Kẻ dẫn linh hồn


Người cao niên Việt Nam định cư ở hải ngoại thường thường cô đơn và buồn nhớ quê nhà. Có người nghĩ do ngôn ngữ văn hoá bất đồng nên gây khó khăn trong việc giao tiếp với người ngoại quốc. Có kẻ lại bàn là ở quê nhà có người đông vui, mỗi buổi sáng bước ra khỏi nhà gặp đếm không xuể người “quen”!

Ngày mới đến đây, Sinh được giới thiệu quen và đi làm chung với vợ chồng chú thím Khang vào mùa Noel đầu tiên. Sinh phụ hai người trang hoàng nhà thờ, nhà tư nhân, xe hoa dành cho ngày lễ hội. Sinh cứ ngỡ gia đình chú thím theo Thiên Chúa giáo nhưng chú lắc đầu: “Nhà chú thím theo đạo Phật và thờ cúng ông bà tổ tiên. Công việc làm này do bên sở tìm việc giúp đỡ người tỵ nạn mới đến.”

Hai vợ chồng chú thím lúc nào cũng vui và hạnh phúc!! Hỏi ra mới biết cả hai đều thích xem TV hay phim ảnh ngoài rạp. Hai vợ chồng lúc nào cũng âu yếm yêu đời dù hiếm mụn con cái! Trình độ ngoại ngữ thím giỏi hơn chú do dạy tiếng Anh trung học đệ nhị cấp thời đệ nhị cộng hoà. Chú tâm sự: “Qua đây nếu xem hiểu được truyền hình Mỹ với đủ thứ chương trình vui diễu hài, giống như người ngoại quốc qua VN xem hiểu 45 phút chuyện vui của danh hài La Thoại Tân là giỏi lắm rồi.”

Quen thân với gia đình chú thím đuọc gần 1 năm rồi chúng tôi cũng xa nhau mỗi người đi làm mỗi việc khác nhau. Lâu lâu chú gọi Sinh cuối tuần tới nhà ăn giỗ hay nhậu với nhau cho qua nỗi buồn xa xứ. Chú kể: “Chú là lính nhảy dù đánh đấm khắp nơi, sau 1975 đi học tập đến năm 1980 mới về. Thân mình đủ thứ bệnh cứ ngỡ “đi” rồi! Nhờ thím có người anh làm bác sĩ cố gắng chữa trị mới qua khỏi!”

Chú đưa tay chỉ lên bàn thờ để ở góc nhà chung với cha mẹ chú thím: “Rất tiếc anh ấy bị tai nạn giao thông mất mấy tháng trước khi chú thím vượt biên.”

Sinh chia buồn với thím khi bà đem thịt sườn nướng lên: “Cháu chia buồn với thím.”

Thím vỗ vai Sinh: “Mỗi người một số phận ai kêu người đó dạ. Số phận anh ấy đi sớm dù có biết trước cũng không cãi được đâu!” Sau đó, thím đi qua hàng xóm rủ đi shopping để hai chú cháu tự do nhậu. Chú hỏi Sinh giọng nghiêm túc
“Cháu có tin trong chúng ta có một số người có thể thấy người sắp chết không?”

Sinh lắc đầu: “Chú nói sao, cháu không hiểu?

Chú mời Sinh uống: “Để chú nói cháu nghe câu chuyện này. Lúc nhỏ nghe ông nội chú kể về thế giới bên kia. Ông bà ta truyền miệng nói có người có thể thấy người khác trước khi chết. Nhưng chú không ngờ sau này hiểu ra, chú chính là một trong những người như vậy.

Chú trước 75 đánh trận qua bao vùng chiến thuật. Lần đầu tiên chú thấy một người lính đã chết 5 ngày trước đến đứng bên anh đầu bếp. Tối hôm đó nhà bếp trúng cối của địch khiến anh bếp tử vong. Và vài năm sau đó chú chứng kiến thêm vài
lần nữa. Hoá ra lúc còn trẻ không để ý nên đâu có biết ai đã chết, ai là hồn ma đưa đón linh hồn người sắp chết? Lớn lên xông xáo vào chiến tranh, thấy người chết hàng tuần nên nhận thức ra được lời ông nội của chú nói khi xưa: ‘Thế giới bên kia chỉ cho thấy khi ta không có cơ hội nào cải số được!’

