Tin thế giới chiều thứ Ba: Ông Putin ký sắc lệnh cho phép tuyển dụng phạm nhân ‘trọng tội’

Ông Putin ký sắc lệnh cho phép tuyển dụng phạm nhân ‘trọng tội’

Hình ảnh các tòa nhà bị phá hủy hôm 26/5/2022 tại Irpin, Ukraine trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. (Ảnh: Christopher Furlong/Getty Images)

Đã hơn tám tháng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Sau khi ban hành lệnh điều động một phần, Tổng thống Nga Putin mới đây đã ký sắc lệnh cho phép tuyển dụng những đối tượng giết người, cướp của, trộm cắp và buôn bán ma túy.

Theo hãng tin CNN, ông Putin vừa thông qua một luật mới cho phép nhà nước điều động những công dân từng phạm trọng tội. Luật mới áp dụng cho những tội phạm bị kết án có điều kiện hoặc bị quản chế tại nơi cư trú từ 8 – 10 năm dưới sự giám sát của chính quyền. Những đối tượng  này phải tuân thủ nhiều biện pháp hạn chế khác nhau và bị cấm rời khỏi địa phương.

Hàng nghìn tù nhân đang bị quản chế hoặc bị tạm hoãn thi hành án trước đó, dự kiến ​​sẽ được thả sau khi luật mới được thông qua. Những trường hợp bị loại gồm: những kẻ đã phạm tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, cướp máy bay, âm mưu ám sát các quan chức chính phủ, những đối tượng phản quốc, những người xử lý bất hợp pháp với vật liệu hạt nhân và các chất phóng xạ, tham gia vào hoạt động gián điệp hoặc khủng bố.

Trên thực tế, vào ngày 5/9, ông Putin tuyên bố rằng lệnh điều động một phần của Nga, được thực hiện vào tháng 9, đã chiêu mộ được 318.000 nam giới bình thường tham gia chiến đấu. Con số này đã vượt quá mục tiêu ban đầu của Bộ Quốc phòng. Về vấn đề này, Bộ Quốc phòng Nga trong tuần này tuyên bố sẽ ngừng mọi nỗ lực huy động cục bộ. Tuy nhiên, quyết định điều động của Putin sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi Tổng thống ký lệnh chính thức. Ông Putin có thể sẽ tiếp tục tuyển mộ tân binh cho quân đội cho đến lúc đó.

Nga khuyên người dân Kherson nên di tản sớm

Quân đội Nga gần đây đã thực hiện nhiều động thái ở Kherson, thành phố cảng phía nam Ukraine, và thậm chí còn dỡ bỏ lá cờ khỏi tòa nhà chính phủ như một dấu hiệu của sự rút lui. Vào tối ngày 4/11, Tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu người dân địa phương sơ tán càng nhanh càng tốt, bằng không sẽ phải đối mặt với việc cưỡng chế di tản. Động thái này ám chỉ rằng Ukraine sẽ tung ra một cuộc phản công dữ dội.

Theo hãng tin BBC và The Guardian, ông Putin tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước rằng, quân đội Nga có thể sớm rút khỏi nơi này khi Ukraine đang dần tiến về các thành phố bị chiếm đóng. Đồng thời, ông nói rằng những thường dân vẫn đang sống ở Kherson lẽ ra phải được sơ tán khỏi những khu vực nguy hiểm nhất, lẽ ra họ không gặp phải những cuộc pháo kích, phản công hay bất cứ thứ gì tương tự.

Thành phố Kherson nằm dọc theo Biển Đen và sông Dnepr đã bị quân đội Nga đánh chiếm vào đầu cuộc chiến. Đây cũng là thành phố duy nhất của Ukraine bị chiếm mất thủ phủ. Cho đến nay, ít nhất 70.000 người đã rời bỏ thành phố. Theo thống kê của quân đội Nga, hơn 5000 cư dân băng qua sông Dnepr mỗi ngày.

Trước đó, có thông tin cho rằng quân đội Nga đã bỏ trạm kiểm soát ở Kherson và chuyển đến bờ đông của Dnepr. Vào tối ngày 4/11, ông Kirill Stremousov, một quan chức bù nhìn được Nga bảo trợ ở khu vực địa phương, cũng tuyên bố thiết quân luật 24 giờ trên lãnh thổ của đất nước, với lý do để bảo vệ thành phố khỏi các cuộc tấn công khủng bố. Đồng thời, ông nói rằng chiến tranh có thể sắp xảy ra vì đã phát hiện thấy một hàng đầy xe tải quân sự của Ukraine xuất hiện trên tiền tuyến.

