Chủng virus COVID-19 Omicron dù độc tính yếu nhưng lây truyền mạnh đang lan rộng ở Trung Quốc, việc cơ quan chức năng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây yêu cầu tất cả các địa phương sớm chuẩn bị các bệnh viện cabin quy mô lớn đã thu hút dư luận quan tâm.
Hàng loạt bệnh viện cabin quy mô lớn mọc lên
Vào ngày 17/11, truyền thông Caixin tại Trung Quốc đưa tin trên Weibo rằng Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia yêu cầu tất cả các địa phương tận dụng những địa điểm trống lớn hiện có (chẳng hạn như trung tâm hội nghị và sân vận động) để chuẩn bị trước hệ thống bệnh viện cabin, tối đa hóa việc sử dụng các nguồn lực y tế. Chính sách này khiến nhiều nơi ở Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng các bệnh viện cabin quy mô lớn.
Tờ Tin chiều Bắc Kinh (Beijingwanbaoa) cũng đưa tin trên tài khoản Weibo cho hay, người phát ngôn của Chính quyền thành phố Bắc Kinh hôm 23/11 đã cho biết trong một cuộc họp báo về phòng chống dịch bệnh rằng bệnh viện cabin dành cho trường hợp nhẹ tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ở Bắc Kinh, đã được đưa vào sử dụng.
Mới đây, một số lượng lớn lều bạt đã được dựng lên trong Công viên Cung Mặt trời (Taiyanggong Park) ở Bắc Kinh thu hút sự chú ý của dư luận. Tờ báo Tân Kinh (Bjnews) đã “làm rõ” trên tài khoản Weibo, cho biết người phụ trách khu vực Cung Mặt Trời nói rằng những chiếc lều này được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp để phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, ví dụ khi một cộng đồng kiểm soát khép kín cần xây dựng một nơi nghỉ ngơi tạm thời cho các tình nguyện viên thì có thể dùng những lều này.
Vào ngày 15/11, Tuần báo Thông tin Trung Quốc (Inewsweek) đã đưa tin trên WeChat rằng Ủy ban Y tế và Sức khỏe thành phố Quảng Châu tuyên bố kể từ ngày 14/11, tỉnh này đã mở tổng cộng 6 bệnh viện cabin với hơn 20.000 giường bệnh và hơn 4.000 nhân viên y tế, mục đích chính là để cách ly người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng.
Một số cư dân mạng bình luận:
“Xây dựng một cabin tốn nhiều nhân lực, vật lực và tài chính như vậy, tại sao không cho ở nhà có hay hơn không?”;
“Nếu không làm tốt vấn đề cơ sở vật chất của bệnh viện cabin, thì sẽ trở thành một nhà tù khủng khiếp!”
“Tha cho chúng tôi đi! Học từ Thạch Gia Trang trước đây à?”
Có cư dân mạng đăng một bài về bệnh viện cabin đang được xây dựng ở Nam Sa tỉnh Quảng Châu và chế nhạo: “Hãy xem tốc độ của Quảng Châu: hoàn thành 87.000 giường bệnh chỉ trong 15 ngày (ước tính)”…
Vào ngày 19/11, một người nổi tiếng trên Weibo Trung Quốc có tên “Liu Ping” địa chỉ IP ở Quảng Châu đã đăng một bài đăng để đặt câu hỏi: “Chỉ có một trường hợp nghiêm trọng trong số 30.000 người nhiễm COVID-19 ở Quảng Châu. Theo tỷ lệ này thì ngay cả khi 20 triệu người nhiễm COVID-19 cùng lúc cũng chỉ có vài trăm ca nặng. Trong trường hợp đó, chỉ một bệnh viện bình thường có thể đủ sức chứa. Tại sao phải xây bệnh viện cabin rộng 300.000 mét vuông? Thực sự không biết họ muốn gì.”
Được biết Quảng Châu đã xây dựng 7 bệnh viện cabin ở 6 khu vực và thành phố Thanh Viễn lân cận. Sina News tại Trung Quốc đưa tin hôm 23/11 rằng Quảng Châu đã xây dựng 7 bệnh viện cabin có tổng diện tích trên 1,04 triệu m2, có thể cung cấp trên 100.000 giường bệnh.
