Thủ tướng Kishida cam kết tăng cường năng lực quốc phòng Nhật Bản
Thủ tướng Fumio Kishida hôm Chủ nhật (6/11) cam kết sẽ tăng cường năng lực hải quân và quân sự của Nhật Bản, đồng thời cảnh báo rằng các quốc gia phải chuẩn bị đối mặt với những kẻ xâm lược.
Ông Kishida cũng lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine và phản đối các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên, mà một trong số đó đã bay qua Nhật Bản lần đầu tiên kể từ năm 2017, khiến Nhật phải đưa ra cảnh báo sơ tán.
Ông Kishida nói: “Chúng ta phải chuẩn bị cho một kỷ nguyên khi các bên trở nên bất tuân các quy tắc và sử dụng vũ lực hoặc đe dọa để phá hủy hòa bình và an toàn của các quốc gia khác”, theo AFP.
Phát biểu của nhà lãnh đạo được đưa ra khi Tokyo đang soạn thảo các kế hoạch an ninh, dự kiến có thể tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong vòng 5 năm tới. Đây sẽ là một sự thay đổi lớn ở Nhật Bản, nơi Hiến pháp hạn chế năng lực quân sự của nước này.
“Chúng tôi sẽ đẩy nhanh các cuộc thảo luận thực tế về những gì cần thiết để bảo vệ người dân của chúng ta bằng cách xem xét tất cả các lựa chọn”, ông Kishida nói.
Ông nói: “Việc nâng cao (năng lực hải quân của Nhật Bản) là không thể chờ được nữa, bao gồm cả việc đóng các tàu hải quân mới, nâng cao năng lực phòng thủ tên lửa của chúng ta và cải thiện điều kiện làm việc và mức thù lao cho các nhân viên (quân đội) của chúng ta.”
Ông không nêu đích danh Trung Quốc nhưng nói rằng “môi trường an ninh quốc gia xung quanh đất nước chúng ta đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, bao gồm Biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Ông Kishida nói thêm rằng Nhật Bản sẽ đảm bảo tính minh bạch trong chi tiêu quân sự của mình.
Ông nói: “Nhật Bản sẽ duy trì đường lối của chúng ta với tư cách là một quốc gia theo chủ nghĩa hòa bình như chúng ta đã làm kể từ khi kết thúc (Thế chiến II).”
Ngân Hà (theo AFP)
Giá dầu quốc tế giảm khi Trung Quốc kiên trì chính sách COVID hà khắc
Giá dầu giảm hơn 1 đô la/thùng vào thứ Hai (7/11) khi quan chức Trung Quốc cuối tuần qua tái khẳng định kiên trì chính sách zero-COVID nghiêm ngặt của mình, làm tan biến hy vọng rằng quốc gia này, cũng là khách hàng hàng đầu về dầu thô, sẽ phục hồi lượng nhập khẩu.
Dầu thô Brent giảm 1,20 đô la (1,2%), xuống 97,37 đô la/thùng vào lúc 2:27 GMT, sau khi chạm mức thấp nhất 96,50 đô la trước đó. Dầu thô West Texas Intermediate (WTI) rớt từ 91,24 đô la/thùng, giảm 1,37 đô la (1,5%), trở thành thấp nhất trong phiên là 90,40 đô la/thùng.
Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets nhận định: “Lý do giá dầu giảm mạnh là vì quan chức Trung Quốc tuyên bố kiên trì chính sách zero-COVID trước tình hình số ca nhiễm gia tăng ở Trung Quốc. Điều đó dẫn đến xiết chặt kiểm soát xuất nhập khẩu, làm ảnh hưởng nhu cầu nhập khẩu.”
Dầu Brent và WTI đã tăng trong tuần trước, lần lượt 2,9% và 5,4%, khi có tin đồn gỡ bỏ đóng cửa do COVID ở Trung Quốc. Mặc dù bấy giờ không có bất kỳ công bố nào về thay đổi chính sách COVID ở quốc gia này.
Tuy nhiên trong một họp báo thứ Bảy cuối tuần qua, các quan chức y tế tái khẳng định họ tiếp tục kiên trì lối tiếp cận “làm sạch động” đối với ca nhiễm COVID mỗi khi chúng xuất hiện. Số liệu thương mại vào cuối thứ Hai hôm nay được dự đoán xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ giảm nhiệt, nhất là khi chiều hướng nhu cầu toàn cầu vẫn đang nguội dần.
“Thị trường vẫn đang phải đối phó trước những dấu hiệu suy yếu về nhu cầu dầu do giá vốn đã cao và bối cảnh kinh tế yếu ở các thị trường phát triển”, phân tích từ ANZ cho biết như vậy trong một lưu ý, đồng thời nhắc nhở thêm rằng nhu cầu ở châu Âu và Hoa Kỳ đã giảm trở lại mức của năm 2019.
“Hiện nay chúng tôi dự tính nhu cầu toàn cầu quý 4 năm 2022 chỉ tăng 0,6 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái để đạt mức trung bình của năm tới.”
Nền tảng của giá dầu còn được tính trên cơ sở dự kiến nguồn cung bị thắt chặt hơn do lệnh cấm vận của EU đối với xuất khẩu dầu thô qua đường biển của Nga sẽ bắt đầu vào ngày 5/12, đồng thời các nhà máy lọc dầu toàn thế giới đang tăng công suất để đáp ứng nhu cầu dầu diesel mạnh mẽ.