Sau này, có một lần mời người anh vợ đến đãi tiệc nhỏ để cám ơn đã tận tình chữa bệnh cho chú, chú thấy bà hàng xóm mới mất hơn 1 tháng về đứng trước hiên nhà cười. Nói thiệt với cháu lúc đó dù có muốn nói thật với anh vợ cũng không xong! Chú chỉ nhắn khéo
chung chung: ‘Anh từ đây nhớ bảo trọng sức khỏe và đi ra đường cẩn thận hơn!!’

Tối đó anh ấy bị xe tông ngã xuống đường chết. Cho đến hôm nay chú vẫn còn hối hận đã không giúp gì hơn!”

Sinh nghe xong câu chuyện người hơi run, da như nổi mụn cóc. Ai kể không tin , chớ chuyện từ chú Khang thì Sinh tin chắc 100%.

Thời gian tiếp tục trôi nhanh đi chung cuộc đời tỵ nạn buồn. Sáng sớm hôm nay chạy chuyến xe buýt đầu tiên tuyến 28 tình cờ gặp chú thím. Ngày ấy nghe chú thím nói dọn về phía đông, Vịnh EastBay cho gần việc làm! Giờ gặp lại Sinh tâm sự: “Chú thím có sao không? Có ý nghĩ về hưu rồi quay về VN cho đỡ buồn cô đơn không?”

Chú cười: “Bên này vào mấy hội cao niên ăn uống tập thể dục chỉ trả số tiền nhỏ. Nói được tiếng Mỹ đi đâu cũng được. Vào đó kết bạn đi chơi chung nhóm cũng đỡ.”

Sinh thành thật: “Chú thím đi đâu sáng sớm như vậy?”

Chú vui vẻ: “Chú thím làm tình nguyện viên giúp sửa soạn cho hội cao niên khu vực Marina. Mùa dịch qua rồi nhưng phải tới sớm vệ sinh bàn ghế đồ nghề tập thể dục trước khi mở cửa cho hội viên.”

Thả chú thím xuống cuối trạm đứng nói chuyện chờ ông quản lý đến mở cửa. Bịn rịn chia tay hẹn trưa nay xong việc ghé ngang mời chú thím ăn trưa. Cả ngày chạy xe cứ nghĩ đến chú thím. Họ như cha mẹ Sinh giúp đỡ an ủi tinh thần ngày đầu tiên trên đất khách, quê người.

Trưa vừa xong việc là Sinh lái xe chạy liền đến chở chú thím đi ăn. Sinh ngạc nhiên khi thấy cảnh sát, cứu thương, chữa lữa đứng đầy trước toà nhà. Len vào hỏi, Sinh mới biết là ông quản lý bị lên cơn đau tim mất cách đó một giờ. Tự nhiên cái cảm giác rờn rợn báo cho Sinh biết chuyện không hay dù trong óc vẫn hy vọng: ”Làm ơn đừng như thế…”

Bà phụ tá quản lý: “Anh hỏi vợ chồng lão Khang Nguyễn phải không? Ông bà ấy bị Covid mất 2 năm về trước khi chưa có thuốc chích ngừa hay thuốc chữa trị.”

Sinh đứng bên góc đường khấn: “Chú thím Khang ơi, hãy mau siêu thoát về thế giới bên kia đoàn tụ với gia đình.”

Trong tâm tư Sinh thầm nghĩ: “Từ trước đến giờ bản thân, Sinh đâu biết là cũng giống chú có thể thấy người sắp ra đi! Cảm giác sờ sợ như luồng máu lạnh đi quanh cơ thể Sinh! Bắt đầu từ hôm nay lái xe mỗi ngày nhìn cả ngàn người đủ chủng tộc lên xuống. Ai là người đã ra đi? Ai là người sắp sữa đang chờ đến rước?”

Trời San Francisco trưa hôm đó nắng nóng vượt kỷ lục nhưng Sinh thấy trong người vẫn rét run!!

Đặng Duy Hưng

Related posts