Quảng Châu biểu tình quy mô lớn, cảnh sát dùng vòi rồng

Trần Phong

Các cuộc biểu tình quy mô lớn của người dân đã xảy ra ở nhiều nơi ở quận Hải Châu, Quảng Châu và cảnh sát đã đến để trấn áp họ. (Ảnh chụp màn hình video)

Hôm 14/11, trên mạng lan truyền thông tin nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra ở quận Hải Châu, thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. Cảnh sát đã đến hiện trường trấn áp, người dân phẫn nộ lật đổ xe cảnh sát. Nguyên nhân được cho là do chính quyền Quảng Châu đã siết chặt chính sách Zero Covid, gây ra cái chết của một thai phụ.

Bất mãn với chính sách phòng chống dịch, người dân Hải Châu biểu tình quy mô lớn

Hôm 15/11, kênh CTWANT đã đăng tải một video có nội dung: “Do quận Hải Châu, thành phố Quảng Châu bị phong tỏa trong thời gian dài, cư dân đã phát động các cuộc biểu tình quy mô lớn.

Nhiều video được tải lên Internet vào ngày 14/11, địa điểm đều nằm trong các ngôi làng đô thị như làng Khang Lạc ở ​​quận Hải Châu. Hầu hết cư dân là lao động nhập cư, họ bất bình với các biện pháp phong tỏa nên đã phá bỏ bức tường ngăn cách. Những người biểu tình đã đối đầu với cảnh sát. Một nhóm người đã hợp lực lật đổ xe cảnh sát. Cảnh sát dùng vòi rồng áp lực cao giải tán đám đông biểu tình, toàn bộ quá trình tương đối đáng sợ!”

Có nhiều video được lan truyền cho thấy, dưới ánh đèn đêm, rất đông người dân đi trên con đường dài và hẹp, trên đường có 2 hàng rào cách ly đã bị dẫm lên, những người đi phía trước vừa đi vừa đạp đổ hàng rào màu đỏ; Có người dùng loa hô lên “Hãy giữ bình tĩnh!”; Một nhóm người hợp lực lật đổ chiếc xe cảnh sát đang đỗ lại; Những người biểu tình và cảnh sát đối đầu hai bên cổng sắt, còi xe cảnh sát hú inh ỏi và cảnh sát dùng vòi rồng áp lực cao để giải tán những người biểu tình…

Ngày 15/11, Đài Á châu Tự do (RFA) đã đăng một đoạn video trên Twitter và nói rằng: “Nhiều người ở Quảng Châu đã biểu tình phản đối các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt vào tối thứ Hai, bao gồm Đại Đường ở quận Hải Châu, làng Khang Lạc gần chợ vải Trung Đại và cộng đồng Đường Hạ ở quận Thiên Hà.” 

Bị phong tỏa, 2 mẹ con sản phụ mất mạng

Ngày 15/11, tài khoản Twitter có tên Xie Wanjun nói rằng: “Hải Châu, thành phố Quảng Châu, một phụ nữ mang thai sắp sinh bị phong tỏa ở nhà và không được phép đến bệnh viện. Kết quả là cả sản phụ và em bé đều tử vong, vụ việc gây náo loạn dư luận!”

Đoạn video mà tài khoản Xie Wanjun đăng tải cho thấy, cạnh chiếc xe cứu thương có một người nằm dưới đất đang được 3 nhân viên y tế sơ cứu, trên mặt đất có rất nhiều máu, xung quanh có người đứng xem; Rất đông người dân tụ tập, họ la hét, có người tức giận ném đồ đạc vào nhân viên phòng chống dịch.

Tài khoản Twitter “Thầy Lý không phải thầy của bạn”’ đăng đoạn video cho thấy sự hỗn loạn và nói thêm rằng: “Cảnh sát cố gắng xông vào khu dân cư, và người dân cố gắng chống cự, nhưng cuối cùng đã bị giải tán khi cảnh sát sử dụng vòi rồng”.

Trong một đoạn video khác, một người dân bị cảnh sát bắt giữ, bị còng tay sau lưng, bị một viên cảnh sát giẫm chân lên cổ, người khác giẫm lên bắp chân. Tài khoản đăng video trên và nói thêm rằng: “Ông Lý, cư dân làng Khang Lạc, Hải Châu, Quảng Châu, bị đẩy vào hàng rào cách ly và bị bắt”.

