Thấp thỏm nỗi lo xung đột ở Đài Loan, Đức điều chỉnh toàn bộ chính sách đầu tư vào Trung Quốc

Lam Giang

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) tiếp đón Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Đại lễ đường ở Bắc Kinh vào ngày 4/11/2022. (Ảnh: Kay Nietfeld/Pool/AFP/Getty Images)

Sau Đại hội 20, tình hình eo biển Đài Loan tiếp tục căng thẳng. Điều này khiến ngoại giới không khỏi lo ngại về khả năng xung đột ở eo biển Đài Loan. Trước tình hình này, Đức bắt đầu sửa đổi chính sách đầu tư ra nước ngoài nhằm kiểm soát rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc.

Theo Hãng thông tấn Trung ương (CNA) của Đài Loan, “Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư” là một công cụ kinh tế để Đức khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư; đồng thời chia sẻ những rủi ro về chính trị như xung đột quân sự và tịch thu tài sản mà các doanh nghiệp có thể gặp phải khi đầu tư ra nước ngoài.

Đức luôn khuyến khích các doanh nghiệp nước này đầu tư vào Trung Quốc. Theo thống kê, lĩnh vực ôtô của Đức chiếm 1/3 tổng số đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của châu Âu tại Trung Quốc.

Những chiếc thuyền nhỏ đi qua trước tàu container ‘Xin Lian Yun Gang’ của Tập đoàn vận tải biển COSCO Trung Quốc khi tàu đang dỡ hàng tại bến container Tollerort ở cảng Hamburg, miền bắc nước Đức, 26/10/2022. (Ảnh: Axel Heimken/AFP/Getty Images)

Tuy nhiên, mối đe dọa quân sự của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với Đài Loan gần đây ngày càng leo thang. Các quan chức Đức lo ngại rằng, nếu xung đột nổ ra ở eo biển Đài Loan, các quốc gia phương Tây sẽ đồng loạt áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Đức. Do đó, Đức cần phải nhanh chóng kiểm soát rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc.

Các nghiên cứu cho thấy, việc Đức sửa đổi chiến lược đầu tư vào Trung Quốc phản ánh sự mất lòng tin ngày càng tăng của nước này đối với ĐCSTQ.

Vào tháng 5 năm nay, có thông tin cho rằng chính phủ Đức đã từ chối đơn xin bảo lãnh đầu tư vào Trung Quốc của Tập đoàn đa quốc gia của Đức về lĩnh vực sản xuất ô tô – Volkswagen, do lo ngại về tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc trong cuộc bỏ phiếu tại Geneva, Thụy Sĩ, về việc tổ chức tranh luận về tình hình nhân quyền ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc, 06/10/2022. Ảnh chụp màn hình. (NTDVN)

Tờ Handelsblatt của Đức ngày 9/11 cho biết, chính phủ Đức sẽ chặn việc Trung Quốc thâu tóm hai công ty bán dẫn của Đức là ERS Electronic và Elmos do lo ngại về an ninh. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng đang tích cực thúc đẩy các công ty chuyển từ Trung Quốc sang các thị trường châu Á khác.

Sau khi thăm Bắc Kinh vào tuần trước, Thủ tướng Đức Olaf Schulz sẽ có chuyến công du Việt Nam vào ngày 13/11. Sau đó, nhà lãnh đạo Đức sẽ rời Việt Nam để đến Singapore vào ngày 14/11.

Theo hãng thông tấn AFP, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck gần đây đã làm rõ quyết định của chính phủ về việc cấm bán công nghệ kiểm tra wafer nhiệt trong ngành công nghiệp bán dẫn cho các nhà đầu tư Trung Quốc.

Ông nói rằng, “Khi các công ty tham gia vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng, các công nghệ liên quan đã chảy sang các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU). Khi đối mặt với rủi ro, chúng tôi cần phải chú ý đến tình trạng của thương vụ mua lại”.

Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Liên Bang Đức Robert Habeck phát biểu trong cuộc họp báo khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 tại Neuhardenberg, miền Đông nước Đức, hôm 15/9/2022. (Ảnh: John Macdougall/AFP/Getty Images)

Theo ông Harbeck, ngay cả khi xem xét các biện pháp giảm thiểu rủi ro bổ sung, chẳng hạn như việc Đức chấp thuận tiếp quản trong một số điều kiện nhất định, thì tác hại tiềm tàng trong tương lai là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, ngoại giới vẫn lo ngại rằng, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức trong sáu năm tới, ngay cả khi chính sách của nước này đối với Trung Quốc đang dần thay đổi. Mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước rất chặt chẽ. Đặc biệt là ngành ô tô và ngành công nghiệp hóa chất của Đức phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (IW), các công ty Đức đã đầu tư hơn 10 tỷ euro (khoảng 320 tỷ Đài tệ) vào Trung Quốc trong nửa đầu năm nay, phá vỡ kỷ lục trước đó.

Hãng tin VOA trước đó đưa tin rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào thứ Hai tới (14/11), với lý do Mỹ lo ngại về tình hình ở eo biển Đài Loan.

Ông Schulman, một chuyên gia tại Tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), một tổ chức tư vấn của Mỹ, lưu ý rằng, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo có thể giúp thiết lập “nền tảng” cho quan hệ giữa hai nước vào thời điểm quan hệ Mỹ – Trung đang dần suy thoái.

Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Tư (9/11), cũng là ngày thứ hai của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, Tổng thống Biden đã được hỏi về cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington vào ngày 9/11/2022. (Ảnh: Samuel Corum/Getty Images)

Các phóng viên đã hỏi ông Biden rằng, liệu ông có tuyên bố về việc Mỹ cam kết hỗ trợ quân sự cho Đài Loan và sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình hay không. Ông Biden không trả lời về việc Mỹ có bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự hay không, nhưng ông cho hay, “Tôi chưa sẵn sàng đưa ra bất kỳ thỏa hiệp cơ bản nào”.

Ông nói thêm rằng: “Tôi sẽ nói chuyện với ông Tập Cận Bình về vấn đề Đài Loan”.

Ông chủ Nhà Trắng cho hay, trong cuộc trò chuyện tới đây với ông Tập, ông muốn vạch ra ‘lằn ranh đỏ’ đối với cả hai bên. Bên cạnh đó, ông cũng coi đây là cơ hội để hai nhà lãnh đạo hiểu rõ về lợi ích cốt lõi của mỗi quốc gia, đồng thời, đưa ra các giải pháp mỗi khi xảy ra xung đột.

Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh rằng, Đạo luật Quan hệ Đài Loan chưa bao giờ thay đổi, và ông hy vọng sẽ thảo luận về vấn đề Đài Loan với ông Tập Cận Bình.

Theo đó, ông chủ Nhà Trắng mong muốn cả hai bên sẽ thảo luận về các chủ đề khác, chẳng hạn như thương mại công bằng và mối bang giao của ông Tập với các quốc gia khác trong khu vực.

Tờ Wall Street Journal ngày 3/11 đưa tin, các cựu quan chức Mỹ và các chuyên gia đối ngoại cho rằng, dù ông Tập có tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 hay không, thì cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục nóng lên và mối bang giao giữa hai nước sẽ ngày một xấu đi.

Lam Giang

Theo Visiontimes

Related posts