Vợ của các binh sĩ Nga đến biên giới Ukraine đòi đưa chồng về nước
Vợ của các binh sĩ Nga tham chiến ở Ukraine đã xuất hiện ở biên giới và yêu cầu đưa chồng về nhà, hãng tin độc lập của Nga The Insider đưa tin.
Một nhóm khoảng 20 người đã đến một căn cứ quân sự ở thị trấn Valuiki của Nga vào đêm thứ Tư, hãng tin này đưa tin. Valuiki cách Kharkiv Oblast ở Ukraine khoảng 50 km.
Nhóm này chủ yếu là phụ nữ, đã kêu gọi đưa chồng của họ ra khỏi Ukraine, tuyên bố rằng họ đã bị thương khi chiến đấu trên chiến tuyến, The Insider cho biết.
Những người thân này đến từ các vùng Voronezh, Kursk và Belgorod của Nga, cho biết những người đàn ông đã bị tấn công ở Makiivka, một thành phố thuộc vùng Donetsk của Ukraine. Họ cho biết nhiều người bị thương và yêu cầu đưa chồng họ trở về nhà ở Nga.
Trong đoạn video được đăng tải trên kênh Telegram của hãng truyền thông Verstka, một người phụ nữ nói với các quan chức quân đội hãy trả lại chồng của họ nếu không họ sẽ “xé xác”.
“Họ phải làm điều gì đó, họ phải đưa ra quyết định, họ phải đưa những người đàn ông ra khỏi đó,” người này nói, theo The Insider. “Chúng tôi muốn họ được đưa đi vì có rất nhiều người bị thương,” cô nói thêm.
Một người thân khác nói rằng nếu các quan chức không thể giúp, cô ấy sẽ tự mình ra mặt trận để giải cứu những người lính, The Insider đưa tin, trích dẫn một báo cáo riêng được đăng trên kênh Telegram của hãng thông tấn Nga độc lập Verstka.
Hãng thông tấn tiếng Nga Meduza có trụ sở tại Latvia cũng đưa tin hôm thứ Năm rằng thân nhân của những người đàn ông Nga được điều động và gửi đến Ukraine mà không được huấn luyện đã yêu cầu họ được trở về nhà.
Không rõ liệu những người phụ nữ có nhận được câu trả lời hay không. Verstka báo cáo rằng các quan chức đang giúp những người phụ nữ tìm chồng của họ.
Báo cáo trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu kêu gọi quân đội rút khỏi Kherson, thành phố lớn đầu tiên và là thủ phủ khu vực duy nhất ở Ukraine bị Nga chiếm giữ kể từ đầu cuộc xâm lược hồi tháng Hai.
Thông báo này đánh dấu một trong những bước thụt lùi đáng kể nhất của Nga cho đến nay trong cuộc chiến ở Ukraine.
Tướng hàng đầu của Mỹ Mark Milley ước tính hôm thứ Tư rằng hơn 100.000 binh sĩ Nga đã “thiệt mạng và bị thương” kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Reuters đưa tin.
Gia Huy (Trií Thức VN)
Iran khoe có tên lửa siêu thanh mới mà không hệ thống phòng không nào có thể đánh bại
Iran cho biết họ đã phát triển tên lửa đạn đạo siêu thanh mà không một hệ thống phòng không nào có thể cản phá “trong nhiều thập kỷ” tới.
Tướng Amir Ali Hajizadeh, chỉ huy Lực lượng Hàng không Vũ trụ của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGCASF), cho biết tên lửa có thể cơ động bên dưới và bên trên bầu khí quyển của Trái đất, đi qua “tất cả các hệ thống thử nghiệm phòng thủ tên lửa”, hãng thông tấn nhà nước Tasnim đưa tin.
Theo hãng tin Tasnim, ông Hajizadeh đã nói với các phóng viên về một “bước nhảy vọt lớn” trong phát triển tên lửa và loại vũ khí này có thể nhắm mục tiêu vào các hệ thống chống tên lửa. Ông Hajizadeh nói: “Tôi không nghĩ rằng sẽ có những công nghệ có khả năng chống lại nó trong nhiều thập kỷ.”
Marina Miron, một thành viên nghiên cứu từ Phòng Nghiên cứu Quốc phòng tại Đại học King’s College London, nói rằng tên lửa có khả năng dựa trên công nghệ của Nga hoặc Trung Quốc, hoặc kết hợp cả hai.
Iran đã phát triển tên lửa trong khi bị trừng phạt và đã thành công với việc chế tạo tên lửa đạn đạo Fateh, được cho là đã cung cấp cho Nga để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine.
Bà Miron nói với tờ Newsweek: “Vấn đề hiện nay là Hoa Kỳ vẫn đang vật lộn với các tên lửa siêu thanh của mình và bây giờ đột nhiên Iran có tên lửa siêu thanh đầu tiên – điều đó làm thay đổi cán cân quyền lực”.
