Lầu Năm Góc: Nga đang làm kiệt quệ hệ thống phòng không Ukraine

Lam Giang

Một hệ thống hỏa lực phóng loạt BM-21 ‘Grad’ của Ukraine đang phóng một tên lửa về phía các vị trí của Nga trên chiến tuyến ở khu vực Kharkiv, Ukraine vào ngày 3/11/2022. (Ảnh: Ihor Tkachov/AFP/Getty Images)

Hôm thứ Bảy (19/11), một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho rằng, việc Nga gia tăng các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Ukraine nhằm mục đích làm cạn kiệt nguồn cung cấp hệ thống phòng không của Kyiv và cuối cùng giành quyền kiểm soát hoàn toàn không phận nước này.

Nga đang dội tên lửa xuống các thành phố trên khắp Ukraine trong tuần qua. Đây được coi là một trong những đợt tấn công tên lửa mạnh mẽ nhất kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự vào cuối tháng 2/2022, theo hãng tin Reuters.

Ukraine cho biết, các cuộc không kích đã làm tê liệt gần một nửa hệ thống năng lượng của nước này, có thể dẫn tới “một thảm họa nhân đạo tiềm ẩn khi mùa Đông đến”.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl phát biểu tại Diễn đàn Mỹ – Thế giới Hồi giáo vào ngày 1/6/2015 tại thủ đô Doha của Qatar. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl cảnh báo, Moscow cũng hy vọng sẽ làm kiệt quệ hệ thống phòng không của Ukraine vì đây chính là rào chắn ngăn cản quân đội Nga thiết lập sự thống trị trên bầu trời Ukraine.

“Nga đang cố gắng áp đảo và làm cạn kiệt các hệ thống phòng không của Ukraine – hệ thống vốn đã ngăn cản quân đội Nga thiết lập quyền kiểm soát bầu trời Ukraine. Chúng tôi biết lý thuyết chiến thắng của Nga là gì và chúng tôi cam kết đảm bảo Ukraine sẽ có được những gì họ cần để duy trì khả năng phòng không”, ông Colin Kahl nhấn mạnh.

Sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hôm 24/2, nhiều chuyên gia quân sự phương Tây dự đoán rằng, quân Nga sẽ nhanh chóng xóa sổ lực lượng không quân và hệ thống phòng không của Ukraine. Đây chính là yếu tố cốt lõi của chiến lược quân sự hiện đại, cho phép yểm trợ tốt hơn cho các lực lượng trên bộ tiến công.

Thay vào đó, quân đội Ukraine đã đe dọa máy bay Nga với tên lửa đất đối không cùng các hệ thống phòng không khác. Những thất bại sớm và nghiêm trọng này là yếu tố then chốt dẫn đến những bước thụt lùi của Nga ở chiến trường Ukraine, và phải trả cái giá rất lớn về nhân mạng và thiết bị quân sự.

“Tôi nghĩ, có lẽ một trong những điều khiến Nga ngạc nhiên nhất chính là khả năng phòng không mạnh mẽ của Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra. Phần lớn, đó là nhờ sự khéo léo và thông minh của chính người Ukraine trong việc giữ cho hệ thống phòng không của họ hoạt động. Nhưng cũng nhờ Mỹ và các đồng minh và đối tác khác đã hỗ trợ rất nhiều”, cố vấn chính sách hàng đầu của Lầu Năm Góc nói thêm.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine tại một cuộc họp trực tuyến mà ông chủ trì từ Lầu Năm Góc. Phương Tây đã và đang cung cấp nhiều hệ thống phòng không cho Ukraine từ các hệ thống cũ từ thời Liên Xô đến các hệ thống hiện đại hơn.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng quốc phòng của một số nước ngày 16/11, ông Austin cho biết Mỹ sẽ làm việc với Ba Lan để thu thập thêm thông tin về vụ nổ và ông sẽ không đổ lỗi cho bên nào.

Hệ thống phóng tên lửa NASAMS (Nguồn: Hình ảnh từ trang web của hãng phát triển hệ thống tên lửa NASAMS là Kongsberg, Na Uy).

Hệ thống phòng không NASAMS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine có tỷ lệ thành công 100% trong việc đánh chặn tên lửa Nga, ông Austin cho biết.

NASAMS là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất được phát triển ở phương Tây cho đến nay, có khả năng tấn công nhiều mục tiêu trên không, từ máy bay đến tên lửa hành trình và máy bay không người lái.

NASAMS có tầm bắn khoảng 40 km, tầm cao đánh chặn khoảng 15 km. Một tổ hợp NASAMS gồm một radar trinh sát MPQ-64 Sentinel và ba bệ phóng, mỗi bệ phóng được trang bị sáu tên lửa. Phiên bản NASAMS II có radar tiên tiến hơn và bốn bệ phóng, mỗi bệ phóng có ba tên lửa. Hệ thống này có tính cơ động cao, có thể đặt trên xe kéo hoặc xe tải cỡ vừa.

NASAMS có thể phóng tên lửa dẫn đường bằng radar AIM-120 AMRAAM cũng như tên lửa tầm nhiệt AIM-9X, phiên bản mới nhất của Sidewinder được triển khai từ những năm 1950.

Bên cạnh đó, Mỹ đã cung cấp hơn 1.400 hệ thống phòng không Stinger cùng với các radar chống pháo binh và do thám trên không cho Ukraine.

Lam Giang

Related posts