Các hãng lọc dầu của Mỹ tại quý này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của vận hành những nhà máy của họ tới gần hoặc cao hơn 90% công suất, trong khi nhà máy lọc dầu tư nhân lớn nhất Trung Quốc Hãng Dầu khí và Hóa chất Triết giang (ZPC) đang tăng sản lượng dầu diesel.
Hãng Dầu khí Tích hợp của Kuwait (KIPIC) hôm Chủ Nhật (6/11) cho biết giai đoạn đầu tiên của nhà máy lọc dầu Al-Zour đã bắt đầu hoạt động thương mại, theo tin từ Hãng Thông tấn Nhà nước (KUNA).
Thiên Đức, theo Reuters
Nga cảnh báo Anh vì can dự quá sâu vào chiến tranh Ukraine
Đại sứ Nga tại Anh Andrey Kelin đã cảnh báo rằng, Anh đang tiến quá gần đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, điều này sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Sky News ngày 3/11, Đại sứ Nga tại London Andrey Kelin cho hay: “Nga nắm được thông tin rằng các chuyên gia Anh tham gia vào việc huấn luyện, chuẩn bị và thực hiện các kế hoạch tấn công vào cơ sở hạ tầng của Nga và hạm đội của Nga ở Biển Đen. Chúng tôi hiểu rằng họ đã làm như vậy”.
“Điều đó rất nguy hiểm … Nó có thể đưa chúng ta đến ranh giới mà theo tôi là ‘không trở lại’, dù luôn có thể đảo ngược [hành động], nhưng chúng ta nên tránh leo thang. Và đây thực sự là một lời cảnh báo rằng Anh đã can dự quá sâu vào cuộc xung đột này. Điều đó có nghĩa là tình hình đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn”, ông Kelin nhấn mạnh.
Khi được yêu cầu cung cấp bằng chứng để chứng minh cho những cáo buộc của mình đối với Vương quốc Anh, ông Kelin nói rằng Moscow đã chuyển giao bằng chứng của mình cho đại sứ Anh và thông tin này sẽ sớm được công khai.
Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào Hạm đội Biển Đen của Nga diễn ra vào cuối tuần trước, được cho là đã làm hư hại ba tàu chiến, bao gồm cả soái hạm HMS Makarov. Nga đã cáo buộc Ukraine đứng sau vụ việc này.
Bộ Ngoại giao Nga hôm 3/11 đã triệu tập Đại sứ Anh tại Moscow Deborah Bronnert để phản đối việc chuyên gia Anh bị cho là đã huấn luyện cho đặc nhiệm Ukraine trong các “hoạt động phá hoại trên biển”.
“Những hành động đối đầu như vậy của người Anh có nguy cơ gây leo thang tình hình và có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm, khó lường”, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo.
Ông Kelin cho biết thêm, Nga cũng đang tiếp tục điều tra các vụ nổ làm hư hại đường ống dẫn khí đốt dưới biển Nord Stream 1 và 2 hồi tháng 9. Ông nói rằng các lực lượng đặc biệt của Vương quốc Anh đã tham gia huấn luyện cho Ukraine cách sử dụng chất nổ và máy bay không người lái dưới đáy biển.
Trong khi đó, các quốc gia phương Tây nghi ngờ rằng, Nga chính là “thủ phạm” đứng sau các vụ nổ đường ống dẫn khí đốt, nhằm tăng sức ép lên các nước châu Âu có giá năng lượng đang tăng vọt.
Theo chính phủ Anh, Nga đưa ra những cáo buộc trên nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi cuộc xâm lược trái phép của Moscow vào Ukraine cũng như những tổn thất của nước này trên chiến trường.
Viện trợ của Vương quốc Anh
Cho đến nay, Vương quốc Anh đã cung cấp cho Ukraine một số vũ khí trong cuộc chiến chống lại Nga. Vào tháng 6, London xác nhận đã gửi Hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) M270 cùng rocket dẫn đường chính xác tầm bắn 80 km cho Ukraine.
Anh đã gửi hơn 5.000 vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới (NLAW) có khả năng tiêu diệt xe tăng ở tầm ngắn chỉ bằng một phát bắn.
Ông Justin Bronk, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh của Royal United Services, cho biết: “NLAW đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc áp đảo lực lượng mặt đất của Nga trong giai đoạn đầu của cuộc chiến”.
Ngoài ra, London cũng đã cung cấp cho Kyiv hàng trăm tên lửa tầm ngắn Brimstone, ít nhất 120 xe bọc thép, máy bay không người lái hạng nặng Malloy T150 và hơn 200 tên lửa chống tăng Javelin.
Vương quốc Anh là nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, nước này cam kết viện trợ 2,3 tỷ bảng Anh (2,62 tỷ USD) vào năm 2022. Chính phủ Anh xác nhận rằng, số viện trợ quân sự dành cho Ukraine trong năm 2023 sẽ bằng hoặc hơn cả con số của năm 2022.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã cáo buộc Vương quốc Anh có kế hoạch hủy diệt đất nước của ông. Hồi tháng 4, Điện Kremlin cũng cáo buộc London kích động Ukraine tấn công lãnh thổ Nga.
Lam Giang
Theo The Epoch Times