WHO và CDC Mỹ tuyên bố bệnh sởi hiện là mối đe dọa toàn cầu sắp xảy ra
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cơ quan y tế công cộng (CDC) Hoa Kỳ hôm 23/11 cho biết hiện nay bệnh sởi đang lan rộng ở nhiều khu vực khác nhau trên toàn cầu, do dịch COVID-19 đã khiến việc tiêm chủng cũng như giám sát căn bệnh này suy giảm.
Sởi là một trong những loại virus dễ lây lan nhất ở người và gần như hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, nó yêu cầu tỷ lệ bao phủ vắc-xin là 95% để ngăn chặn sự bùng phát trong cộng đồng.
WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết trong một báo cáo chung rằng đã có kỷ lục gần 40 triệu trẻ em bỏ lỡ liều vắc-xin sởi vào năm 2021 do những rào cản do đại dịch COVID gây ra.
Giám đốc về bệnh sởi của WHO, Patrick O’Connor, nói với Reuters: “Mặc dù các trường hợp mắc bệnh sởi vẫn chưa tăng đột biến so với những năm trước, nhưng bây giờ là lúc phải hành động”.
“Chúng ta đang ở ngã ba đường,” ông nói hôm thứ Ba. “12 – 24 tháng tới sẽ rất khó khăn để cố gắng giảm thiểu căn bệnh này.”
Ông O’Connor cho biết sự kết hợp của các yếu tố như các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài và tính chất chu kỳ của bệnh sởi có thể giải thích tại sao vẫn chưa có sự bùng nổ các ca bệnh, mặc dù tỷ lệ miễn dịch chưa đạt, nhưng điều đó có thể thay đổi nhanh chóng.
Như Ngọc
Trung Quốc bị nghi mua lượng lớn vàng để giảm phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ
Năm nay các ngân hàng trung ương Trung Quốc đang đổ xô mua vàng, nhưng không xác định ngân hàng trung ương nào đứng sau làn sóng mua này. Đã có suy đoán rằng Bắc Kinh có thể đang tích trữ vàng trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.
Theo Nikkei Asia, Bắc Kinh đang mong muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ sau khi Nga xâm lược Ukraine và chịu lệnh trừng phạt tiền tệ từ các nước phương Tây.
Theo báo cáo tháng 11 của Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council), các ngân hàng trung ương Trung Quốc đã mua ròng 399,3 tấn vàng từ tháng 7 đến tháng 9. Con số này gấp 4 bốn lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Con số của quý 3 tăng mạnh so với 186 tấn của quý trước và 87,7 tấn của quý 1. Trong khi đó, chỉ riêng tổng số từ đầu năm đến nay đã vượt quá bất kỳ năm nào được ghi nhận kể từ năm 1967.
Nikkei Asia cho biết các ngân hàng trung ương của Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan và Ấn Độ đã lần lượt thông báo mua lại 31,2 tấn, 26,1 tấn và 17,5 tấn tương ứng.
Các giao dịch mua công khai này chỉ cộng lại khoảng 90 tấn, có nghĩa là không rõ quốc gia nào đã mua khoảng 300 tấn vàng còn lại.
Nhà phân tích tài chính và kim loại quý Koichiro Kamei, cho biết một số giao dịch mua không xác định là có để dự đoán được, nhưng “việc mua không xác định ở mức độ này là chưa từng có”.
Hiện tại, những đồn đoán về người mua bí ẩn đang không ngừng xuất hiện.
Nhà kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sống ở Nhật Bản Emin Yurumazu, cho biết: “Thấy tài sản ở nước ngoài của Nga bị đóng băng sau cuộc xâm lược Ukraine, các nước chống phương Tây (anti-Western countries) đã đổ xô tích trữ vàng trong tay.”
Nhà phân tích thị trường Itsuo Toshima cho biết: “Trung Quốc rất có khả năng đã mua lượng lớn vàng từ Nga.”
Theo Nikkei Asia, Bắc Kinh đã từng có những hành động tương tự trong quá khứ. Kể từ năm 2009, Bắc Kinh tiếp tục mua vàng một cách kín tiếng và gây sốc cho thị trường vào năm 2015, khi thông báo rằng lượng vàng nắm giữ của họ đã tăng khoảng 600 tấn. Bắc Kinh đã không báo cáo bất kỳ hoạt động nào kể từ tháng 9/2019 đến nay.
