Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (còn gọi là Mười Tường – “bà trùm” buôn lậu) tiếp tục phủ định vai trò chủ mưu trong vụ vận chuyển trái phép 470.000 USD từ Campuchia về Việt Nam. Bà này còn cho rằng một cán bộ biên phòng đứng sau vụ vận chuyển, đồng thời cũng chỉ đạo vụ bắt giữ; số tiền vận chuyển thực tế là 500.000 USD, đã bị ông này lấy 30,000 USD tang vật.
Ngày 14/11, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (còn gọi là Mười Tường, SN 1969), Phạm Thanh Sang (SN 1982), Hồ Tuấn Linh (SN 1981), Nguyễn Văn Lê (SN 1984) và Nguyễn Văn Minh (SN 1991, tất cả cùng trú tại xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang). Năm bị cáo bị xét xử vì tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới quy định tại Điều 189 Bộ Luật Hình sự 2015.
Theo bản án sơ thẩm, khoảng 9h20 ngày 24/6/2019, cơ quan biên phòng phát hiện 4 người đi trên vỏ lãi chạy từ hướng Campuchia về Việt Nam có biểu hiện nghi vấn. Biết bị phát hiện, 4 người bỏ chạy về phía Campuchia; ném một túi nilon lại, bên trong có 470.000 USD (tương đương gần 11 tỷ đồng).
Ngày 30/10/2020 bị cáo Lê và bị cáo Minh bị bắt trong vụ án buôn lậu 51kg vàng (có giá trị trường trên 70 tỷ đồng) và đã khai rằng có tham gia vận chuyển 470.000 USD do bị cáo Hạnh (Mười Tường) chủ mưu.
Tại thời điểm trên, bà Hạnh được xác định đã bỏ trốn. Ngày 8/11/2020, Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định Truy nã đặc biệt nguy hiểm đối với bà Hạnh. Sau 8 tháng lẩn trốn, ngày 6/7/2021, bà Hạnh đã bị Công an tỉnh An Giang bắt giữ.
Sau khi bà Hạnh bị bắt giữ, ngày 6 và 9/7/2021, bị cáo Sang và bị cáo Linh ra đầu thú.
Trong phiên tòa ngày 23/2, HĐXX nhận định tại tòa cũng như trong quá trình điều tra, các bị cáo Sang, Lê, Minh, Linh khai nhận hành vi phạm tội là do bị cáo Hạnh điều hành. Còn bị cáo Hạnh liên tục kêu oan.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 14/11, bị cáo Hạnh đã khai chủ mưu vụ vận chuyển là bà T.K.B. (SN 1960) và ông D.C.C. (SN 1952, cùng trú tại TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang). Do có mối quan hệ làm ăn, nên dù biết việc “đàn em” vận chuyển tiền cho bà B. và ông C., bị cáo Hạnh không can ngăn hay tố giác.
Đáng chú ý, bị cáo Hạnh còn khai 470.000 USD mà “đàn em” của bị cáo vận chuyển thực chất là 500.000 USD. Trước đó, bà B. và ông C. gọi điện cho bị cáo Sang qua Campuchia gặp Tuốt để lấy 500.000 USD rồi vận chuyển về cho một tiệm vàng tại TP. Châu Đốc. Sau khi số USD bị bắt và biết chỉ có 470.000 USD, Tuốt đã cho người đến hỏi Sang tại sao chỉ có 470.000 USD.
Sau đó, bà B. đã gọi điện cho bà Hạnh nói rõ số tiền đó là 500.000 USD và do vợ chồng B. gọi cho Sang để vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam.
Trong vụ vận chuyển này còn có sự tiếp tay của ông T.V.C. (trú huyện An Phú) và ông H.- cán bộ biên phòng tỉnh An Giang. Ông V.C. là người móc nối với ông H. để ông H. canh đường cho “đàn em” của bà Hạnh vận chuyển tiền qua biên giới.
Bị cáo Hạnh còn khai rằng ông H. đã kêu người bắt vụ vận chuyển số tiền 500.000 USD. Sau đó, ông H. đã lấy 30.000 USD để tiêu xài.
Đại diện Viện kiểm sát hỏi bị cáo Hạnh rằng tại sao ở phiên tòa sơ thẩm bị cáo không khai ra người chủ mưu, mà đến phiên tòa phúc thẩm mới khai ra những người này. Bị cáo Hạnh cho rằng do lúc đó bị cáo bị lẫn nên đã im lặng chờ đến phiên phúc thẩm mới nói.
Trước lời khai có nhiều tình tiết mới của bà trùm buôn lậu, HĐXX đã quyết định tạm hoãn phiên tòa thêm 5 ngày để xác minh. Dự kiến, vào lúc 7h30 ngày 21/11, phiên tòa sẽ được mở lại.
Trước đó, ngày 23/2, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh An Giang tuyên phạt bị cáo Hạnh 8 năm tù và phạt bổ sung 50 triệu đồng; các bị cáo Sang, Linh, Lê và Minh cùng bị phạt 4 năm tù cùng về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Bị cáo Hạnh (Mười Tường) được biết đến là “bà trùm” buôn lậu ở tỉnh An Giang. Ngoài bị xét xử vì liên quan đến vụ án Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, bị cáo Hạnh còn bị khởi tố trong 5 vụ án khác, gồm: buôn lậu số lượng lớn đường cát (2018); buôn lậu 51kg vàng (năm 2020); vận chuyển trái phép 200.000 USD qua biên giới (2020); tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và rửa tiền (2021).
Khánh Vy