Thời gian gần đây, các cây xăng tại ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Gia Lâm…. bên cạnh nhiều cây xăng hoạt động ổn định thì cũng không ít cây xăng hoạt động cầm chừng.
Trên báo VOV, theo khảo sát, tình trạng người dân Hà Nội gặp khó khi mua xăng bắt đầu manh nha cách đây khoảng 10 ngày, tập trung ở một số cửa hàng xăng tư nhân. Từ ngày 31/10, hiện tượng này diễn ra tương đối phổ biến. Có nhiều cây xăng đã phải đóng cửa hoặc bán cầm chừng.
Một số người dân cho rằng, trước đây vào cây xăng nào cũng mua được nhưng bây giờ phải vào cây của Petrolimex mới mua được, các cây khác không mua được vì toàn đóng cửa. Quá bất tiện, nhiều khi cần xăng nhưng phải đi cố đến 2 ngày, không biết lúc nào hết xăng. Một số người thì bày tỏ, không biết tại sao lại có tình trạng này.
Do nhiều cây xăng tư nhân hết hàng, đóng cửa nên người dân đổ dồn về những cây xăng của Petrolimex, tuy nhiên, có người phải đợi 30 phút đến 40 phút mới tới lượt: “Quá lâu, có khi đến tiếng đồng hồ mới đổ được xăng, chả hiểu như thế nào, làm cho người dân bất tiện. Đi ship hàng cần thời gian mà bây giờ cây xăng đóng cửa liên tục, dưới kia có đổ được đâu, lên đấy thấy mở, công việc đi lại rất khó khăn”.
Dòng người nối dài ra lòng đường đứng chờ đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu Lạc Long Quân tối 4/11. Anh Tuấn Anh (ngụ quận Hoàn Kiếm) cho pv báo Tuổi Trẻ biết đây là cây xăng thứ ba anh tìm đến để đổ xăng trong tối hôm nay. “Chờ lâu mất thời gian rất mệt mỏi, nhưng đổ được xăng là may lắm rồi”, anh Tuấn Anh nói.
Khoảng 19h30, anh Nguyễn Tuấn dắt chiếc xe máy cạn xăng đến cửa hàng xăng dầu Lạc Long Quân xếp hàng chờ đổ xăng, đứng đợi khoảng 30 phút trong dòng người nối dài, gần tới lượt thì nhân viên thông báo hết hàng. “Đứng chờ đợi 30 phút xong nghe thông báo của nhân viên tôi rất hụt hẫng và bức xúc. Xe tôi đã hết sạch xăng, đi mua xăng mà khó như mua vàng. Bây giờ chỉ còn cách gọi điện cầu cứu, gọi vợ ra đón”, anh Tuấn than thở.
Tại TP.HCM, theo ghi nhận của Dân trí, từ tối 31/10 (trước ngày điều chỉnh giá xăng dầu) thì người dân cũng phản ánh đi nhiều cây xăng mà không mua được hàng. Đến chiều 1/11, ngay sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng thì ghi nhận của Dân trí cũng cho thấy không ít cây xăng vẫn bán cầm chừng hoặc đóng cửa do hết hàng.
Xăng dầu là nhiên liệu, đầu vào của nền kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng chính của an ninh năng lượng quốc gia. Giá xăng, dầu có tác động tới hầu hết các ngành kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân. Nếu giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh sẽ phát triển, có tăng trưởng kinh tế.
Hiện Việt Nam đã có hai nhà máy lọc dầu đáp ứng được tới 70-80% sản lượng tiêu thụ trong nước và chỉ phải nhập khẩu 20%, nhưng tình trạng hết xăng khiến người đặt câu hỏi “xăng dầu thiếu thật hay thiếu giả?”.
Liên quan đến tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu ở các thành phố lớn đóng cửa, bên lề hành lang Quốc hội sáng 2/11, ông Trần Văn Lâm, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương khi để tình trạng nhiều cửa hàng ở thành phố lớn đóng cửa.
Hội An