Theo tờ Daily Mail, quân đội Nga cũng có một điểm yếu quân sự rõ ràng. Hôm 4/11, ông Putin đã ký sắc lệnh cho phép những kẻ trọng tội gia nhập quân đội. Nếu những kẻ giết người, hiếp dâm và buôn bán ma túy sẵn sàng xuất hiện trên chiến trường thì sau này họ sẽ được tự do trở về quê hương

.Lam Giang

Theo Visiontimes

Ukraine nói sẽ chỉ đàm phán với Nga sau khi ông Putin mãn nhiệm

Ukraine sẵn sàng đàm phán với Nga để chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra của họ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin mãn nhiệm, một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hôm thứ Hai, theo tờ Newsweek đưa tin.

Hơn tám tháng sau khi Nga xâm lược Ukraine, các cuộc đàm phán tiếp tục bị đình trệ khi lãnh đạo của cả Nga và Ukraine đều đặt ra những điều khoản khác nhau cho đàm phán, mà dường như bên kia sẽ không thực hiện được.

Hôm thứ Hai, ông Mykhailo Podolya, cố vấn của Tổng thống Zelensky, đã tweet rằng Ukraine “không bao giờ từ chối đàm phán” để chấm dứt xung đột, nhưng sẽ chỉ đàm phán sau khi Nga rút quân khỏi toàn bộ Ukraine.

Ông Podolya cho biết ông không tin rằng Tổng thống Nga Putin đã chuẩn bị sẵn sàng để tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình một cách công bằng, ám chỉ cuộc đàm phán có thể sẽ không diễn ra cho đến khi ông Putin không còn là nhà lãnh đạo của Nga. Mặc dù ông Putin đang đối mặt với sự bất mãn ngày càng tăng về việc quân đội của ông không đạt được các mục tiêu quan trọng ở Ukraine, nhưng cho đến nay không thấy dấu hiệu của bất kỳ kế hoạch từ chức nào.

“Putin đã sẵn sàng chưa?” ông Podolya viết. “Rõ ràng là chưa. Vì vậy, chúng tôi đưa ra đánh giá mang tính xây dựng: chúng tôi sẽ nói chuyện với nhà lãnh đạo tiếp theo của [Liên bang Nga].”

Phát biểu trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nêu rõ các điều kiện của Moscow để bắt đầu đàm phán vào ngày 30 tháng 10.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước Nga, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Điện Kremlin “luôn sẵn sàng lắng nghe các đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi nếu họ đưa ra yêu cầu khác để tổ chức một cuộc đàm phán.” Nhưng ông nói thêm rằng phương Tây sẽ cần phải “tính đến đầy đủ các lợi ích của Liên bang Nga và an ninh của họ” và “cung cấp cho chúng tôi một số cách tiếp cận nghiêm túc, giúp xoa dịu căng thẳng.”

Cùng ngày hôm đó, phát ngôn viên của ông Putin, Dmitry Peskov, cho biết bất kỳ cuộc đàm phán nào sẽ phải bắt đầu với Hoa Kỳ. Tuần trước, ông Putin nói rằng “các điều kiện cần thiết” có thể có để bắt đầu các cuộc đàm phán, nhưng Ukraine đang “từ chối thảo luận bất cứ điều gì” với Moscow.

Ngân Hà (theo Newsweek)

Ông Biden lo sợ chiến thắng phe Cộng hoà làm suy yếu nền dân chủ

Tổng thống Joe Biden phát biểu về nỗ lực giảm giá xăng cao trong Thính phòng Sân phía Nam tại Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower ở Washington, Mỹ, vào ngày 22/06/2022. (Ảnh: Jim Watson / AFP qua Getty Images)

Tổng thống thứ 46 của Mỹ ông Joe Biden cảnh báo về rủi ro đối với nền dân chủ Mỹ nếu đảng Cộng hoà chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của ông. Các rắc rối về bạo lực, nhập cư, lạm phát … sau hai năm đảng Dân chủ thống trị Nhà Trắng có thể khiến họ thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này.

Hãng Reuters đưa tin, trong một cuộc tranh luận trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden hôm thứ Hai (7/11) cảnh báo rằng một chiến thắng của Đảng Cộng hòa có thể làm suy yếu các thể chế dân chủ của Hoa Kỳ.

