Anh gặp bà ấy năm đầu tiên khi bắt đầu vào nghề lái xe buýt. Lúc đó bà còn trẻ khuôn mặt lai nửa Âu nữa Á tuổi khoảng như anh chưa đến 25. Sáng nào bà cũng đón xe buýt cùng người yêu đi làm. Nhìn bà thường dựa đầu vào vai hạnh phúc tay trong tay. Họ tâm sự lời yêu thương đàm thoại đằm thắm kèm theo vài nụ hôn thắm thiết. Anh tự nhiên nhớ khuôn mặt bà từa tựa như Bảo Hân. Cô là người con gái đầu đời đi vào lòng anh lúc tuổi học trò thời bao cấp. Không ai biết anh yêu nàng đơn phương ôm ấp mối tình tuyệt vọng. Nhiều lúc ngồi suy tư mông lưng anh tự hỏi: “Nếu Bảo Hân cảm nhận và đáp lại tình yêu, không biết anh có rời đất nước hay không?”
Hôm nay ngồi trên ghế tài xế ngày ngày lái xe qua những con đường quen thuộc, cuộc đời như đã vào cái vòng tròn xoay, tay phải luôn bám thật chặt. Cứ hơn 1 năm anh nhận định đến lúc phải chọn lựa thay đổi tuyến đường khác cho bớt nhàm chán. Bẵng hơn năm anh chọn 3, 4 tuyến đường khác nhau. Tâm tư anh luôn tưởng tượng giống như ngày xưa chạy trốn tình yêu đơn phương không dám nhìn sự thật đau buồn! Năm đó ghi vào lịch sử, công ty và công đoàn lục đục về thỏa thuận hợp đồng. Hai bên đều cáu gắt đổ thừa lỗi về phía bên kia! Tất cả tài xế đang làm gì phải tiếp tục giữ tuyến đó cho đến thông báo mới. Thời gian đi qua nhanh như chim bay. Thu đến, đông đi, mới đó anh làm một tuyến đường kéo dài gần 2 năm. Ngày anh trở lại tuyến cũ giống như trẻ chờ quà. Sáng đó đi ngang chỗ cũ chỉ thấy anh chàng đứng đợi: “Sao người yêu không đi làm chung?”
Anh nghe câu trả lời: “Tụi này chia tay hơn sáu tháng rồi.” Nghe giọng nói buồn buồn anh cũng không dám hỏi sâu thêm. “Chuyện của người ta muốn biết để làm gì, lộn xộn quá!”
Vài năm sau đó cuộc đời anh thật sự ổn định. Nhìn con gái vào lớp 1 mặt mày luôn hớn hở chạy ra khi anh đến đón về anh thấy hạnh phúc lắm. Lúc ấy anh không có sự chọn lựa, phải bốc tuyến 19 ‘không mấy ai thích’ nhưng thời khoá biểu được cái là làm sớm về sớm đón con tan học buổi chiều. Anh thật sốc một buổi sáng gặp lại bà ấy. Không ngờ mới gần 10 năm khuôn mặt “Bảo Hân” của bà không còn nữa! Nó “xuống cấp” tệ hại da nhăn nheo vàng nghệ. Nhất là đôi mắt giờ lờ mờ của những người nghiện ma tuý lâu năm. Dường như hôm nay bà được bảo bọc bởi một lão “ma cô” đang vắt hết giọt chanh còn sót lại trên thân thể điêu tàn.
Và dĩ nhiên cái ngày đó cuối cùng cũng đến! Một buổi sáng sớm anh thấy bà nằm ngủ bên vệ đường thân thể tả tơi. Những tuần lễ sau đó vào mỗi thứ 6 anh lại thấy bà ngồi xe lăn đến trạm cảnh sát trình diện. Anh đoán chắc bà đã vào tù, ra khám. Bà bây giờ thuộc loại chưa hết miễn chế phải đi trình diện cảnh sát hàng tuần. Xã hội ở đâu cũng vậy, một chọn lựa sai lầm trong cuộc sống có thể dầm mình xuống bùn dơ. Cờ bạc, rượu chè, ma tuý món nào cũng dẫn con người vào hố chông cạm bẩy không thoát được.
Mùa đại dịch COVID này anh đã làm nghề lái xe cho nhà nước San Francisco gần 20 năm. Trong tâm thức cứ ngỡ đã chứng kiến tất cả cuộc sống hỷ nộ ái ố éo le, nhưng hoá ra vẫn còn nhiều chuyện ngoài ý nghĩ. Lần này gặp lại bà nhìn sức khỏe yếu rất nhiều. Phía sau xe lăn bà ngồi có người phụ nữ đầy giùm.
