Mỹ: Bà Pelosi rời ghế lãnh đạo Đảng Dân chủ ở Hạ viện sau chiến thắng của Đảng Cộng Hòa
Sau hai thập kỷ lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi tuyên bố sẽ không tái tranh cử vị trí này vào năm 2023.
“Tôi sẽ không tái tranh cử vị trí lãnh đạo đảng Dân chủ trong Quốc hội khóa tới”, Chủ tịch Hạ viện đương nhiệm Nancy Pelosi (Đảng Dân chủ – Bang California) tuyên bố vào ngày 17/11/2022.
Bà Pelosi cũng cho biết sẽ tiếp tục làm việc tại Hạ viện với tư cách là một Dân biểu.
“Đối với tôi, không có vinh dự nào [cho một công chức] lớn hơn việc được đứng tại phòng họp quốc hội này và lên tiếng cho người dân San Francisco. Tôi sẽ tiếp tục làm điều này với tư cách là một thành viên của Hạ viện lên tiếng cho người dân San Francisco, phục vụ bang California vĩ đại và bảo vệ hiến pháp của chúng ta”.
Bà Pelosi đã lãnh đạo đảng Đảng Dân chủ tại Hạ viện từ năm 2003, trong đó có hai giai đoạn làm Chủ tịch Hạ viện từ 2007-2011 và 2019-2023.
Bà Pelosi tuyên bố quyết định không tái tranh cử vị trí lãnh đạo tại Hạ viện sau khi đảng Cộng hòa giành được đa số tại Hạ viện với tối thiểu 218 ghế vào ngày 17/11/2022 theo giờ Việt Nam (16/11/2022 theo giờ địa phương).
Trong đảng Cộng hòa, Dân biểu Kevin McCarthy (Đảng Cộng hòa – Bang California) đã giành được đề cử của đảng Cộng hòa cho ghế Chủ tịch Hạ viện với 188 phiếu, trong khi đối thủ là Dân biểu Andy Biggs (Đảng Cộng hòa – Bang Arizona) giành được 31 phiếu.
Để trở thành Chủ tịch Hạ viện, người được đề cử phải trải qua một cuộc bỏ phiếu bởi toàn bộ thành viên Hạ viện, bao gồm cả các dân biểu từ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Nếu tất cả 435 dân biểu đắc cử bỏ phiếu, số phiếu đa số sẽ là 218.
Cao Dương
Tỷ phú Elon Musk có thể thôi đảm nhiệm chức vụ CEO ở cả Twitter và Tesla
Tỷ phú Elon Musk có khả năng nhường vai trò điều hành Twitter cho người mới, đồng thời có thể thôi đảm nhiệm vị trí CEO ở Tesla, theo hãng tin Reuters.
Cụ thể, trong phiên tòa diễn ra tại Delaware ngày 16/11, ông Elon Musk bày tỏ hy vọng hoàn tất công tác tái cơ cấu Twitter trong tuần này. Ông cũng cho biết về nguyện vọng giảm thời gian làm việc tại Twitter và sẽ tìm nhà điều hành mới cho nền tảng mạng xã hội này, tuy nhiên, ông không đề cập ai sẽ thay mình. Các vị trí cũ hiện đã bị tỷ phú người Mỹ sa thải hoặc tự nghỉ việc.
Bên cạnh đó, có dấu hiệu cho thấy ông Musk cũng có thể sẽ từ chức CEO tại Tesla. Theo James Murdoch, thành viên hội đồng quản trị Tesla có mặt tại tòa án Delaware trong vai trò nhân chứng, những tháng gần đây, ông Musk đã xác định được người kế nhiệm tiềm năng có thể giữ chức CEO công ty ô tô điện. Tuy nhiên, danh tính nhân vật này chưa được tiết lộ.
Năm ngoái, ông Musk cho hay rằng công ty không có kế hoạch tìm người kế nhiệm. Trong cuộc họp cổ đông hồi tháng 8, ông chia sẻ “tiếp tục ở lại Tesla đến chừng nào mình còn có hữu dụng”. Ông cũng nhận định rằng Tesla có một đội ngũ rất tài năng và tin tưởng hãng xe này sẽ tiếp tục làm rất tốt ngay cả khi không có ông.
