Đội tuyển bóng đá Iran có thể bị bắt khi về nước vì từ chối hát quốc ca
Các thành viên của đội tuyển bóng đá Iran đã đứng im lặng trong khi bài quốc ca của đất nước họ vang lên trước trận đấu với Anh ở FIFA World Cup 2022. Nhiều suy đoán cho rằng họ có thể phải đối mặt với hậu quả ở quê nhà.
Protest by Iranian fans – booing their own national anthem ahead of match against England. #Qatar2022 #iran pic.twitter.com/3YN5V2y7BO
— Jonathan Swain (@SwainITV) November 21, 2022
Các cầu thủ Iran đã bày tỏ sự đoàn kết với những người biểu tình Iran trong nước, vốn đang thể hiện sự phản kháng mạnh mẽ sau cái chết của cô Mahsa Amini, 22 tuổi, người Kurd, trong khi bị chính phủ giam giữ vì tội đội khăn trùm đầu không đúng cách ở thủ đô Tehran.
Một dòng tweet từ phóng viên Good Morning Britain Jonathan Swain cho thấy những người hâm mộ Iran đang la ó quốc ca của chính họ. Người Iran trên mạng xã hội đã chỉ ra rằng quốc ca không phải của Iran mà thực ra là của Cộng hòa Hồi giáo, cả hai có sự khác biệt rõ ràng.
Thời báo New York đã tweet rằng những người hâm mộ Iran cũng mang theo những tấm biển bên trong Sân vận động Quốc tế Khalifa ở Doha ở Qatar có nội dung “Tự do cho Iran” và “Phụ nữ, Cuộc sống, Tự do”. Ngoài ra còn có những người hâm mộ bên ngoài sân vận động mang theo lá cờ của Ba Tư và không được phép vào bên trong để xem trận đấu.
Một video được Iran International chia sẻ trên Twitter cho thấy người Iran ở quận Shahran của Tehran đã cổ vũ đội của họ dù thua cuộc 6-2 trước tuyển Anh, thậm chí còn hô vang “cái chết cho kẻ độc tài”.
Các báo cáo trước trận đấu cho biết chính quyền Iran đã yêu cầu không đề cập đến các cuộc biểu tình trong nước trong suốt thời gian diễn ra World Cup.
Trước phản ứng của các cầu thủ Iran, ông David E. Guinn, giáo sư nghiên cứu về luật quốc tế và nhân quyền của Đại học Albany, nói với Newsweek rằng không chỉ các cầu thủ Iran mà gia đình của họ “có thể phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm giam giữ và/hoặc bắt giữ”.
Ông Guinn nói: “Chế độ Iran đã thể hiện rõ ràng quyết tâm và sự tàn nhẫn của mình trong việc tìm cách dập tắt tình trạng bất ổn đó, đặc biệt là ở những nơi công cộng. “Mặc dù vị thế trước công chúng của các cầu thủ có thể bảo vệ họ trong một thời gian, đặc biệt là khi họ đang thi đấu tại World Cup, nhưng vị thế đó cũng sẽ khiến họ trở thành mối quan tâm lớn hơn đối với chế độ. Họ không muốn những cá nhân nổi bật bước lên phía trước để nuôi dưỡng ngọn lửa [phản kháng].”
Những người trên khán đài, nhiều người trong số họ đã được truyền hình công chiếu, cũng có thể gặp nguy hiểm.
Ông Guinn nói: “Tôi không nghi ngờ gì về việc Lực lượng Bảo vệ Cách mạng của các dịch vụ an ninh Iran sẽ cố gắng xác định danh tính của họ, đặc biệt là những người mang biểu ngữ, và tìm hiểu lý lịch của họ để tìm kiếm bất cứ điều gì có thể biện minh cho việc giam giữ hoặc bắt giữ họ. “Mặc dù họ có thể là mục tiêu không quan trọng lắm vì họ không nổi tiếng, nhưng các dịch vụ an ninh tối thiểu sẽ muốn đặt họ dưới sự giám sát khi họ quay trở lại.”
Scott Sullivan, giáo sư về luật công quốc tế và nhân quyền tại Đại học Bang Louisiana, nói với Newsweek rằng “Chế độ Iran đã thể hiện sự sẵn sàng đưa ra những hình phạt khắc nghiệt đối với những người tìm cách thu hút sự chú ý đến các vi phạm nhân quyền của họ, vì vậy thật dễ dàng để tưởng tượng những người chơi sẽ bị trừng phạt… Sự nổi tiếng của họ có thể bảo vệ họ khỏi bị trừng phạt trực tiếp, nhưng tất nhiên, chính sự nổi tiếng đó khiến họ trở thành mối nguy hiểm mà chế độ khó có thể bỏ qua.”
Minh Ngọc (theo Newsweek)
Nga không được mời tham dự Hội nghị An ninh Munich năm 2023
Hội nghị An ninh Munich (MSC) sẽ diễn ra vào tháng 2/2023, nhưng Nga sẽ không được mời tham gia.
Hôm thứ Hai (21/11), cựu Đại sứ Đức tại Liên Hợp Quốc Christoph Heusgen, chủ tịch mới của MSC, thông báo trên Twitter rằng các quan chức Nga sẽ không được mời tham dự MSC lần thứ 59 diễn ra từ ngày 17/2 đến 19/2/2023 tại thành phố Munich của Đức. Tại hội nghị này, các nhà ngoại giao cấp cao toàn cầu dự kiến sẽ thảo luận về chính sách an ninh và đối ngoại.
Đây là một sự kiện thường có sự tham dự của các lãnh đạo quốc gia và chính phủ, các bộ trưởng cũng như các đại diện của các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân và giới truyền thông.
