Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky diễn ra vào hôm 6/11 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, trong tuần tới bà sẽ đề xuất một gói tài chính quan trọng từ Liên minh châu Âu (EU), có giá trị lên tới 1,5 tỷ EUR/tháng (18 tỷ EUR/năm), qua đó sẽ góp phần đáng kể vào việc đáp ứng nhu cầu tài chính của Ukraine cho năm 2023, theo tờ Euro News.
Cụ thể, trong tuyên bố của mình, EC cho biết trọng tâm chính của cuộc điện đàm là vấn đề bảo đảm hỗ trợ tài chính cho Ukraine trong những tháng tới. Được biết, hai nhà lãnh đạo đều công nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm tài chính có kế hoạch và thường xuyên đối với các chức năng thiết yếu của nhà nước Ukraine.
Trong tuyên bố, phía EC cho hay rằng sự hỗ trợ dưới hình thức các khoản vay dài hạn với ưu đãi cao, trong đó có chi phí lãi suất, cũng sẽ hỗ trợ các cải cách của Ukraine và con đường trở thành thành viên EU. Ngoài ra, EC đồng thời lưu ý gói tài chính của EU sẽ cần phải phù hợp với sự hỗ trợ tương ứng từ các nhà tài trợ lớn khác dành cho Kyiv.
Chủ tịch EC von der Leyen tuyên bố rằng EU đang tiếp tục làm việc để cung cấp viện trợ nhân đạo ngay lập tức cho Ukraine, đặc biệt là trong mùa đông sắp tới. Bên cạnh đó, phát ngôn của EC cũng cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tầm quan trọng của việc bảo đảm xuất khẩu nông sản của Ukraine có thể vươn ra thế giới.
Ngoài việc ủng hộ hoàn toàn nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm đạt được thỏa thuận với Nga liên quan đến Sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen, hai nhà lãnh đạo còn thảo luận về kế hoạch mở rộng năng lực của “Các tuyến đường đoàn kết EU-Ukraine”, đến nay vẫn được sử dụng để vận chuyển phần lớn nông sản và sản phẩm phi nông nghiệp xuất khẩu của Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành cuộc tấn công nhắm vào quốc gia này.
Phan Anh
Mỹ viện trợ thêm 400 triệu USD vũ khí cho Ukraine
Hôm 4/11 Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) thông báo, Lầu Năm Góc có kế hoạch gửi viện trợ quân sự bổ sung trị giá 400 triệu USD cho Ukraine theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI). Gói viện trợ lần này bao gồm xe tăng, máy bay không người lái và tên lửa phòng không.
Được rút ra từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USI) trị giá 3 tỷ USD của Lầu Năm Góc, gói này nhằm mục đích xây dựng năng lực quân sự của Ukraine để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trong dài hạn, đồng thời “nhấn mạnh” sự hỗ trợ liên tục của Washington để giúp đáp ứng “những nhu cầu cấp thiết nhất” của Ukraine, theo thông cáo báo chí ngày 4/11 của DOD.
Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ gửi 45 xe tăng T-72B được tân trang lại từ thời Liên Xô, sẽ được trang bị “các gói kính ngắm quang học, thông tin liên lạc và áo giáp tiên tiến”. Gói này cũng sẽ bổ sung cho Ukraine 1.100 hệ thống máy bay không người lái tự hành ‘kamikaze’ Phoenix Ghost và 40 tàu bọc thép.
Xe tăng T-72B trong gói này là một phần trong nỗ lực phối hợp ba bên giữa Mỹ, Cộng hòa Séc và Hà Lan.
Ngoài ra, DOD sẽ cung cấp kinh phí để tân trang tên lửa phòng không HAWK, đồng thời sửa chữa 250 xe bọc thép M1117 thuộc biên chế của Mỹ từ những năm 1990. Gói này cũng bao gồm các hoạt động huấn luyện và bảo trì các hệ thống giám sát, các hệ thống thông tin liên lạc an toàn cho Ukraine.
Không giống như Quyền Rút vốn của Tổng thống Mỹ (Presidential Drawdown Authority – PDA) mà DOD đã tận dụng để cung cấp thiết bị cho Ukraine từ kho dự trữ của DOD, gói USAI sẽ mua sắm vũ khí và thiết bị cho Ukraine trực tiếp từ các công ty và nhà cung cấp vũ khí, thông cáo cho biết.
“Thông báo này thể hiện bước khởi đầu của quá trình ký hợp đồng nhằm cung cấp các khả năng ưu tiên bổ sung cho Ukraine”.
Hôm 14/10, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã cung cấp 725 triệu USD hỗ trợ an ninh bổ sung để đáp ứng “nhu cầu an ninh và quốc phòng trọng yếu” của Ukraine nhằm chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Như vậy, Mỹ đã viện trợ quân sự cho Ukraine hơn 18,9 tỷ USD kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1/2021. Đến nay, Mỹ đã dành hơn 65 tỷ USD viện trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine kể từ khi hoạt động quân sự của Nga bắt đầu vào hồi tháng 2.
Nga cảnh báo rằng, việc phương Tây và các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục chuyển giao vũ khí viện trợ cho Ukraine sẽ góp phần làm leo thang căng thẳng.
Mỹ cử chuyên gia đến Ukraine để kiểm tra vũ khí
DOD cũng đang cử các chuyên gia vũ khí tới Ukraine để kiểm tra vũ khí mà nước này cung cấp cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá. Quyết định này được giới chức Mỹ đưa ra nhằm giúp Ukraine phân phối và sử dụng vũ khí hợp lý, trong bối cảnh lo ngại các lực lượng Nga có thể thu giữ và sử dụng số vũ khí này.
Trong một cuộc họp giao ban ngày 31/10, một quan chức quốc phòng cấp cao nói rằng, Mỹ “không thấy có bằng chứng đáng tin cậy” rằng vũ khí do Washington cung cấp cho Kyiv đã bị thất lạc.
“Chúng tôi thấy các đơn vị tiền tuyến của Ukraine đang sử dụng hiệu quả hỗ trợ an ninh mỗi ngày trên chiến trường”, vị quan chức này nói và bổ sung thêm rằng, Mỹ cũng nhận thức sâu sắc về nguy cơ thất thoaset vũ khí mà nước này chuyển giao cho Ukraine. Đồng thời Washington khẳng định đang chủ động thực hiện tất cả các bước sẵn có để ngăn chặn điều này.
Vào ngày 18/10, Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy tuyên bố rằng, sẽ không có tấm “séc trống” cho Ukraine nếu đảng Cộng hòa giành được đa số trong Hạ viện.
“Tôi tin rằng vấn đề Ukraine là rất quan trọng. Tôi tán thành sáng kiến ủng hộ Ukraine để đánh bại Nga. Nhưng không phải là ký một tấm séc trống”, ông McCarthy nói với đài CNBC vào ngày 19/10 và bổ sung thêm, “Mỹ đang nợ 31 nghìn tỷ USD”.
Thanh Hải
Theo The Epoch Times