Quang Nhật
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine, nằm dưới sự kiểm soát của Nga, đã bị rung chuyển bởi pháo kích vào Chủ nhật (20/11), khiến cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc lên án vì cho rằng các cuộc tấn công như vậy có nguy cơ gây ra thảm họa lớn.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết hơn chục vụ nổ đã làm rung chuyển nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu vào tối thứ Bảy (19/11) và Chủ nhật (20/11) vừa qua, theo Reuters.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nằm ở đông nam Ukraina là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở Châu Âu và trong số 10 nhà máy lớn nhất trên thế giới. Nhà máy được Liên Xô xây dựng gần thành phố Enerhodar, trên bờ phía nam của Kakhovka Reservoir trên sông Dniepr. Hiện tại nhà máy này đang nằm ở khu vực mà Nga kiểm soát.
Moscow và Kiev đều đổ lỗi cho nhau về vụ pháo kích.
“Các vụ nổ xảy ra tại địa điểm của nhà máy điện hạt nhân này là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Bất cứ ai đứng sau vụ này phải dừng lại ngay lập tức. Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, các vị đang đùa với lửa!”, đại diện IAEA nói trong một tuyên bố.
Trích dẫn thông tin do quản lý nhà máy cung cấp, nhóm IAEA tại hiện trường cho biết đã có thiệt hại đối với một số tòa nhà, hệ thống và thiết bị. May mắn là cho tới nay không có thiết bị nào quan trọng đối với an toàn và an ninh hạt nhân bị hư hại.
Nhóm IAEA dự định tiến hành đánh giá [an toàn] vào thứ Hai, ông Grossi cho biết trong một tuyên bố được đưa ra sau đó vào Chủ nhật, theo Reuters.
Về phía Nga, nhà điều hành năng lượng hạt nhân Nga Rosenergoatom cho rằng IAEA không thể có quyền điều tra không giới hạn khi tiếp cận nhà máy năng lượng hạt nhân lớn nhất Châu Âu này.
Phía Nga cho rằng IAEA đã mô tả nhiệm vụ thanh tra nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia theo kiểu ‘không có giới hạn tiếp cận’. Ông Renat Karchaa, cố vấn cho Giám đốc điều hành của Rosenergoatom, nói với hãng tin Tass (của Nga) rằng thực tế IAEA không cần phải tiếp cận không giới hạn như vậy.
Phát ngôn của Rosenergoatom nói: “Nếu IAEA muốn kiểm tra một cơ sở không liên quan gì đến an toàn hạt nhân, quyền tiếp cận của họ sẽ bị từ chối”.
Các đợt pháo kích liên tiếp nhắm vào nhà máy điện hạt nhân ở miền nam Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Nhà máy này chỉ cách địa điểm xảy ra tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới, thảm họa Chornobyl năm 1986, 500 km (300 dặm).
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cung cấp khoảng 1/5 điện năng của Ukraine trước khi Nga đưa quân vào Ukraine. Các lò phản ứng điều độ của Nhà máy có chứa Uranium 235.
Các lò phản ứng ngừng hoạt động nhưng có nguy cơ nhiên liệu hạt nhân có thể bị quá nóng nếu nguồn điện làm mát hệ thống bị cắt.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã nã đạn vào đường dây điện cung cấp cho nhà máy. Truyền thông của Nga đưa tin một số cơ sở lưu trữ đã bị Ukraine pháo kích; đó là cơ sở lưu trữ chất thải hạt nhân khô và một tòa nhà chứa nhiên liệu hạt nhân mới, nhưng hiện tại không có phát thải phóng xạ nào được phát hiện, theo TASS.
Phía Ukraine lại đổ lỗi cho Nga đã tự tấn công vào cơ sở Nhà máy điện hạt nhân nằm dưới sự quản lý của họ. Công ty năng lượng hạt nhân Energoatom của Ukraine cáo buộc quân đội Nga nã pháo vào địa điểm này và cho biết có ít nhất 12 phát đạn trúng cơ sở hạ tầng của nhà máy.
Quang Nhật
Theo Reuters