Mặc dù loại tên lửa mới này vẫn đang được giữ bí mật, bà Miron hy vọng Tehran sẽ tiết lộ video hoặc tiết lộ thêm chi tiết về vũ khí để chứng minh cho tuyên bố của mình.
Bà nói: “Để đánh chặn một tên lửa siêu thanh, bạn sẽ cần các vệ tinh không gian đặc biệt hoặc một cảm biến không gian. “Ở giai đoạn này, không có biện pháp phòng thủ nào chống lại tên lửa siêu thanh, vì vậy nó làm tăng mối đe dọa đối với các quốc gia nằm trong tầm bắn.”
Bà nói: “Nó sẽ có một số tác động nghiêm trọng đến cán cân quyền lực, không chỉ ở Trung Đông, mà còn trên toàn thế giới”.
Bà cho biết nếu Nga có thể nhận được những tên lửa như vậy được sản xuất với giá rẻ hơn nhiều từ Iran, “điều đó làm dấy lên nhiều lo ngại hơn đối với cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.”
Bình luận của ông Hajizadeh về tên lửa mới đã được truyền thông nhà nước ở Nga đưa tin. Tehran trước đó đã cung cấp các máy bay không người lái cho Nga, và chúng đã được lực lượng của Vladimir Putin sử dụng để tấn công các mục tiêu dân sự và năng lượng ở Ukraine.
Tháng trước, Israel cho biết họ đã phá hủy một nhà máy sản xuất ở Syria được cho là được sử dụng để lắp ráp máy bay không người lái được sản xuất tại Iran.
Sau những phủ nhận ban đầu về việc cung cấp UAV (phương tiện bay không người lái) cho Moscow, Tehran thừa nhận họ đã cung cấp cho Nga các máy bay không người lái trước cuộc xâm lược xảy ra. Máy bay không người lái Shahed-136 hay còn được gọi là “kamikaze” đã gây thiệt hại cho các thành phố trên khắp Ukraine.
Máy bay không người lái rất khó bị phát hiện trên radar và có thể bay qua mục tiêu cho đến khi được chỉ thị tấn công, khiến hệ thống phòng không của Ukraine khó đánh chặn. Iran cũng đã cung cấp cho Nga máy bay không người lái Shahed 129 và Shahed 191, đồng thời cung cấp máy bay không người lái Mohajer-6 có thể mang bốn tên lửa dẫn đường chính xác.
Trong cuộc tập trận chung gần đây của Iran, mang tên Great Prophet 17 (Nhà tiên tri vĩ đại 17), ông Hajizadeh đã khoe về cách các tên lửa do Iran sản xuất có thể cơ động theo cách khiến chúng không thể bị đánh chặn.
Vào tháng 1 năm 2020, ông Hajizadeh cho biết ông nhận “toàn bộ trách nhiệm” về vụ bắn rơi một máy bay chở khách của Ukraine vài phút sau khi nó cất cánh từ sân bay quốc tế của Tehran. Tất cả 176 hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng trên chiếc máy bay mà các quan chức Iran nhầm là mục tiêu thù địch.
Năm trước, ông đã bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa vào danh sách trừng phạt. Vào ngày 29 tháng 9 năm 2022, ông bị Canada trừng phạt sau các cuộc biểu tình liên quan đến cái chết của cô Mahsa Amini.
Các cuộc biểu tình trên toàn quốc vẫn đang nổ ra tại Iran chống lại chế độ cầm quyền. Các nhóm nhân quyền cho biết hơn 300 người, trong đó có ít nhất 41 trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình.
Lê Vy (theo Newsweek)
Bộ Tài chính Anh đóng băng tài sản trị giá trên 20 tỷ USD của Nga
Hôm 10/11, chính phủ Anh cho biết, họ đã đóng băng tài sản của Nga trị giá 18 tỷ bảng Anh (tương đương 20,5 tỷ USD). Theo đó, Nga đã vượt qua Libya và Iran để trở thành quốc gia bị Vương Quốc Anh trừng phạt nhiều nhất.
Căn cứ nội dung báo cáo thường niên của Văn phòng thực Thi trừng phạt tài chính Anh (OFSI) – một bộ phận của Bộ Tài chính Anh, London đã đóng băng tài sản của Nga trị giá hơn 18 tỷ bảng Anh kể từ cuối tháng 2.
Cơ quan Thực thi trừng phạt tài chính Anh cho biết, Nga đã vượt qua Libya và Iran để trở thành quốc gia bị Anh trừng phạt nhiều nhất.
Báo cáo cho biết: “Từ ngày 22/2 đến ngày 20/10/2022, OFSI đã báo cáo về các khoản tiền bị đóng băng, tổng trị giá 18,39 tỷ bảng Anh, với chủ sở hữu tài khoản là những người nằm trong danh sách trừng phạt chống Nga hoặc đại diện của họ”.
