Khi còn bé thơ, cứ mỗi lần tôi ham chơi, chểnh mảng không lo học hành và làm bài tập thì các anh chị tôi hay khuyên răn “Nhỏ mà không lo học hành thì lớn lên chỉ có nước làm cu li (coolie).” hoặc là “em phải chăm học hành để sau này trở thành bác sĩ hay kỹ sư.” Đầu óc tôi lúc ấy quá non nớt nên chưa hiểu được làm “cu li” là khổ sở như thế nào và tại sao phải học để trở thành bác sĩ hay kỹ sư?
Nghĩ như thế nhưng tôi vẫn chăm chỉ học hành để khỏi bị rầy la. Thực tâm, tôi chẳng thích làm bác sĩ chút nào vì tôi rất sợ máu. Mỗi lần bị bệnh, mẹ đưa đi khám bệnh, rồi gặp bác sĩ cầm ống tiêm thuốc với kim chích thật dài, chỉ nhìn thôi là tôi đã thất kinh hồn vía rồi. Sau đó thì tôi hết bệnh liền, không biết vì gặp được bác sĩ giỏi hay là vì tôi sợ quá nên hết bệnh! Tôi luôn thích hội họa và muốn trở thành một người họa sĩ, nhưng hễ tôi mở miệng xin học vẽ thì lại bị gia đình tôi gạt ngang “làm họa sĩ, nghèo rách mùng tơi, lấy gì mà sống?” Tôi đành cố gắng học và rồi tôi cũng trở thành một kỹ sư và làm việc ở một nhà máy như gia đình mong muốn.
Năm tháng trôi qua, duyên phận đưa đẩy, tôi bắt đầu cuộc đời mới trên đất Úc. Những gì tôi học ở quê nhà không thể dùng để xin việc làm ở đây. Tôi phải đi học một ngành hoàn toàn khác với những gì tôi học truóc đây. Những tháng năm đầu tiên ngồi học trong giảng đường của Úc, thật là khó khăn đối với tôi mà trong đó ngôn ngữ bất đồng là trở ngại lớn nhất. Nhiều lúc tôi cũng muốn bỏ ngang nhưng ‘lâu rồi đời người cũng quen’ nên tôi cũng học xong và đi làm trong các lãnh vực khác nhau, từ thông dịch viên, thông tin công nghệ, sức khỏe cộng đồng, cho đến nghiên cứu và dạy học, v.v…
Kinh nghiệm sống và làm việc ở một nước Tây phương làm tôi có suy nghĩ khác về ngành nghề. Tôi bật cười khi nghĩ đến những lời khuyên răn của anh chị tôi khi xưa. So sánh bác sĩ hay kỹ sư với ‘cu-li’ cũng như so sánh ‘quả táo’ với trái chuối vậy. Mình không thể so sánh nghề này hay nghề kia với nhau vì mỗi nghề có một chức năng riêng và nét đẹp riêng. Là người phải thay đổi rất nhiều ngành nghề, tôi nhận ra điều quan trọng không phải là ngành nào quan trọng, ngành nào tốt, mà là do mình đối xử với nó như thế nào? Theo quan niệm của tôi, khi làm bất cứ một ngành nghề nào, chỉ cần có sự tận tâm, chăm chỉ làm việc thì mình sẽ có được một thành quả tốt đẹp. Ngành nghề chỉ là một phương tiện để tôi phát triển bản thân.
Bản thân là người mẹ, tôi không ép buộc con tôi phải theo những ngành nghề tôi thích mà chúng không thích. Nước Úc là mảnh đất lành và nuôi dưỡng nhiều cơ hội để người ta phát triển tài năng và cống hiến mà không có giới hạn về tuổi tác, giới tính và sắc tộc. Vì vậy, hãy cứ để chúng tự quyết định cho tương lai của mình và trải nghiệm. Nếu thất bại vì chọn sai đường, sai ngành thì vẫn có thể đứng dậy và làm lại. Những gì mình làm không bao giờ lãng phí vì mình vẫn luôn học thêm được những kinh nghiệm để vững bước trên con đường mới.
Tất nhiên, con đường nghề nghiệp mình chọn là quan trọng nhưng không quan trọng bằng mình làm việc đó có hết lòng, hết sức hay không? Dù thành quả đạt được là như thế nào thì mình hãy trân trọng nó, làm hết sức mình vì nó, thì những thứ khác sẽ tự tìm đến, vì con đường nào cũng làm cho bản thân mình lớn lên và tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn.
Giờ đây, ngoài ô cửa sổ, nắng đã lên với mây thật cao giữa bầu trời trong xanh. Ngày tháng vẫn êm đêm trôi và cuốn đi theo biết bao điều vui buồn trong cuộc sống. Ngồi viết những dòng chữ này, tôi lại nhớ đến ước mơ học vẽ thời thơ ấu. Tuổi đời của tôi đã không còn trẻ nữa nhưng sẽ không bao giờ trễ để tôi bắt đầu theo đuổi một con đường mới. Nghĩ đến đây tôi lại cảm thấy vui vui vì có lẽ trong tương lai không xa, nơi đây sẽ có thêm một người họa sĩ tập sự đang lang thang tìm ý tưởng trên các nẻo đường của Melbourne…
Quỳnh Lê