Quỹ Elliott Management đã gia nhập các tiếng nói nổi bật cảnh báo về viễn cảnh tồi tệ mà nền kinh tế thế giới đang hướng tới. Theo giới chuyên gia, thế giới còn có thể phải đối mặt với khủng hoảng nợ đình lạm, một thứ gì đó tồi tệ hơn cả suy thoái nặng, sự kết thúc của kinh tế thế giới hay thậm chí chiến tranh toàn cầu.
Quỹ đầu cơ Elliott Management có trụ sở tại Florida gần đây đã cảnh báo các khách hàng trong một bức thư được các hãng truyền thông thu thập được rằng thế giới đang “trên con đường dẫn đến siêu lạm phát” và một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng đến mức có thể dẫn đến sự sụp đổ xã hội.
Bức thư, theo bài báo của Financial Times và Business Insider, kêu gọi các khách hàng cảnh giác khi nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu phải đối mặt với những hoàn cảnh “cực kỳ thách thức” trong đó các nhà đầu tư sẽ khó kiếm được lợi nhuận.
Elliott, một trong những quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới, với khoảng 56 tỷ USD tài sản đang được quản lý, đã cảnh báo về “những khả năng tiêu cực đáng sợ và nghiêm trọng” đang sắp xảy ra trong khi đổ lỗi cuộc khủng hoảng đang rình rập là do các chính sách Ngân hàng Trung ương siêu nới lỏng.
Bức thư nói rằng các chủ Ngân hàng Trung ương đã “không trung thực” về nguyên nhân của lạm phát cao hiện đang làm đau đầu nhiều quốc gia. Các nhà hoạch định chính sách đổ lỗi việc giá tăng đột biến là do sự sai lệch trong chuỗi cung ứng hơn là do cơn lũ tiền dễ trong thời kỳ đại dịch.
Củng cố quan điểm rằng đợt lạm phát hiện tại không phải là hiện tượng từ phía cung, một nhóm các nhà kinh tế học đã phát hiện ra trong một nghiên cứu gần đây rằng khoảng 60% lạm phát ở Mỹ là do nhu cầu tăng mạnh do kích thích gây ra, mặc dù các nút thắt cổ chai về cung làm cho nó trở nên tồi tệ hơn.
Trong khi lưu ý rằng đó không phải là một kết quả có thể dự đoán trước một cách chắc chắn, quỹ đầu cơ cảnh báo rằng thế giới đang trên con đường dẫn đến siêu lạm phát, thứ có thể dẫn đến “sự sụp đổ xã hội toàn cầu hoặc xung đột quốc tế”.
Elliott cũng cảnh báo về những đợt sụt giảm lớn hơn nữa trên các thị trường chứng khoán lớn và khả năng xảy ra “sự đổ vỡ bất lợi nghiêm trọng của bong bóng từ mọi thứ”.
Với dự đoán thảm khốc của mình, Elliott đã tham gia cùng với những tiếng nói nổi bật khác, những đối tượng đã cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới một kết quả tồi tệ hơn quan điểm đồng thuận của Phố Wall về một thời kỳ tăng trưởng chậm chạp, theo sau đó là một cuộc suy thoái tương đối ngắn và nông.
Nợ – Đình – Lạm
Nhà kinh tế học Nouriel Roubini, người được mệnh danh là “Dr. Doom” vì dự đoán u tối nhưng chính xác về cuộc khủng hoảng thị trường năm 2008, nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng kinh tế Mỹ đã quay trở lại giai đoạn như Cuộc khủng hoảng tài chính lớn – nhưng giờ đây thậm chí còn có nhiều hơn các vấn đề và nguyên nhân đáng lo ngại.
