Tin thế giới trưa Chủ Nhật: Kim Jong Un: Mục tiêu của Triều Tiên là sở hữu lực lượng hạt nhân mạnh nhất thế giới

Kim Jong Un: Mục tiêu của Triều Tiên là sở hữu lực lượng hạt nhân mạnh nhất thế giới

Theo báo cáo của truyền thông nhà nước vào ngày 27/11, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố mục tiêu cuối cùng của đất nước mình là sở hữu lực lượng hạt nhân mạnh nhất thế giới, trong bối cảnh hàng chục sĩ quan quân đội tham gia vào vụ phóng tên lửa đạn đạo lớn nhất của Triều Tiên gần đây đã được ông Kim thăng chức.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi ông Kim thị sát vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 mới của nước này, và cam kết đáp trả các mối đe dọa hạt nhân của Mỹ bằng chính vũ khí hạt nhân vào ngày 18/11.

Xây dựng lực lượng hạt nhân là để bảo vệ phẩm giá và chủ quyền của nhà nước và nhân dân một cách đáng tin cậy, và “mục tiêu cuối cùng của nó là sở hữu lực lượng chiến lược mạnh nhất thế giới, lực lượng tuyệt đối chưa từng có trong thế kỷ”, ông Kim phát biểu.

Ông Kim gọi Hwasong-17 là “vũ khí chiến lược mạnh nhất thế giới”, đồng thời cho biết điều này thể hiện quyết tâm và khả năng của Triều Tiên trong việc xây dựng quân đội quyền lực nhất thế giới.

Theo ông Kim, các nhà khoa học Triều Tiên đã đạt được “bước tiến tuyệt vời trong việc phát triển công nghệ lắp đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo.”

Chụp ảnh với các nhà khoa học, kỹ sư, quan chức quân sự và những người khác tham gia vào vụ thử tên lửa, ông Kim hy vọng họ sẽ tiếp tục mở rộng và tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của Triều Tiên với tốc độ cực nhanh.

Những người này đã tuyên thệ trung thành với đảng cầm quyền, thề bảo vệ “quyền lực tuyệt đối” của đảng và ông Kim, khẳng định rằng “tên lửa của chúng tôi sẽ chỉ phóng đi một cách mạnh mẽ theo hướng mà ông ấy chỉ định”, đồng thời cho biết ông Kim đã “chỉ dạy chúng tôi cẩn thận từng người một” trong quá trình phát triển Hwasong-17.

Vụ phóng tên lửa có khả năng chạm tới đất liền Hoa Kỳ, khiến nước này phải kêu gọi Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc buộc Triều Tiên chịu trách nhiệm về các vụ thử tên lửa vốn bị cấm bởi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Hãng KCNA đưa tin rằng Ủy ban Thường vụ Hội đồng Nhân dân Tối cao của Triều Tiên đã trao tặng tên lửa Hwasong-17 danh hiệu “Anh hùng CHDCND Triều Tiên, Huân chương Sao vàng và Huân chương Quốc kỳ hạng nhất.”

“(Tên lửa) đã chứng minh rõ ràng trước thế giới rằng CHDCND Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân chính thức có khả năng chống lại ưu thế hạt nhân của đế quốc Mỹ và thể hiện đầy đủ sức mạnh của mình với tư cách là quốc gia sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mạnh nhất”, theo KCNA.

Báo cáo nhận định vụ phóng thử cho thấy Triều Tiên sẽ phản ứng tương xứng với “cuộc đối đầu hạt nhân trực diện của kẻ thù”.

Vy An (Theo Reuters)

Ukraine: Tưởng niệm nạn đói thời Liên Xô và lên án Putin muốn tái hiện nạn diệt chủng

Tổng thống Zelensky và phu nhân tưởng niệm nạn nhân nạn chết đói Holodomor. (Nguồn: president.gov.ua)

Hôm thứ Bảy (26/11), Ukraine cáo buộc Nga sử dụng chiến thuật gọi là “diệt chủng” tương tự những gì mà họ đã từng dùng vào những năm 1930 tạo thành nạn chết đói Holodomor. Đây cũng là ngày thứ Bảy thứ tư của tháng 11, ngày mà Ukraine đặt làm ngày tưởng niệm hàng năm cho những nạn nhân nạn chết đói Holodomor này.