Ông Kazuo Toyoshima cho biết Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương) có thể đã mua một số vàng do ngân hàng trung ương Nga nắm giữ. Ban đầu Moscow nắm giữ hơn 2.000 tấn vàng.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã làm suy yếu niềm tin vào Trái phiếu Kho bạc Mỹ và các tài sản định giá bằng đô la khác. Trong khoảng 10 năm qua, các ngân hàng trung ương đã tích lũy dự trữ vàng. Các quốc gia mới nổi có mức tín nhiệm thấp cũng muốn tăng dự trữ vàng, vì vàng có tính thanh khoản cao và không có rủi ro chủ quyền.
Trung Quốc đã và đang giảm nắm giữ trái phiếu Mỹ. Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ, ngay sau khi Nga tấn công Ukraine lần đầu tiên vào cuối tháng 2, Trung Quốc đã bán khoản nợ trị giá 121,2 tỷ USD của Mỹ, gần tương đương với 2.200 tấn vàng.
Tỷ lệ nắm giữ Trái phiếu Kho bạc Mỹ của Trung Quốc đã giảm xuống còn 933,6 tỷ USD trong tháng 9, dưới mốc 1.000 tỷ USD trong tháng thứ 6 liên tiếp.
Theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc, nhập khẩu vàng của Trung Quốc từ Nga đã tăng mạnh trong tháng 7, gấp hơn 8 lần so với tháng trước và gấp khoảng 50 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Các ngân hàng trung ương thường không bán số vàng nắm giữ của họ trên thị trường, điều đó có nghĩa là họ càng mua nhiều thì sự hỗ trợ đối với giá vàng càng mạnh.
Theo Trần Đình, Epoch Times
Hy Lạp: 483 người di cư đã được giải cứu giữa sóng dữ biển động
Các nhà chức trách Hy Lạp cho biết một thuyền đánh cá cũ kỹ chở đầy người di cư đã được kéo về cảng sau khi mất lái ở vùng biển động phía nam đảo Crete (Hy Lạp). Chiếc thuyền này chở tổng cộng 483 người lên đường từ Libya.
Thứ 5 (24/11) theo giờ địa phương, lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp cho biết quốc tịch của những người trên tàu gồm: Syria, Ai Cập, Pakistan, Palestine và Sudan; trong đó có 336 nam giới, 10 phụ nữ, 128 bé trai và 9 bé gái. Vào chiều thứ 4, tất cả họ đã được sắp xếp chỗ ở tạm thời trên một chiếc phà đang neo đậu ở phía nam đảo Crete.
Lực lượng bảo vệ bờ biển cho biết 483 người đã bị nhồi nhét chật cứng trên một chiếc thuyền đánh cá chỉ dài 25 mét (82 foot) khởi hành từ Libya và hướng tới Ý. Hành khách trên thuyền đã kêu cứu khi con thuyền gặp sự cố và mất lái giữa Địa Trung Hải, ngoài khơi đảo Crete, phía nam Hy Lạp vào đầu ngày thứ 3.
Một chiến dịch giải cứu lớn đã được tiến hành, với sự tham gia của 1 tàu khu trục nhỏ Hy Lạp, 2 tàu bảo vệ bờ biển, 5 tàu buôn gần đó và 2 tàu đánh cá treo cờ Ý. Điều kiện thời tiết bất lợi, gió mạnh và biển động, khiến hành khách khó có thể di chuyển sang bất kỳ con tàu nào. Chiếc thuyền đánh cá cũ kỹ cuối cùng đã được một trong những tàu đánh cá treo cờ Ý kéo đến cảng Palaiochora ở đông nam đảo Crete.
Bộ trưởng Bộ Di trú Hy Lạp Notis Mitarachi đã gửi thư tới Ủy ban châu Âu vào chiều thứ 3, yêu cầu các quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) tiếp nhận những người di cư. Ông nhấn mạnh rằng Hy Lạp và các nước ở rìa biên giới EU – nơi nhiều người di cư đặt chân đến trong nỗ lực tiếp cận các quốc gia châu Âu giàu có hơn – không thể gánh vác được gánh nặng ngày càng tăng so với khả năng của họ.
Hàng chục nghìn người đang chạy trốn khỏi xung đột và nghèo đói ở Trung Đông, châu Á và châu Phi. Hàng năm, họ đều cố gắng tìm mọi biện pháp để vào được EU thông qua các chuyến hành trình đầy nguy hiểm trên biển. Phần lớn hướng đến các hòn đảo phía đông Hy Lạp từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ gần đó trên những chiếc thuyền nhỏ bơm hơi, hoặc cố gắng đi thẳng đến Ý từ Bắc Phi và Thổ Nhĩ Kỳ trên những con tàu lớn hơn.
Xuân Hoa