“Ngoài những rủi ro kinh tế, tiền tệ và tài chính – và còn có những rủi ro mới – giờ đây chúng ta đang tiến tới lạm phát đình trệ như thứ mà chúng ta chưa từng thấy kể từ những năm 1970”, ông Roubini nói trong một lần xuất hiện trên chương trình “Giám sát Bloomberg” (Bloomberg Surveillance) hôm 25/10, nơi ông ra cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nợ sắp xảy ra tại thời điểm chi phí đi vay tăng cao trong khi các Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất một cách sốt sắng trong nỗ lực tuyệt vọng để chế ngự lạm phát đang tăng ngoài tầm kiểm soát.
Ông Roubini cho biết mức nợ công và tư nhân trên toàn cầu đã bùng nổ từ 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2000 lên khoảng 350% GDP ngày nay. Nhà kinh tế này đổ lỗi cho các chính sách Ngân hàng Trung ương siêu nới lỏng khiến việc đi vay trở nên rẻ và khuyến khích các hộ gia đình, doanh nghiệp, và các quốc gia gánh những khoản nợ lớn hơn và lớn hơn, mặc dù nhiều bên gần như không đủ khả năng thanh toán.
Ông Roubini dự đoán: “Đó là lý do tại sao chúng ta không chỉ có lạm phát và lạm phát đình trệ mà chúng ta sẽ có một cuộc khủng hoảng nợ lạm phát đình trệ”.
Tồi tệ hơn một cuộc suy thoái nặng
Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon gần đây đã dự đoán về khả năng suy thoái của nền kinh tế Mỹ và cảnh báo rằng “điều gì đó tồi tệ hơn” một cuộc suy thoái nặng nề có thể sắp xảy ra.
Ông nói tại một hội nghị ngân hàng vào giữa mùa hè: “Hiện tại, trời nắng đẹp, mọi thứ đang tốt đẹp. Mọi người đều nghĩ rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể giải quyết việc này. Cơn bão đó đang ở ngay ngoài kia, đang trên đường, đang tiến tới con đường của chúng ta. Chúng ta chỉ không biết liệu đó là một cơn bão nhỏ hay Siêu bão Sandy”. [bão Sandy: một cơn bão khổng lồ]
Ông Dimon đã phân tích khả năng cho một số kết quả có thể xảy ra đối với nền kinh tế.
“Có gì ngoài đó? Có mây giông tố. Tỷ giá, QT [thắt chặt định lượng], dầu mỏ, Ukraine, chiến tranh, Trung Quốc”, ông Dimon nói. “Nếu tôi phải đặt tỷ lệ: hạ cánh mềm 10%. Hạ cánh khó hơn, suy thoái nhẹ, 20%, 30%. Suy thoái nặng hơn, 20%, 30%. Và có thể điều gì đó tồi tệ hơn ở mức 20% đến 30%”.
Ông Roubini cho biết trong cuộc phỏng vấn trên Bloomberg rằng ông tiếp tục tin rằng thật là “ảo tưởng” đối với các nhà phân tích khi mong đợi một cuộc suy thoái ngắn và nông và rằng ông tin rằng nó sẽ kéo dài và nghiêm trọng.
Ông Roubini cảnh báo, một khả năng tồi tệ hơn nữa là nếu một số “xu hướng lớn” được hiện thực hóa và cộng hưởng lẫn nhau – bao gồm rủi ro địa chính trị và sự trỗi dậy của AI và tự động hóa, thứ giết chết việc làm – dẫn đến một tương lai thảm họa.
“Đó không chỉ là sự kết thúc của nền kinh tế thế giới … nó thậm chí có thể là chiến tranh toàn cầu”.
Ông Tuomas Malinen, Giám đốc điều hành và nhà kinh tế trưởng tại GnS Economics, một công ty tư vấn kinh tế vĩ mô có trụ sở tại Helsinki, đã viết trong một bài báo gần đây trên tờ The Epoch Times rằng các Ngân hàng Trung ương đã giúp tạo ra một “quá trình lạm phát tự duy trì” có thể tiếp tục phát triển thành siêu lạm phát.
Cát Duyên
Theo Tom Ozimek – The Epoch Times