Tài sản bị đóng băng của Nga nhiều hơn 6 tỷ bảng Anh so với số tiền được báo cáo qua tất cả các chế độ trừng phạt khác của Anh.
Tỷ phú Nga Roman Abramovich và doanh nhân Mikhail Fridman nằm trong số những người bị trừng phạt năm nay, cùng với Tổng thống Vladimir Putin, các thành viên gia đình và các chỉ huy quân đội của ông, theo Reuters.
Tài sản phong tỏa là sự kết hợp giữa cổ phần trong các công ty và tiền mặt được giữ trong tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, tài sản này không bao gồm các tài sản vật chất như bất động sản hoặc tài sản được nắm giữ trong các Công ty phụ thuộc Crown như Guernsey và Jersey.
Chính phủ đã trừng phạt 95% hàng hóa xuất khẩu của Nga sang nước này và tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga sẽ ngừng vào cuối năm 2022.
“Chúng tôi đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất từ trước đến nay đối với Nga và nó đang làm tê liệt bộ máy chiến tranh của họ”, ông Andrew Griffith, Thứ trưởng Bộ Tài chính Anh phụ trách các dịch vụ tài chính và ngân hàng, cho biết trong một tuyên bố.
“Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: chúng tôi sẽ không cho phép ông Putin chiến thắng trong cuộc chiến tàn khốc này”, ông nói.
Cho đến nay, Anh đã trừng phạt hơn 1.200 cá nhân bao gồm các doanh nhân cấp cao và các chính trị gia nổi tiếng, cùng hơn 120 thực thể ở Nga.
Ngày 6/10, trang web chính thức của Liên minh châu Âu (EU) thông báo Hội đồng Liên minh châu Âu đã thông qua vòng 8 trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga. Động thái này nhằm đáp trả là lệnh điều động quân sự của Nga và thôn tính lãnh thổ của Ukraine làm tiếp tục leo thang chiến tranh Nga – Ukraine.
“Hội đồng châu Âu quyết định, kể từ hôm nay, phạm vi địa lý của các hạn chế được đưa ra vào ngày 23/2 – bao gồm lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng hóa từ các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Donetsk và Luhansk, sẽ được mở rộng để với cả Zaporizhzhia và Kherson”, tuyên bố của Hội đồng châu Âu cho hay.
Vòng trừng phạt thứ 8 đối với Nga bao gồm lệnh cấm thương mại xuất nhập khẩu mới của EU trị giá khoảng 7 tỷ euro (6,9 tỷ USD). Vòng trừng phạt cũng tạo cơ sở cho khuôn khổ pháp lý cần thiết để thực hiện giới hạn giá dầu của Nga mà G7 đã dự thảo trước đó.
Đại diện Cấp cao về Đối ngoại của Liên minh Châu Âu và Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Josep Borrell tuyên bố: “Chúng tôi đang tiếp tục đánh vào nền kinh tế của Nga, hạn chế năng lực xuất nhập khẩu của Nga, trên đà giải phóng khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng từ nước này và làm ổn định giá năng lượng toàn cầu”.
Phản ứng trước gói trừng phạt thứ 8, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Medvedev tuyên bố, các nước phương Tây đã không thành công trong việc cô lập Nga.
Lam Giang
EU sẽ không công nhận hộ chiếu Nga từ các vùng Ukraine bị chiếm đóng
Liên minh châu Âu cho biết hôm thứ Năm (10/11) họ sẽ không công nhận hộ chiếu Nga được cấp tại các khu vực của Ukraine do Moscow sáp nhập phi pháp.
Ngoài ra, EU cũng sẽ không công nhận hộ chiếu Nga tại hai khu vực do Điện Kremlin kiểm soát ở Georgia. Động thái này có nghĩa là các giấy tờ thông hành của Nga cấp cho cư dân của những khu vực đó không thể được sử dụng để xin thị thực hoặc vào khu vực Schengen.
“Quyết định này là phản ứng trước hành động xâm lược quân sự vô cớ của Nga đối với Ukraine và việc Nga thực hiện cấp hộ chiếu quốc tế của Nga cho cư dân của các khu vực bị chiếm đóng”, Hội đồng châu Âu cho biết trong một tuyên bố.
Động thái này vẫn cần được Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU chính thức ký kết.
Vào tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố sáp nhập đối với 4 khu vực của Ukraine trong một tuyên bố đơn phương bị cộng đồng quốc tế bác bỏ.
Moscow cũng sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014.
Tuy vậy, cho đến nay, việc chiếm đóng của Điện Kremlin tại các khu vực lãnh thổ này đang phải đối mặt với sự phản kháng mạnh mẽ từ các lực lượng của Kyiv.
Hôm thứ Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã ra lệnh cho quân đội rút khỏi thành phố quan trọng Kherson, một đòn giáng mạnh vào bước tiến quân sự của ông Putin ở Ukraine.
Ngân Hà (theo AFP)