Vụ gây thiệt hại hơn 60 tỷ đồng: Cựu Thứ trưởng Y tế cùng loạt cán bộ được đề nghị án treo
Với cáo buộc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 3,8 triệu USD, cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang được Viện kiểm sát đề nghị mức án 30 – 36 tháng tù cho hưởng án treo.
Trưa 22/11, sau hơn một ngày xét hỏi, VKSND Hà Nội công bố bản luận tội, đánh giá ông Quang 15 năm trước khi giữ chức Thứ trưởng Y tế đã thiếu trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra, khiến doanh nghiệp chiếm đoạt tài sản Nhà nước. Song bị cáo được xét các tình tiết giảm nhẹ do cao tuổi, sức khỏe kém, có nhiều thành tích trong công tác.
Cùng bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285, Bộ luật Hình sự năm 1999 như ông Quang, 4 bị cáo là các cựu cán bộ thuộc Bộ Y tế, bị VKS đề nghị 18 tháng tù treo đến 3 năm tù.
Cụ thể, ông Dương Huy Liệu (cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính) 24-30 tháng tù treo.
Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ phó Vụ Kế hoạch Tài chính) 24- 30 tháng tù.
bà Phạm Thị Minh Nga (cựu chuyên viên Vụ Kế hoạch Tài chính) 18-24 tháng tù treo và ông Nguyễn Việt Hùng (cựu Cục phó Quản lý Dược) 30-36 tháng tù.
Sáng nay, chủ tọa công bố Đơn xin vắng mặt của bị cáo Quang với lý do sức khỏe và được HĐXX chấp thuận.
Ba bị cáo là cựu lãnh đạo Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điều 356 Bộ luật Hình sự. Trong đó, cựu Tổng giám đốc Lương Văn Hóa bị đề nghị 9-10 năm tù, mức án cao nhất trong 8 bị cáo.
Ông Hóa bị đánh giá là chủ mưu, người chịu trách nhiệm cao nhất trong sai phạm. Ông biết rõ các quy định của Nhà nước và điều khoản của Hợp đồng sản xuất thuốc ký với Bộ Y tế song cố tình chỉ đạo cấp dưới, hạch toán gian dối, tạo tài liệu giả, báo cáo gián dối Bộ Y tế nhằm giữ lại 3,84 triệu USD, tiền của ngân sách Nhà nước, để sử dụng tại công ty.
Hai cấp dưới của ông Hóa, Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu Kế toán trưởng) và Ngô Hữu Hiếu Nghĩa (cựu Giám đốc chi nhánh TP.HCM) cùng bị đề nghị 6-7 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thanh Tòng (cựu Phó tổng giám đốc Dược Cửu Long) đã chết trước ngày mở phiên tòa, được HĐXX đình chỉ xét xử.
Với thiệt hại 3,84 triệu USD (tương đương 62 tỷ đồng năm 2006), HĐXX ghi nhận các bị cáo đã nộp lại tổng khoảng 2 tỷ đồng, trong đó riêng ông Quang khắc phục 1,5 tỷ đồng. Số tiền còn lại, VKS đề nghị Tòa tuyên buộc các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải có trách nhiệm nộp lại.
Trong quá trình xét hỏi, cơ bản các bị cáo thừa nhận hành vi sai phạm, song đề nghị HĐX xem xét bối cảnh, động cơ và mức độ sai phạm. Cựu thứ trưởng Quang cho rằng quản lý tài chính không thuộc trách nhiệm của ông, sai lầm của ông nằm ở việc tin tưởng cấp dưới mà không xem xét lại. Ông thừa nhận có thiếu sót, song không trực tiếp gây ra thất thoát 3,84 triệu USD.
Trong khi các thuộc cấp của ông ở bộ Y tế nhận trách nhiệm, không kiểm tra, đối chiếu tài liệu, hợp đồng, do bận nhiều việc và nhận thức hạn chế.
Đại diện VKS cũng cho hay, trong thời gian phòng chống dịch cúm A (H5N1) đã xảy ra những sai phạm liên quan đến Công ty Dược phẩm Cửu Long, khiến Nhà nước bị thiệt hại 3,8 triệu USD. Để xảy ra thiệt hại nêu trên cũng do các cá nhân của Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, thực hiện không đầy đủ chức trách được giao.
Hội An
Vụ buôn lậu máy móc, thiết bị 217 tỷ đồng: Truy tố 2 cựu công an TP.HCM
Cáo trạng của Viện KSND TP.HCM xác định 2 cựu cán bộ công an TP.HCM và 24 đồng phạm buôn lậu tổng giá trị tài sản hơn 217 tỷ đồng.
Ngày 22/11, VKSND TP.HCM cho biết đã hoàn tất cáo trạng truy tố Hoàng Duy Tiến (cựu cán bộ Đội 7, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu – PC03, Công an TP.HCM), Võ Văn Đông (cựu công an PC03) và 24 bị can khác về tội “Buôn lậu”.