Một video được cư dân mạng đăng vào ngày 21/11, cho thấy bệnh viện cabin ở Quảng An – Tứ Xuyên gần như nhìn bao la bất tận. Một cư dân mạng cho biết: “Cabin lớn nhất ở Quảng An, người trú bên trong đến từ Tứ Xuyên và các nơi ở Trùng Khánh”.
Hôm 22/11, một cư dân mạng đã đăng thông tin từ bệnh viện cabin Thiên Tân, “bệnh viện cabin Thiên Tân đã sẵn sàng!”
Chuyên gia: Các bệnh viện cabin thành trại tập trung trá hình
Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc (Lin Xiaoxu) – cựu Chủ nhiệm Khoa Virus học tại Viện Nghiên cứu Quân đội Mỹ – nói với Epoch Times hôm 23/11, rằng chính quyền ĐCSTQ phải chuẩn bị trước bệnh viện cabin và giảm thiểu tối đa việc sử dụng các nguồn lực y tế hàng ngày. Trên thực tế, cách ly cabin cơ bản không cung cấp hỗ trợ y tế, nó đã hoàn toàn trở thành nơi tùy ý giam giữ những người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng.
Ông nói: “Chính phủ ĐCSTQ không quan tâm đến khả năng lây nhiễm chéo của những người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Việc phán đoán xác nhận những người nhiễm không có triệu chứng không có sự tham gia của chuyên gia y tế từ bất kỳ cơ sở y tế nào. Họ chỉ căn cứ theo xét nghiệm axit nucleic vốn bị lạm dụng và đầy sai lệch. Vì vậy, chính quyền các cấp của ĐCSTQ chỉ cần kiểm soát quyền giải thích kết quả xét nghiệm axit nucleic là có thể tùy ý kiểm soát, thậm chí tước đoạt quyền tự do cá nhân của mọi người dân”.
“Các cabin thực chất là trại tập trung trá hình. Bất cứ ai ở trong cabin mà có bệnh tình gì khác cũng sẽ khó được điều trị kịp thời, do đó nhiều người sống trong các cabin dẫn đến các bệnh khác của họ sẽ trầm trọng hơn, hoặc không thể nhận được hỗ trợ y tế hàng ngày, khiến bệnh thêm nặng hoặc thậm chí tử vong.”
Chuyên gia người Mỹ gốc Hoa này cho biết biến thể Omicron ít gây bệnh hơn cả virus cúm mùa, nhưng Chính phủ ĐCSTQ đã phớt lờ thực tế đó. Do đó, dưới chiêu bài dùng khoa học để phòng chống dịch bệnh, ĐCSTQ liên tục lập ra lượng lớn các trại tập trung trong xã hội Trung Quốc, giống như quảng bá mô hình tập trung ở Tân Cương ra cả nước.
Kiên trì ‘Zero COVID’: Chuẩn bị trước cho kịch bản bùng phát bao nhiêu cách ly bấy nhiêu
Một luật sư tại Trung Quốc đại lục (giấu tên) nói với phóng viên Epoch Times, rằng việc xây dựng các khu cách ly cabin ở nhiều nơi có thể là do nhà chức trách ĐCSTQ dự đoán rằng dịch bệnh COVID-19 sẽ bùng phát cao điểm vào mùa đông. Trong khi đó, họ không muốn hủy bỏ chính sách ‘Zero COVID’. Vì vậy, họ đã chuẩn bị trước cho kịch bản bùng phát bao nhiêu cách ly bấy nhiêu.
Ông nói: “Hiện nay hàng trăm người trong khu cộng đồng nơi tôi sống đã được đưa đi cách ly, không chỉ những người dương tính bị đưa đi, mà những người tiếp xúc gần cũng bị đưa đi. Ngoài ra, điều này (cách ly) có thể kiếm tiền, như hoạt động làm kinh tế. Những chính quyền cấp bên dưới cũng có vẻ thích làm điều đó, như vậy vấn đề đã trở thành loại thảm họa bi hài”.
