời mời ông Putin đến hội nghị thượng đỉnh Bali. Đáp lại, bà Retno nhấn mạnh đó không phải là đặc quyền của chủ tịch G20.
Nhật Minh (Theo Reuters)
Mỹ, Hàn Quốc cam kết ‘xóa sổ’ chế độ Kim Jong-un nếu Triều Tiên sử dụng hạt nhân
Mỹ và Hàn Quốc hôm thứ Năm (3/11) đã phát đi cảnh báo cứng rắn tới Triều Tiên, cam kết rằng chế độ Kim Jong-un sẽ bị xóa sổ nếu nước này sử dụng vũ khí hạt nhân nhắm vào các quốc gia khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Jong-sup, trong tuyên bố hôm 3/11, nói rằng “bất kỳ vụ tấn công hạt nhân nào chống lại Mỹ hoặc các đồng minh và đối tác của Mỹ, bao gồm sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược, đều là không thể chấp nhận được và sẽ dẫn tới kết thúc chế độ nhà họ Kim”.
Trước đó một ngày, hôm thứ Tư (2/11), Triều Tiên được cho là đã bắn 23 tên lửa ra bờ biển, trong đó có một quả rơi xuống vùng biển chỉ cách bờ biển Hàn Quốc khoảng 60 km. Đây là thời điểm Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành các màn tập trận không quân chung trong khu vực.
Đến sáng thứ Năm (3/11), Triều Tiên tiếp tục phóng một quả tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản khiến giới chức Nhật phải cảnh báo dân chúng ở một số địa phương tìm nơi trú ẩn trong nhà.
Theo Reuters, đêm 3/11 đến rạng sáng 4/11, Triều Tiên đã bắn khoảng 80 đạn pháo vào khu vực biên giới biển liên Triều.
Quân đội Hàn Quốc cho biết, bắt đầu từ sau nửa đêm 3/11, Seoul đã phát hiện hơn 80 đạn pháo được Bình Nhưỡng bắn ra biển. Giới chức Hàn Quốc nói rằng động thái này của miền Bắc rõ ràng đã vi phạm thỏa thuận liên Triều mà hai bên ký kết năm 2018.
Trong khi đó, theo Fox News, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong những ngày gần đây “đã úp mở đe dọa” sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tháng trước, Triều Tiên đã điều động 12 máy bay di chuyển tới gần biên giới Hàn Quốc. Đáp trả, Hàn Quốc đã cho xuất kích phi đội 30 máy bay. Vụ việc này không xảy ra đụng độ trên không.
Hải Đăng
Ông Trump kiện ngược Tổng chưởng lý New York Letitia James
Theo Newsweek đưa tin, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kiện Tổng chưởng lý bang New York Letitia James vào ngày 2/11, cáo buộc bà phát triển “chính sách đe dọa và quấy rối” trong khi điều tra các hoạt động kinh doanh của ông Trump.
Đơn kiện được ông Trump đệ trình lên một tòa án ở Florida hôm thứ Tư (ngày 2/11) cho biết cuộc điều tra của bà James về Trump Organization là xuất phát từ động cơ chính trị và không có bằng chứng hỗ trợ.
“Sau hơn 3 năm điều tra chính thức, các cuộc tấn công có chủ đích và tiêu tốn hàng triệu đô la và hàng ngàn giờ, rõ ràng là cả Tổng thống Trump và bất kỳ công ty nào của ông ấy đều không rửa tiền dưới bất kỳ hình thức nào”, đơn kiện viết.
“[Bị cáo] bịa đặt về những cáo buộc này đã cho thấy rõ – tức là ngay cả sau khi bà ấy nhậm chức và bắt đầu cuộc điều tra, mong muốn truy bắt ông Trump của bà ấy là thúc đẩy bởi cái nhìn lệch lạc, thù địch chính trị và tồi tệ nhất là hội chứng mất trí nhớ Trump – không phải sự thật,” đơn kiện viết.
Theo CNN, cựu Tổng thống đã sử dụng thuật ngữ “Hội chứng rối loạn Trump” trong quá khứ để chỉ những người “bị phát điên vì họ không thích Trump”. Ông Charles Krauthammer, tác giả chuyên đề, đã có một bài viết về “Hội chứng rối loạn Bush” (cựu Tổng thống George W. Bush) vào năm 2003.
Bà Letitia James lần đầu tiên bắt đầu điều tra Trump Organization vào năm 2019, và chính thức kiện công ty vào tháng 9 vừa qua. Ông Trump đã liên tục bác bỏ cáo buộc của bà James, tức cáo buộc ông đã thổi phồng tài sản để có được các khoản vay có lợi hơn hoặc giảm thiểu tài sản để tránh bị đánh thuế cao hơn.
Đội ngũ pháp lý của ông Trump lập luận rằng bà James “cam kết” nhắm mục tiêu vào Trump Organization khi bà tranh cử tổng chưởng lý vào năm 2018. Khi đó, ngoài những tin tức trên các kênh truyền thông ra, thì bà không biết gì về công việc kinh doanh của ông Trump.