Trong vụ án này, bị can Hoàng Duy Tiến được xác định là chủ mưu, Võ Văn Đông và các bị can khác bị truy tố với vai trò đồng phạm.
Theo cáo trạng, trong thời gian dài, Hoàng Duy Tiến cùng các bị can đã nhập trái phép số lượng đặc biệt lớn máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ Nhật Bản, Trung Quốc vào Việt Nam để buôn bán nhằm thu lợi bất chính.
Cụ thể, từ tháng 9/2019 đến tháng 5/2021, Hoàng Duy Tiến đã sử dụng tư cách pháp nhân của 45/47 công ty, mở 1.146 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt 1.280 container hàng với tổng trị giá hơn 217 tỷ đồng.
Ngày 24/5/2021, hành vi của Hoàng Duy Tiến bị lực lượng chức năng phát hiện khi đang làm thủ tục nhập lậu 7 container máy móc thiết bị tại cảng Cát Lái. Khám xét các kho hàng ở quận Bình Tân, Bình Thạnh, cảnh sát thu giữ thêm nhiều vật chứng liên quan.
Quá trình mở rộng điều tra, cơ quan công an xác định bị can Tiến móc nối với Công ty Cổ phần giám định Đại Minh Việt, lập các biên bản hiện trường giám định hàng hóa, cấp chứng thư có nội dung khống để cung cấp cho cơ quan hải quan cho đủ thủ tục thông quan theo quy định.
Ngoài ra, một số bị can là chủ hàng của Hoàng Duy Tiến do có nhu cầu mua bán các mặt hàng máy móc, thiết bị cũ đã liên kết, thỏa thuận với bị can Tiến để nhờ nhập lậu hàng hóa về Việt Nam kinh doanh, mua bán kiếm lời.
Riêng bị can Võ Văn Đông bị cho là người giúp sức tích cực cho bị can Tiến trong việc tiêu thụ hàng nhập lậu. Ngoài ra, ông này còn bị cáo buộc giúp Tiến nhập trót lọt 6 container hàng cũ với tổng trị giá gần một tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án, một số cán bộ Đội Thủ tục hàng hóa thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, TP.HCM, và các cá nhân khác được cho đã giúp sức cho Tiến và đồng phạm. Cơ quan điều tra đang thu thập chứng cứ, tiếp tục làm rõ để xử lý.
Phạm Toàn (Trí Thứ VN)
Tiếp tay cho hiệu trưởng và kế toán mua bán hóa đơn “khống”, hai người bị khởi tố
Hai người ở Hậu Giang đã móc nối với hiệu trưởng và kế toán một trường tiểu học thuộc tỉnh An Giang dùng hóa đơn “khống” sách vở và thiết bị học tập để chiếm đoạt tài sản.
Ngày 20/11, Cơ quan CSĐT Công an TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt bị can để tạm giam đối với ông Đỗ Minh Trọng (SN 1991, trú tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) và bà Trần Thị Thu Trinh (SN 1991, trú tại thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cùng về hành vi Mua bán trái phép hóa đơn quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015.
Vào khoảng tháng 6/2020, bà Nguyễn Dạ Thảo – nguyên Hiệu trưởng và bà Nguyễn Đoàn Bảo Như – nguyên Kế toán của Trường tiểu học Võ Thị Sáu (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) bàn bạc, tìm nơi mua hóa đơn để chiếm đoạt tiền từ ngân sách Nhà nước.
Sau đó, bà Như đã liên hệ nhờ ông Trọng giúp. Ông Trọng liên hệ với bà Trinh là kế toán của Công ty TNHH MTV Phan Đăng (địa chỉ tại phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) để mua 24 tờ hóa đơn giá trị gia tăng của công ty này. Số tiền ghi trên hóa đơn là trên 161 triệu đồng. Ông Trọng đem bán 24 tờ hóa đơn này lại cho bà Như với giá 10% nếu hàng hóa ghi trên hóa đơn là sách giáo khoa, sách tham khảo; 12% nếu hàng hóa ghi trên hóa đơn là dụng cụ, thiết bị dạy học.
Sau đó, bà Như và bà Thảo đã chuyển trên 167 triệu đồng từ tài khoản của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu tại Kho bạc Nhà nước tỉnh An Giang cho ông Trọng. Nhận được tiền, ông Trọng tiếp tục chuyển lại cho bà Như trên 148 triệu đồng vào tài khoản cá nhân của bà Như; chuyển cho bà Trinh 6,1 triệu đồng là tiền mua 24 tờ hóa đơn; còn lại ông Trọng thu lợi bất chính 12,9 triệu đồng.
Sau khi nhận được tiền từ ông Trọng, bà Trinh nộp thuế gần 3,9 triệu đồng và bỏ túi riêng khoảng 2,2 triệu đồng.
Trước đó, ngày 12/6, Cơ quan CSĐT Công an TP. Long Xuyên đã khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Thảo và bà Như về hành vi Tham ô tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản liên quan vụ việc trên.
Khánh Vy