Lam Giang
Nga từng là người chơi áp đảo tại triển lãm hàng không được tổ chức hai năm một lần của Trung Quốc. Tuy nhiên, tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 14 gần đây, một công ty quốc phòng của Moscow đã chiếu video quay cảnh một máy bay quân sự của Nga cho nổ tung một tàu chiến Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng, động thái này chính là ‘ngụ ý’ của Nga.
Triển lãm Quốc tế Hàng không Trung Quốc kéo dài sáu ngày, khai mạc vào ngày 8/11 tại thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, đã thu hút sự chú ý của công chúng trong bối cảnh đang diễn ra cuộc chiến Nga – Ukraine.
Hôm 10/11, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc Global Times đưa tin, quy mô của gian hàng Rosoboronexport năm nay đã thu hẹp đáng kể. Rosoboronexport là nhà xuất khẩu vũ khí Nga thuộc Tập đoàn Nhà nước Rostec, chuyên xuất khẩu toàn bộ các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ quân sự, lưỡng dụng. Gian hàng này vốn có “một màn hình video để giới thiệu máy bay chiến đấu tàng hình Su-57E do Nga phát triển, máy bay chiến đấu siêu cơ động Su-35, máy bay chiến đấu-ném bom Su-34E, v.v”.
Năm nay, đội biểu diễn nhào lộn Hiệp sĩ Nga và Swifts của lực lượng không quân Nga không tham dự triển lãm. Đây từng là những người biểu diễn ấn tượng nhất tại triển lãm hàng không Chu Hải. Lực lượng không quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trở thành đơn vị biểu diễn máy bay duy nhất tại triển lãm.
Tại triển lãm hàng không Chu Hải lần thứ 11 năm 2016, Nga cử lực lượng tham dự đông đảo hơn. Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã quảng cáo rầm rộ [về quy mô tham dự của Nga] ngay trước thềm triển lãm hàng không từ ngày 1/11/2016.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc, 49 công ty công nghiệp quốc phòng và công nghệ lưỡng dụng của Nga đã tham gia triển lãm năm nay, với hơn 220 thiết bị quân sự được trưng bày tại gian hàng.
Phi đội bay biểu diễn “Hiệp sĩ Nga”, được thành lập vào tháng 4/1991, đã thực hiện chuyến đi đầu tiên đến Trung Quốc để tham dự triển lãm hàng không vào năm 1998. Kể từ đó, phi đội bay này cũng tham dự các sự kiện tương tự vào các năm 2000, 2006, 2012, 2014 và 2016. Đội trình diễn nhào lộn trên không Swifts, được thành lập vào tháng 5/1991, cũng tham gia triển lãm hàng không của Trung Quốc từ năm 2004. Hai phi đội đã có màn trình diễn đội hình phối hợp tại triển lãm hàng không Chu Hải 2016.
Chuyên gia: Lực lượng Không quân Nga bị thiệt hại trong Chiến tranh Ukraine
Hôm 13/11, nhà bình luận các vấn đề thời sự của Trung Quốc đang sinh sống tại Hoa Kỳ Trần Phá Không (Chen Baokong) đã phân tích những lý do đằng sau việc Nga điều động một lực lượng “khiêm tốn” để tham gia vào triển lãm lần này của Trung Quốc.
Ông cho hay, cộng đồng quốc tế đã chế giễu máy bay chiến đấu và sức mạnh không quân của Nga vì thành tích kém cỏi của họ trong cuộc chiến ở Ukraine. Do đó, Nga không có đủ tự tin như trước đây để phô trương sức mạnh quân sự của mình tại triển lãm hàng không Trung Quốc.
“Các máy bay chiến đấu của Nga đã bị lực lượng Ukraine tiêu diệt với số lượng lớn, vì vậy Nga cảm thấy bị sỉ nhục”, ông Trần nói.
“Hơn nữa, lực lượng không quân Nga đã vấp phải khó khăn trên chiến trường Ukraine; nên chắc chắn họ không có khả năng tham gia triển lãm hàng không Chu Hải. Nói cách khác, lý do thực sự đằng sau việc Nga xuất hiện với lực lượng mỏng trong triển lãm hàng không là vì nước này đã bị ảnh hưởng nặng nề trong chiến tranh Nga – Ukraine”.
Không quân Trung Quốc đã phô diễn máy bay chiến đấu tàng hình J-16 và J-20 tại sự kiện. Một số nhà phân tích cho rằng, điều này cho thấy Trung Quốc đang vượt Nga về sức mạnh quân sự.
Tuy nhiên, ông Trần nói rằng, trong quá khứ, chính quyền Trung Quốc đã miễn cưỡng trưng bày máy bay quân sự của mình vì máy bay chiến đấu J-16 của họ là mô phỏng của máy bay chiến đấu Su-30 của Nga. Ông nói, Trung Quốc sợ vướng vào tranh chấp sở hữu trí tuệ với các kỹ sư Nga.
Video: Máy bay Nga cho nổ tung tàu chiến Trung Quốc
Trong một đoạn video do Nga chiếu tại triển lãm hàng không Chu Hải, một máy bay chiến đấu MiG-29 do Nga sản xuất đã phóng tên lửa chống hạm tấn công một tàu chiến Trung Quốc và khiến nó bốc cháy ngay lập tức.
Một phương tiện truyền thông quân sự trực tuyến của Trung Quốc đã bình luận về video này rằng: “Thoạt nhìn, đó chỉ là một video bình thường do máy tính tạo ra, nhưng khi quý vị nhìn kỹ hơn vào ‘tàu địch’ bị đánh bom, tại sao trông nó lại quen mắt đến vậy? Hóa ra tàu chiến bị ném bom là tàu khu trục 052D của Trung Quốc”.
“Cảnh tượng này thực sự quá khó xử. Xét cho cùng, Trung Quốc và Nga [là] những đối tác chiến lược”, bài báo viết.
Tác giả của bài báo cho rằng, Ấn Độ đã tham gia vào việc sản xuất video này. “Một số người nói rằng, phía Nga đã thuê một công ty Ấn Độ để sản xuất video quảng cáo này. Nói cách khác, phía Ấn Độ đã cố tình thay thế tàu mục tiêu của cuộc tấn công từ máy bay chiến đấu của Nga bằng một tàu chiến của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, hôm 11/11, tờ báo Eurasia Times của Ấn Độ đã phủ nhận cáo buộc này. Tờ báo nói rằng, cảnh quay trong video là do sự nhầm lẫn của phía Nga và không liên quan gì đến Ấn Độ.
Về vấn đề này, ông Trần nhận xét rằng, không thể có chuyện phía Nga không xem lại video quảng cáo trước triển lãm hàng không
“Nhưng đây chính là ngụ ý của phía Nga”, ông nói. “Nga đã nói rõ trong video rằng, kẻ thù thực sự mà họ muốn tiêu diệt là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Phía Trung Quốc tuyên bố 052D của họ là tàu chiến hạng nhất, nhưng Moscow ám chỉ rằng, nó không thể sánh bằng nỗ lực chiến tranh của Nga”.
Theo ông Trần, Nga đã cố tình phát đoạn video tại triển lãm hàng không Chu Hải để gửi cho chính quyền Trung Quốc hai thông điệp. Thứ nhất, Nga không hài lòng với việc Trung Quốc sao chép công nghệ của họ. Thứ hai, Nga đang cho cộng đồng quốc tế thấy rằng, kẻ thù thực sự của họ không phải là Hoa Kỳ hay Ukraine, mà là ĐCSTQ.
Lam Giang