Một nạn nhân của dịch bệnh cũng chia sẻ rằng chính quyền đã chi tiền để xây dựng những cabin thì họ phải cử người vào. Nếu không, khi tiền đã được sử dụng, làm sao có thể giải trình với cấp trên? Chính vì vậy có nơi còn trả tiền cho người sẵn sàng vào cabin tạm trú.
Có người tên Zhang Hai ở Hà Nam đã đăng chia sẻ: “Hiện nay mỗi khu dân cư đều có được trợ cấp khi có người dương tính (vào cabin), mức trợ cấp là 3500 (nhân dân tệ) mỗi người, sau khi xây dựng nhiều cabin thì số lượng người vào sẽ tăng cường…”
Zhang Hai cho biết: “Những người có quyền quyết định xây dựng cabin, bao gồm cả bản thân người trực tiếp xây dựng cabin, đều có lợi ích trong đó. Trong 3 năm xảy ra dịch bệnh, những người làm xét nghiệm axit nucleic, làm về bán khẩu trang và bán quần áo bảo hộ đều phát tài. Đầu tư xây dựng cabin cũng kiếm được rất lớn”.
ĐCSTQ đã sẵn sàng chuẩn bị sống chung với virus?
Vào ngày 11/11, ĐCSTQ công bố “Điều 20” về phòng chống dịch bệnh được giới quan sát chỉ ra đó là sự nới lỏng các biện pháp kiểm soát. Học giả Trịnh Húc Quang (Zheng Xuguang) người Mỹ gốc Hoa nói với Epoch Times rằng Điều 20 có thể chia thành 2 nhóm: một nhóm liên quan nới lỏng kiểm soát dịch bệnh, một nhóm là đối phó với dịch bệnh quy mô lớn lên đến đỉnh điểm.
Ông nói: “Một tuần sau khi Điều 20 được ban hành thì số ca nhiễm bệnh đã tăng gấp đôi. Dù các báo cáo của ĐCSTQ thường là ngụy tạo, nhưng số ca nhiễm bệnh vẫn cứ tăng lên đều. Nếu không xét nghiệm thì sẽ không có ca nào, việc không xét nghiệm hoặc giảm xét nghiệm cũng là một cách. Trong 3 năm qua đã dồn sức lực vào ‘Zero COVID’ và xét nghiệm axit nucleic, bây giờ mà tiếp tục như vậy mãi sẽ không thể còn nguồn lực nào duy trì kiểu đó”.
“Ủy ban Y tế Quốc gia của ĐCSTQ không thể công khai tuyên bố bây giờ sống chung với virus, nhưng mục tiêu thực sự là chung sống với virus. Vì vậy các bệnh viện cabin ở nhiều nơi nhằm cố gắng san bằng đỉnh điểm lây nhiễm vào mùa đông và mùa xuân, bất kỳ ai bị COVID-19 sẽ được đưa đến bệnh viện cabin, như thế có thể ngăn chặn tốc độ lây lan. Nếu ĐCSTQ quyết tâm thực hiện ‘Zero COVID’ thì dù hơn chục năm nữa Trung Quốc cũng không thể thoát khỏi dịch bệnh này. Do virus không ngừng có biến thể và vậy là toàn xã hội cũng không ngừng phải nỗ lực hành động ‘Zero COVID’, vấn đề cứ tiếp tục như vậy sẽ không có điểm dừng, về mặt logic chúng ta chỉ có thể cùng sống chung với virus”.
“Sai lầm chiến lược trong phòng chống dịch bệnh đã phải trả giá. Trả giá như thế nào? Nhìn hiện tại vẫn là cách kiểm soát thái quá, trong trường hợp này cái giá phải trả về kinh tế là quá lớn”; “Các chỉ số lẽ ra từ lâu phải chuyển từ tỷ lệ lây nhiễm sang tỷ lệ ca bệnh nặng, tỷ lệ tử vong và tỷ lệ nhập viện, nhưng vì những trở ngại chính trị mà kiên quyết không phủ nhận ‘Zero COVID’, khi chính trị còn là chỉ huy thì vai trò của khoa học và công chính khó có thể phát huy”.
Theo Hạ Tùng, Epoch Times