Năm đó, lãnh tụ Joseph Stalin của Liên Xô, vì để ngăn chặn phong trào độc lập đòi ly khai của những người dân ở nơi mà nay là quốc gia Ukraine, nên đã sử dụng thủ đoạn tàn khốc, khiến hàng triệu người thiệt mạng trong những ngày mùa Đông 1932-1933.

Trong tiếng Nga/Ukraine, “Holod” có nghĩa là “đói”, “mor” có nghĩa là “chết”. Cái tên Holodomor đã đi vào sử sách như vậy.

Năm nay, Ukraine tổ chức ngày tưởng niệm các nạn nhân của nạn chết đói Holodomor khi nước này đang nỗ lực đẩy lùi các lực lượng xâm lược của Nga, và giải quyết tình trạng mất điện trên diện rộng trên khắp đất nước sau các đợt không kích của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng.

“Trước đây họ muốn tiêu diệt chúng ta bằng đói khát, giờ đây, bằng bóng tối và lạnh giá”, Tổng thống Volodymyr Zelensky viết trên kênh Telegram của mình, “Chúng ta không thể khuất phục.”

Vào tháng 11/1932, Stalin cử cảnh sát tịch thu tất cả ngũ cốc và gia súc từ các trang trại mới được tập thể hóa của Ukraine, bao gồm cả hạt giống cần thiết để trồng vụ tiếp theo.

Hàng triệu nông dân Ukraine chết đói trong những tháng tiếp theo do cái mà nhà sử học Timothy Snyder của Đại học Yale gọi là “vụ giết người hàng loạt được lên kế hoạch rõ ràng”.

“Người Nga sẽ trả giá cho tất cả các nạn nhân của Holodomor và có chịu trách nhiệm cho những tội ác hôm nay”, Andriy Yermak, người đứng đầu chính quyền tổng thống Ukraine, viết trên Telegram.

Nga đã nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp Ukraine trong những tuần gần đây thông qua các đợt không kích lớn gây mất điện trên diện rộng và giết chết dân thường.

Ông Zelensky cho biết vào cuối ngày Thứ Sáu rằng hàng triệu người Ukraine vẫn không có điện sau các cuộc đình công mới trong tuần này .

Điện Kremlin đã từng phủ nhận rằng các cuộc tấn công của họ, vốn chỉ làm tăng thêm sự tức giận của công chúng Ukraine, là với mục đích nhằm vào dân. Nhưng hôm thứ Năm (24/11), Điện Kremlin lại cho biết Kyiv có thể “chấm dứt đau khổ” của dân chúng bằng cách đáp ứng các yêu cầu của Nga.

Trong một tuyên bố hôm thứ Bảy, Bộ Ngoại giao Ukraine cáo buộc ông Putin đang tái diễn chiến thuật những năm 1930 của ông Stalin.

“Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Holodomor 1932-1933 ở Ukraine, cuộc chiến tranh xâm lược diệt chủng của Nga theo đuổi cùng một mục tiêu giống như trong cuộc diệt chủng 1932-1933: Xóa bỏ quốc gia Ukraine và vị thế nhà nước của Ukraine”, bài báo viết.

“Những câu chuyện chính trị và ý thức hệ của thời đại Stalin, đặc biệt là giọng điệu về cái gọi là “thế lực phương Tây thù địch” và sự phủ nhận sự tồn tại của Ukraine với tư cách là một quốc gia độc lập, đang được tái hiện một cách tích cực hôm nay,” tuyên bố cho biết thêm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần lưu ý rằng Ukraine là một phần của Liên Xô cho đến khi nước này tuyên bố độc lập vào năm 1991. Đó là một phần lập luận biện minh cho cuộc xâm lược mà ông đã phát động vào ngày 24/2 năm nay. Rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông là để chống lại những nỗ lực của phương Tây nhằm đưa Ukraine vào thế thống nhất của mình, điều mà ông nhìn nhận là một mối đe dọa đối với Nga.