Vị tỷ phú này hiện điều hành 5 công ty gồm Twitter, Tesla, SpaceX, Boring Company và Neuralink. Ông có mặt tại tòa án Delaware với vai trò bị đơn trong một vụ kiện của cổ đông về gói thanh toán lương thưởng dành cho ông tại Tesla năm 2018 trị giá 56 tỷ USD. Đơn kiện tố cáo ông Musk đã kiểm soát hội đồng quản trị Tesla trong việc xem xét gói lương thưởng của mình và không tiết lộ thông tin quan trọng này cho các cổ đông. Bên cạnh đó, họ cũng cho rằng khoản thưởng trên là quá lớn và thiên vị. Tuy nhiên, ông Musk khẳng định không đưa ra điều khoản trong kế hoạch trả lương thưởng cho mình mà chỉ tập trung vào việc điều hành doanh nghiệp.
Được biết, ông Musk không nhận lương cơ bản từ Tesla. Thay vào đó, ông nhận được quyền chọn mua cổ phiếu thưởng sau mỗi lần công ty đạt mục tiêu về vốn hóa và tài chính. Gói chi trả duyệt năm 2018 dành cho tỷ phú này gồm quyền chọn mua 101 triệu cổ phiếu, chia làm 12 đợt bằng nhau, sẽ trao mỗi lần công ty đạt mục tiêu.
Phan Anh (Trí Thức VN)
Nga, Trung Quốc và Iran dẫn đầu danh sách các mối đe dọa an ninh đối với Vương quốc Anh
Cơ quan tình báo nội địa Vương quốc Anh (MI5) cho biết hôm 16/11 rằng Anh Quốc đang phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh lớn từ bộ ba Nga, Trung Quốc và Iran, những nước đều sử dụng việc chèn ép, đe dọa và thậm chí bạo lực tại nước ngoài để theo đuổi lợi ích của họ.
Ông Ken McCallum, tổng giám đốc của MI5, đã cảnh báo về mối đe dọa ngày càng tăng đối với chính quyền Anh đến từ Nga và Trung Quốc. Ông cũng chỉ ra Iran là quốc gia “thường xuyên rơi vào ngưỡng [quốc gia] khủng bố nhất”, nói rằng các nhà chức trách Vương quốc Anh đã phát hiện ra ít nhất 10 “mối đe dọa tiềm ẩn” trong năm nay để “bắt cóc hoặc thậm chí giết chết những cá nhân người Anh được coi là kẻ thù của chế độ”.
Ông cho biết các cơ quan tình báo của Iran “sẵn sàng thực hiện hành động liều lĩnh” chống lại các đối thủ, cả trên đất phương Tây lẫn việc bằng cách dụ dỗ mọi người đến Iran.
Tuần trước, chính phủ Anh đã triệu tập nhà ngoại giao hàng đầu của Tehran ở London để yêu cầu chỉnh đốn, cáo buộc nước cộng hòa Hồi giáo đe dọa các nhà báo làm việc tại Anh. Kênh tin tức vệ tinh tiếng Farsi có trụ sở tại Vương quốc Anh Iran International cho biết cảnh sát Anh đã cảnh báo hai nhà báo của họ về “một nguy cơ sắp xảy ra, đáng tin cậy và đáng kể đối với cuộc sống của họ và những người trong gia đình họ”.
Trong một bài phát biểu phác thảo các mối đe dọa chính đối với Vương quốc Anh từ cả các quốc gia thù địch và các nhóm khủng bố, ông McCallum cho biết có nguy cơ Nga, Trung Quốc và Iran có thể giúp đỡ lẫn nhau, “khuếch đại sức mạnh của họ”.
Ông nói: “Chúng tôi đang đối mặt với những kẻ thù lớn và không ngần ngại về các chiến thuật mà họ triển khai.”
Ông cho biết khả năng gián điệp của Nga đã bị giáng một “đòn chiến lược quan trọng” kể từ cuộc xâm lược Ukraine do hơn 400 điệp viên làm việc dưới vỏ bọc ngoại giao tại các cơ quan đại diện của Nga ở châu Âu đã bị trục xuất. Ông cho biết Anh đã trục xuất 23 người trong những năm gần đây và từ chối cấp thị thực cho hơn 100 người khác bị tình nghi là gián điệp Nga giả làm nhà ngoại giao.
