Xuân Hoa
Trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn đang nổ ra trên khắp Trung quốc, ông Ashish Jha – điều phối viên ứng phó COVID-19 của Tòa Bạch Ốc – nói rằng chiến lược zero-COVID của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là rất không thực tế.
Hàng nghìn người ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề), Vũ Hán, Thành Đô và các thành phố lớn khác của Trung Quốc đã xuống đường biểu tình để phản đối lệnh phong tỏa bắt buộc, xét nghiệm COVID-19 bắt buộc, yêu cầu đeo khẩu trang và các quy định khác. ĐCSTQ đã theo đuổi chính sách zero-COVID trong nhiều tháng và không có dấu hiệu dừng lại.
Ở một số khu vực, người biểu tình hô vang: “Tập Cận Bình! Hãy hạ đài! Đảng Cộng sản Trung Quốc! Hãy hạ đài!”. Cảnh sát ở Thượng Hải, Bắc Kinh và các thành phố lớn khác đã được huy động để giải tán biểu tình.
“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ rất, rất khó khăn để có thể kiểm soát chuyện này [các cuộc biểu tình] thông qua chiến lược zero-COVID của họ”, ông Jha nói với ABC News vào hôm Chủ nhật khi được hỏi về phản ứng trước các cuộc biểu tình chưa từng có đang diễn ra ở Trung Quốc. “Chúng tôi không nghĩ điều đó [zero-COVID] là thực tế, chắc chắn là không thực tế đối với người dân Mỹ”, ông nói thêm.
Vào đầu giờ sáng hôm nay, thứ 2 (28/11), tại Bắc Kinh, hai nhóm người biểu tình với tổng số ít nhất 1.000 người đã tập trung dọc theo Đường vành đai 3 tại thủ đô Trung Quốc (khu vực gần sông Lượng Mã (Liangma)). Họ từ chối giải tán, theo hãng tin Reuters.
“Chúng tôi không muốn khẩu trang, chúng tôi muốn tự do. Chúng tôi không muốn xét nghiệm COVID, chúng tôi muốn tự do”, một nhóm biểu tình hô vang.
Trước đó, tối thứ 5 (24/11), một tòa nhà dân cư cao tầng ở Urumqi – bị phong tỏa COVID-19 suốt gần 4 tháng – đã bùng cháy dữ dội. Vụ hỏa hoạn kéo dài gần 3 tiếng, chính quyền địa phương cho biết có 10 người thiệt mạng và 9 người bị thương. Tuy nhiên, người dân nói rằng có hơn 40 người thiệt mạng. Qua các video chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội, người dân Trung Quốc cho rằng cư dân tòa nhà đã không thể kịp thời thoát ra ngoài vì tòa nhà bị phong tỏa, hoặc bị phong tỏa một phần, bởi chính sách phòng dịch hà khắc.
Thứ 7 (26/11), một buổi cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ cháy chung cư ở Urumqi đã được tổ chức tại Thượng Hải. Buổi cầu nguyện này đã biến thành một cuộc biểu tình vào đầu giờ sáng Chủ nhật (27/11) để phản đối các biện pháp phong tỏa COVID, với đám đông hô vang kêu gọi dỡ bỏ các lệnh phong tỏa.
Người dân hô lớn: “Đả đảo Đảng Cộng sản Trung Quốc”, theo các nhân chứng và video đăng trên mạng xã hội. Đây là cuộc biểu tình hiếm hoi công khai chống lại ĐCSTQ.
Biểu tình lan rộng
Chiều Chủ nhật, tại trung tâm thành phố Vũ Hán, nơi đại dịch COVID-19 bùng phát cách đây 3 năm, các video trên mạng xã hội cho thấy hàng trăm cư dân đã xuống đường, đập phá hàng rào kim loại, lật đổ lều xét nghiệm COVID-19 và yêu cầu chấm dứt phong tỏa.
Cũng trong ngày chủ nhật, một đám đông lớn đã tập trung tại đô thị phía tây nam Thành Đô, theo các video trên mạng xã hội. Họ cũng giơ những tờ giấy trắng và hô vang khẩu hiệu chống lại ông Tập Cận Bình.
Cô Eva Rammeloo – một nhà báo của Dutch Fidelity, người đã có mặt tại một địa điểm biểu tình ở Trung Quốc – nói rằng cô “chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này” trong 10 năm làm việc ở Trung Quốc. Cô ước tính có hơn 1.000 người biểu tình vào sáng sớm ngày 27/11.
Ông David Moser – một học giả phương Tây – viết trên Twitter: “Tôi đã sống ở Trung Quốc trong 30 năm và tôi chưa bao giờ thấy làn sóng giận dữ công khai và kéo dài như vậy đối với chính quyền CHND Trung Hoa. WeChat đang bùng nổ với nhiều video phản đối và những lời lẽ mạnh mẽ; bất tuân dân sự đang diễn ra ở khắp mọi nơi. Đây là một phép thử nghiêm túc đối với khả năng quản lý nhà nước của ĐCSTQ”.
“Không ai thích ĐCSTQ hay ông Tập Cận Bình”, một người dân Thượng Hải nói với The Epoch Times vào cuối tuần trước. Người này đồng thời cho biết rằng người dân Trung Quốc đã “chán ngấy” chính sách hà khắc của ĐCSTQ về COVID-19 và rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề.
“Tất cả các lĩnh vực đều gặp khó khăn. Chúng tôi cần phải nuôi sống bản thân, cần phải chăm lo cho gia đình. Không có thu nhập, làm sao chúng tôi có thể tồn tại?”, người dân đó nói thêm.
Người dùng mạng xã hội Trung Quốc Weibo cũng để lại nhiều bình luận mới dưới bài đăng cuối cùng của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người mà các quan chức Trung Quốc nói rằng đã chết vì COVID-19 vào đầu năm 2020. Cái chết của bác sĩ Lý khiến nhiều người dân Trung Quốc tức giận. Họ cho rằng giới chức ĐCSTQ đã ngăn cản bác sĩ Lý cảnh báo về đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán.
Tuần trước, các cuộc biểu tình đã nổ ra tại nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất Trung Quốc. Nhiều công nhân đã đối đầu với cảnh sát trong trang phục chống bạo động tại khuôn viên Foxconn ở Trịnh Châu.