Người biểu tình Iran từ chối lùi bước bất chấp phải đối mặt với án tử hình
Các cuộc biểu tình trên khắp đất nước Iran tiếp tục diễn ra trong ngày thứ 53 liên tiếp, bất chấp gần 15.000 người biểu tình bị bắt giữ đang phải đối mặt với án tử hình.
Hôm thứ Ba (8/11), Quốc hội Iran đã bỏ phiếu áp đảo để ủng hộ áp dụng hình phạt tử hình đối với những người biểu tình, trong bối cảnh hàng nghìn người Iran tiếp tục biểu tình trên khắp thủ đô Tehran của Iran bất chấp cuộc đàn áp tàn bạo của chính quyền.
Quyết định của Quốc hội Iran được đưa ra sau những lời kêu gọi gần đây của giới lập pháp yêu cầu chính phủ Iran trừng phạt nặng những người biểu tình để có thể dập tắt các cuộc biểu tình. Trong bức thư có chữ ký của 227 trong tổng số 290 thành viên quốc hội được đài truyền hình nhà nước Iran Press TV trích dẫn, các nhà lập pháp đã yêu cầu dạy cho những biểu tình bị bắt giữ “một bài học thích đáng” để ngăn chặn những người khác học theo họ.
Bức thư nhấn mạnh: “Chúng tôi, những người đại diện cho quốc gia này, yêu cầu tất cả các quan chức nhà nước, bao gồm cả cơ quan tư pháp, xử lý những kẻ gây chiến [chống lại Nhà nước Hồi giáo] cũng như tấn công cuộc sống và tài sản của người dân như những kẻ khủng bố (Daesh) theo cách mà có thể tao ra một bài học thích đáng trong thời gian ngắn nhất có thể.”
Các nhà lập pháp còn cho rằng, hình phạt như vậy sẽ “chứng minh cho tất cả mọi người biết rằng cuộc sống, tài sản, an ninh, và danh dự của những người dân thân yêu của chúng ta là lằn ranh đỏ đối với đất nước [Hồi giáo] này và hình phạt đó sẽ cho thấy không có sự khoan hồng nào đối với bất kỳ ai trong vấn đề này.”
Các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Iran đã bùng phát sau khi tin tức về cái chết của cô Mahsa Amin vào ngày 16/9 được công khai. Cô Mahsa, một phụ nữ trẻ người Kurd 22 tuổi, đã bị cảnh sát đạo đức của Iran bắt giữ vào ngày 13/9 khi cô đang viếng thăm thủ đô Tehran. Cô bị cáo buộc là đội khăn trùm đầu “không đúng cách” và đã bị cảnh sát đánh đập chí mạng trong khi bị giam giữ. Chính quyền Iran đã phủ nhận mọi trách nhiệm về vết thương ở đầu của cô Mahsa đã gây tử vong.
Đầu tiên, phụ nữ Iran đã phát động các cuộc biểu tình, thực hiện các hành động phản kháng như đốt khăn trùm đầu và cắt tóc của mình. Sau đó nam giới và nam thiếu niên của nước này đã tham gia các cuộc biểu tình. Hàng trăm người biểu tình phản đối cái chết của cô Mahsa đã bị cảnh sát giết chết, và hàng nghìn người đã bị bắt trong 8 tuần qua.
Trước đây đã từng có những cuộc biểu tình quy mô lớn ở Iran, nhưng chưa có cuộc biểu tình nào có quy mô và thời gian kéo dài như cuộc biểu tình hiện tại. Hồi năm 2009, hàng triệu người đã xuống đường phản đối sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi.
Sự đoàn kết đối với những người biểu tình cũng đang tăng lên. Reuters đưa tin, hôm 8/11, các cầu thủ bóng nước Iran đã từ chối hát quốc ca tại một cuộc thi ở Thái Lan và nữ diễn viên nổi tiếng người Iran Taraneh Alidoosti đã bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với các cuộc biểu tình bằng cách đăng một bức ảnh của mình với mái tóc trần không được che phủ bằng khăn trùm đầu bắt buộc. Trong bức ảnh, nữ diễn viên Alidoosti cầm tấm biểu ngữ có nội dung: “Phụ nữ, Cuộc sống, Tự do.”
Gia Huy (theo Newsweek) (Trí Thức VN)
Ủy ban Châu Âu: Suy thoái sẽ đến vào mùa đông
Ủy ban Châu Âu dự kiến hầu hết các nước thành viên Liên minh Châu Âu sẽ rơi vào suy thoái trong quý cuối cùng năm 2022 giữa cuộc khủng hoảng năng lượng
Ủy ban Châu Âu — cơ quan điều hành Liên minh Châu Âu (EU) — đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của khối này trong năm tới, cho biết rằng hầu hết các nước EU và khu vực đồng euro sẽ rơi vào suy thoái trong mùa đông 2022-23 do lạm phát kỷ lục kéo dài hơn dự kiến và chi phí nhiên liệu và sưởi ấm cao làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng.
“Trong bối cảnh bất ổn gia tăng, áp lực giá năng lượng cao, sức mua của các hộ gia đình suy giảm, môi trường bên ngoài yếu hơn và các điều kiện cấp vốn thắt chặt hơn dự kiến sẽ đẩy EU, khu vực đồng euro và hầu hết các nước thành viên vào suy thoái trong quý cuối cùng của năm”, theo Ủy ban Châu Âu cho biết trong Dự báo Kinh tế Mùa thu 2022 của mình.