Tuy nhiên, ông nói, các điệp viên Anh vẫn đang phải đối mặt với “bộ công cụ bí mật của Nga” bao gồm các âm mưu ám sát, tấn công mạng, thông tin sai lệch, gián điệp và can thiệp vào nền dân chủ.
Ông nói: “Vương quốc Anh phải sẵn sàng cho sự xâm lược của Nga trong nhiều năm tới.”
Ông McCallum coi Trung Quốc là một vấn đề thậm chí còn lâu dài hơn, nói rằng “các hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra thách thức chiến lược mang tính thay đổi cuộc chơi nhiều nhất đối với Vương quốc Anh”.
Ông cho biết nếu như “Nga không nghĩ gì đến việc huých cùi chỏ vào mặt và thường xuyên gian lận để đạt được mục tiêu của mình”, thì “Chính quyền Trung Quốc đưa ra một trật tự thách thức khác. “Họ đang cố viết lại sách luật, mua giải đấu, tuyển nhân viên huấn luyện của chúng tôi làm việc cho họ.”
Ông cáo buộc Bắc Kinh theo dõi, đe dọa, ép buộc và “buộc hồi hương những công dân Trung Quốc và sau đó là quấy rối và hành hung”.
Ông cũng cho biết chính quyền Trung Quốc đang chơi một trò chơi lâu dài, cố gắng định hình nền chính trị Anh bằng cách “tìm cách thu hút và gây ảnh hưởng không chỉ với các nghị sĩ nổi tiếng, mà cả những người tiềm năng [tham gia chính trường] trong đời sống công cộng, dần dần tạo ra một khoản nợ nghĩa vụ”. Ông cho biết các ủy viên hội đồng chính quyền địa phương và các ứng cử viên quốc hội tiềm năng nằm trong số những người nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh.
Ông cho biết các hoạt động như vậy có thể sẽ phát triển khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “củng cố quyền lực vô thời hạn”.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia tuần này, Thủ tướng Rishi Sunak cho biết Trung Quốc đặt ra “một thách thức mang tính hệ thống đối với các giá trị và lợi ích của chúng tôi và nó đại diện cho mối đe dọa lớn nhất dựa trên nhà nước đối với an ninh kinh tế của chúng tôi”.
Tháng trước, người đứng đầu cơ quan tình báo mạng của Anh, GCHQ, đã gọi sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc là “vấn đề an ninh quốc gia sẽ xác định tương lai của chúng ta”.
Ngân Hà (theo SCMP)
Kinh tế Nga chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật
Hôm 16/11 vừa qua, Cơ quan thống kê liên bang Nga (Rossat) đã công bố các số liệu sơ bộ cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý III/2022 giảm 4%, sau khi ghi nhận mức giảm tương tự trong quý II. Theo đó, về mặt kỹ thuật, kinh tế Nga đã rơi vào suy thoái khi tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp, theo hãng tin Bloomberg.
Được biết, mức suy giảm 4% trong quý III thấp hơn mức giảm 4,5% mà các chuyên gia dự báo trước đó. Theo Rossat, mức suy giảm GDP trong quý III có nguyên nhân đến từ việc lĩnh vực bán buôn giảm 22,6% và bán lẻ giảm 9,1%. Trong khi đó, lĩnh vực xây dựng tăng 6,7% và nông nghiệp tăng 6,2%.
Số liệu của Rossat cũng chỉ ra rằng dù kinh tế suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp tại Nga vẫn giữ ở mức 3,9% trong tháng 9. Nền kinh tế Nga đã phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu năng lượng, chiếm khoảng 40% thu ngân sách liên bang.
Đầu tháng 11, ngân hàng trung ương Nga dự báo rằng GDP sẽ giảm 3,5% trong năm nay. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính các mức giảm lần lượt là 3,4% và 4,5%.
Hôm 10/11 vừa qua, Viện trưởng Viện Kiểm toán Liên bang Nga Alexei Kudrin dự báo tốc độ suy giảm GDP của nước này trong năm 2022 sẽ nằm trong khoảng 2,9 – 3,3% và mức suy giảm 0,8% của năm 2023 là thực tế. Tuy nhiên, theo ông Kudrin, vẫn tồn tại những kịch bản phức tạp hơn do phương Tây có khả năng áp đặt các biện pháp hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga hoặc áp giá trần năng lượng.