Xie Wanjun lại đăng một video khác nói rằng: “Hải Châu, Quảng Châu, sau khi cuộc bạo loạn hàng loạt của người dân bị dập tắt, một số lượng lớn cảnh sát đã chiếm giữ đường phố!”.

Cư dân mạng “Anonymous ZX۵” đã cho biết trên Twitter rằng: “Quận Hải Châu, thành phố Quảng Châu, vào ngày 14/11 theo giờ Bắc Kinh, người dân đã cùng nhau đứng lên chống lại bạo quyền! Hãy nhớ rằng đây không phải là một cuộc bạo động của người dân, đây là hành động bảo vệ nhân quyền! Theo đuổi tự do và dân chủ! Nguyên nhân dẫn đến việc này là do chính quyền TQ siết chặt chính sách phòng chống dịch bệnh, khiến một thai phụ không thể đến bệnh viện sinh con và chết tại nhà! Đây là một chế độ chuyên chế độc ác!”

Trên mạng, rất nhiều cư dân bất bình lên tiếng: “Một phụ nữ mang thai sắp sinh, cô ấy không được phép ra ngoài, cô ấy chết ở nhà.”

“Bạo loạn rồi!”

“Mang theo đồ thật (dụng cụ trấn áp biểu tình).”

“Súng thật đạn thật”.

“Họ (chính quyền) đã không coi dân chúng là con người.”

“Hy vọng kiếp sau không còn đầu thai vào Trung Quốc nữa.”

“Dịch bệnh nghiêm trọng thì cũng cần hiểu tình người, nhưng họ biểu hiện không có chút nhân tính, kiểm soát phong tỏa dã man không nói đạo lý.”

“Không phải bạo loạn, mà là đấu tranh cho quyền công dân. Tham nhũng ở mọi cấp độ, chỉ khổ cho người dân ở tầng đáy nhất của xã hội, quan bức dân nổi dậy, dân có ngu đến đâu cũng sẽ có ngày thức tỉnh.”

Những cảnh bi hài khác ở quận Hải Châu

Hôm 14/11, tài khoản Twitter Seabird đăng một đoạn video và nói rằng: “Dịch bệnh Quảng Châu đã bùng phát và mọi người đã bị phong tỏa, kiểm soát. Nghe nói hàng chục nghìn người ở quận Hải Châu bị đưa đi cách ly.”

Một video khác được đăng trên Twitter vào ngày 13/11 cho thấy, một nhóm nhân viên y tế của Bệnh viện Long Đàm quận Hải Châu đang khóc, nói rằng họ đang khóc tại nơi làm việc và dịch bệnh đang lây lan với số lượng lớn, không ai quan tâm tới họ. Họ đã rất mệt mỏi và không thể chịu đựng được thêm.

Lo lắng rằng quận Hải Châu sẽ sớm bị phong tỏa nên nửa đêm người dân đã thức giấc đi mua sắm. Một số thương nhân đã nhân cơ hội này tăng giá, một số nhân viên phòng chống dịch bệnh đã tùy tiện vứt bỏ thực phẩm được phân phát cho người dân.

Tài khoản Athena Farm đăng đoạn video và nói rằng: “Vào ngày 12 tháng 11, đồ tiếp tế bị ném khắp nơi ở quận Lệ Loan. Tiếc thay những ai không được nhận chỉ có thể đến nhặt rau”

Athena Farm lại đăng một đoạn video khác cho thấy, một cư dân Quảng Châu sống ở quận Hải Châu đang đi bộ về nhà. Tại cầu Quảng Châu, một đầu cầu là quận Hải Châu, đầu cầu bên kia là quận Việt Tú, yêu cầu người có mã màu xanh mới được đi qua. Người đàn ông đi được nửa đường, thì mã sức khỏe của anh đột nhiên chuyển sang màu đỏ. Kết quả là anh bị mắc kẹt trên cầu. Không thể quay lại Hải Châu mà cũng không thể đến Việt Tú. Thời chống dịch bệnh, các đường phố đã trở thành trung tâm giam giữ, cách ly.

Athena Farm nói thêm rằng: “Ma thuật phòng chống dịch khiến ai cũng phải phát hoảng, ngay cả người đi trên đường cũng bị mã sức khỏe đánh gục”

Related posts