Đội ngũ pháp lý cũng cho rằng cuộc điều tra của bà James đã xâm phạm quyền riêng tư của ông Trump, lập luận rằng “nếu không có lý do liên quan hoặc thuyết phục để yêu cầu tiết lộ, thì quyền riêng tư của Hiến pháp tiểu bang Florida bảo vệ việc tiết lộ thông tin tài chính cá nhân.”
“Nếu tôi không được bầu làm tổng thống Mỹ và bây giờ dẫn đầu đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa với một tỷ lệ đáng kể trong các cuộc thăm dò, thì điều này (bà James kiện Trump Organization) đã không xảy ra”, ông Trump viết trong một bài đăng trên Truth Social hôm thứ Tư.
Vướng kiện tụng, nhưng ông Trump vẫn ám chỉ sẽ không ảnh hưởng đến việc tranh cử tổng thống
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lập nhiều kỷ lục trong 4 năm làm việc tại Nhà Trắng và các động thái của ông vẫn được nhiều người theo dõi. Ông Trump vướng vào các vụ kiện trong những năm gần đây, và trong số đó, có hai vụ nhận được sự chú ý nhiều nhất.
Một là về việc liệu ông có liên quan hình sự đến chuyện kích động dẫn đến bạo loạn Điện Capitol ngày 6/1/2021 hay không. Vào ngày 6/1, ủy ban Hạ viện đã hoàn tất một loạt các phiên điều trần liên quan và ban hành trát đòi hầu tòa đối với ông Trump để làm chứng. Ông Trump cho đến nay vẫn chưa nói liệu ông có làm chứng hay không. Nhưng các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đã khiến vấn đề trở nên không chắc chắn, và nếu Đảng Cộng hòa giành lại Hạ viện trong cuộc bầu cử này, ủy ban điều tra này có khả năng bị giải tán trong Quốc hội mới.
Thứ hai là vụ án tài liệu mật Mar-a-Lago. FBI đã khám xét bất động sản Mar-a-Lago của ông Trump vào ngày 8/8 để tìm các tài liệu mật của Nhà Trắng và vụ việc vẫn đang trong quá trình xử lý. Các kênh truyền thông cánh tả đã thổi phồng vụ việc với nỗ lực gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử giữa kỳ. Nhưng ông Trump đã nói rằng ngay cả khi ông bị truy tố hoặc nhận một phán quyết bất lợi, nó sẽ không ảnh hưởng đến quyết tâm tái tranh cử tổng thống của ông.
Ngôn từ có sự thay đổi nhỏ, ám thị sẽ một lần nữa tranh cử
Không nên đánh giá thấp ảnh hưởng của ông Trump đối với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay. Có báo cáo chỉ ra, sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 8/11 tới đây, ông rất có thể sẽ tuyên bố kế hoạch tranh cử tổng thống năm 2024.
“Tôi có thể buộc phải làm (tổng thống) một lần nữa”, ông Trump đã nhiều lần ám thị tại các cuộc mít tinh hỗ trợ tranh cử của Đảng Cộng hòa trong những tháng gần đây.
Đặc biệt, tại một cuộc mít tinh ở Robstown (tiểu bang Texas) vào ngày 22/10, có một sự thay đổi tinh tế trong thông điệp của ông Trump. Các cố vấn của ông nói với Fox News rằng đây là một “dấu hiệu rõ ràng” rằng bây giờ không phải là “liệu” Trump sẽ tranh cử vào năm 2024 hay không, mà là “khi nào” mới tuyên bố chiến dịch tranh cử.
“Tôi đã tranh cử (tổng thống) hai lần,” ông Trump nói tại cuộc mít tinh, “và bây giờ, để làm cho đất nước của chúng ta thành công, an toàn và vinh quang trở lại, tôi có thể phải tranh cử một lần nữa.”
Trong tuần cuối cùng của chiến dịch, ông Trump đã liên tiếp đi đến các tiểu bang chiến trường quan trọng như Arizona, Nevada, Ohio, Pennsylvania, Georgia, Florida và Michigan như là “bài kiểm tra quan trọng”.
Trước ngày 8/11, ông Trump sẽ đến Iowa, Pennsylvania, Florida và Ohio để tham gia mít tinh. Ông dự kiến sẽ dành Ngày Bầu cử tại Mar-a-Lago, Florida.
Ủy ban Hành động Chính trị Cứu nước Mỹ (PAC) của ông Trump hiện đã huy động được 99,66 triệu USD tiền mặt và sau vụ khám xét Mar-a-Lago, ông Trump đã huy động được 10,2 triệu USD vào tháng 8, mức kỷ lục trong một tháng.
Ông Trump đã sử dụng số tiền khổng lồ của PAC để tài trợ cho các cuộc vận động tranh cử và quảng cáo ủng hộ các ứng cử viên Đảng Cộng hòa trên khắp đất nước. Siêu PAC mới được thành lập khác của ông, Make America Great Again Inc. (MAGA), đã chi 8 triệu đô la cho các quảng cáo tranh cử trong hai tuần đầu tiên của tháng 10.
Ông Taylor Budowich, người đứng đầu MAGA Inc., nói với Fox News rằng “Do sự ủng hộ của ông Trump, Đảng Cộng hòa sẽ càn quét nhậm chức với tốc độ mang tính lịch sử.”
Tiêu Nhiên, Vision Times