Ủy ban châu Âu dự báo tăng trưởng GDP cho cả năm 2023 của EU và khu vực đồng euro sẽ giảm xuống còn 0,3%, giảm mạnh từ mức 1,5% trong EU và 1,4% trong khu vực đồng euro theo Dự báo Kinh tế Mùa hè được công bố vào tháng 7/2022.
“Đây là một bước ngoặt đối với nền kinh tế EU”, theo Valdis Dombrovskis — thành viên của Ủy ban châu Âu chịu trách nhiệm về các vấn đề kinh tế và tài chính — cho biết.
Theo dự báo, nền kinh tế lớn nhất EU là Đức sẽ chứng kiến GDP giảm 0,6% trong năm 2023, nhiều hơn bất kỳ quốc gia thành viên nào khác ngoại trừ Thụy Điển.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế của Bloomberg Economics không lạc quan như Ủy ban Châu Âu. Các nhà kinh tế này đã dự báo nền kinh tế khu vực sẽ chứng kiến mức suy giảm GDP 0,1% vào năm 2023, chứ không phải sẽ tăng trưởng nhẹ như Ủy ban dự kiến.
Nền kinh tế khu vực đồng euro đang phải đối mặt với áp lực lạm phát tăng cao và dự kiến sẽ đạt kỷ lục 10,7% vào tháng 10/2022, với giá năng lượng tăng 41,9% và thực phẩm tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Ủy ban Châu Âu ước tính lạm phát trung bình sẽ đạt 9,3% trong EU và 8,5% trong khu vực đồng euro vào năm 2022, và giảm xuống còn 7% trong EU và 6,1% trong khu vực đồng euro vào năm 2023. Đây đều là các mức dự báo tăng cao đáng kể so với dự báo hồi tháng 7/2022.
Cao Dương
Hồng Kông: Trường hợp đầu tiên bị bỏ tù vì tội “xúc phạm quốc ca”
Cô Paula Leung, nhà báo online 42 tuổi, người phất cờ Hồng Kông thời thuộc Anh khi xem phim cảnh lễ có nhạc quốc ca Đại Lục vào năm ngoái, đã bị phán quyết tù 3 tháng vì tội “xúc phạm quốc ca” vào hôm qua 10/11, và là người Hồng Kông đầu tiên bị tù vì tội danh này.
Tòa án Kwun Tong Court hôm Thứ Năm đã phán quyết cô án tù 3 tháng, và cô Leung đã nhận tội, CNN đưa tin hôm 11/11.
Cô đã vẫy cờ Hồng Kông thời thuộc Anh trong một trung tâm mua sắm nơi màn hình lớn đang chiếu lễ trao huy chương sau chiến thắng của Edgar Cheung trong trận đấu tại Thế vận hội Tokyo vào tháng 7 năm 2021.
Rất đông người đã tụ tập mừng huy chương vàng Olympic thứ hai của Hồng Kông này, và cũng là huy chương vàng lần đầu tiên ở môn đấu kiếm, nhưng khung cảnh trở nên ồn ào khi quốc ca Trung Quốc Đại Lục được vang lên trong lễ trao giải và một số người trong đám đông bắt đầu la ó.
Hồng Kông, một thuộc địa cũ của Anh, tiếp tục vẫn mang tư cách riêng ngoài Trung Quốc tại các thế vận hội mặc dù đã đã được Trung Quốc tiếp quản theo cơ chế “hai chế độ” vào năm 1997.
Đây cũng là lần đầu tiên quốc ca của Trung Quốc được phát trong dịp thế này, nhanh chóng trở thành chủ đề gây tranh cãi. Trước đây, khi vận động viên Hồng Kông đoạt giải, ban tổ chức vẫn phát nhạc bài “Chúa cứu rỗi Nữ hoàng”. Giải vàng lần trước, khi vận động viên lướt ván buồm Lee Lai-shan đoạt huy chương vàng đầu tiên tại Olympic cho Hồng Kông ở Thế vận hội Atlanta năm 1996 cũng là bài “Chúa cứu rỗi Nữ hoàng”, trong khi cờ Hồng Kông thời thuộc Anh được kéo lên.
Cờ Hồng Kông thời thuộc Anh đôi khi được những người ủng hộ dân chủ Hồng Kông dùng khi họ triển khai các hoạt động phản đối chế độ cai trị hà khắc của Trung Quốc Đại Lục, và Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn coi việc dùng lá cờ này là hành vi thách thức quyền uy của mình. Sự kiện hàng nghìn người Hồng Kông xếp hàng ngoài Lãnh sự quán Anh để bày tỏ kính trọng Nữ hoàng Elizabeth II sau khi bà qua đời tháng 9 vừa qua, cũng được ĐCSTQ coi là một hình thức phản kháng tinh vi.
Các cuộc tụ tập công khai trở nên hiếm hơn kể từ khi Trung Quốc ban hành Luật An ninh Quốc gia vào tháng 6/2020 để dập tắt các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ngày càng gay gắt.
Cùng tháng đó, chính quyền địa phương Hồng Kông đã đưa ra luật xử phạt cái gọi là xúc phạm quốc ca Trung Quốc, có thể bị phạt tù tới ba năm và phạt tiền lên đến 6.400 đô la Mỹ (50.000 đô-la Hồng Kông).
Luật pháp yêu cầu mọi người phải “đứng nghiêm trang và tự trọng” khi hát hoặc nghe bài quốc ca Trung Quốc Đại Lục đang phát.
Thiên Đức (Theo CNN)