Bộ Ngoại giao cũng chỉ trích điều mà họ gọi là những nỗ lực hiện tại của Nga nhằm vũ khí hóa lương thực bằng cách phá hoại một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc làm trung gian nhằm bỏ chặn xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã lặp lại quan điểm tương tự vào hôm thứ Bảy trong chuyến thăm Kyiv, nơi ông gặp người đồng cấp Ukraine, Denys Shmyhal, và thăm Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte.

“Bây giờ thế giới đang phải đối mặt với một nạn đói nhân tạo khác,” ông nói. “Chúng tôi đang làm việc cùng nhau để đảm bảo nguồn cung đầy đủ từ Ukraine đến các nước châu Phi và châu Á.”

Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hôm thứ Sáu (25/11) rằng Moscow cử đại diện của mình đến kiểm tra tàu ở Istanbul nhiều hơn mỗi ngày so với quy định theo thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen, bác bỏ cáo buộc của Ukraine rằng Nga đang làm chậm quá trình này.

Thiên Đức

Ít nhất 6 triệu người Mỹ đang mang theo súng hàng ngày

Theo một nghiên cứu do các chuyên gia của Đại học Washington thực hiện, số lượng người Mỹ mang theo súng nơi công cộng đã tăng từ khoảng 3 triệu người năm 2015 lên 6 triệu người vào năm 2019.

Tờ Guardian đã đưa tin về nghiên cứu nêu trên vào ngày 25/11/2022 và trước đó nghiên cứu này cũng xuất hiện trên Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng Mỹ.

Tác giả chính của nghiên cứu là giáo sư dịch tễ học Ali Rowhani-Rahbar. Ông đánh giá người Mỹ đang có xu hướng chuyển dịch từ mua súng săn và giải trí sang mua súng để tự vệ.

Với việc số lượng súng bán ra tăng kỷ lục từ năm 2019 và năm 2022 Tối cao Pháp viện lật ngược luật hạn chế sở hữu súng của New York, ông Ali Rowhani-Rahbar bày tỏ tin tưởng rằng số lượng người Mỹ mang theo súng hàng ngày sẽ tiếp tục gia tăng.

Ông Ali Rowhani-Rahbar cho biết số lượng người trưởng thành mang theo súng hàng này hiện nay có lẽ cao hơn ước tính năm 2019. “Chúng ta có tất cả lý do để tin rằng đây là xu hướng có lẽ sẽ còn tiếp diễn”, ông Ali Rowhani-Rahbar nhận định.

Nghiên cứu nêu trên cũng cho thấy 16 triệu người Mỹ đang mang theo súng mỗi tháng một lần.

Ông Ali Rowhani-Rahbar nói rằng về mặt nhân khẩu học, những người lựa chọn mang súng nơi công cộng trong nghiên cứu năm 2019 thường sống ở miền Nam. Bốn trong năm người mang theo súng là nam giới, và ba trong bốn người mang theo súng là người da trắng.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, 1/4 người mang súng có thu nhập ít nhất 125.000 USD/năm và gần 1/3 có trình độ từ cao đẳng trở lên. Chỉ khoảng 8% số người sở hữu súng và mang súng là có thu nhập thấp, dưới 25.000 USD/năm.

Cho đến nay, 25 tiểu bang tại Mỹ đã thông qua khung pháp lý cho phép mang súng tự vệ. 25 tiểu bang này gồm: Alabama, Alaska, Arizona, Arkansas, Georgia, Idaho, Indiana, Iowa, Kansas, Kentucky, Maine, Mississippi, Missouri, Montana, New Hampshire, Bắc Dakota, Ohio, Oklahoma, Nam Dakota, Tennessee, Texas, Utah, Vermont, Tây Virginia, và Wyoming.

Xuân Thành

Related posts