Huyền Anh
Trong những ngày đầu của cuộc chiến Nga – Ukraine, các nước phương Tây đã cung cấp một lượng lớn viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng cho đến nay, chính những nước EU đang phải gánh chịu tác động tiêu cực của cuộc chiến. Các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu cảm thấy không hài lòng với Mỹ và cáo buộc Hoa Kỳ trục lợi từ chiến tranh trong khi khiến châu Âu phải gánh chịu hậu quả.
Tờ Politico dẫn lời một trong những quan chức cấp cao của EU nói rằng, Hoa Kỳ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến này. Họ bán khí đốt với giá cao ngất ngưởng và cũng kiếm bộn tiền từ việc buôn bán vũ khí. Ngoài ra, chính sách trợ cấp trong “Đạo luật giảm lạm phát” của Mỹ cũng đe dọa đến sự tồn vong của nền công nghiệp châu Âu.
Các quan chức từ nhiều quốc gia châu Âu khác nhau được tờ Politico phỏng vấn cũng đồng ý với quan điểm này.
Một trong những quan chức cấp cao của EU nói với tờ Politico rằng, “Chúng ta đã đến một thời khắc lịch sử. Hoa Kỳ cần phải nhận ra rằng, dư luận ở nhiều nước EU đang thay đổi”.
Hoa Kỳ đã nhanh chóng bác bỏ tuyên bố của EU.
Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho rằng, giá năng lượng tăng cao ở châu Âu là do cuộc chiến của Nga – Ukraine và cuộc chiến năng lượng ở châu Âu. Thay vào đó, việc nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Hoa Kỳ sẽ cho phép EU tránh phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng do Nga cung cấp.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, Josep Borrell, cũng bày tỏ sự hoài nghi về động thái “Đoàn kết vì Ukraine” của Mỹ. Ông nói với tờ Politico rằng, quyết định do Mỹ đưa ra đã có tác động kinh tế không nhỏ đối với EU.
Cuộc xung đột Nga – Ukraine đang đẩy các nền kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái và lạm phát tăng vọt. Hơn nữa, việc siết chặt nguồn cung năng lượng cũng đang có nguy cơ khiến nhiều quốc gia EU phải đối mặt với tình trạng mất điện trong mùa đông năm nay.
Ông Thierry Breton, Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ của EU, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Pháp rằng, Hoa Kỳ tất nhiên là đồng minh của EU, nhưng khi có vấn đề nảy sinh giữa các đồng minh, họ cũng cần phải lên tiếng.
Một nhà ngoại giao khác của EU cho biết, việc chính quyền ông Biden phân bổ 369 tỷ USD trợ cấp công nghiệp theo “Đạo luật giảm lạm phát” để hỗ trợ các ngành công nghiệp xanh đã khiến chính phủ của các quốc gia thành viên EU rất lo lắng.
Ông nói: “Đạo luật Giảm lạm phát đã thay đổi mọi thứ. Washington có còn là đồng minh của chúng ta hay không?”.
EU bàn giải pháp chống ‘Giảm lạm phát’
Trong những tuần gần đây, mối quan hệ giữa Mỹ và EU đang trở nên căng thẳng xung quanh các khoản trợ cấp và chính sách thuế xanh của chính quyền ông Biden.
Bỉ cho rằng, chính sách này thiếu công bằng và có nguy cơ phá hủy các ngành công nghiệp châu Âu. Tuy nhiên, Washington đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lùi bước, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ châu Âu.
Tại cuộc họp gần đây của các Bộ trưởng thương mại EU, Brussels muốn Berlin có lập trường rõ ràng đối với việc sẵn sàng phá vỡ điều cấm kỵ về trợ cấp.
Pháp từ lâu đã ủng hộ việc trả đũa Washington bằng cách rót tiền của nhà nước vào ngành công nghiệp châu Âu để hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên lục địa. Ý tưởng này hiện cũng đang thu hút sự chú ý ở Berlin.
Trong buổi họp báo chung hôm 22/11, ông Robert Habeck, Phó Thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Hành động Khí hậu cùng Bộ trưởng Kinh tế Pháp, Bruno Le Maire, đã đưa ra một tuyên bố chung thúc giục EU xây dựng một chính sách công nghiệp.
Theo đó, chính sách này sẽ “cho phép ngành công nghiệp EU phát triển mạnh mẽ trong cạnh tranh thương mại”, đặc biệt thông qua năng lực công nghệ vượt trội.
“Chúng tôi muốn phối hợp chặt chẽ phản ứng của châu Âu đối với những thách thức mà EU đang phải đối mặt, chẳng hạn như ‘Đạo luật Giảm lạm phát’ của Hoa Kỳ”.
Theo một quan chức EU, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng sẽ tranh luận về vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh Tây Balkan vào ngày 6/12 và tại Hội đồng châu Âu vào giữa tháng 12.
Huyền Anh
Theo Visiontimes