Phan Anh (Trí Thức VN)
Triều Tiên lại phóng tên lửa sau khi cảnh báo sẽ đáp trả “dữ dội” trước việc Mỹ – Hàn tập trận
Quân đội Seoul cho biết Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo tầm ngắn hôm thứ Năm (17/11). Đây là vụ phóng mới nhất trong loạt vụ phóng kỷ lục trong năm nay, sau khi Bình Nhưỡng cảnh báo về việc sẽ có phản ứng quân sự “dữ dội hơn” đối với Hoa Kỳ và các đồng minh, AFP đưa tin.
Washington đang tìm cách tăng cường hợp tác an ninh khu vực và đẩy mạnh các cuộc tập trận quân sự chung nhằm đối phó với các hành động khiêu khích ngày càng tăng từ Triều Tiên, quốc gia coi tất cả các động thái như vậy tương đương với kế hoạch xâm lược của Mỹ.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thảo luận về các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu tuần này, đồng thời nói chuyện với các nhà lãnh đạo từ Tokyo và Seoul, khi lo ngại gia tăng rằng chế độ Kim sẽ sớm thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ bảy.
Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, Choe Son Hui, cho biết hôm thứ Năm trong một tuyên bố của hãng thông tấn nhà nước KCNA rằng các động thái của Washington nhằm tăng cường “răn đe mở rộng” và tổ chức các cuộc tập trận chung với các đồng minh an ninh khu vực là “hành động ngu ngốc”.
Ông Choe cho biết, Washington càng tăng cường hợp tác an ninh với Tokyo và Seoul thì “phản ứng quân sự của CHDCND Triều Tiên sẽ càng quyết liệt hơn”.
Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết quân đội đã “phát hiện vào khoảng 10h48 sáng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn được bắn từ khu vực Wonsan ở tỉnh Kangwon”.
Quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa đã bay khoảng 240 km ở độ cao 47 km và tốc độ Mach 4.
“Hàn Quốc và Mỹ đã tái khẳng định vị thế phòng thủ chung mạnh mẽ của họ thông qua cuộc tập trận phòng thủ tên lửa chung được tiến hành hôm nay,” tuyên bố nói, đề cập đến một cuộc tập trận đã được lên kế hoạch.
Nhật Bản cũng xác nhận Triều Tiên đã bắn một tên lửa. Văn phòng Thủ tướng Nhật nói rằng các hành động của Bình Nhưỡng, “bao gồm các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên tục đe dọa hòa bình và an toàn của đất nước chúng tôi cũng như các cộng đồng khu vực và quốc tế”.
Triều Tiên đã tiến hành một loạt vụ phóng vào đầu tháng này, bao gồm một loạt vụ phóng vào ngày 2 tháng 11, trong đó nước này đã bắn 23 tên lửa – nhiều hơn cả năm 2017, năm mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un gặp gỡ Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump.
Vụ phóng hàng loạt đó diễn ra khi hàng trăm máy bay chiến đấu của Mỹ và Hàn Quốc, bao gồm cả máy bay ném bom hạng nặng B-1B, tham gia cuộc tập trận chung trên không. Những cuộc tập trận như vậy đã khiến miền Bắc phản đối mạnh mẽ, vốn coi chúng như việc diễn tập cho một cuộc xâm lược.
Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên đang nắm bắt cơ hội tiến hành các vụ thử tên lửa, tự tin thoát khỏi các lệnh trừng phạt tiếp theo của Liên Hợp Quốc do bế tắc liên quan đến Ukraine tại tổ chức này.
Trung Quốc, đồng minh kinh tế và ngoại giao chính của Bình Nhưỡng, đã cùng với Nga hồi tháng 5 phủ quyết một nỗ lực do Mỹ dẫn đầu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.
Nhật Minh (theo AFP)
Người dân Trung Quốc phẫn nộ vì cái chết của trẻ em do việc phong tỏa hà khắc
Chính quyền Trung Quốc đang phải đối mặt với sự tức giận dữ dội của công chúng sau cái chết của một đứa trẻ thứ hai, được cho là do việc thực thi các biện pháp phong tỏa quá mức. Vụ việc đã làm tăng thêm sự bất mãn đối với các biện pháp kiểm soát đang giam giữ hàng triệu người trong nhà và châm ngòi cho các cuộc chiến với nhân viên y tế.