Bình luận của ông Biden phản ánh sự chia rẽ chính trị sâu sắc ở Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử ngày 8/11. Đồng thời, bình luận này cũng cho thấy lo lắng của phe Dân chủ rằng nước Mỹ có thể chứng kiến ​​đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện của Quốc hội sau cuộc bầu cử tháng 11/2022 này.

“Hôm nay chúng ta phải đối mặt với một khúc quanh. Trong tâm khảm mỗi chúng ta đều biết rằng nền dân chủ của Hoa Kỳ đang gặp nguy hiểm. Chúng ta biết rằng đây là thời điểm để các bạn bảo vệ nó [nền dân chủ]”, hãng Reuters trích lời ông Biden trong cuộc nói chuyện với một đám đông cổ vũ tại Đại học Bang Bowie, một trường cao đẳng lịch sử dành cho người da đen ở ngoại ô Washington.

Các nhà dự báo bầu cử phi đảng phái dự đoán rằng đảng Cộng hòa có khả năng giành được thêm khoảng 25 ghế trong Hạ viện 435 ghế, quá đủ để giành được đa số ghế. Các nhà phân tích cho biết đảng Cộng hòa cũng có cơ hội giành thêm số ghế mà họ cần để giành quyền kiểm soát thêm cả Thượng viện. Trường hợp đảng Cộng hoà giành được cả Hạ viện và Thượng viện, các quyết định, các dự luật trình lên bởi Tổng thống phe Dân chủ Mỹ có thể hoàn toàn bị đảng Cộng hoà vô hiệu hoá.

Đảng Cộng hòa đã đổ lỗi cho chính quyền của Biden vì giá cả tăng cao và tình trạng tội phạm tồi tệ trên khắp các đường phố. Đây cũng là hai mối quan tâm hàng đầu của cử tri.

Hàng chục ứng cử viên đảng Cộng Hoà cũng đồng lòng tuyên bố về tình trạng gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống 2020 với các bằng chứng gian lận “không thể chối cãi”.

Trong khi ông Joe Biden lo ngại rằng đảng Cộng hoà sẽ chiếm đa số ghế ở lưỡng viện, đối thủ chính trị hàng đầu của ông Biden là ông Trump đã nhiều lần ám chỉ rằng ông có thể tái tranh cử Tổng thống. Tại một cuộc mít tinh nhằm ủng hộ các ứng cử viên Đảng Cộng hòa ở Ohio, ông Trump cho biết ông sẽ đưa ra thông báo lớn vào ngày 15/11/2022 tại Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida.

Nếu đảng Cộng hòa giành được Hạ viện hoặc Thượng viện, điều đó sẽ đánh dấu chấm hết cho các chính sách mà chính quyền ông Biden theo đuổi như: ủng hộ nạo phá thai, ủng hộ thuyết chủng tộc quan trọng, nhập cư bất hợp pháp, ưu ái cho tội phạm trên đường phố,…

Đặc biệt hơn, sự chiến thắng của phe Cộng hoà, nếu có, sẽ mở ra cánh cửa cho các cuộc điều tra do đảng Cộng hòa dẫn đầu. Các cuộc điều tra có thể gây thiệt hại cho đảng Dân chủ. Ngoài ra, một đảng viên Cộng hòa dẫn đầu Thượng viện cũng có thể chặn các đề cử của đương kim tổng thống Biden cho các chức vụ tư pháp hoặc hành chính.

Tỷ phú Elon Musk, người đã mua Twitter ngay trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đã tuyên bố sẽ để tự do ngôn luận thực sự trong cuộc bầu cử này. Ông Musk đăng trên Twitter rằng: “những cử tri có tư tưởng độc lập” nên bỏ phiếu cho một Quốc hội [thuộc về] Đảng Cộng hòa.

Các hãng truyền thông thiên tả lo ngại rằng điều này có thể “tạo ra một làn sóng thông tin sai lệch”. Lo ngại này có cơ sở bởi vì các nền tảng công nghệ xã hội từ lâu ngăn mọi tiếng nói của phe bảo thủ, truyền thống. Tất cả các tư tưởng đi ngược với phe cấp tiến, tự do đều bị hạn chế và thậm chí bị kiểm duyệt, khoá tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội như vậy.

Tuy nhiên, liệu nền dân chủ của Mỹ có tiếp tục suy yếu vì sự xuất hiện của đảng Cộng hoà như lo lắng của ông Joe Biden hay không thì còn phụ thuộc rất nhiều vào cách hiểu: Thế nào là một nền dân chủ?

Quang Nhật

Related posts