Bà cầm tờ nguyệt san Time mở chỉ trong hình nói với bà kia: ”Quê hương Việt Nam của tôi đó nhưng tôi rời xa lúc còn nhỏ xíu chẳng nhớ gì nhiều. Giờ nhìn bức hình muốn đi qua đó thăm chơi 1 lần nhưng có lẽ cơ hội không bao giờ có!”
Anh nghe sững sờ nhưng không dám hỏi: “Bà là người Việt Nam sao? Có lẽ bà nằm trong đám cô nhi lên máy bay ngày Sài Gòn sụp đỗ. Định mệnh số phận của bà cứ ngỡ may mắn hơn 16 triệu người dân miền nam!
Mùa dịch bệnh COVID thành phố vắng hoe ngay cả người không nhà cũng thưa thớt. Không biết họ bây giờ ở đâu? Anh chạy đủ tuyến đường theo sự đòi hỏi của công việc. Anh cũng như tất cả mọi người trên toàn cầu mong chờ mọi sự trở lại bình thường. Một buổi sáng xe chỉ có 1 khách đi về bệnh viện công cộng. Hai bên đường không có ai anh chạy từ từ quan sát chung quanh. Tự nhiên anh thấy từ xa trạm xe buýt trước mặt xe cảnh sát, cứu thương đứng vòng quanh. Lái từ từ đi ngang nhìn thấy bà nằm mê man trên băng ca. Khuôn mặt tái xanh giống như mất nhiều máu. Góc trái trạm dưới đường vũng máu to chưa khô. Trong đời anh thường khấn nguyện cầu xin đến Trời Phật Chúa trên cao khi chứng kiến những cảnh tan thương trên đời. Lần đầu tiên anh mong ước hãy để bà đừng qua khỏi, thoát đi cái địa ngục trần gian!
Nhưng dĩ nhiên đâu có nghĩa khi ta cầu sẽ được như mong đợi. Giống như ngày ấy nghe Bảo Hân lấy chồng anh hơi buồn chút xíu. Nhưng rất vui khi biết nàng chọn được người chồng tốt có cơ nghiệp vững chãi. Anh lúc nào có cơ hội cũng cầu mong ơn trên cho nàng có thật nhiều hạnh phúc. Vài lần đầu tiên về Việt Nam anh rất vui khi nghe bạn nói nàng sống trong nhung lụa sung sướng bởi chồng làm ăn phát đạt. Nhưng mấy năm sau đó vợ chồng nàng gặp sự cạnh tranh mới mẻ. Cộng thêm người chồng ham vui cờ bạc làm đổ vỡ cả sự nghiệp. Nàng phải ra đi làm như chắp vá vào chiếc áo rách cũ lâu ngày. Chồng nàng đổi tính hằn học ghen tuông đánh đập vũ phu. Tuy vậy nàng vẫn là người vợ Việt Nam, sự nhẫn nhịn luôn đặt hàng đầu để cho gia đình êm ấm. Một lần anh nhờ bạn thân đưa tặng ít tiền. Bạn kể lại nàng ngồi sững khi biết tiền đến từ anh. Đàn bà giác quan bén nhạy hiểu liền mối tình câm lặng anh dành cho nàng ngày ấy. Nghe bạn kể lại nàng nói trong nước mắt: “Định mệnh đã an bài mỗi người mỗi số phận! Ai mà biết sự sắp xếp của Trời cao?”
Ai trong chúng ta thật sự tin mỗi người có sự sắp xếp một định số! Có kẻ nói: “Đức năng thắng số.” Hay có người: “Đời sống hơn nhau sự hên xui mà thôi!”
Sai hay đúng? Phía nào có lý hơn? Chỉ một điều anh biết chắc chắn thêm một điều là mong ước của anh không thành sự thật. Bởi tám tháng sau đó anh lại đón bà ngay trước nhà giam thành phố. Bữa trước bà thê thảm một, bây giờ nhân lên gấp đôi. Mặt bà nổi nhiều đường gân máu trắng bệt như thây ma. Nhìn một trong hai ống quần của bà lung linh trước gió, tôi nhận ra một cái chân của bà phải bị cưa đến đầu gối. Số phận bà phải còn lãnh thêm cực hình nữa hay sao? Kiếp trước bà đã làm gì để kiếp này phải đớn đau hơn nữa một kiếp người?
Đặng duy Hưng
05.11.2022