Theo các bản tin và bài đăng trên mạng xã hội, bé gái 4 tháng tuổi đã qua đời sau khi bị nôn mửa và tiêu chảy trong khi bị cách ly tại một khách sạn ở trung tâm thành phố Trịnh Châu. Người cha của bé gái này đã mất tới 11 tiếng để gọi được hỗ trợ, do các dịch vụ khẩn cấp chậm trễ và cuối cùng bé gái được đưa đến bệnh viện cách đó tới 100 km.
Theo các bản tin và phương tiện truyền thông xã hội, bé gái 4 tháng tuổi ở Trịnh Châu và cha của em đã được đưa đi cách ly vào thứ Bảy.
Một tài khoản trên mạng xã hội cho biết người cha, được xác định là Li Baoliang, nói rằng anh bắt đầu gọi đến đường dây nóng khẩn cấp vào trưa thứ Hai sau khi bé bị nôn mửa và tiêu chảy. Anh cho biết đường dây nóng trả lời rằng bé gái không ốm nặng đến mức cần được chăm sóc khẩn cấp. Tài khoản này cho biết nhân viên y tế tại khu vực cách ly sau đó đã gọi xe cấp cứu nhưng bị từ chối xử lý vì người cha có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.
Bé gái cuối cùng đã đến bệnh viện lúc 11 giờ tối nhưng đã không qua khỏi mặc dù đã được nỗ lực hồi sức, tài khoản này cho biết.
Tài khoản được cho là của người cha đã phàn nàn rằng đường dây nóng khẩn cấp hoạt động không đúng cách, các bệnh viện gần đó không sẵn sàng giúp đỡ và bệnh viện nơi họ đến đã không cung cấp “điều trị kịp thời” và cung cấp cho anh ta thông tin “sai lệch nghiêm trọng”.
Chính quyền thành phố Trịnh Châu cho biết vụ việc đang được điều tra, theo các bản tin.
Sự vụ gây chết người này xảy ra sau khi Đảng Cộng sản cầm quyền hứa trong tháng 11 rằng những người bị cách ly sẽ không gặp khó khăn nếu cần trợ giúp khẩn cấp, sau làn sóng phản đối kịch liệt về cái chết của một cậu bé 3 tuổi ở khu vực tây bắc. Cha của bé đổ lỗi cho các nhân viên y tế ở thành phố Lan Châu đã cố ngăn anh đưa con trai đến bệnh viện.
Người dùng Internet bày tỏ sự tức giận trước chiến lược Zero-COVID của Đảng Cộng sản cầm quyền và yêu cầu trừng phạt các quan chức ở Trịnh Châu vì đã không giúp đỡ người dân.
“Một lần nữa, lại có người chết vì các biện pháp phòng chống dịch bệnh quá mức”, một người dùng viết trên nền tảng Sina Weibo. “Họ đặt chức vụ của mình lên trên mọi thứ khác.”
ĐCSTQ đã hứa vào tuần trước sẽ nới lỏng kiểm dịch và các hạn chế khác theo chiến lược Zero COVID. Chiến lược này được cho là đã giữ cho số lượng lây nhiễm của Trung Quốc thấp hơn so với Hoa Kỳ và các quốc gia lớn khác, nhưng khiến các khu dân cư, trường học và doanh nghiệp phải đóng cửa trong nhiều tuần liền. Cư dân của một số khu vực phàn nàn rằng họ không có thức ăn và thuốc men.
Số ca nhiễm tăng đột biến trong hai tuần qua đã khiến các quan chức ở các khu vực trên khắp Trung Quốc phải cách ly các gia đình trong căn hộ chật chội của họ hoặc ra lệnh cách ly mọi người nếu chỉ phát hiện một ca nhiễm duy nhất tại nơi làm việc hoặc khu vực lân cận của họ.
Vào thứ Năm, chính phủ đã báo cáo 23.276 trường hợp nhiễm mới ở các khu vực trong cả nước; 20.888 người trong số họ không có triệu chứng.
Lê Vy (theo AFP)