Trên Twitter, ông Heusgen nhấn mạnh: “Các quan chức Nga sẽ không được mời tham dự MSC 2023. Chúng tôi sẽ không cung cấp cho họ một nền tảng để tuyên truyền. Chúng tôi muốn thảo luận tương lai của nước Nga với những nhà lãnh đạo phe đối lập Nga và những người lưu vong. Tiếng nói của họ cần được lắng nghe và truyền rộng.”
Trang web của MSC cho biết, sự kiện năm 2023 sẽ mang đến “cơ hội để tìm hiểu sự gắn kết trong Liên minh cũng như cam kết chính trị đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”
Trên trang web của mình, MSC lưu ý: “Cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine, bắt đầu chỉ vài ngày sau Hội nghị An ninh Munich năm 2022, đánh dấu một ‘bước ngoặt’. Cuộc chiến xâm lược này không chỉ gây ra đau khổ to lớn ở Ukraine, mà còn làm trầm trọng các cuộc khủng hoảng ở những nơi khác trên thế giới.”
Một số vấn đề sẽ tiếp tục được làm sáng tỏ tại hội nghị năm 2023, bao gồm thế giới đang ở tình trạng nào sau một năm kể từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga, và liệu đó có phải là điềm báo trước cho tình trạng bạo lực nhiều hơn khi tội ác không bị trừng phạt.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tham dự MSC năm nay chỉ vài ngày trước khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ coi hội nghị này là một cơ hội gặp gỡ các đồng minh và đối tác NATO để thảo luận về “những nỗ lực phối hợp, liên tục nhằm thúc giục Nga xuống thang và chọn phương thức ngoại giao, cũng như sự sẵn sàng của chúng tôi để bắt Nga phải trả giá nặng nề nếu tiếp tục tiến hành xâm lược Ukraine.”
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham dự MSC đầu tiên của mình vào năm 2021, như một cách để cải thiện mối quan hệ với các đối tác châu Âu.
Các sự kiện liên quan đến người Nga cũng như các nghệ sĩ quốc tế dự định biểu diễn ở Nga đã thay đổi đáng kể kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24/2.
Ban nhạc Green Day và diễn viên hài Louis C.K đã hủy bỏ các sự kiện ở Nga, trong khi Met Opera và Liên hoan phim Cannes cấm các nghệ sĩ liên minh với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Giải đua xe tốc độ Thể thức 1 (Formula One) đã chấm dứt hợp đồng với Grand Prix Nga, trong khi Spotify đình chỉ cả đăng ký phát trực tiếp miễn phí và trả tiền ở Nga.
Reuters đưa tin vào tháng trước rằng các vận động viên Nga và Belarus sẽ tiếp tục bị cấm thi đấu trượt tuyết. Lệnh cấm ban đầu chỉ áp dụng cho mùa giải 2021 – 2022, nhưng sau đó đã được gia hạn.
Gia Huy (theo Newsweek)
Nhật Bản: In thông điệp lên giấy vệ sinh nhằm ngăn chặn giới trẻ tự tử
Mới đây, giới chức tỉnh Yamanashi (Nhật Bản) đang tiến hành thử nghiệm một hướng tiếp cận mới nhằm góp phần giải quyết vấn nạn tự tử tồn tại bấy lâu nay ở quốc gia này, đó là, in lên giấy vệ sinh thông điệp động viên tinh thần cho những người có ý định tự tử, theo tờ Japan Today.
“Gửi bạn, người có thể muốn kết thúc tất cả”, “Gửi bạn, người đang trải qua những ngày đau khổ khi giả vờ mọi thứ đều ổn vì yên lòng mọi người”, “Bạn không cần phải kể với chúng tôi tất cả mọi thứ, nhưng chỉ một chút thôi thì sao?”… là những dòng thông điệp trên 6.000 cuộn giấy vệ sinh được phân phát tới 12 trường đại học trên toàn tỉnh Yamanashi vào tháng trước để giúp đỡ những người trẻ đang âm thầm muốn từ bỏ cuộc sống.
Giới chức trách cho rằng việc in lên giấy vệ sinh số điện thoại đường dây nóng và các thông điệp trấn an, khuyên nhủ người trẻ vượt qua ý định tự tử có thể là một cách tiếp cận hiệu quả.
Được biết, tự tử là một vấn nạn lâu nay trong xã hội Nhật Bản. Tương tự như nhiều quốc gia khác, số ca tử vong do tự tử ở Nhật Bản đã tăng đột biến trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19. Theo truyền thông Nhật Bản trích thông tin từ Bộ Giáo dục cho biết, số vụ tự tử ở trẻ em tại nước này đã đạt mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ qua.
Cụ thể, theo Bộ Giáo dục, khi đại dịch COVID-19 khiến trường học phải đóng cửa và làm gián đoạn lớp học vào năm 2020, có 415 trẻ em từ độ tuổi tiểu học đến trung học được ghi nhận là đã tự kết liễu đời mình.
Tự tử xảy ra khá phổ biến ở Nhật Bản như một cách để tránh xấu hổ hoặc nhục nhã. Tỷ lệ tự tử của nước này từ lâu đã đứng đầu Nhóm G7. Chính phủ Nhật đã nỗ lực để giảm thiểu tỷ lệ này ở mức khoảng 40% trong 15 năm, bao gồm 10 năm liên tiếp giảm từ năm 2009. Tuy vậy, khi COVID-19 càn quét đất nước, các vụ tự tử gia tăng trở lại vào năm 2020. Tự tử đặc biệt tăng mạnh ở phụ nữ do căng thẳng tình cảm hoặc lý do tài chính gây ra bởi dịch bệnh.
Phan Anh (Trí Thức VN)