Đông Phương
Ông Lý Khắc Cường, người sắp từ chức Thủ tướng Trung Quốc vào tháng 3 năm sau, gần đây đã đến thăm Campuchia và một lần nữa kêu gọi “cải cách mở cửa”. Cùng lúc đó, Bắc Kinh cũng đưa ra dự thảo sửa đổi “Luật Lập pháp”, trong đó đã xóa bỏ phần cải cách mở cửa và phần đặt xây dựng kinh tế làm trung tâm. Phân tích chỉ ra rằng, điều này phản ánh sự bất đồng nghiêm trọng giữa các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc bế quan hay mở cửa, nhưng sức ảnh hưởng của ông Lý Khắc Cường rất có hạn.
Sau khi Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bế mạc vào ngày 22/10, ông Lý Khắc Cường không còn trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy ban Bộ Chính trị cũng như Ủy ban Trung ương khóa XX. Ngày hôm sau, ông Lý rời khỏi ba cương vị này và sẽ chính thức nghỉ hưu vào tháng Ba năm sau trong kỳ họp Lưỡng Hội.
Ông Lý Khắc Cường không ngừng hô hào ‘cải cách mở cửa’ trước khi nghỉ hưu
Chiều 8/11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và phu nhân đã tới thăm Campuchia, tham dự Hội nghị Cấp cao thường niên ASEAN – Trung Quốc (10+1) lần thứ 25, Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (10+3) lần thứ 25 và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 17. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Lý Khắc Cường kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Vào ngày 12/11, khi ông Lý Khắc Cường tham dự một loạt cuộc họp với các nhà lãnh đạo trong khuôn khổ EAS tại Phnom Penh, Campuchia, ông đã nhắc lại rằng cải cách và mở cửa là con đường duy nhất để Trung Quốc đạt được hiện đại hóa. Đồng thời, ông thừa nhận rằng nền kinh tế Trung Quốc đã suy giảm đáng kể do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trước đó, khi ông Lý Khắc Cường gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Bắc Kinh vào ngày 4/11, ông nói rằng Trung Quốc kiên trì tuân thủ chính sách cơ bản của quốc gia là cải cách và mở cửa, và “cánh cổng ‘mở cửa’ sẽ càng mở càng rộng hơn”.
Trước thềm Đại hội XX, ngoại giới từng dự đoán ông Lý Khắc Cường có khả năng cao sẽ ở lại Bộ Chính trị, tuy nhiên thực tế lại khác. Trong nhiều dịp khác nhau, ông đã nhiều lần nhấn mạnh rằng phải “kiên trì cải cách mở cửa”, rằng “nước sông Trường Giang và Hoàng Hà không thể chảy ngược”.
Có phân tích cho rằng, việc ông Lý Khắc Cường nhiều lần nhấn mạnh phải cải cách mở cửa đã phản ánh sự bất đồng quan điểm nghiêm trọng về việc nên đóng hay mở cửa đất nước giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ.
Nhà bình luận thời sự Lý Đình (Li Ting) nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) vài ngày trước rằng, những phát ngôn của ông Lý Khắc Cường về cải cách và mở cửa hoàn toàn khác biệt với chính sách chống dịch bệnh của ông Tập Cận Bình, chúng mâu thuẫn với nhau. “Vì vậy, tôi thấy rằng khi các quan chức cấp cao của họ giải quyết các vấn đề xã hội hiện tại của Trung Quốc, họ có sự bất đồng trong cách tiếp cận và sự khác biệt này là rất sâu sắc”.
Nhà bình luận này cho rằng, những phát biểu của ông Lý trước khi rời nhiệm sở có sức ảnh hưởng rất hạn chế.
Ông Tập Cận Bình tránh nói về ‘cải cách và mở cửa’, Trung Quốc đang giật lùi?
Caixin đưa tin vào ngày 4/11 rằng, sau bảy năm, ĐCSTQ bắt đầu tái khải động sửa đổi “Luật Lập pháp” và xóa bỏ phần có liên quan đến cải cách mở cửa cũng như đặt việc xây dựng kinh tế làm trung tâm. Ngoại giới cho rằng chính quyền Bắc Kinh đang giật lùi về quá khứ.
Ngoài ra, số lần ông Tập Cận Bình đề cập đến “cải cách mở cửa” trong báo cáo tại Đại hội XX chỉ là 4 lần, chưa bằng một nửa so với con số 9 lần tại Đại hội XIX. Ngay từ bài phát biểu năm mới 2022, ông Tập Cận Bình đã không nhắc đến cải cách và mở cửa. Trong những lời chúc Tết trước đây, bài phát biểu của các lãnh đạo ĐCSTQ đều có cụm từ “cải cách mở cửa”.
Điều này cho thấy “cải cách mở cửa” không phù hợp với tư tưởng của ông Tập Cận Bình. Trong những năm gần đây, ông Tập kiên định thực hiện chính sách phòng chống dịch bệnh “Zero Covid”, thúc đẩy cái gọi là “thịnh vượng chung”, khởi động lại hình thức hợp tác xã mua bán và nhà ăn căng tin thời Mao Trạch Đông. Do đó, cả người dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế đều lo lắng rằng ông sẽ bế quan, đóng cửa Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông Tập còn tăng cường sự kiểm soát của cá nhân đối với toàn đảng và sự kiểm soát của đảng đối với đất nước. Vì những lý do trên, dư luận cho rằng cải cách mở cửa ở Trung Quốc chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa.
Ông Hồ Bình (Hu Ping), Tổng biên tập danh dự của tờ Beijing Spring (Mùa xuân Bắc Kinh), nói với VOA rằng: “Sở dĩ ông Tập Cận Bình không còn đề cập đến ‘cải cách mở cửa’ là vì ông ta cho rằng Trung Quốc đã bước vào ‘thời đại mới’ dưới sự lãnh đạo của ông ta, cũng tức là thời đại Tập Cận Bình”.
Ông Tô Hiểu Khang (Su Xiaokang), một nhà văn người Hoa lưu vong ở nước ngoài sau sự kiện “Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989″, nói rằng sự phát triển kinh tế đáng kinh ngạc của Trung Quốc đã kéo theo nạn tham nhũng đáng kinh ngạc, và điều này thực sự đã tạo ra tính hợp pháp cho thế hệ hồng nhị đại như ông Tập Cận Bình khôi phục chế độ độc tài kiểu Mao. ‘Hồng nhị đại’, hay còn gọi là ‘thế hệ Đỏ thứ hai’, là đời con cái của những công thần xây dựng ĐCSTQ từ thời kỳ đầu.
Ông Tô nói: “Cách duy nhất để giải quyết vấn đề cải cách và mở cửa của Trung Quốc là đi theo con đường dân chủ hợp hiến. Nhưng Tập Cận Bình không muốn đi theo con đường này, vậy ông ta phải làm gì? Ông ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc quay trở lại thời đại Mao Trạch Đông”.
Đông Phương